Kỳ 2: Đổi mới và sáng tạo

16:31 29/10/2021 - Văn hóa xã hội
Đổi mới, thay đổi phương pháp dạy học chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt đó là chương trình dành cho trẻ khiếm thính. Để có sự thay đổi, cần phải có phương pháp, có nhân lực, sự đồng lòng nhất trí của nhiều người và nhiều yếu tố khác nữa…
“Người cãi mệnh trời”

Vậy mà, bằng sự tận tâm của mình, tiến sĩ Choi Young Suk đã biến những tiết học bình thường thành những giờ học sinh động, tạo sự hứng khởi cho học sinh. Cứ thế, từ những tiết học, tình yêu của tiến sĩ Choi với học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng không hề bị lạc lối mà nó được bồi đắp ngày càng trở nên sâu sắc khó tả.

Trường Khiếm thính Lâm Đồng là nơi cô Choi triển khai Chương trình giáo dục đặc biệt

Đa dạng hóa hoạt động cho trẻ khiếm thính

Nam Tây Nguyên ngày gió lạnh, Trường Khiếm thính Lâm Đồng hôm ấy rộn ràng đón hai vị khách đặc biệt đến từ Hàn Quốc – tiến sĩ  Choi Young Suk và ông Kwon Jang Soo. Điều thú vị là đi cùng ông bà, còn có cả 2 xe tải đồ dùng học tập dành cho trẻ thiểu năng, khiếm thính. Đồ dùng này được vợ chồng Tiến sĩ Choi dùng tiền của mình để mua cho những đứa trẻ kém may mắn này. Không có chỗ để, tiến sĩ Choi đã thuê một căn nhà tại Đà Lạt để vừa ở, vừa để dụng cụ học sinh. Lúc mới đến Trường Khiếm thính Lâm Đồng, vẫn còn nhiều người e ngại với những định hướng giáo dục cho trẻ khiếm thính. “ Có người không tin tôi có thể can thiệp để một đứa trẻ dưới 3 tuổi có thể nghe nói được. Nhưng tôi nói là được nếu làm đúng phương pháp”. Tiến sĩ Choi khẳng định.

Để minh chứng cho điều mình nói, công việc đầu tiên ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng đó chính là sự thay đổi về phương pháp giảng dạy, điều mà tiến sĩ Choi lắng lòng suy nghĩ khi đến Việt Nam. Với mong muốn trẻ phản ứng với ngôn ngữ, các phương pháp kích thích cho trẻ giao tiếp được cô giáo Choi thực hiện ngày một nhiều hơn. Thay vì chỉ dạy bằng ký hiệu hoặc múa dấu thì  tiến sĩ Choi cho học sinh trải nghiệm bằng nhiều hình thức. Ngoài ngôn ngữ của cơ thể, tiến sĩ Choi cho trẻ khiếm thính được nghe nhạc, chơi game, làm đồ chơi, các món ăn mà trẻ khiếm thính được ăn hằng ngày. Chính sự chân thành của cô Choi đã chạm đến trái tim của học sinh và giáo viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng. “Cô Choi đã dùng cả trái tim khối óc để làm việc và giúp đỡ cho Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Là một người rất giỏi chuyên môn, ngoài việc tập huấn, cầm tay chỉ việc cho giáo viên, cô còn dạy cho học sinh kỹ năng giao tiếp, định hướng nghề nghiệp”. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh – Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng nhớ như in về các phương pháp và sự nhiệt tâm, nhiệt tình của tiến sĩ Choi.

Những hoạt động, những phương pháp mà tiến sĩ Choi dành cho trẻ khiếm thính ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng đều hướng đến sự linh hoạt, đa dạng về hình thức nội dung, không bị gò ép trong không gian nhất định. Tiến sĩ Choi trao đổi với chúng tôi bằng tinh thần rất cởi mở: “Tôi đề nghị nhà trường tổ chức những chuyến đi dã ngoại cho trẻ khiếm thính. Trong chuyến đi này các em được ghi lại lại hình ảnh của mình. Khi về nhà, những hình ảnh này được cho trẻ khiếm thính xem lại. Nhìn thấy những hình ảnh của mình trong các bức ảnh, các clip sẽ kích thích trẻ bật thành lời nói. Đây là sự kích thích không ép buộc, điều này giúp trẻ khiếm thính mạnh dạn hơn, năng động hơn trong sinh hoạt hằng ngày”. Bên cạnh việc thêu tranh, tiến sĩ Choi hướng dẫn các em làm những cái buộc tóc nhỏ xinh, hay những bánh xà bông duyên dáng. Để cho học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng thấy mình có ích, cô Choi mang những sản phẩm ấy đi bán cho bạn bè và đồng nghiệp của mình, sau đó dùng số tiền này mua thêm dụng cụ phục vụ học tập học tập như bóng đèn, ghế tựa…

