Kỹ năng biên tập và trình bày lời dẫn của người dẫn chương trình truyền hình
Kỹ năng biên tập và trình bày lời dẫn của người dẫn chương trình truyền hình
Trình bày văn bản rõ ràng bằng giãn dòng và ngắt ý
Sau khi chuẩn bị dàn ý, kịch bản khung của chương trình xong, người dẫn cần trình bày văn bản rõ ràng, mạch lạc. Để làm được điều này, đầu tiên, NDCT cần trình bày sao cho khoảng cách các chữ và các dòng giãn cách nhau phù hợp. Ví dụ, văn bản gốc được trình bày với những dòng sát nhau như sau:
- “Thưa quý vị trầm cảm không còn là một căn bệnh xa lạ trong xã hội hiện nay nữa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 350 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự sát. Theo thống kê tại Việt Nam, 75% số người tự tử mỗi năm là do chứng trầm cảm. Và ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng trò chuyện với bác sĩ Lê Đình Phương Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình Bệnh viện Việt Pháp để tìm hiểu về căn bệnh này và những nguyên nhân của nó cũng như các giải pháp điều trị.”.
Sau khi được điều chỉnh giãn dòng, văn bản sẽ trở nên rõ ràng, dễ đọc hơn, giúp NDCT không bị nhầm khi xuống dòng:
- “Thưa quý vị!
Trầm cảm không còn là một căn bệnh xa lạ trong xã hội hiện nay nữa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 350 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi trầm cảm.
Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự sát. Theo thống kê tại Việt Nam, 75% số người tự tử mỗi năm là do chứng trầm cảm.
Và ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng trò chuyện với bác sĩ Lê Đình Phương Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình Bệnh viện Việt Pháp để tìm hiểu về căn bệnh này và những nguyên nhân của nó cũng như các giải pháp điều trị.”.
Tiếp đó, trong văn bản dẫn chương trình, người dẫn cần thể hiện được những vị trí cần ngắt nghỉ để lấy hơi ngoài dấu chấm câu và các dấu phẩy ngắt ý đã có sẵn trong văn bản. Những vị trí đó có thể được đánh dấu bằng dấu phẩy hoặc đường gạch chéo hay bất kì ký hiệu nào, tuỳ theo thói quen sử dụng của NDCT. Áp dụng lên ví dụ trên đây, với các chỗ ngắt nghỉ được in nghiêng và gạch chân, văn bản sẽ trở thành:
- “Thưa quý vị/ trầm cảm không còn là một căn bệnh xa lạ trong xã hội hiện nay nữa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 350 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự sát. Theo thống kê tại Việt Nam, 75% số người tự tử mỗi năm là do chứng trầm cảm. Và ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng trò chuyện với bác sĩ Lê Đình Phương/ Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình/ Bệnh viện Việt Pháp/ để tìm hiểu về căn bệnh này và những nguyên nhân của nó/ cũng như các giải pháp điều trị.”.
Ngoài ra, để tránh sai sót trong quá trình dẫn, NDCT có thể đánh dấu các cụm từ cần đọc liền mạch bằng cách in đậm hoặc gạch chân cả cụm từ. Việc sử dụng ký hiệu nào là phụ thuộc vào từng NDCT. Thậm chí, người dẫn có thể thực hiện thao tác này bằng bút khi văn bản dẫn chương trình đã được in ra. Khi đó, văn bản sẽ rõ ràng hơn nữa như sau: - “Thưa quý vị/ trầm cảm không còn là một căn bệnh xa lạ trong xã hội hiện nay nữa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 350 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự sát. Theo thống kê tại Việt Nam, 75% số người tự tử mỗi năm là do chứng trầm cảm. Và ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng trò chuyện với bác sĩ Lê Đình Phương/ Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình/ Bệnh viện Việt Pháp/ để tìm hiểu về căn bệnh này và những nguyên nhân của nó/ cũng như các giải pháp điều trị.”.
Nếu có thời gian chỉnh sửa trên máy tính và in kịch bản, người dẫn có thể biên tập để những cụm từ liền nhau ở trên cùng một dòng văn bản, chứ không bị tách đôi thành hai dòng, tránh việc đọc vấp, ngắc ngứ.
Ngoài ra, tuỳ vào dạng chương trình mà người dẫn chuẩn bị khổ giấy của kịch bản dẫn. Nếu là chương trình bản tin thời sự, dẫn ngồi ở bàn tại trường quay, giấy nên được in khổ ngang A4 để mắt nhìn chữ không bị xuống dòng nhiều lần. Nếu là chương trình dẫn trên sân khấu, NDCT phải đi lại di chuyển thì khổ giấy nên để dọc và nhỏ gọn như khổ A6.
