Du ký trên Tạp chí Tri Tân – Đôi điều suy ngẫm

00:15 08/10/2021 - Văn hóa xã hội
Tôi thích thú đọc cuốn sách in đẹp, biên tập công phu Tinh hoa du ký trên Tri Tân tạp chí (1941-1945) do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn và Tiến sĩ Trần Bá Dung sưu tầm, tuyển chọn (NXB Thanh niên, 2021).

Du ký trên Tạp chí Tri Tân 

1. Tôi thích, bởi tôi là người đam mê chuyển dịch. Tôi từng đặt chân tới nhiều nơi trong nước ta. Tôi may mắn do nhu cầu công việc, được dịp ghé thăm nhiều nước trên thế giới. Bất kỳ đến đâu tôi cũng ước mong rồi sẽ có dịp chia sẻ với bạn đọc cảm nhận của mình về những thắng cảnh, kỳ quan còn lại từ những nền văn hóa xa xưa hoặc cuộc sống tại những quốc gia vẫn nuôi ý đồ dẫn dắt thế giới. Thật tiếc, cuối đời nhìn lại thấy những điều làm được chỉ là một hạt tiêu bé tí nhặt từ vườn hồ tiêu.

Tôi thích, bởi Tạp chí Tri Tân là ấn phẩm đã ghi dấu ấn vào tuổi thiếu niên của mình. Tôi từng đọc say mê Tạp chí ấy dù có những bài chỉ nhìn chứ không hẳn đọc vì chưa thể hiểu nội dung, như bản dịch các văn bia trong Quốc Tử Giám Hà Nội cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố cho in đều đều trên tạp chí. Đã 80 năm qua tôi vẫn còn nhớ bài Tạp chí Tri Tân ngay từ một số đầu (số 2, nếu tôi không nhầm) viết về một vị hoàng tử đời nhà Lý nước ta vượt qua bao núi rừng sông biển đến tận bán đảo Triều Tiên náu thân. Một lần sang công tác tại Hàn Quốc tôi tìm đến nhà thăm vị hậu duệ của nhà Lý, nay ông vẫn nhớ vẫn tự hào về nguồn gốc của mình. Một thời gian sau, nhân có chuyến về Việt Nam ông đã tìm gặp và biếu tôi cuốn sách vừa in bằng tiếng Việt một số bài ông viết về “cố hương” trên xứ sở con cháu Vua Hùng.

Vừa mấy tháng trước đây Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức trưng bày giới thiệu “Số 1” một số cơ quan báo chí nay đã đi vào lịch sử, tôi được nhìn lại tận mắt Tạp chí Tri Tân và đã thốt lên cảm xúc: Hóa ra khuôn khổ Tạp chí ấy là vừa phải chứ không to rộng như trong ký ức cậu bé học trò.

Nhà báo, học giả Nguyễn Tường Phượng

2. Nhà báo, học giả Nguyễn Tường Phượng, bút hiệu Tiên Đàm (1899-1974), Chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân sinh ra từ một gia đình khoa bảng lâu đời làng Nội Duệ huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Dòng họ ông thời trước từng có cụ Nguyễn Thiên Tích đỗ Trạng nguyên năm 1431, đời vua Lê Thái Tổ. Thân sinh ông, Cử nhân Nguyễn Chí Đạo từng làm quan giữ chức Án sát nhưng rồi bị Pháp cách chức vì cho là cụ có tư tưởng chống đối thực dân. Hồi nhỏ Nguyễn Tường Phượng học chữ Hán với chí sĩ Nguyễn Quyền người huyện Thuận Thành cùng Tỉnh Bác Ninh, một trong những người đồng sáng lập Đông Kinh Nghĩa thục. Năm 1941 ông cùng hai người bạn đều là học giả nổi tiếng Khái Sinh Dương Tự Quán và Hoa Bằng Hoàng Trúc Trâm sáng lập Tri Tân tạp chí, số 1 ra ngày 3/6/1941.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Một tuần sau, chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân xin được gặp và phỏng vấn Người. Bằng lời lẽ tế nhị Hồ Chủ tịch gợi ý với Tiên Đàm hướng đi của báo chí Việt Nam thời kỳ mới: “Văn hóa và chính trị rất có liên lạc với nhau... Xưa chính trị bị đàn áp thì văn hóa cũng bị đàn áp... Tinh thần cơ bản mà quý báo nêu ra từ trước (ôn cố tri tân) vẫn còn tốt, nhưng nay cần phải có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp với ý nguyện của người dân... “Tri tân” tức là phải có chính trị, dân ta đã bao năm bị đàn áp nay cần có một nền văn hóa mới”[1].

