Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nhiều địa phương phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

16:40 16/02/2024 - Văn hóa xã hội
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, “Mùa xuân là tết trồng cây - Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, từ mùa xuân năm 1960 đến nay, mỗi khi tết đến xuân về, nhân dân ta lại tổ chức Tết trồng cây.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu trồng cây tại lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024_ Ảnh: TTXVN

Hơn 60 năm, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã trở thành truyền thống, một nét đẹp văn hóa, một phong trào quần chúng sâu rộng mang lại lợi ích to lớn cho đất nước. Trồng cây gây rừng đã góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự cố gắng của các địa phương, thực hiện chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh” đến năm 2025, cả nước đã trồng được 260.000ha rừng trồng tập trung và 127 triệu cây xanh phân tán, góp phần cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì trên 42%. Công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực. Lần đầu tiên Việt Nam chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon, trị giá gần 1.200 tỷ đồng.

Tầm quan trọng của bảo vệ môi trường sinh thái

Ngày 15/2/2024, tại xã Kim Phú, TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, cùng với cả nước, phát huy truyền thống của vùng đất cách mạng, giàu lịch sử, bản sắc văn hóa, tỉnh Tuyên Quang luôn là địa phương đi đầu về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nêu cao quyết tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh, đời sống người dân ngày càng tiến bộ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trồng cây là hành động đẹp và ý nghĩa, mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai cho thế hệ mai sau. Cây cối đã giúp cho sự sống của chúng ta, vì vậy chúng ta cần bảo vệ và trồng nhiều cây hơn nữa bằng tình yêu, lòng biết ơn và sự khiêm nhường đối với thiên nhiên tươi đẹp.

Chủ tịch nước đề nghị các ngành, các cấp tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn, lợi ích thiết thực của việc trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.

Việc tổ chức trồng cây phải bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, tạo điều kiện để huy động được sự vào cuộc của đông đảo các tổ chức quần chúng; chú trọng chọn lựa cây trồng bản địa, cây rừng đa tác dụng, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, mùa vụ trên từng địa bàn để bảo đảm cây sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học bị suy giảm, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Việt Nam đang từng bước thực hiện mạnh mẽ các cam kết cùng với sự hỗ trợ của các nước phát triển về công nghệ và tài chính để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, trồng cây, bảo vệ rừng ngày càng trở nên quan trọng.

Ngày 15/2/2024, tại Khu di tích lịch sử đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024.

Trong những năm qua, phong trào trồng cây, trồng rừng được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tích cực: Bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh trồng trên 9.000ha rừng tập trung, 2 triệu cây xanh phân tán; diện tích đất rừng được phủ xanh, không còn đất trống, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 39,7%; phong trào trồng cây xanh, cây bóng mát tạo cảnh quan đô thị, cơ quan, trường học, đường giao thông ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Để phong trào trồng cây, trồng rừng năm 2024 đạt hiệu quả thiết thực, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và nhân dân toàn tỉnh tích cực trồng cây, trồng rừng; phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu trồng trên 9.000ha rừng tập trung, trồng và chuyển hóa 2.200ha cây gỗ lớn, trồng cây xanh phân tán với trên 2,4 triệu cây theo Kế hoạch số 5265/KH-UBND ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh Phú Thọ.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cùng các đại biểu tham dự chương trình đã trồng cây tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng.

Sáng cùng ngày, tại thôn Bắc Phú, xã Quang Phú, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình phối hợp với UBND TP. Đồng Hới tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024.

Năm nay, tỉnh Quảng Bình đề ra mục tiêu trồng khoảng 9.000ha rừng tập trung và khoảng 400.000 cây phân tán nhằm tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng. Trong ngày làm việc đầu năm, khoảng hơn 300.000 cây xanh đã được trồng trên địa bàn tỉnh. Cùng ngày, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã trồng mới hàng trăm ngàn cây xanh các loại nhằm tạo cảnh quan môi trường, xanh, sạch, đẹp. Hà Tĩnh dự kiến trồng mới gần 1,7 triệu cây xanh.

 “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại Quảng Bình năm 2024. Ảnh: MINH PHONG

Ngày 15/2/2024, tại TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024. Trong năm 2023, cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị đã trồng hơn 2.000 cây lấy bóng mát, 1.500 cây ăn quả, 1.235m2 bồn hoa, thảm cỏ… góp phần tạo không gian xanh, xây dựng cảnh quan đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh (đạt hơn 121% kế hoạch), trong đó có 344,5 triệu cây xanh phân tán, còn lại là cây xanh tập trung.

(Tổng hợp)

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top