Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Đổi mới và đạo đức nghề báo

15:39 01/03/2017 - Văn hóa xã hội
Các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp báo chí được thể hiện thành văn bản và lưu hành từ cuối thế kỷ XIX, tuy nhiên, đối với nước ta, nó là sản phẩm của đổi mới, gắn kết cùng đổi mới.

Hãy cùng nhau thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo vừa ban hành, rồi qua thực tiễn, tiếp tục hoàn chỉnh cho ngày càng tốt hơn. Ảnh minh họa
 

Bản Quy định đạo đức nghề nghiệp vừa được Ban Chấp hành Hội thông qua (dưới đây gọi bản 2016), có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 cùng Luật Báo chí, ngắn chưa tới 400 từ, vẫn thể hiện rõ quan điểm của chúng ta về sứ mệnh của báo chí, nghĩa vụ và cách hành xử của người làm báo chí, truyền thông.

Nhiều giá trị văn hóa liên quan đến đạo đức nghề báo

Nói Quy định đạo đức nghề báo (dưới đây gọi Quy định) là sản phẩm của đổi mới và gắn kết với đổi mới, trước hết ở chỗ, bản quy định qua ba lần bổ sung, sửa đổi, đã thể hiện tư duy đổi mới do Đại hội VI của Đảng thông qua 30 năm trước: Đổi mới là thay đổi những gì không phù hợp với cuộc sống; đổi mới trên cơ sở kế thừa di sản của ta và tiếp thu tinh hoa nhân loại; đổi mới là đổi thay liên tục theo định hướng do ta lựa chọn, tương thích với quá trình tiến hóa của loài người, vì lợi ích trước hết của nhân dân ta, đất nước ta.

Chúng ta quả quyết: “Mục tiêu cao cả của báo chí Việt Nam là phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (Điều 1, bản 1995), “Người làm báo Việt Nam nguyện tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” (bản 2005). Bản 2016 giữ nguyên, có bổ sung “...vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”.

Về chính trị, báo chí đối với họ là vũ khí các phe phái dùng gây ảnh hưởng, giành giật cử tri; về kinh tế, báo chí phản ánh các lợi ích nhóm cạnh tranh, kéo về mình càng nhiều “thượng đế” càng tốt; về đối ngoại, báo chí là phương tiện đả kích, vu cáo đối phương, nhân danh cái này, cái nọ bới móc chuyện nước khác trong khi những vụ bê bối động trời nhất tại nước họ, tức là quốc gia mà họ có bổn phận công dân, thì họ phớt lờ hoặc thông tin qua loa cho phải phép.

Đó là nói về các ông chủ báo. Còn tuyệt đại đa số các nhà báo trên thế giới là những người có lương tri, họ tán đồng nhiều nguyên tắc đạo đức như chúng ta, đòi hỏi người làm báo phải “thực hiện quyền thông tin của nhân dân” (bản 1995), “luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân” (bản 2005). Bản 2016 viết: “Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền, v.v..”. Nói thực hiện Hiến pháp, nhìn từ góc độ nghề nghiệp là “phục vụ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền của công dân tiếp cận thông tin” ghi tại Điều 25 Hiến pháp, nói thực hiện Luật Báo chí, là thi hành quyền tự do ngôn luận của công dân qua báo chí thể hiện tại Điều 11 luật này.

Nhiều giá trị văn hóa liên quan đến đạo đức nghề báo được đông đảo loài người công nhận, đều thể hiện tại cả 3 bản năm 1995, 2005 và 2016. Người làm báo nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người, không xâm phạm đời tư người khác; bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tôn trọng đa dạng văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng đại đoàn kết dân tộc, đề cao tình hữu nghị giữa các quốc gia, không kích động bạo lực, không khơi gợi hận thù... Về tác nghiệp, người làm báo phải khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật, không cắt xén, cường điệu, xuyên tạc. Nhà báo tôn trọng đồng nghiệp, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau...

