Năm 2022, Việt Nam kiểm soát tốt tình hình an ninh mạng

Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tình hình an toàn an ninh mạng Việt Nam năm 2022 có nhiều "điểm sáng" nổi bật, tình trạng an ninh mạng tại Việt Nam đang ở mức kiểm soát tốt, tuy nhiên vẫn còn các mối đe dọa về an toàn thông tin.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin chia sẻ về tình hình an toàn an ninh mạng Việt Nam năm 2022_Ảnh: Vietnam+

Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp cùng với các cơ quan, tổ chức tổ chức ba cuộc diễn tập thực chiến quy mô quốc gia bảo đảm an toàn thông tin mạng. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp cũng như trực tiếp ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, 1.342 trang web lừa đảo trực tuyến cùng 986 trang web, địa chỉ mạng có nội dung vi phạm pháp luật, qua đó góp phần bảo vệ gần 4 triệu người dân, tương đương 6% người dùng trên Internet. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng xử lý 76 website phát tán mã độc; chặn kết nối đến 915 địa chỉ máy chủ điều khiển mạng Botnet (mạng máy tính ma).

Năm 2022 cũng ghi nhận 4 năm liên tiếp số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet giảm mạnh. Hiện nay, số lượng địa chỉ IP botnet trung bình hàng tháng của Việt Nam đã giảm xuống dưới 500.000 địa chỉ, cụ thể là hơn 479.000 địa chỉ.

Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, đây là một kết quả rất tích cực nhờ Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì phát động chiến dịch bóc gỡ mã độc trên không gian mạng hàng năm, với sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của trên cả nước. Trong tháng 8/022, Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia năm 2025 và tầm nhìn năm 2030 được Chính phủ ban hành đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực từ các cơ quan, tổ chức nhà nước, toàn thể cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Bên cạnh những "điểm sáng" vẫn còn đó là những nguy cơ, mối đe dọa về an toàn thông tin tại Việt Nam.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.213 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Trong số đó có hơn 3.900 cuộc tấn công Phishing (Tấn công giả mạo), hơn 1.500 cuộc tấn công Deface và gần 5.800 cuộc tấn công lây nhiễm mã độc malware. Số cuộc tấn công mạng này tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Trần Đăng Khoa, cho biết: Một hiện trạng đáng lưu ý, đó là mặc dù nhận được cảnh báo về tấn công mạng hoặc là các cảnh báo về điểm yếu, lỗ hổng từ các cơ quan chức năng, vẫn rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm xử lý hoặc chưa cập nhật các bản vá trên phần mềm để giảm thiểu rủi ro. Đây là vấn đề về nhận thức và trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần phải có sự thay đổi. Tiếp đó là hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng trong thời gian qua trở nên phổ biến hơn.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, các hình thức lừa đảo trực tuyến trong thời gian qua chủ yếu là giả mạo thương hiệu chiếm 72,6%, giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến chiếm hơn 11%. Các hình thức khác như lừa đảo trúng thưởng, việc làm trực tuyến, các ứng dụng cho vay chiếm khoảng 16% còn lại.

Chính vì vậy, một trong những mục tiêu chính trong năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông là bảo vệ người dân trên không gian mạng. Bộ đã chỉ đạo quyết liệt cùng với các cơ quan chức năng có thẩm quyền ngăn chặn rất nhiều trang web, blog giả mạo lừa đảo trực tuyến để bảo vệ gần 4 triệu người dân Việt Nam, tương đương với khoảng 6% người dùng Internet.

Cũng theo đại diện Cục An toàn thông tin, việc tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng vẫn chưa được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng, đặc biệt là tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn nhưng đến nay thì tỷ lệ hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức nhà nước được phê duyệt cấp độ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, với hơn 3.000 hệ thống thông tin thì mới chỉ có khoảng 54,8% hệ thống thông tin được các bộ, ngành, địa phương phê duyệt cấp độ, tăng 24,8% so với tỷ lệ 30% cuối năm 2021.

Đáng chú ý, hiện vẫn còn 9 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 12 địa phương vẫn có tỷ lệ phê duyệt thấp hơn 10%. Hầu hết, các cơ quan đều chưa triển khai đầy đủ 100% quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Theo TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top