Đổi mới chính trị để chống “giặc nội xâm” (Bài 5)

Khi cán bộ còn hạn chế nhiều mặt, rất cần có sự giám sát để hoàn thiện mình và giảm nguy cơ vi phạm pháp luật.

Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra nhiều quyết sách có ý nghĩa quan trọng. Ảnh: TL

Cũng như đặt vấn đề trong bài 4 về đổi mới kinh tế, bài viết này không cắt nghĩa lý do, nội dung, giải pháp đổi mới chính trị hiện nay sau 30 năm Đảng ta đã tiến hành sự nghiệp đổi mới. Vì đã có nhiều nhà lý luận phân tích toàn diện, sâu sắc về đổi mới chính trị gắn liền với đổi mới kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Giờ đây truy cập vào mạng Internet, chúng ta có được đầy đủ thông tin cần nghiên cứu về vấn đề này.

Bài viết này chỉ muốn đi sâu phân tích một vài giải pháp cụ thể, suy nghĩ đôi điều về đổi mới chính trị để chống “giặc nội xâm”.

Từ chế độ tập quyền, “ tập trung quyền lực nhà nước vào sự lãnh đạo của Đảng , thực hiện nguyên tắc  Đảng lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp”.

Trước hết cần nói ngay rằng, chúng ta xoá bỏ kinh thế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đi liền với sự chuyển đổi này về kinh tế, thì về chính trị là chuyển sang chế độ pháp quyền.

Thay đổi, không đi theo lối mòn cũ

Không triệt để đổi mới sẽ đối mặt với nguy cơ thay đổi

Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo của mình bằng cách đề ra cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách. Nội dung này thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc và các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm chuyển tải nội dung Nghị quyết của Đảng vào các Văn bản pháp luật, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình sau khi ra nghị quyết là công tác kiểm tra ,giám sát đồng thời  phát huy vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm chấp hành nghị quyết của Đảng.

Thế nhưng, một trong những sai lầm chết người là với việc duy trì quá lâu cơ chế xin cho. Vì thế mà chúng ta không phân biệt rạch ròi trong nội dung phương thức lãnh đạo của đảng.

Nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đã có pháp luật điều chỉnh , nhưng Đảng , Chính phủ vẫn can thiệp cụ thể , vẫn theo thói quen của chế độ tập quyền.

Sự níu kéo của cơ chế xin cho và không rạch ròi trong phương thức lãnh đạo của Đảng đã góp phần làm cho một bộ số cơ quan công quyền xa rời dân chủ, không thực thi triệt để dân chủ.

Trên thực tế, nhiều nơi Bí thư cấp uỷ như “vua con”, làm cho hoạt động quản lý nhà nước thiếu chủ động, lệ thuộc quá lớn vào thái độ và trách nhiệm của cấp uỷ. Kể cả những lĩnh vực, khi xử lý các vấn đề, vụ việc cụ thể đã có có các văn bản pháp luật điều chỉnh, nhưng vẫn phải xin chủ trương của cấp uỷ. Đôi khi chủ trương của cấp uỷ và pháp luật thiếu thống nhất.

Có một vấn đề thuộc về nguyên nhân mà làm cho thói quen lãnh đạo của Đảng theo chế độ tập quyền vẫn cứ tồn tại, chính là công tác cán bộ.

Dường như  tất cả cán bộ đều do Đảng quyết định. Kể cả cán bộ dân cử thì việc bầu cử ai đều bị chi phối theo ý chí của những người có quyền, có tiền chi phối cấp ủy. Có những việc cơ quan Nhà nước , tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp… không cần phải xin chủ trương của cấp ủy nhưng vì muốn được lòng bí thư, được lòng cấp ủy để ghi điểm cho quá trình thăng tiến, nhiều cán bộ cơ hội vẫn báo cáo xin ý kiến cấp ủy, bí thư. Thói quen theo chế độ tập quyền  đã tuyệt đối hóa quyền lực của Đảng. Quyền lực không được giám sát, kiểm sát sẽ bị suy thoái.

Văn bản báo cáo tại các hội nghị, tham luận, ý kiến phát biểu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phần lớn đều thông tin một chiều, theo lối mòn cũ, tệ “ăn theo, nói leo” hình thành như là một thứ văn hoá làm cho quyền lực tư tưởng cũng tập trung cao.

Nhiều diễn đàn, hội thảo, toạ đàm, hội nghị... trí tuệ của người khác được biến thành kiến thức sở hữu của những người có quyền lực. Nhiều vị lãnh đạo trình bày tham luận, đứng tên đăng các bài viết trên báo chí do người khác chuẩn bị, được báo chí ca ngợi, truyền tụng. Trong lúc nhiều người dân có những phát ngôn rất thiết thực, có những sáng kiến có giá trị, có khi không được ai nhắc đến...

Thực trạng trên đã cản trở sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, và cũng góp phần làm cho tổ chức, biên chế trong hệ thống chính trị không giảm được và ngày càng phình ra. Khi cán bộ công chức suy thoái, số lượng tổ chức và biên chế tăng lên như là “sân chơi” tạo quan hệ để củng cố địa vị, tạo thêm danh và lợi cho cá nhân có quyền lực.