Người dẫn phải chỉnh sửa, biên tập lại sao cho “thuận tai nghe” hơn, và nếu có thể khiến lời dẫn đó tạo cảm xúc và gây ấn tượng cho công chúng thì càng tốt.
Không viết tắt và cần phiên âm rõ cách đọc
Người dẫn không nên để chữ viết tắt trong kịch bản dẫn. Trong điều kiện bình thường, chữ viết tắt đó có thể dễ dàng được hiểu và đọc ra thành tiếng chuẩn xác, nhưng trong bối cảnh dẫn chương trình có máy camera ghi hình, có khán giả, hoặc lên sóng trực tiếp... người dẫn có thể bị hồi hộp, căng thẳng, dẫn đến nói nhịu, nói lắp, hoặc không thể suy luận ra chữ viết tắt là gì. Do vậy, cần triệt tiêu mọi nguy cơ tiềm ẩn gây ra lỗi, sai sót trong quá trình trình bày.
Ví dụ một số chữ viết tắt tiếng Việt cần được viết ra đầy đủ và rõ ràng như sau:
Tên của các cơ quan, tổ chức:
- Đảng CSVN -> Đảng Cộng sản Việt Nam
- Bộ KH&ĐT -> Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Bộ TT&TT -> Bộ Thông tin và Truyền thông
Tên của các sự kiện, xu hướng, chiến dịch, dự án... lớn và quen thuộc:
- Cuộc vận động HTVLTTTĐĐ HCM -> Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
- Kỷ niệm 45 năm GPMNTNĐN -> Kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- KTTT định hướng XHCN -> Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa
Ngoài ra, đối với những chữ có nguồn gốc nước ngoài, phiên âm tiếng nước ngoài, người dẫn cũng cần thiết phải viết rõ cách đọc thành lời tiếng Việt. Ví dụ dưới đây là một số chữ viết tắt từ tiếng nước ngoài và tiếng nước ngoài cần phiên âm rõ ràng sang tiếng Việt:
Từ tiếng nước ngoài viết tắt cần phiên âm sang tiếng Việt:
- WTO -> Vê-kép Tê-ô
- CDC -> Xi-Đi-Xi
- NGO -> En-Gi-Âu
Đối với các từ tiếng nước ngoài viết tắt, việc đọc thành tiếng theo chữ cái tiếng Anh hay chữ cái tiếng Việt sẽ phụ thuộc vào quy định riêng (nếu có) của đơn vị sản xuất chương trình truyền hình đó, hoặc tuỳ thuộc vào thói quen tiếp nhận của công chúng. Ví dụ, từ “WTO” có thể được đọc theo cả tiếng Anh và tiếng Việt, nhưng từ “WHO” thì chủ yếu được đọc theo tiếng Việt.
Từ tiếng nước ngoài cần viết phiên âm sang tiếng Việt:
Tên riêng của các cơ quan, đơn vị, thương hiệu, doanh nghiệp... cần phiên âm sang tiếng Việt:
- Reuters -> Roi-tơs
- Chanel -> Chờ-neo
Tên của các nguyên thủ quốc gia, nhà lãnh đạo, người nổi tiếng:
- Xi Jinping -> Tập Cận Bình
- Michael Pompeo -> Mai-cơn Pôm-pê-ô
MC Quốc Anh - Ngọc Bích VTV
Làm tròn số
Việc biên tập các số liệu sao cho dễ nhớ, gọn gàng cũng là kỹ năng của NDCT. Thông thường, trong các tin tức thời sự, đặc biệt là thông tin về kinh tế, thông tin mang tính thống kê... sẽ có nhiều số liệu. Nếu như một tin tức có quá nhiều số liệu, công chúng sẽ khó nhớ, khó tiếp thu. Vì vậy, NDCT cần biết xác định đâu là những số liệu có thể được phép làm tròn số, đâu là những số liệu cần giữ nguyên không được làm tròn. Ví dụ, cùng là tin tức về Covid-19, nhưng hai tin tức sau đây chứa đựng những số liệu có sự khác biệt về ý nghĩa nên lời dẫn cần được xử lý biên tập khác nhau:
Lời dẫn tin 1: “Theo thống kê của Worldometers tính đến 8 giờ sáng ngày 4/9 theo giờ Việt Nam, trong tổng số hơn 287 nghìn ca mắc Covid-19 mới được phát hiện trên thế giới trong 24 giờ qua, riêng Ấn Độ ghi nhận 84.156 ca, gần bằng tổng số ca mắc mới tại Mỹ và Brazil cộng lại. Như vậy, Ấn Độ lại tiếp tục lập kỷ lục không mong muốn là quốc gia có nhiều ca mắc Covid-19 nhất trong 24 giờ.” (Tin: Ấn Độ lập kỷ lục mới với hơn 84 nghìn ca nhiễm mới trong 24 giờ)
Lời dẫn tin 2: “Sáng 10/8, Đà Nẵng ghi nhận thêm 2 trường hợp bệnh nhân Covid-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam lên 13 ca. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về hai trường hợp này.” (Tin: Bệnh nhân 33 và 47 không qua khỏi, Việt Nam có 13 ca Covid-19 tử vong)
Ở tin 1, số liệu “84.156” được phép biên tập làm tròn số thành: “hơn 84 nghìn” vì việc làm tròn số như vậy không làm thay đổi bản chất của số liệu, đồng thời lại khiến người nghe dễ nhớ hơn, dễ tiếp thu tin tức hơn.
