Lai Châu mở cửa Du lịch - Văn hóa trong điều kiện bình thường mới
22:48 16/04/2022
- Văn hóa xã hội

Thích ứng an toàn mới
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu Tống Thanh Hải chia sẻ: Năm 2022, thực hiện chủ trương của Chính phủ về mở cửa du lịch toàn diện, phục hồi và phát triển kinh tế sau hai năm đầy khó khăn bởi tác động của dịch bệnh Covid - 19. Tỉnh Lai Châu long trọng tổ chức khai mạc “Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu” với chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”.
Màn biểu diễn nghệ thuật khai mạc tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu
Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, Chính quyền, Nhân dân và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã bền bỉ, linh hoạt, thích ứng, không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, đào tạo lại nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án… sẵn sàng đón nhận, khai thác các cơ hội mới ngày hôm nay. Cùng với cả nước, du lịch Lai Châu mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ, Ngành để sớm đưa thị trường du lịch nhộn nhịp trở lại. Năm 2022 sẽ là bước đà mới để du lịch Lai Châu phát triển trong bối cảnh bình thường mới, mở ra giai đoạn bứt phá để Lai Châu từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu du lịch tỉnh trên bản đồ du lịch Việt Nam.
“Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu” là một trong những sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm vượt qua khó khăn của ngành du lịch Lai Châu sau thời gian dài bị “đóng băng” bởi đại dịch Covid-19, đưa du lịch tỉnh Lai Châu phát triển cùng du lịch cả nước; sự kiện cũng là dịp để tỉnh Lai Châu giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc riêng của địa phương tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy sâu hơn về hội nhập Quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh miền đất, văn hóa, con người Lai Châu, góp phần quan trọng để du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 08 Bộ Chính trị đề ra; cũng như góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững từ lợi ích phát triển du lịch” theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phát triển du lịch văn hóa vùng cao
Lai Châu với 20 dân tộc chung sống, có sự phong phú, đa màu sắc trong các nét văn hóa. Trong đó có đồng bào Mảng là dân tộc ít người với nhiều nét văn hóa đặc sắc như: Đan lát, thêu thùa. Những lúc nông nhàn, phụ nữ dân tộc Mảng lại dạy con gái nghề truyền thống, bởi vậy những thiếu nữ dân tộc Mảng từ nhỏ đã rất khéo léo thêu khăn, may váy áo, làm xà cạp.
Để may được một bộ trang phục, người phụ nữ phải mất rất nhiều thời gian, từ trồng bông, se sợi, nhuộm màu, se chỉ, dệt vải...
Tham gia Tuần lễ Du lịch tỉnh Lai Châu năm 2022 cộng đồng dân tộc Mảng đang sinh sống tại huyện Nậm Nhùn mang đến cho lễ hội và giới thiệu cho du khách về tập quán sinh hoạt cũng như những nét đẹp văn hoá độc đáo của dân tộc Mảng một dân tộc nằm trong nhóm các dân tộc đặc biệt ít người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Tiếp đó là dân tộc Dáy, trên địa bàn thành phố Lai Châu có trên 8.500 người, tập trung chủ yếu tại phường Quyết Thắng, xã San Thàng, đặc biệt tại bản San Thàng - nơi đây được nhiều người biết đến bởi những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Dáy vẫn còn nguyên vẹn đến ngày hôm nay; bởi vẻ đẹp nên thơ của dòng suối Tả Lèng róc rách uốn lượn, những cánh đồng hoa hồng, chợ phiên San Thàng nhộn nhịp quanh phố Đá.
Người phụ nữ Dao Khâu (huyện Sìn Hồ) được tiếng bởi sự chịu thương, chịu khó trong những công việc hàng ngày, từ xay ngô, làm nương đến may vá trang phục, lo cho gia đình
Người Dáy nơi đây còn lưu giữ được các phong tục tập quán truyền thống đặc sắc như: lễ hội Tú Tỉ, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc Pí Kẻo truyền thống kết hợp với trang phục truyền thống, các món bánh đặc trưng từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Dáy: bánh bỏng, bánh rán đường, bánh khảo, bánh dày, phở chua,... Đặc biệt hơn nữa, từ năm 2019, vào đêm thứ 7 hàng tuần, du khách còn được trải nghiệm ẩm thực các dân tộc về đêm, chương trình giao lưu văn nghệ “Sắc màu văn hóa” như níu kéo bước chân, trái tim thổn thức không muốn rời xa đất và người nơi đây.
Một trong những nét đặc sắc của văn hoá truyền thống dân tộc Lự là bộ trang phục. Trang phục của người Lự vô cùng đặc sắc và được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ với những hoạ tiết hoa văn rất độc đáo. Đối với trang phục của người phụ nữ, họ mặc áo chàm xẻ ngực, vạt trái đè lên vạt phải và được buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ. Người Lự nói riêng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Tam Đường nói chung đang tích cực tham gia xây dựng bản làng sáng, xanh, sạch, đẹp; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Hiện trên địa bàn huyện Tam Đường có 16 điểm, khu du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được các cấp công nhận trong đó có nhiều điểm du lịch công đồng thu hút du khách như: Bản Thẳm của người Lự tại Bản Hon, Bản Sì Thâu Chải của người Dao ở xã Hồ Thầu; bản Lao Chải I của người Mông ở xã Khun Há, …;
Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao
Bên cạnh đó nhiều di tích danh lam thắng cảnh tại Tam Đường đã trở thành điểm đến, điểm khám phá, trải nghiệm hấp dẫn của du lịch địa phương. Trong đó nổi bật nhất là di tích danh lam thắng cảnh: Đèo Hoàng Liên Sơn, đỉnh Pu Ta Leng, Động Tiên Sơn … thu hút ngàn lượt du khách mỗi năm. Không chỉ các di sản văn hoá vật thể, các di sản văn hoá phi vật thể của Tam Đường cũng rất phong phú và đa dạng, mang những nét đặc trưng của vùng đất giàu văn hóa truyền thống gồm nhiều dân tộc cùng chung sống: Lễ hội Gầu tào người Mông, Lễ hội cấp sắc người Dao, Lễ hội té nước người Lào, Lễ hội cúng rừng người Lự hay các phong tục, tập quán, những hình thái diễn xướng hát giao duyên của người Thái, người Lào, múa khèn người Mông v.v.. Tất cả đều có thể phát triển thành các sản phẩm du lịch để thu hút khách.
Có thể thấy, các phương án đảm bảo an toàn cho du khách trong trạng thái bình thường mới đã được Lai Châu kích hoạt. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chấp hành tốt các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về du lịch; không ngừng nâng cao năng lực phục vụ du lịch; quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở lưu trú, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để phục vụ tốt nhất việc đón khách du lịch, phát triển phục vụ hồi du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Họa My
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Thái Nguyên - Trăm năm đệ nhất danh trà (11:29 20/05/2025)
- Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Hoàn thiện để quản lý tốt báo chí trong thời đại chuyển đổi số (03:53 16/05/2025)
- Lan tỏa thông điệp về giá trị văn hóa và sức sáng tạo của con người vùng đất cao nguyên (03:50 06/05/2025)
- Tuệ giác phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững (10:19 06/05/2025)
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương “Vì cuộc sống khỏe mạnh - Đồng hành cùng người có công” (03:15 28/04/2025)