Cuộc đời có nhiều ngã rẽ nhưng chẳng hiểu sao tiến sĩ Choi lại chọn Việt Nam, chọn trẻ khiếm thính để tiếp bước hành trình của mình. Tiến sĩ Choi Young Suk đến với những đứa trẻ  khiếm thính nơi đây bằng chữ tâm, chữ tình, bằng thứ cảm xúc nồng nàn sâu nặng. Nhận thấy điều kiện học tập của trẻ khiếm thính còn khó khăn, Tiến sĩ Choi lập thư viện có tên Giấc mơ ngay tại trường: “Ở thư viện này, các em có thể đọc sách, xem ti vi và chơi trò chơi. Tôi muốn những đứa trẻ có giấc mơ riêng của mình. Mong sao trường này ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ học sinh khiếm thính mà còn là nơi vui chơi của trẻ bình thường”. Tiến sĩ Choi trải lòng.

Bên cạnh đó, nhận thấy sự khó khăn của Trường Khiếm thính Lâm Đồng, cô Choi đã đến nhà bạn bè của mình mượn các vật dụng như: bàn, ghế, lò sấy hoa khô, trà, để giúp học sinh có thêm đồ dùng hướng nghiệp. Đích thân tiến sĩ Choi đi mua rèm cửa về tự may và trang trí cho trường, hàng quý hỗ trợ kinh phí giúp học sinh tổ chức sinh nhật tập thể…

Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt

Câu chuyện về Tiến sĩ Choi là câu chuyện gắn với giáo dục đặc biệt, không thần thánh, liêu trai nhưng vẫn làm cho người nghe đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những đứa trẻ khiếm thính, thiểu năng là những hình ảnh thân thuộc chưa bao giờ làm cho trái tim bà cằn cỗi cảm xúc.

Xà bông – sản phẩm mà tiến sĩ Choi đã hướng dẫn cho học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng tự làm

Với sự đồng hành cùng với các tình nguyện viên từ Hàn Quốc, tiến sĩ Choi đã xây dựng Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt tại Đà Lạt với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Đây là cơ sở, là nơi để tập huấn cho giáo viên về chương trình giáo dục đặc biệt tại phố núi ngàn hoa. “10 giáo viên đã được tập huấn ở trung tâm này. Khi có được phương pháp giáo dục phù hợp thì mới có kết quả, có được sự thành công. Mục đích của tôi là những giáo viên dạy trẻ khuyết tật sẽ được đào tạo nhiều hơn, tham quan nhiều hơn từ trung tâm”.

Tình yêu trẻ khiếm thính đã làm nên điều kỳ diệu trong hành trình của bà Choi và ông Kwon ở Việt Nam. Không chỉ riêng Đà Lạt, Lâm Đồng, bà Choi đã nhận lời đề nghị của một thầy giáo để hỗ trợ Trường Phổ thông Cơ sở Xã Đàn ở Hà Nội trở thành một trung tâm về dạy trẻ khiếm thính tại các tỉnh phía Bắc. Vậy là bà Choi và ông Kwon lại có thêm một nơi nữa để đi, để đến và để giúp đỡ những phận đời nhiều trái ngang tại đất nước Việt Nam- nơi mà ông, bà xem như quê hương thứ hai của mình.

Trời Đà Lạt ẩm ương, cơn mưa phùn vô tình dạo ngang qua cửa sổ. Câu chuyện về Tiến sĩ Choi vẫn chưa có hồi kết. Qua lời kể của bà, quá khứ, hiện tại và tương lai cứ thế đan xen nhau làm cho người nghe không khỏi ngạc nhiên bởi những tình tiết thi vị. Chương trình giáo dục đặc biệt không chỉ có bà, có Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan Đà Lạt, Trường Khiếm thính Lâm Đồng mà còn được nhiều phụ huynh học sinh từ các huyện, thành biết đến và quan tâm. Những đứa trẻ khiếm thính, thiểu năng đến với bà Choi nhờ bà can thiệp, giúp đỡ sớm hơn để tìm kiếm tương lai và hy vọng. Một lần nữa bà nhận lời và quyết tâm “cãi mệnh Trời” cho những phận đời ấy…

Bài ảnh: Thành Nam

---

Link bài 1/3: http://nguoilambao.vn/nguoi-cai-menh-troi-ky-1-loi-cua-trai-tim-n52492.html

Link bài 2/3: http://nguoilambao.vn/nguoi-cai-menh-troi-ky-2-doi-moi-va-sang-tao-n52494.html

Link bài 3/3: http://nguoilambao.vn/nguoi-cai-menh-troi-ky-cuoi-thap-len-hy-vong-n52495.html

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top