Luận bàn câu chuyện “Người sáng lập” doanh nghiệp
19:49 26/01/2023
- Báo chí & Doanh nghiệp

Câu chuyện người sáng lập và bài học nhìn từ thực tế
Có thể nói sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986-2022), Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ. Đặc biệt trong vòng 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 được đề ra từ Đại hội lần thứ XI của Đảng, kinh tế Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ và “lột xác” để phát triển thần tốc theo cấp số nhân với khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và trở thành con rồng Châu Á. Có thành công như vậy là sự góp sức to lớn của cộng đồng doanh nghiệp/doanh nhân.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nay là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Ông chia sẻ về đội ngũ doanh nhân ngày nay: “Hình ảnh đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, vững vàng sau 35 năm đổi mới không chỉ là ví dụ điển hình cho công cuộc thoát nghèo vĩ đại của Việt Nam. Đây chính là thế hệ doanh nhân sẽ chung tay với đất nước, dân tộc thực hiện khát vọng hùng cường. Đến nay, vị thế của doanh nhân đã được xác định, khuôn khổ pháp lý dành cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang hình thành. Hiện tại, thế hệ doanh nhân thứ hai đang xuất hiện. Một phần là những người kế nghiệp, nhưng phần lớn là người chọn kinh doanh làm sự nghiệp, được đào tạo bài bản, tiếp cận với tư duy kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp... Trong nhóm này có thế hệ doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo đang bừng dậy với nhiều khát vọng được trải nghiệm và được cống hiến.”
Hình ảnh Người sáng lập_Ảnh: (Minh hoạ)
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, đại diện văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ: “Để một xã hội phát triển, đáp ứng nhu cầu vật chất ngày càng tốt hơn của người dân thì vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp là đại diện cho lực lượng sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, là điều kiện cần, điều kiện quan trọng để xây dựng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, trong giai đoạn quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đảng và nhà nước ta rất quan tâm đến doanh nghiệp, doanh nhân. Từ khi thực hiện chính sách mở cửa nên kinh tế, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần thì mở ra rất nhiều cơ hội để các doanh nhân Việt Nam thực hiện các hoạt động kinh doanh, làm giàu cho bản thân, cho doanh nghiệp và góp phần xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới”.
Tiến sĩ Đinh Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia chia sẻ: “Nhà sáng lập đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong bất kỳ một tổ chức nào, bởi lẽ họ chính là người tạo dựng lên tổ chức đó. Nhà sáng lập luôn được coi là nhà khởi nghiệp cho tổ chức, họ có các tố chất nổi bật hơn những người xung quanh như khả năng sáng tạo, có năng lực huy động cũng như quản lý các nguồn lực để chuyển hóa ước mơ của mình thành hiện thực, đồng thời họ là những người đầy dũng cảm dám chấp nhận một cuộc sống không bằng phẳng, luôn chủ động đón nhận những thách thức trên hành trình sáng lập cũng như vận hành tổ chức trong thời gian sơ khai. Và thành quả của họ đến ngay từ ước mơ của họ khi luôn mong muốn tạo ra nhiều việc làm và tạo ra của cải cho mình, cho những người xung quan và cho xã hội”.
Từ câu chuyện của Người sáng lập, chúng tôi muốn luận bàn về một nhân vật mà thời gian qua nhiều báo chí truyền thông đã tốn giấy mực, đó là ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, cái tên đang rất nóng tại thời điểm này. Một người đàn ông với gương mặt hiền từ. Hình ảnh và con người của ông, sự thành công đỉnh cao của Tập đoàn Hòa Bình do ông là người đứng đầu (Người sáng lập).
40 năm trước, với ước mơ hoài bão khởi nghiệp và ông đã gây dựng mô hình công ty tư nhân ra đời rất sớm tại Việt Nam. Tại thời điểm này các cơ chế chính sách cho kinh tế tư nhân còn rất mờ nhạt, khó khăn bội phần. Nhà nước không có chính sách hỗ trợ. Không trông chờ vào chính sách, ông xây dựng công ty xuất phát điểm chỉ từ đồng vốn nhỏ của bố mẹ ông cũng chính là nhà đầu tư đầu tiên của Công ty. Không tên tây tên tàu, không mỹ từ, ông cùng các cộng sự lấy chữ Hòa Bình để đặt tên cho doanh nghiệp. Với một minh triết hòa thuận rồi mới bình an…
Hình ảnh công trường của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình_Ảnh: (Minh hoạ)
Một nhà sáng lập tài ba là người có thể xác định khi nào giá trị của họ đối với công ty/doanh nghiệp của họ đã đạt đến giới hạn, và đặt cái tôi của mình sang một bên, cho phép phát triển công ty, mở rộng quy mô sản xuất, tất cả vì lợi ích chung cho công ty và người lao động. Nhiều doanh nhân chọn người đồng sáng lập vì biết rằng có thể đưa công ty đến thành công. Nhưng họ cũng cần phải có các kỹ năng khác. Cần gì ở người đồng sáng lập, đạo đức tốt gánh vác trách nhiệm lớn ở người sáng lập. Vậy nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần biết những gì để có thể xây dựng một văn hóa doanh nghiệp hoàn chỉnh và đúng đắn nhất.
