Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Dựng cảnh, dàn dựng và... gài bẫy

Đầu năm nay, Kanhaiya Kumar, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) bị bắt trong cáo buộc chống chính quyền. Ngay sau đó, bức ảnh Kumar phát biểu trước một bản đồ Ấn Độ bị phân chia nhiều khu vực, trong đó các bang Kashmir và Gujarat được sáp nhập vào Pakistan được tung lên truyền thông nhằm mục đích chỉ trích anh là phần tử phản quốc…

Ảnh thật và ảnh đã photoshop của Kumar. Nguồn: thelogicalindian.com

Nhưng trò gian lận ảnh bằng photoshop này đã nhanh chóng bị lật tẩy. Thực tế, Kumar phát biểu trước một bức tường dán vải. Chuyện phát hiện này không giúp Kumar thoát án tù nhưng làm một bộ phận của giới báo chí Ấn Độ xấu hổ.

Từ ảnh giả mạo

Năm nay, làng báo thế giới chứng kiến 6 vụ bê bối ảnh giả mạo như thế. Vụ đình đám nhất xảy ra ở Mỹ và dính đến một người cũng đình đám: Donald Trump - ứng cử viên Tổng thống.

Sau vài đụng chạm với Megyn Kelly, MC truyền hình của kênh FOX News, Donald Trump đã tung lên Twitter bức ảnh cô Kelly đang đứng cùng Abdulaziz,  hoàng tử Ả rập Saudi, và nói rằng hoàng tử này là đồng sở hữu FOX News. Nhưng thực tế, Abdulaziz chỉ sở hữu cổ phần 6,6% trong Công ty 21th Century Fox (chung tập đoàn nhưng không phải FOX News) và tỷ lệ này không đủ để được coi là một "đồng sở hữu". Nhưng điều đáng nói, bức ảnh mà Trump đưa lên mạng đã bị cắt ghép.

Bức ảnh giả này được nhiều báo khai thác, chia sẻ rất nhiều trên mạng và dấy lên dư luận bất lợi cho những người liên quan. Khi các chuyên gia truyền thông vào cuộc, bức ảnh ấy đã nhanh chóng được phát hiện là… hàng giả.

Giữa tháng 5 rồi, Donald Trump chính thức thừa nhận chuyện làm giả ảnh và xin lỗi công khai Kelly.

Ảnh giả trên báo thời nào cũng có, nhưng hiện nay với sự tiếp sức của công nghệ, tình trạng này càng phức tạp. Nhiều ảnh “chế” mới đây về cá chết ở miền Trung, về KCN Vũng Áng, về Tổng thống Obama lan truyền trong facebook Việt là những thí dụ. Ban đầu, có thể là trò đùa, cư dân mạng xã hội – có vô tình, có cố ý – đã chia sẻ, bình luận dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Đến clip dàn dựng

Mới đây, một kênh truyền hình phát phóng sự có cảnh một nông dân dùng chổi quét lên ngọn rau xanh, vừa quét vừa nói: "Bây giờ phải quét để giả sâu ăn". Hình ảnh đó là cảnh đặc tả của phóng sự nhằm phê phán hành vi lừa người tiêu dùng. Phóng sự cũng ghi ý kiến người mua rau về tâm lý thích chọn rau có vết sâu ăn trên lá bởi cho rằng đó mới là rau sạch và kết luận: Nông dân dùng chổi quét rau để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhiều nông dân ở xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã phản ứng dữ dội vì bối cảnh trong bài là vùng rau của họ và cho rằng phóng sự đã làm tổn hại hoạt động sản xuất, kinh doanh và uy tín vùng rau. Cơ quan quản lý vào cuộc và kết luận: tác giả phản ánh không trung thực, có dàn dựng để ghi hình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Cơ quan báo chí bị phạt hành chính 50 triệu đồng và buộc phải cải chính xin lỗi.

Trước đó mấy năm, phóng sự truyền hình “Ai chắp cánh cho thần chết?” của một đài địa phương đoạt giải B giải báo chí tỉnh và được phát trên VTV cũng bị nhân vật trong phóng sự tố cáo “dàn dựng”. Sau khi kiểm tra làm rõ, tác phẩm này bị rút giải thưởng.

Phóng sự ấy ghi hình hai thương binh, người cụt cả hai chân, người cụt tay nhưng vẫn lái xe ô tô chạy bon bon trên đường. Lời bình nhấn mạnh: cả hai đều được cấp bằng lái xe ô tô. Chỉ vì mục đích phản ánh tình trạng xuống cấp trong công tác đào tạo cấp bằng lái xe ô tô mà tác giả lại lừa dối nhân vật, dàn dựng trong bối cảnh sai bản chất, thông tin sai sự thật (thực tế, những thương binh này không có giấy phép lái xe và bị cấm lái xe).

Hai tình huống trên đều vi phạm nguyên tắc thu thập và xử lý thông tin, nguyên tắc đạo đức báo chí. Những vi phạm ấy có thể do tác giả chưa hiểu đúng về dàn dựng.

Dàn dựng là tái tạo hiện thực

Việc nhà báo nhờ nhân vật hỗ trợ, hợp tác để ghi hình khi làm truyền hình là chuyện phổ biến. Để làm phóng sự chân dung về một nghệ nhân chẳng hạn, phóng viên phải “đạo diễn” cho nghệ nhân biểu diễn nhằm ghi được những hình ảnh có giá trị thông tin. 

Nguyên tắc chung: không bóp méo sự thật, tôn trọng logic và nhân vật biết rõ mục đích ghi hình, ý đồ tác phẩm. Cách tác nghiệp này thông thường rơi vào những tác phẩm có nội dung biểu dương, ca ngợi, tích cực. Tạm gọi thủ pháp này là dựng cảnh.

Dàn dựng cũng là thủ pháp trong truyền hình (từ “dàn dựng” ban đầu không mang nét nghĩa tiêu cực), đó là thủ pháp được dùng nhiều trong phim tài liệu. Thí dụ làm phim tài liệu lịch sử, khi không có hình ảnh tư liệu, đạo diễn phải tái tạo hiện thực. Vấn đề là cách xử lý hình ảnh của đạo diễn (chuyển thành đơn sắc, dùng ngôn ngữ dựng hình, ghi chú thích bằng dòng văn bản v.v…) giúp khán giả khi xem vẫn biết được đó là những hình ảnh được dàn dựng, tái hiện.

Nhưng khi phản ánh một nội dung tiêu cực, khi muốn dùng hình ảnh để chứng minh những hành vi sai trái, xấu xa, nhà báo phải sử dụng thủ pháp điều tra để ghi hình đúng sự thật.

Không ai có thể hợp tác với nhà báo để bôi xấu chính hình ảnh của mình trên truyền thông. Khi nhà báo nhân danh các mục đích nào đó để lợi dụng nhân vật của mình thì đó là gài bẫy, là ứng xử nhẫn tâm, là vi phạm pháp luật và đạo đức, có trường hợp thậm chí có thể khởi tố hình sự./.

PHAN VĂN TÚ

(Tạp chí Người Làm Báo số tháng 6/2016)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.