Kết quả vừa được Viện hàn lâm Thụy Điển công bố lúc 18h20 (giờ Việt Nam) từ Stockholm. Như vậy, nữ tác giả 67 tuổi đã lấy đi cơ hội chạm vào giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực văn chương của nhà văn Kenya Ngugi Wa Thiong’o và tác giả Nhật Bản Haruki Murakami, 2 ứng viên được đặt cược cao ở nhiều mùa giải gần đây.
Sara Danius, thư ký thường trực của Viện hàn lâm Thụy Điển, người công bố giải Nobel văn chương năm nay đã gọi điện để thông báo cho Svetlana Alexievich: “Bà ấy vô cùng vui mừng và chỉ nói 1 từ duy nhất: Tuyệt vời”.
Ngay khi tên Svetlana Alexievich, rất nhiều nhà báo có mặt trực tiếp trong lễ công bố giải Nobel chia sẻ trên Twitter rằng: “Các nhà báo ngay lập tức điên cuồng gõ tên ‘Svetlana Alexievich’ trên Google”.
Kể từ năm 1901 tới nay, mới chỉ có 14 phụ nữ trên tổng số 111 nhà văn được chạm tay vào giải thưởng này. Nữ tác giả gần đây nhất thắng Nobel là nhà văn Canada Alice Munro (2013).
Svetlana Alexievich sinh ngày 31/5/1948 tại thị trấn Ivano-Frankovsk ở Ukraina. Bố bà là người Belarus, mẹ là người Ukraina. Sau khi cha bà giải ngũ, gia đình Svetlana Alexievich trở về Belarus sống. Cha mẹ cùng làm giáo viên nhưng Svetlana Alexievich sớm bắt đầu công việc làm phóng viên tại một tờ báo địa phương ở thị trấn Narovl.
Trong một cuộc phỏng vấn, Svetlana Alexievich nói bà luôn kiếm tìm một phương pháp văn học gần nhất với cuộc sống thực để thổi vào trang viết của mình. Thực tế cuộc sống luôn thu hút bà như thỏi nam châm và Svetlana Alexievich muốn thể hiện chúng trên những trang viết.
Từng là nhân chứng sống và chứng kiến những cuộc xung đột chiến sự ở Đông Âu sau khi Liên Xô sụp đổ, Svetlana Alexievich được coi là thước phim tư liệu sống với những tác phẩm gây chấn động, trong đó có cuốn ‘Voices From Chernobyl’. Bà đã thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn các nhân chứng từng sống sót qua Thế chiến 2, thảm họa hạt nhân ở Chernobyl…
Mặc dù thể loại phi tiểu thuyết vốn hiếm khi được xem xét và thắng giải Nobel nhưng Svetlana Alexievich đã tạo nên một ngoại lệ. Bất ngờ hơn nữa khi bà biến giải Nobel năm nay trở nên dễ đoán hơn. Bởi hiếm khi có ứng viên nào giành được tỉ lệ đặt cược cao của người hâm mộ lại được Viện hàn lâm Thụy Điển chọn.
Nguồn: VietNamNet