Cơ hội và thách thức đối với người sáng lập
Ông Josh Clemente - người đồng sáng lập của Levels từng chia sẻ: "Khi ra mắt công ty, nhóm sáng lập đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề hóc búa. Vì vậy, chúng tôi đã chia chúng ra, lần lượt xử lý từng vấn đề. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tin tưởng và minh bạch giữa chúng tôi". Chẳng hạn, Facebook đã không tạo ra bất kỳ doanh thu nào trong những năm đầu thành lập. Nhưng Zuckerberg, 22 tuổi, đã có một chiến lược cho công ty trong suy nghĩ của mình và đã được hội đồng quản trị và các nhà đầu tư đã đồng ý. Hội đồng quản trị tin tưởng vào tầm nhìn của ông đến nỗi họ từ chối mọi lời đề nghị bán công ty trong những ngày đầu. Chiến lược của Zuckerberg, cuối cùng đã được chứng minh là đúng khi Facebook giới thiệu kế hoạch quảng cáo của mình và công ty đã mang lại nhiều tiền hơn bất kỳ ai có thể dự đoán.
Người sáng lập, đồng nghĩa là người xây dựng và hình thành một văn hoá, bản sắc của một doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô hình nhưng vẫn luôn tồn tại và đóng vai trò quyết định tới sự thành bại của doanh nghiệp. Nói cách khác, nếu mỗi tổ chức là một con người, thì văn hóa chính là linh hồn chi phối hoàn toàn sức sống và sự phát triển. Văn hóa doanh nghiệp giống như tính cách và đời sống tinh thần của con người, ảnh hưởng đến lối sống, hành vi của người đó. Xây dựng văn hóa công ty quyết định sự thành bại và tồn tại lâu dài của mỗi doanh nghiệp.
Hình ảnh kỷ niệm 35 năm xây dựng và phát triển Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình_Ảnh:(Minh hoạ)
Đối với Tập đoàn xây dựng Hoà Bình, ông xác định điều căn bản mà doanh nghiệp phát triển trường tồn và bền vững không có gì khác là văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa phải là những gì tinh tú nhất của dân tộc và những gì tinh hoa nhất của thế giới mà doanh nghiệp biết cách vận dụng. Trong tuyên ngôn giá trị của tập đoàn Hòa Bình là nhấn mạnh và đề cao đến tính tuyệt đối tuân thủ cam kết. Đúng chất lượng, đúng thời gian, đúng giá trị và thêm nữa là tích hợp tinh hoa. Những người sáng lập thường coi công ty của họ như con ruột của họ vì sự gắn bó của họ với nó. Vì lý do này, rất khó để họ từ bỏ quyền kiểm soát. Trên thực tế, hầu hết những người sáng lập đều bị sốc khi các nhà đầu tư yêu cầu họ từ bỏ quyền kiểm soát, ít nhất là ở một mức độ nào đó.