Có những điều phi lý vẫn tồn tại quá lâu, như tổ chức bộ máy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhiều bộ phận có chức năng giống nhau, chồng chéo. Điều này phản ánh  phương thức lãnh đạo của Đảng chưa rõ ràng, rành mạch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri. Ảnh: VGP

Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo để chống “giặc nội xâm”

Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là nội dung lẽ ra phải được nhấn mạnh thường xuyên trong quá trình đổi mới. Lẽ ra từ những nhiệm kỳ trước, khi chúng ta công bố Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN, thì bộ máy hành pháp của chính phủ sẽ được xây dựng bảo đảm chế độ pháp quyền, xã hội pháp quyền. Vì nội dung này không được nhấn mạnh thường xuyên và cùng với sự suy thoái của đội ngũ cán bộ công chức nên đã khiến các cơ quan chính phủ, các bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân các địa phương, biên chế thì ngày càng phình ra, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội ngày càng kém đi.

Thậm chí nhiều nơi, nhiều cấp còn làm sai lệch bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đến khi chúng ta nhận diện ra và thừa nhận với nhau rằng, thể chế, hệ thống lãnh đạo, điều hành đất nước của chúng ta có vấn đề không ổn,  thì việc nói đến xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo là quá muộn.

Tuy nhiên, muộn còn hơn không. Vấn đề xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phải được nằm trong tổng thể của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, đồng thời gắn liền với sắp xếp lại và tinh giản biên chế cả hệ thống chính trị.

Cốt lõi của xây dựng Chính phủ vẫn là chất lượng cán bộ công chức và phân định chức năng nhiệm vụ của cơ quan, ban, ngành, đơn vị... trong hệ thống. Trong đó có một vấn đề cần lưu ý là, cơ quan nhà nước không tham gia kinh doanh, không cung cấp dịch vụ công, những công việc đó là của doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập và giao cho các khu dân cư. Xác định, phân định chức năng nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là để sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước.

Việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế có hai vấn đề liên quan đến hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng suy thoái:

Một là, những ngành, lĩnh vực, nhiệm vụ lâu nay cơ quan nhà nước quản lý kém hiệu quả, dễ phát sinh tham nhũng nên nghiên cứu giao cho khu dân cư tổ chức thực hiện, thông qua hợp đồng trách nhiệm. Như quản lý trật tự xây dựng, môi trường, an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, quản lý thuế...

Có nhiều người đặt vấn đề rằng, có nên thành lập ra các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước để làm nhiệm vụ mà khu dân cư có thể đảm nhiệm được và thực hiện có hiệu quả hơn. Nhiều nơi, thanh niên được học hành tử tế, không có việc làm, phải bôn ba, bươn chải kiếm sống, lại không được tạo điều kiện có việc làm ngay chính nơi mình sinh ra. Trong khi lực lượng lao động một số ngành như nêu ở trên, Nhà nước phải chi ngân sách trả lương, chi phí cho thực hiện nhiệm vụ quá cao, nhưng lại là nơi nẩy sinh nhiều tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Chúng ta đang chấp nhận những người làm quản lý thị trường, quản lý môi trường, trật tự xây dựng, an toàn thực phẩm... vừa hưởng lương nhà nước, vừa hưởng bổng lộc và nhận hối lộ trong các hang cùng, ngõ hẻm không ai kiểm soát. Tiền thì ông vẫn cứ nhận, nhưng cuộc sống của người dân phải chịu nhiều mối đe doạ.

Hai là, trong sắp xếp tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế, có một vấn đề đi kèm rất quan trọng đó là cải cách chế độ tiền lương. Việc cải cách chế độ tiền lương cần nghiên cứu kỹ lưỡng có bước đi phù hợp. Trước mắt, nơi nào không giảm được biên chế, mà nhiệm vụ không ảnh hưởng đến các vấn đề quan trọng của xã hội, của đất nước, nên khoán quỹ lương.

Mức khoán cho từng cơ quan, đơn vị tối đa chỉ bằng 2/3 quỹ lương năm 2017. Không giảm được người thì giảm tiền. Tự lo của mỗi cơ quan, đơn vị, nhà nước sẽ giảm nhiều gánh nặng và nhiều hệ luỵ tiêu cực. Chúng ta cần chấp nhận trả lương cao. Cần trả lương cho 100 người để thực hiện tốt nhiệm vụ, quản lý tốt tài sản còn hơn trả lương 300 người mà nhiệm vụ kém hiệu quả, tài sản bị thất thoát lớn, không ngăn chặn được suy thoái tham nhũng.

