Luật Báo chí (sửa đổi) - Hành lang pháp lý quan trọng để báo chí phát triển
15:37 27/07/2016
- Pháp luật
Luật Báo chí (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để báo chí phát triển. Vấn đề cấp bách là các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí, các cấp Hội và chính các cơ quan báo chí làm thế nào để sớm đưa Luật Báo chí (sửa đổi) vào cuộc sống.
Luật Báo chí (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TL
Sự cần thiết phải có Luật báo chí (sửa đổi)
Nhìn lại chặng đường từ khi Luật Báo chí lần đầu được Quốc hội thông qua năm 1989, sửa đổi, bổ sung năm 1999 cho đến nay, có thể khẳng định, báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, vừa là diễn đàn của nhân dân.
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu phát triển, hoạt động báo chí thời gian qua cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp như: tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí; thông tin sai sự thật có chiều hướng tăng; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, các hành vi bị cấm, cung cấp thông tin cho báo chí, vai trò quản lý nhà nước... chưa điều chỉnh kịp thời; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về báo chí còn không ít hạn chế...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập của báo chí, tạo điều kiện để báo chí tiếp tục khẳng định được vai trò, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, thường xuyên, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ điều hành kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khoá X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, trong phần công tác đối với báo chí có xác định nhiệm vụ: “Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan”.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, đồng thời triển khai thi hành Hiến pháp 2013, ngày 5/4/2016, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Báo chí (sửa đổi). Luật này gồm 6 chương, 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí 1999. Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Nhiều điểm mới
Những điểm mới trong Luật Báo chí (sửa đổi) lần này có tính đột phá trước hết là quy định về tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí. Luật đã quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó quy định công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí...
Điểm đổi mới nổi bật tiếp theo là Luật đã quy định cụ thể quyền tác nghiệp của báo chí, đặc biệt là việc cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Thực tế cho thấy, việc quy định rõ hơn về trách nhiệm cung cấp cho báo chí những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật khi nhà báo có yêu cầu thông tin và xuất trình thẻ nhà báo, sẽ tạo điều kiện để báo chí chủ động thông tin, đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến công chúng.
Gắn với các quy định mới về quyền tác nghiệp, tiếp tục kế thừa quan điểm của Luật Báo chí 1999, Luật lần này đã tăng quyền cho nhà báo trong việc bảo vệ nguồn tin, quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.
Cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo, để nêu cao vai trò, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật Báo chí (sửa đổi) còn bổ sung những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Trong đó quy định, Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật Báo chí (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định mới về cải chính như: Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí cũng được quy định cụ thể.
Về các nội dung quản lý nhà nước, Luật Báo chí (sửa đổi) đã bổ sung đối tượng thành lập cơ quan báo chí, ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, luật Báo chí mới đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.
Nhằm thích ứng với đòi hỏi mới trong quá trình vận động, phát triển của báo chí, một nội dung khác cũng được Luật Báo chí (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện là các quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí. Các quy định trong Luật Báo chí (sửa đổi) về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí mở hơn so với Luật Báo chí năm 1999. Luật này cũng bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí, trong đó quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự - chính trị tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình. Cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí.
Đưa luật vào cuộc sống
Luật Báo chí (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và cả xã hội. Nó vừa đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của giới báo chí cả nước, vừa tạo điều kiện cho công dân có quyền tiếp cận, thụ hưởng thông tin - một trong những quyền căn bản nhất của con người. Hơn nữa, Luật Báo chí (sửa đổi) đã tiếp cận được xu thế phát triển chung của nền báo chí hiện đại, tạo cơ hội cho các loại hình báo chí có thể phát triển thuận lợi, đáp ứng nhu cầu thông tin rộng rãi của mọi thành phần trong xã hội, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong thời gian tới, để Luật báo chí (sửa đổi) phát huy được vai trò trong xã hội, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cần tuyên truyền phổ biến pháp luật báo chí để các chủ thể tuân thủ, thực hiện là một vấn đề quan trọng. Bài học kinh nghiệm trong tổng kết thực hiện Luật Báo chí 1999 cho thấy, sau 15 năm thực hiện, trong giới phóng viên, biên tập viên, thậm chí cả lãnh đạo một số cơ quan báo chí vẫn còn hiện tượng chưa nắm vững nội dung hoặc nhận thức chưa đầy đủ về Luật Báo chí. Vì vậy, trước hết, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo và đặc biệt là các cơ quan báo chí cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tập huấn Luật Báo chí với tinh thần thường xuyên, liên tục, gắn nghiên cứu, tìm hiểu Luật Báo chí với các văn bản dưới luật ngay trong quá trình văn bản soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan.
Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cho toàn thể hội viên học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Luật Báo chí (sửa đổi). Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Nhà báo Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho những người làm báo, cho hội viên thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ được quy định trong Luật. Có thể mời báo cáo viên phổ biến nội dung cơ bản của Luật Báo chí năm 2016. Công tác thông tin, tuyên truyền cần phải đổi mới theo hướng chú trọng phân tích, thảo luận những điểm mới, những việc được làm và không được làm với cơ quan báo chí và người làm báo, những nội dung thường gặp trong tác nghiệp. Đặc biệt, những vấn đề nảy sinh trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo mà Luật chưa đề cập đầy đủ…
Các cơ quan báo chí, từ lãnh đạo đến mỗi nhà báo, phóng viên, biên tập viên cần tổ chức nghiêm túc việc học tập, quán triệt, nắm vững các quy định của Luật Báo chí để vận dụng vào công việc của mình một cách phù hợp, tránh sai sót trong quá trình tác nghiệp. Nên có cách thức để phân tích làm rõ những điểm mới trong Luật Báo chí. Mỗi loại hình, cơ quan báo chí có biện pháp tuyên truyền phù hợp, có thể phỏng vấn, mở diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, xuất bản ấn phẩm, đăng tải các nội dung liên quan; thường xuyên đưa tin, bài phản ánh các hoạt động nghiên cứu, học tập, triển khai Luật Báo chí (sửa đổi).
Mỗi người làm báo cần cần chủ động tìm hiểu không những cần nắm vững những nội dung của Luật, mà quan trọng hơn là phải tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định đã được Luật hóa; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch hoặc không thiện chí; kịp thời uốn nắn những quan điểm lệch lạc, những biểu hiện không đúng trong quá trình tìm hiểu và thực hiện Luật Báo chí.
Do hoạt động báo chí có ảnh hưởng, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nên các tổ chức, cơ quan, ban, bộ, ngành, đoàn thể và mỗi người dân… cần quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật.
PGS,TS Phạm Văn Linh
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Phó Chù tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử (02:38 24/10/2024)
- Hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (10:49 19/06/2024)
- Quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. (05:23 10/05/2024)
- Quy định mới về học phí (04:48 03/01/2024)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1/2024 (09:25 27/12/2023)