Câu chuyện về Việt Nam chưa có doanh nghiệp có tuổi đời hàng trăm năm còn doanh nghiệp của ông tuổi đời đã gần 40 năm. Gần 40 năm đồng nghĩa với cả tuổi xuân, quá nửa đời người ông Lê Viết Hải đã cống hiến cho Hòa Bình. Ai rồi cũng đến lúc phải nghỉ. Câu chuyện chuyển giao quyền lực cha truyền con nối hoàn toàn phù hợp về luật pháp cũng như đạo lý. Đồng ý rằng doanh nghiệp phải hoạt động theo đúng luật pháp và hơn nữa Hòa Bình đang là công ty đại chúng. Vậy khi xảy ra tranh chấp thì cần giải quyết tranh chấp theo đúng trình tự pháp luật, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Cần có luật định để bảo vệ người sáng lập và doanh nghiệp
Công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Pháp luật Việt Nam quy định về công ty cổ phần tại Điều 111 Luật Doanh Nghiệp 2020. Pháp luật khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp và hoạt động một cách hợp pháp. Cụ thể, tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về những đối tượng được thành lập doanh nghiệp. Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, được đại hội đồng cổ đông bầu ra. Các thành viên hội đồng quản trị là những người có đủ những điều kiện được quy định tại Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, đại diện văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ “Nếu như trước đây, Việt Nam có luật riêng cho doanh nghiệp nhà nước và luật riêng cho doanh nghiệp tư nhân thì ngày nay trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, cạnh tranh cùng phát triển thì ranh giới giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã bị xóa nhòa, các doanh nghiệp kinh doanh được thực hiện chung một luật là luật doanh nghiệp. Chủ trương chính sách của đảng và nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến doanh nhân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế chính trị xã hội trong nước và thế giới đang có nhiều biến động thì những doanh nghiệp có bề dày lịch sử, có uy tín và nhiều đóng góp cho nền kinh tế như Tập đoàn Hòa Bình. Nhà nước cũng cần có những kế hoạch, giải pháp tích cực để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp trong nước nói chung, những doanh nghiệp có bề dày lịch sử có điều kiện phát triển theo đúng khả năng, năng lực, sở trường của mình, góp phần không ngừng phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Những doanh nghiệp doanh nghiệp đi đầu như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình rất đáng trân trọng, tôn vinh bởi tâm huyết, trách nhiệm, những nỗ lực và những thành công trong quá trình kinh doanh.”
Liên quan đến tranh chấp nội bộ của Tập đoàn Hòa Bình, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng: “Để giải quyết, hai bên sẽ phải ngồi lại để hòa giải, đàm phán để tìm ra phương hướng giải quyết. Trong trường hợp hai bên vẫn căng thẳng, các cổ đông thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm thì có thể đưa vụ việc ra tòa án để xem xét. Theo đó, tòa án sẽ xem xét những nghị quyết ban hành tại các thời điểm họp HĐQT có phù hợp với điều lệ doanh nghiệp và đúng các quy định pháp luật hay không. Bản án của tòa án sẽ là quyết định cuối cùng để xác định ai là Chủ tịch của Công ty này”.
Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Văn phòng Luật sư Phạm Hưng kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết: “những tranh chấp vừa diễn ra tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình không hiếm trên thương trường. Quy trình xử lý các tranh chấp nội bộ doanh nghiệp rất phức tạp và mất thời gian, vì tòa án phải xem xét nhiều hồ sơ, cũng như tổ chức nhiều đợt hòa giải. Trong quá trình này, dù bên nào được tòa phán quyết thắng, thì uy tín và hoạt động của doanh nghiệp cũng đã bị ảnh hưởng.”
Ông Lê Quang Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn quản lý BDSC cho biết: “Thượng tôn pháp luật, tâm thế vì lợi ích của công ty, cổ đông và các bên hữu quan, và hành xử chuyên nghiệp và đúng mực là những yếu tố then chốt của các bên liên quan hay của người tham gia hòa giải trong các tranh chấp nội bộ. Đối với các doanh nghiệp mà người sáng lập hoặc gia đình người sáng lập còn nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn, họ cần tìm những người “hùn hạp” đến từ bên ngoài để phân chia quyền lực và quản trị, vận hành doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy sự chuyên nghiệp và phát triển bền vững, mà vẫn không giảm quyền kiểm soát doanh nghiệp. Tuy nhiên, người sáng lập cần sáng suốt lựa chọn những người “hùn hạp” có kiến thức, năng lực quản trị, quản lý doanh nghiệp ở tầm cao, chuyên nghiệp trong công việc và ứng xử, đặc biệt có hiểu biết, trải nghiệm ở các doanh nghiệp gia đình của Việt Nam.”
Câu chuyện của Tập đoàn Hoà Bình, thì sau những lùm xùm tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong thời gian qua, theo phán quyết của Cục thi hành án dân sự TP.HCM thì ông Lê Viết Hải vẫn là Chủ tịch HĐQT và là người đại diện pháp luật của tập đoàn theo quyết định thi hành án chủ động số 1561/QĐ-CTHADS ngày 19-1-2023 của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP.HCM với nội dung: "Buộc Công ty tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14-12-2022, Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14-12-2022, Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31-12-2022 của HĐQT cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài". Trong đó Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14-12-2022: Nghị quyết này chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình của ông Lê Viết Hải từ ngày 1-1-2023 cũng như xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT Công ty; thông qua việc thành lập Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và ông Lê Viết Hải là Chủ tịch Hội đồng sáng lập.