Nguyễn Tường Phượng là một trong những người đồng sáng lập Đoàn báo chí kháng chiến, tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam. Tại đại hội quy tụ nhiều nhà báo, nhà văn tên tuổi nước ta, họp tại Hà Nội năm 1946 trong tình hình cực kỳ căng thẳng, chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân được đại hội nhất trí bầu làm Chủ tịch. Tổng Thư ký là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Năm 1999, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà báo - học giả Tiên Đàm, tôi dẫn đoàn cán bộ Hội Nhà báo Việt Nam đến nhà riêng của gia đình cụ tại phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội dâng hương tưởng niệm và cùng người con trai cụ trân trọng đặt lên bàn thờ tấm Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.

3. Lời giới thiệu in đầu cuốn sách cho biết, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên tại sách Mục lục phân tích Tạp chí Tri Tân đã thống kê, qua 5 năm tồn tại tạp chí quy tụ gần 300 tác giả từ Bắc chí Nam, đóng góp khoảng 1.500 mục bài. Riêng thể loại Du ký, có 25 bài. Lần này các nhà biên soạn với cách nhìn rộng mở đã bổ sung 18 bài viết với nhiều phong cách khác nhau nhưng cùng “nằm ở đường biên thể tài du ký”.

Một cách nhìn cởi mở chuẩn xác. Trên thực tế từ xưa đến nay, và không riêng trong ngành báo chí, không hề có đường biên rạch ròi cho bất kỳ thể loại văn chương nào. Một bài du ký ghi chép qua quan sát tại chỗ, có dẫn giải tư liệu lịch sử khi cần, có mô tả cảnh quan và thông tin sự kiện, có tường thuật cuộc đàm thoại và giới thiệu chính kiến của các nhân vật trong bài, có cảm nhận và suy tư của người viết… Nhiều tác giả du ký còn nhân cơ hội này đề xuất, phản biện chính sách văn hóa của nhà cầm quyền. Nói cách khác là không ngại ngần quá bước sang lĩnh vực các thể loại nằm ở đường biên.

Theo thiển nghĩ của tôi, không riêng báo chí, truyền thông mà nhiều ngành văn hóa khác như văn học, hội họa, sân khấu, âm nhạc… từ xa xưa tới nay luôn có sự giao thoa. Từ thời thượng cổ đến kỷ nguyên số hóa, sự biến đổi diễn ra không ngừng như dòng chảy thời gian. Tiểu thuyết, chẳng hạn. Nói tiểu thuyết là nói hư cấu. Người viết tiểu thuyết qua cây bút của mình thỏa sức thể hiện mọi thứ có có không không. Có trong cuộc sống đời thường. Có nhưng lại không có, những câu chuyện ở chốn thiên đường hay chín tầng địa ngục. Rốt cuộc, tiểu thuyết thể hiện cuộc sống trần gian qua cảm nhận, kiến thức, bút pháp, tài năng của từng tác giả.

Nói tiểu thuyết là nói hư cấu. Thế mà gần đây tại nhiều nước trên thế giới xuất hiện một loại hình tiểu thuyết mới: Tiểu thuyết tư liệu. Tiểu thuyết, song lấy tư liệu làm rường cột. Tiểu thuyết, mà không hư cấu (non fiction), hoặc chỉ hư cấu một nửa (semi fiction). Trong tương lai rồi sẽ xuất hiện thêm những loại tiểu thuyết nào?

Tôi tâm đắc với ý kiến các nhà biên soạn cuốn Tinh hoa du ký... về đặc trưng giao thoa, hỗn dung nhiều thể loại trong văn du ký. Dù vậy đọc xong cuốn sách lòng tôi lại hơi có chút băn khoăn. Bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Tiến Lãng phát trên Radio Saigon (tr. 243-246) không phải là du ký. Đó là một bài chính luận thể hiện quan điểm của tác giả ủng hộ chính sách của Pháp tại Campuchia, đâu có phải là ông đi Du lịch Cao Miên như đầu đề bài viết. Bài Một bức thư xanh viết bằng lá mùa thu của nhà thơ Mộng Tuyết (tr.333-341) khiến tôi nghĩ đến tùy bút, tản văn nhiều hơn. Nói cách khác một số ít bài được các nhà biên soạn chọn lọc, bổ sung vào sách “Tinh hoa du ký…” có lẽ nên liệt kê vào một thể loại khác.

4. Các bài du ký giới thiệu trong cuốn sách mới ra dài ngắn không đều. Có bài rất hay có bài vừa phải. Bài nào cũng cung cấp cho người đọc ít nhiều kiến thức, gợi lên những cảm xúc khác nhau. Đọc du ký, chỉ cần một phút thư giãn đã là quý lắm rồi. Nếu tác phẩm làm người đọc xong hào hứng tự hỏi: Sao ta chưa thăm nơi đó nhỉ? Hay là: Thế nào ta cũng phải thu xếp để đến tận nơi! Chỉ cần có chừng ấy thôi, coi như bài du ký thành công.

