Người từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí
20:53 16/10/2023
- Văn hóa xã hội
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ đề xuất quy định công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Người dân nhận lương hưu thông qua hệ thống bưu điện.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối giữa ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Theo Chính phủ, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng, thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Đối với người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng do quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mức trợ cấp hàng tháng tùy thuộc vào giai đoạn đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Đồng thời, thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Chính phủ cho rằng, quy định này giúp gia tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng mà ngân sách nhà nước không phát sinh tăng nhiều. Đồng thời, quỹ Bảo hiểm xã hội cơ bản cũng không bị ảnh hưởng do trợ cấp hàng tháng được thực hiện trên nguyên tắc đóng - hưởng, được tính toán từ tiền đóng của người lao động và người sử dụng lao động vào quỹ Bảo hiểm xã hội.
Theo tính toán, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bình quân như hiện nay, nếu người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng thì có thể được hưởng với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng kế thừa quy định việc tổ chức thực hiện như hiện hành: Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo sẽ do các địa phương tiếp tục thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi. Trợ cấp hưu trí hàng tháng do Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện.
Dự kiến bổ sung thêm 3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.
Nam Nguyễn
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Herbalife Việt Nam đồng hành cùng VTV3 khép lại mùa thứ hai “Sinh viên thế hệ mới” thành công (03:16 21/11/2024)
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)