Thông tin trên báo chí ngày đầu xuân năm mới 2023, ông Lê Viết Hải cho biết: “Việc ông tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình thời điểm này nhằm đảm bảo tính liên tục trong việc điều hành tập đoàn vào thời điểm Tết Nguyên đán. Việc thay đổi người đại diện pháp luật thời điểm này sẽ tạo điểm nghẽn trong việc thanh, quyết toán, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Động thái này nhằm đảm bảo chuẩn bị cơ sở pháp lý chặt chẽ trước khi chuyển giao việc điều hành tập đoàn theo quy định của Luật doanh nghiệp trong thời gian tới, nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra".
Ông Hải chia sẻ thêm: "Tôi vẫn sẽ nỗ lực bằng tất cả nguồn lực để ngăn cản bất kỳ âm mưu, hành vi nào ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của công ty hay quyền lợi của tất cả cổ đông, những người đã và đang đặt niềm tin vào tôi". Qua 35 năm tôi đã đúc kết văn hóa đó trong tuyên ngôn giá trị của tập đoàn với một hệ thống giá trị hoàn thiện gồm 7 nhóm bao gồm: Ứng xử văn minh; Hành xử chính trực; Thực thi cam kết; Tuân thủ kỷ luật; Tích hợp tinh hoa; Tích cực sáng tạo và Chủ động hợp tác. Di sản phi vật thể thứ hai là “nhạc xanh”. Một di sản tinh thần khác mà tôi, người sinh ra và lớn lên trong một đất nước mang nhiều nỗi đau thương, mất mát nhất vì chiến tranh trong lịch sử cận đại, người sáng lập một tập đoàn mang tên Hòa Bình, vẫn luôn ấp ủ hoài bão để lại một giải pháp mang lại hòa bình trường cửu cho nhân loại. Tôi nghĩ Hòa Bình cần làm kinh doanh thật tốt để có đủ nguồn lực có nhiều uy tín; từ đó mới có đủ phương tiện để thực hiện được giải pháp hòa bình mà tôi tin là rất khả thi.”
Điều quan trọng hơn nữa cần nhận thức rõ, đằng sau tranh chấp quyền lực của những người trong cuộc là sự tồn vong của doanh nghiệp, là đối tác, là người lao động và lợi ích của các cổ đông... Luật pháp công bằng, xã hội cũng sẽ rất công bằng, mọi giá trị sẽ được trở về đúng vị trí. Và Hòa Bình chính là con “Sếu tiên phong”. Và Hòa Bình là một phần cơ thể không thể thiếu của Người sáng lập - ông Lê Viết Hải.
Tiến sĩ Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia chia sẻ thêm: “Với mỗi tổ chức thường gắn liền với khát khao, với tầm nhìn và cả mô hôi và nước mắt của người sáng lập. Rất nhiều người sáng lập đã sống chết với công ty của mình, ăn, ngủ ở công ty mình và thậm chí họ bỏ quên cả việc quan tâm đến chăm sóc bản thân và gia đình mình. Doanh nghiệp của họ như đưa con để đời, là linh hồn của họ. Họ có thể chấp nhận doanh nghiệp của họ có thể gặp khó khăn, nhưng thật đau đớn khi đứa con của họ bị một ai đó có tham vọng hòng lấy đi. Chính lý do đó mà tất cả những những nhà sáng lập vĩ đại đều có chiến lược rất sớm và nỗ lực hành trình tìm kiếm người kế vị để tiếp tục hành trình xây dựng ước mơ của họ, đó chính là hành trình để lại di sản cho cộng đồng, xã hội và Tập đoàn Hoà Bình là đơn vị như vậy, và không thể thiếu vắng vai trò của người sáng lập – CTHĐQT Lê Viết Hải”.
Có thể thấy thành tích đáng tự hào của Tập đoàn Hoà Bình, liên tiếp trong nhiều năm dưới cương vị CTHĐQT Lê Viết Hải, Hòa Bình đạt Thương hiệu Quốc gia và ông Lê Viết Hải đã là “tượng đài sống” trong lòng những người lao động Hòa Bình. Trong chiến lược phát triển của mình, ông mong muốn bất cứ nơi nào Hòa Bình đặt chân đến phải mang lại sự bình yên, phồn vinh và hạnh phúc, đó chính là sứ mệnh doanh nghiệp của ông được mang tên Hòa Bình. Một loạt bài ca thể hiện tinh thần, cảm xúc, sự lãng mạn và khát vọng, ý chí của con người Hòa Bình được ông sáng tác và trực tiếp thể hiện. Lời bài hát đó là “Mọi bước đi vì một giá trị”.