Ba trăm cộng tác viên của Tạp chí Tri Tân thuộc nhiều lớp người trong xã hội ta trước Cách mạng tháng Tám 1945. Có những bậc tên tuổi đã quen thân với độc giả. Có những người mang bút hiệu nếu ngày nay được gặp, chắc ta khó biết họ là ai. Văn phong các bài du ký trên Tạp chí Tri Tân khá đa dạng. Có những bài chỉ cần đọc lướt qua đã biết tác giả là một vị thâm nho, văn chương phảng phất dáng biền ngẫu, từ vựng xen nhiều từ cổ, như Trúc Khê Ngô Văn Triện, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Biệt Lam Trần Huy Bá… Lại có những bài văn phong không mấy khác lối viết sách báo ngày nay. Bài của nữ sĩ Vân Đài, Bốn năm trên đảo Các Bà (Các Bà là từ tác giả dùng và lý giải) có nhiều thông tin độc đáo, giúp chúng ta hiểu biết nguồn cội, cảnh quan, sinh hoạt của cư dân đảo Cát Bà cách đây những 90 năm, công bố trên tạp chí đã 80 năm về trước mà đọc vẫn thấy nhẹ nhàng.

Tôi tin, bạn đọc nào từng có một chuyến thăm hồ Ba Bể ngày nay, khi xem loạt bài du ký dài bằng cả cuốn sách nhan đề “Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể” của Nhật Nham Trịnh Như Tấu xuất hiện trên tạp chí suốt bốn tháng liền, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1942, sẽ ngạc nhiên: “Không ngờ đất nước ta, dù phải trải qua bao ngày gian khó vẫn thay đổi nhanh tới mức khó hình dung”.

5. Như người ta vẫn nói văn phong mỗi người một cách, chẳng ai giống ai. Đọc một số bài du ký in lại trong sách tôi nảy ra ý lẩn thẩn dù biết khó thực hiện là trích dẫn dăm ba câu mình tâm đắc giới thiệu với bạn đọc.

Qua bài “lữ ký” từ Hà Nội vào Tây nguyên (lữ ký là chữ tác giả dùng), Trần Huy Bá trình bày một bức tranh toàn cảnh có chiều sâu, dù có khi hơi dài dòng. Tác giả ghi chép chi tiết những điều mắt thấy tai nghe, giúp người đọc hình dung hành trình xuyên Việt lắm gian nan thời trước. “Ba giờ chiều lên toa xe lửa hạng ba rời ga Hà Nội ngồi một mình cùng mấy người Tây đen bán vải đi Sài Gòn…, tứ cố vô thân…, mãi đến chín giờ tối hôm sau chuyến tàu tốc hành mới đến được ga Ninh Hòa. Ra cửa ga, đã thấy người của các hàng cơm đứng đón dẫn về lữ quán… (tr. 77-78).

Con đường bộ dài 163 cây số từ Ninh Hòa lên Ban Mê Thuột càng vất vả hơn. “...Gió lốc cuốn tung cát đỏ, phủ kín ô tô. Đằng trước mặt, những ngọn lửa ngất trời đang tự do đốt cây thiêu cây cỏ, làn khói tỏa mờ phủ kín lối đi. Khí nóng như thiêu. Thế mà xe vẫn chạy vào cái hầm lửa ấy... Chim chóc, thú vật trong rừng thấy lửa cháy nhớn nhác chạy hoài” (tr.79).

Ban Mê Thuột lỵ sở của tỉnh Đắk Lắk thành lập năm 1899, đến ngày tác giả đặt chân tới năm 1941, “phố xá vắng vẻ, tuyệt nhiên không có một chiếc xe kéo, cả đến hàng giải khát cũng không. Đi hết một vài phố chính ra đến phố chợ mới thấy được một số nhà hàng của người Việt: Hiệu thuốc tây, hiệu chụp ảnh, hiệu cắt tóc và vài hiệu cao lâu”.

Cuối chuyến đi trở về Hà Nội, những người thân ra ga đón tác giả ngạc nhiên: “Nước da tôi đen đủi và người tôi sút đi nhiều. Ấy là tôi đã được nghỉ ngơi nhiều chặng mà còn thế đó”.

Chúng ta thử liên hệ cảnh tượng trên với thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay.

6. Báo chí khác văn học. Các bài báo ngắn gọn, đi thẳng vào chủ đề, không uốn éo làm văn chương. Tuy vậy ngày nay dường như có những người làm báo do quá chuộng ngắn, gọn, nhanh mà bất cần cú pháp, từ vựng. Văn phong tây không ra tây, tàu không ra tàu, dùng quá nhiều từ nước ngoài làm cho tiếng Việt giảm sự trong sáng và nhuần nhị làm nên bản sắc của nó.