Chúng ta không chỉ tư duy là giảm được người trong biên chế là giảm được gánh nặng ngân sách mà cần phải tư duy sâu hơn. Công thức mà chúng ta lựa chọn là:

-Thời gian qua: Quỹ tiền lương (A) thất thoát lãng phí (B)

-Thời gian tới: Quỹ tiền lương (C) thất thoát lãng phí (D)

Chúng ta phải hóa giải để đạt được: (C+D) < (A+B) với điều kiện C nhỏ hơn hoặc bằng A (trong đó Lương mỗi người được tăng lên ít nhất gấp 4 lần Lương hiện tại). Thất thoát lãng phí cũng phải giảm đi gần 100%.

Trước đây tiền lương thấp, thất thoát lãng phí tiền ngân sách, giá trị tài nguyên đất nước cao. Nay chấp nhận tiền lương cao để giảm mức thấp nhất thất thoát lãng phí.

Thực thi dân chủ để chống “giặc nội xâm”

Hiến pháp nước ta đề cao quyền con người và quyền dân chủ của nhân dân, nhưng trên thực tế mất dân chủ và dân chủ hình thức vẫn phổ biến. Khi nạn tham nhũng phát triển tràn lan, cán bộ, công chức suy thoái nhiều thì nạn mỵ dân, hành dân phát triển; “giặc nội xâm” đang hoành hành, càn quấy chống phá, kéo theo hiện tượng mất dân chủ cũng tăng lên ngày càng nghiêm trọng.

Ngay cả các Hội nghị bàn về chủ trương, chính sách, các biện pháp thực hiện nhiệm vụ, chống tiêu cực… phổ biến ở nhiều nơi chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý được phát biểu. Dân chủ không thực chất cũng là một căn nguyên làm sai lệch bản chất chế độ mà gốc rễ của vấn đề cũng từ sai lầm, sơ hở trong công tác cán bộ mà ra. Nếu ở đâu, người đứng đầu có tâm, có tầm và liêm chính thì dân chủ ở đó được bảo đảm.

Có hai hình thức quan trọng vừa thực thi dân chủ, vừa lựa chọn bố trí cán bộ không nhầm chỗ, sai chỗ, chính là bầu cử và thi cử. Trong bối cảnh toàn dân cùng Đảng quyết liệt chống tham nhũng, phần lớn người dân mong muốn bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ tới sẽ được đổi mới, để vừa thu hút được người đức tài phục vụ đất nước, vừa đưa cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đi tới thành công.

Đảng, Nhà nước cần phải đặt lộ trình bảo đảm tính minh bạch, công khai trong các hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.

Trên thực tế hiện nay, ở nhiều xã, phường, cơ quan, đơn vị có tổ chức mặt trận, công đoàn, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ… nhưng thiếu sức chiến đấu, không có tiếng nói độc lập. Nhiều nơi làm bình phong cho tham nhũng để cùng tham nhũng. Lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ được bảo vệ chặt chẽ. Theo đó, là sự suy thoái, tha hóa, tự chuyển hóa rất nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp để tháo gỡ. Cấp trên cần sâu sát, nắm chắc, đánh giá đúng tình hình ở cơ sở để có các biện pháp hiệu quả.

Những nơi cấp ủy Đảng, chính quyền thiếu trong sạch, không còn sức lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ công chức chuyên tâm đục khoét tài sản công, vun vén lợi ích cá nhân, cần phải áp dụng các biện pháp mạnh, như thanh lọc, kỷ luật, cho thôi việc những người thiếu trách nhiệm, tiêu cực, xử lý nghiêm người đứng đầu, điều chuyển sắp xếp lại cán bộ… không để kéo dài sự yếu kém ở các đơn vị cơ sở.

Trong phát huy dân chủ, cần hình thành nét văn hóa mới. Những phát ngôn trên báo chí và mạng xã hội, mang tính chỉ trích với động cơ xây dựng nên khuyến khích. Báo chí của ngành, địa phương cần khắc phục sự cản trở và khuyến khích việc lên án, chỉ trích các yếu kém, vi phạm của ngành, địa phương mình. Chúng ta sợ bêu xấu khi làm sai, sẽ không sửa được kịp thời việc làm sai. Chúng ta sợ minh bạch là môi trường dung dưỡng cái xấu, cái ác.

Khi cán bộ còn hạn chế nhiều mặt, rất cần có sự giám sát và chỉ trích của người dân, để hoàn thiện mình và giảm nguy cơ vi phạm pháp luật. Lựa chọn văn hóa chỉ trích chính quyền là lựa chọn con đường dân chủ, con đường khôn ngoan của cán bộ lãnh đạo các cấp, vừa kiểm soát được công việc của cấp dưới vừa soi chiếu lại công việc của mình./.

Nguyễn Hòa Văn

SERIES: “Binh pháp” chống “giặc nội xâm”

>>> Bài 1: Nhận thức về cuộc chiến chống "giặc nội xâm"

>>> Bài 2: Yêu cầu chính trị và pháp luật trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”

>>> Bài 3: Để cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thắng lợi

>>> Bài 4: Đổi mới kinh tế để chống “giặc nội xâm”

>>> Bài 5: Đổi mới chính trị để chống “giặc nội xâm”

        

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top