Khuôn khổ bài viết không cho phép chúng tôi dẫn chứng nhiều và phân tích kỹ hơn, xin tóm gọn: Các giá trị văn hóa - đạo đức của báo chí Việt Nam được thể hiện ổn định tại các bản quy định qua 3 lần sửa đổi. Để hình thành bản đầu tiên năm 1995 (hồi đó gọi Quy ước) chúng ta căn cứ vào thực tiễn Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, chủ yếu là bản “Những nguyên tắc quốc tế về đạo đức nghề nghiệp người làm báo” do Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ soạn thảo dưới sự bảo trợ của UNESCO, sau 4 năm bàn thảo (1978 - 1982) đã nhận được sự đồng tình của 400.000 nhà báo thuộc các Liên đoàn báo chí liên quốc gia và khu vực - bao gồm CAJ tức Liên đoàn báo chí các nước ASEAN mà Việt Nam ta nay là một thành viên chủ chốt.

Chúng ta đã tổ chức nhiều hội thảo khu vực và quốc gia, tạo điều kiện cho đông đảo nhà báo tham gia tranh luận, phản biện dự thảo do Thường trực Hội chuẩn bị trước khi trình Đại hội của Hội thông qua. Lần sửa đổi này, kết hợp nghiên cứu Luật Báo chí 2016, nhiều cuộc bàn thảo cũng đã tiến hành tại các cấp Hội. Đổi mới là ở chỗ đó: mỗi lần chuẩn bị ban hành chính sách, pháp luật, quy chế có quan hệ đến đông đảo người dân (hay đến nhiều người), cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, đề xuất trước, rồi đưa ra bàn thảo, phản biện công khai, nhằm lựa chọn dạng bản trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nhà báo tôn trọng đồng nghiệp, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Ảnh minh họa

Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức

Đổi mới là đối mặt với cơ hội và thách thức, là tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức. Ý tưởng đó thể hiện tại các quy định của chúng ta ở những chỗ nào?

Bản 1995 có nói đến “sự liêm khiết của nhà báo”. Liêm khiết là yêu cầu đối với mọi người tự trọng ở bất cứ thời đại nào. Ngày nay, với sự bùng nổ thông tin, báo chí phát triển ồ ạt, tình trạng người làm báo ngồi nhà gõ máy “đạo báo, đạo văn” ngày càng nhiều. Luật Sở hữu trí tuệ (1) đã ban hành, song việc “cắt, dán”, thậm chí bê nguyên xi công trình của người khác làm tác phẩm của mình, càng dễ dãi. Không ít người làm báo xa rời tôn chỉ, mục đích cơ quan mình làm việc, nhận lương của báo này nhưng làm cho báo khác là chính. Đáng quan tâm là nhận thức chưa đúng về quyền tự do ngôn luận, phát ngôn thiếu thận trọng, sử dụng không kiểm tra nguồn tin từ mạng xã hội... Bản 2016 vì vậy nhấn mạnh hơn thực tế này.

Một vấn đề nhiều người trăn trở: Quy định đạo đức nghề nghiệp ban hành đã lâu, tại sao chưa đi vào cuộc sống? Theo chúng tôi, tại ta thiếu sự ràng buộc. Bản 2016 bổ khuyết. Điều 10 (điều cuối), đòi hỏi người làm báo “cam kết thực hiện 9 điều trên” (tức toàn văn Quy định), coi “đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo”. Đã “cam kết”, đương nhiên người cam kết tự nguyện chịu một hình thức “chế tài” nào đó tùy thuộc mức độ, trong trường hợp mình vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Trên đây chúng tôi đề cập những cái được trong quá trình đổi mới Quy định đạo đức nghề báo. Như vậy không có nghĩa coi bản 2016 là toàn bích. Nếu tiếp tục trao đổi, chắc vẫn còn có ý kiến về ý tứ, ngôn từ, cách diễn đạt... Đó là chuyện đương nhiên. Từ xưa đến nay và bất kỳ ở đâu, không có văn bản pháp quy, chính sách, quy chế nào 100% hoàn hảo. Bởi mọi hoạt động quản lý, điều hành xã hội đều tùy thuộc vào cuộc sống, vì cuộc sống, mà cuộc sống xã hội biến đổi không ngừng. Nói cách khác, chớ nên cầu toàn. Hãy cùng nhau thực hiện Quy định vừa ban hành, rồi qua thực tiễn, tiếp tục hoàn chỉnh cho ngày càng tốt hơn, sát thực tiễn hơn, trở thành nếp tác nghiệp của chúng ta./.

Phan Quang

(1) Theo tôi, nên dùng “Luật Sở hữu trí tuệ” thay cho “Luật bản quyền” như viết tại Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam vừa được Ban Chấp hành Trung ương Hội thông qua

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top