Tác phẩm báo chí phải đúng, trúng, nhanh, hay. Có hay mới đủ sức cuốn hút, được nhiều người quan tâm. Du ký là một thể loại báo chí hấp dẫn. Người viết du ký chẳng mấy ai có chủ định làm văn chương. Họ diễn tả thực tại qua cảm nhận và hiểu biết của mình vậy mà người đọc lại hào hứng say mê.

Hãy đọc Nhật Nham: “…Anh phu gánh hành lý chạy rất nhanh, chúng tôi cần phải theo gần để tránh bất trắc, khỏi lạc lối và không quá muộn để còn kịp lên chuyến xe… Khi xuống dốc lúc trèo đèo, thi thoảng qua cây cầu gỗ trên có nóc che bắc qua suối. Trên đỉnh núi là rừng xanh, dưới chân đồi là suối bạc... Trong các thung lũng ruộng lúa xanh tím, cỏ cây mơn mởn, ngựa thả, trâu ăn... Xa trông những dãy núi, lơ lửng có nhà của người Mèo làm cạnh những miếng nương trông như chiếu giải (tr. 113-114)… Xa xa trong rừng thẳm, văng vẳng tiếng nhạc tre. Thì ra người Thổ nuôi trâu không phải chăn dắt, cứ thả rông trong rừng cho nên phải đeo nhạc cho trâu để biết nơi trâu ăn cỏ mà tìm cho dễ...” (tr.131).

Hãy xem Dương Kỵ: “Một buổi chiều vàng vô cùng diễm lệ. Ánh sáng huy hoàng tràn trề trên sườn rặng núi ở phương Tây rồi tưng bừng chảy xuống sông Hương đang nhẹ nhàng uốn mình giữa hai bờ cây rậm lục. Trên trời vô cùng cao, trôi những đám mây vàng đỏ, xen vào có những vệt mây gợn sóng màu hồng phớt, xanh xanh tim tím tựa hồ những nét bút bồi hồi mà nhà nghệ sĩ Thiên nhiên trong lúc cao hứng…vội vã phết lên lụa mà ghi những cảm giác mong manh...” (tr. 295).

Hãy nghe Vân Đài: “Thuyền dần dần xa bến. Gió bể réo vào thuyền... Chỉ một chút gió phớt qua, một chút lạnh lùng đưa lại, lòng tôi đã gây gấy lên một cơn sốt nhẹ nhàng nhưng sôi nổi để tha thiết những cái gì cao cả mênh mông của vũ trụ, những cái gì chân thật, vĩnh viễn, không giả dối, không khinh bạc của loài người. Phải chăng gió với mây, trăng với nước là bạn chí thân của những tâm hồn ẩn dật” (tr. 318).

Trong báo có văn, trong văn có báo. Cuộc đời có bao giờ thiếu vắng sự giao thoa.

7. Gấp cuốn sách dày in chữ cỡ nhỏ, bên cạnh những dòng viết “tinh hoa”, đọc một số bài khiến tôi nhớ lời nhà phê bình văn học Nga Vissarion G. Belinsky (1811-1848) sau khi đọc Những bức thư của một lữ khách Nga của nhà văn, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Saint-Petersburg Alexei N. Karamzin (1766-1826):

“Nhà văn Karamzin lên đường làm một cuộc viễn du sang Ý và Thụy Sĩ. Thật là cơ hội tuyệt vời cho ông, có dịp trình bày với bạn đọc của mình những cảnh tượng kỳ vĩ làm mê mẩn lòng người qua những thành quả văn hóa lâu đời, những nền văn minh và hệ thống giáo dục ở mấy xứ đại diện cho nhân loại... Công việc ấy đối với Karamzin thật dễ dàng. Chẳng phải là ngòi bút của ông lúc nào cũng hùng biện. Chẳng phải là ông vẫn được độc giả cùng thời tín nhiệm đó sao.

Ấy thế mà thay vào thế mạnh ấy, nhà văn ta đã làm như thế nào? Vị lữ khách giúp chúng ta hiểu thêm được những gì? Trước hết và trên tất cả mọi thứ, tác giả cho biết ông vừa dùng bữa trưa ở đâu, ăn tối tại nhà hàng nào, trả hết bao nhiêu tiền cho mỗi bữa; rồi tiếp đến là chuyện ông N. tán tỉnh bà K...

Nếu chỉ để viết ngần ấy thôi thì có cần tác giả phải cất công đi xa đến vậy?”[2].

Phan Quang


[1] Tạp chí Tri Tân, số 205 ra ngày 20-9-1945.

[2] Lược trích từ Mơ mộng văn chương, bản dịch tiếng Pháp, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top