Đối với tin 2, số “13” nếu nói là “hơn 10” thì không phù hợp vì thời điểm này Việt Nam mới có ít nạn nhân Covid-19 thiệt mạng và đang thống kê từng nạn nhân nên số liệu chính xác là cần thiết. Nếu trong trường hợp số lượng nạn nhân thiệt mạng nhiều hơn thì người dẫn có thể làm tròn được. Giả dụ số liệu là “1013” người thì khi đó có thể làm tròn là “hơn 1000” người.
MC Mai Anh - HTV
Đọc thành tiếng
Sau kịch bản dẫn chương trình được trình bày rõ ràng, NDCT cần đọc thành tiếng văn bản đó để xem cách diễn đạt như vậy đã phù hợp chưa, câu chữ có gì khiến khán giả khó hiểu không, có từ hoặc cụm từ nào dễ gây nghe sai, hiểu sai không. Nếu có, người dẫn phải chỉnh sửa, biên tập lại sao cho “thuận tai nghe” hơn, và nếu có thể khiến lời dẫn đó tạo cảm xúc và gây ấn tượng cho công chúng thì càng tốt.
Việc đọc thành tiếng cần được thực hiện ít nhất một lần trước khi người dẫn chính thức dẫn chương trình, và càng được thực hiện thêm thì người dẫn càng nhuần nhuyễn và quen thuộc với nội dung kịch bản dẫn.
Khi đọc thành tiếng, NDCT cần sử dụng bút để có thể chỉnh sửa ngay vào kịch bản như gạch chân một cụm từ cần đọc liền, hay đánh dấu chỗ ngắt nghỉ mà khi biên tập văn bản trên máy tính chưa làm được.
Tốc độ đọc văn bản thành tiếng cần tương đương tốc độ dẫn chương trình, vào khoảng 3 đến 4 từ mỗi giây. Nếu vượt quá tốc độ này, người dẫn sẽ trở nên nói nhanh, khó nhấn nhá và dễ vấp hơn, cũng như khiến hiệu quả tiếp nhận thông tin của công chúng giảm xuống.
Khi đọc văn bản dẫn, người dẫn cần diễn đạt theo văn phong văn nói một cách trang trọng, lịch sự, với các tiêu chí là: rõ lời và diễn cảm. Một lời dẫn chương trình nếu không rõ lời sẽ mất đi khả năng biểu đạt nội dung, nếu không truyền cảm sẽ mất đi thiện cảm của công chúng.
Để làm được điều này, người dẫn cần phối hợp được khả năng diễn đạt bằng lời văn bản dẫn với khả năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với công chúng thông qua máy quay. Sự phối hợp này cần nhịp nhàng, phù hợp với nhau và với tính chất, phong cách của chương trình truyền hình đón./.
NCS NGUYỄN NGA HUYỀN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.TS Hoàng Đình Cúc - TS Đức Dũng (2007), Những vấn đề của báo chí hiện đại, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội.
2. Eric Fikhtelius (2002), 10 bí quyết kỹ năng nghề báo (biên dịch: TS Nguyễn Văn Dững, TS Hoàng Anh), NXB Lao Động, Hà Nội.
3. Đinh Thị Thu Hằng (2015), Dẫn chương trình Phát thanh – Truyền hình, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội.
4. TS Lương Khắc Hiếu (2005), Nghệ thuật phát biểu miệng (Giáo trình lưu hành nội bộ), Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.
5. Nguyễn Thế Kỷ (2011), Nói năng, giao tiếp trên đài truyền hình, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội.
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí (01:28 28/10/2024)
- Một số yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia trong thời gian tới (03:14 27/09/2024)
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay (09:38 08/07/2024)
- Phát thanh chuyên biệt về sức khỏe qua góc nhìn lý thuyết truyền thông phát triển (05:08 26/06/2024)