Có thể nói Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hơn 35 năm qua, nằm trong “Top 10 Nhà thầu xây dựng uy tín Việt Nam”, là một trong 10 doanh nghiệp của cả nước được công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” và danh hiệu số một về môi trường làm việc tốt nhất trong lĩnh vực xây dựng kiến trúc 2021 do Anphabe công bố. Sau 35 năm xây dựng và phát triển, Hòa Bình đã hoàn thành hơn 500 công trình và hiện đang thi công hơn 100 công trình trong cả nước. Các công trình do Hòa Bình thi công đã có mặt tại 3 quốc gia là Malaysia, Myanmar, Kuwait và 49/63 tỉnh thành trong cả nước.
Qua những chia sẻ của chuyên gia kinh tế, các luật gia, chiến lược gia và các start up cho ta thấy góc nhìn về một người sáng lập. Thành công và thất bại, may mắn và rủi ro luôn thường trực. Cho dù cuộc nội chiến của Tập đoàn Hoà Bình có như thế nào, kết quả của chiến nội bộ đó có như thế nào, nhưng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Công ty xây dựng Hoà Binh ngày càng phát triển, đời sống mọi mặt của cán bộ nhân dân ngày càng được nâng cao đó là việc cần làm lúc này. Đây chính là mục đích cao cả, đích thực của Hoà Bình, mà chính Doanh nhân Lê Viết Hải - CTHĐQT cũng mong muốn điều đó.
Để kết cho cuộc luận bàn này, mượn lời kết của cuốn sách “Tinh thần khởi nghiệp Kinh doanh” của Tiến sĩ Đinh Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp Quốc gia để thay lời muốn nói: “Giờ đây, doanh nhân có thể thanh thả nghỉ ngơi và cũng có thể tiếp tục một hành trình mới, một chinh phục mới. Cả cuộc đời họ là con đường của sự khám phá, nắm bắt cơ hội, đổi mới, chấp nhận khó khăn để vươn tới đỉnh cao chinh phục. Đúng như cổ nhân thường nói: người đi đến đích là người không biết mệt mỏi. Đúng vậy, với những doanh nhân, họ không bao giờ biết mệt mỏi, không bao giờ biết thoả mãn giấc mơ. Con đường này khép lại, một chặng đường mới mở ra chờ đón họ chinh phục. Song hơn ai hết, những doanh nhân đều hiểu rằng, khi tất cả khả năng của chúng ta với tư cách là lãnh đạo sẽ không được đánh giá bằng những gì cá nhân hay thậm chí tập thể của chúng ta đạt được trong thời gian lãnh đạo. Nhưng sau khi ra đi, chúng ta sẽ bị phán xét bằng chính những hiệu quả do cá nhân và tập thể của chúng ta làm nên”.
Bởi lẽ, năng lực lãnh đạo doanh nghiệp của họ không được định giá bởi những gì mà nhà lãnh đạo đi về phía trước, mà được định giá bởi những gì họ để lại phía sau. Và chính vì vậy, cho dù phải chuyển giao thành quả mà doanh nhân đã dày công xây dựng cho thế hệ kế tiếp thì ông vẫn là hiện thân, là linh hồn, là trái tim hoà nhập cùng nhịp đập của tổ chức tập thể. Những nhịp đập ấy sẽ mạnh hơn, chắc khoẻ hơn, vì từ trái tim của ông sẽ kết nối, sẽ hoà tấu cùng hàng vạn trái tim khác trong một bản giao hưởng mang đầy chất “sử thi và anh hùng ca”, đó là những trái tim của tinh thần khởi nghiệp kinh doanh – Trái tim của những doanh nhân dám nghĩ dám làm, dám hy sinh./.
Hoàng Anh Tuấn (tổng hợp)
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- BSR và 3 chữ An (08:01 24/04/2025)
- BSR đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng cho giai đoạn mới (07:18 24/04/2025)
- Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tinh thần khẩn trương, quyết liệt (04:32 23/04/2025)
- Masan đạt gần 400 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I (08:01 23/04/2025)
- Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt mốc 100 triệu tấn sản phẩm các loại (10:42 21/04/2025)