Độc đáo làng nghề comple Vân Từ
16:51 27/10/2016
- Văn hóa xã hội

Khởi nguyên làng nghề
Vân Từ là một xã rộng của huyện Phú Xuyên, trong xã có tất cả 10 thôn, trong đó có hai thôn chủ lực làm nghề may comple, veston đó là thôn Từ Thuận và thôn Chung, những thôn khác trong xã cũng có nghề nhưng thường là làm thuê cho các cửa hàng lớn.
Những năm đầu của thế kỷ XX, nước ta còn đang trong thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ, đời sống nhân dân khó khăn phải chịu sưu cao thuế nặng của cả thực dân lẫn phong kiến. Để có một công ăn việc làm tốt hơn và phù hợp với xu thế xã hội hơn, một tốp thanh niên làng Từ Thuận đã rủ nhau lên nội thành Hà Nội học nghề may comple, veston, lúc đó comple, veston chủ yếu để phục vụ cho tầng lớp thượng lưu và người Pháp nên giá cả khá cao.
Cổng làng nghề may Vân Từ vào một chiều thu
Nhờ sự chăm chỉ và khéo léo của tốp thanh niên đó, họ đã thành thạo nghề và mang nghề về mảnh đất Từ Thuận rồi truyền nghề cho mọi người trong làng, lúc đó Từ Thuận vẫn là một làng thuần nông nên nghề may comple, veston cũng rất khó phổ biến. Sau này, do chiến tranh mà làng nghề tưởng chừng như mất hẳn, chỉ còn dăm ba hộ làm thủ công tại nhà với máy móc thô sơ và chất lượng sản phẩm không cao.
Đến năm 1992, nhiều cụ cao niên trong xã còn giữ được nghề đã đề xuất với chính quyền xã Vân Từ cho mở hai lớp dậy nghề may comple, veston và đã thu hút được trên dưới 70 học viên trong toàn xã, từ đó nhiều “tài năng” trẻ được phát hiện, làng nghề được lan rộng ra cả xã, nên nếu gọi chính xác phải là “xã nghề may comple, veston Vân Từ”.
Hiện nay, toàn xã có khoảng 1500 hộ, có khoảng 65% làm nghề, đây chính là nguồn thu nhập chính của người dân Vân Từ, nhiều hộ gia đình có quan hệ buôn bán với các thương lái nước ngoài, comple, veston của Vân Từ cũng nhiều lần tham gia triển lãm, hội chợ hàng may mặc trên toàn quốc và quốc tế.
Ngày càng một phát triển
Trước những năm 90 của thế kỷ trước, đa phần các hộ trong xã Vân Từ đều sản xuất comple, veston thủ công tại nhà hoặc may thuê cho các công ty trên nội thành Hà Nội mà chưa có mối hàng làm ăn riêng. Họ sử dụng những chiếc máy may đơn dận bằng chân trong một thời gian dài sau đó mới dần dần chuyển sang máy may chạy bằng điện.
Những bộ comple của Vân Từ luôn có những nét khác biệt với hàng công nghiệp
Khi đất nước mở cửa, hàng hóa lưu thông mạnh hơn, đặc biệt là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin mà nhiều mối hàng lớn đã tìm về những cửa hàng may nhỏ lẻ ở Vân Từ đặt hàng. Từ đó nhiều công ty được thành lập, thậm chí có nhiều người còn mạnh dạn đi các tỉnh thành lập công ty, khiến cơ cấu kinh tế của Vân Từ có bước chuyển biến rõ rệt.
Điều đặc biệt ở chỗ, may comple, veston vừa là công việc cho lao động chính vừa là việc làm thêm cho lao động phụ, từ người trưởng thành, người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất comple, veston. Anh Nguyễn Hữu Tính, chủ một cửa hàng sản xuất và buôn bán comple xã Từ Thuận cho biết: Ở làng, từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể ngồi vào máy khâu được, rảnh lúc nào đều có thể làm, giờ nghề đã trở nên phổ cập trong toàn xã.
Tìm hiểu về thu nhập cụ thể của gia đình, anh Tình chia sẻ thêm "Nhà tôi có cửa hàng nhỏ, thu nhập cũng có tháng cao, tháng thấp nhưng bình quân cũng được 5-6 triệu/tháng, lao động chủ yếu toàn là người nhà, còn các công ty thì họ thuê thêm công nhân thu nhập cũng ổn định".
Để làm nên thương hiệu cũng như giữ được thương hiệu, comple veston Vân Từ có những đặc điểm riêng để tồn tại và phát triển, đó là vải có tới 4 lớp gồm vải, mùng, lót, bong làm cho sản phẩm dầy hơn, bền hơn không bị nhàu và phai màu khác hẳn với các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp hiện nay. Do là may thủ công và theo sát mọi quá trình sản xuất nên com ple, veston Vân Từ không bị mắc những lỗi nhỏ như dư chỉ thừa, đường chỉ chạy lệch hay các túi may không đều giống như may công nghiệp.
Cụ bà ngoài 80 tuổi cũng có thể tham gia vào các công đoạn làm comple
Nhưng comple veston cũng không phải được sản xuất mạnh, đều đặn quanh năm mà cũng có thời vụ riêng, đó chính là thời điểm cái lạnh ở miền Bắc xuất hiện, các hộ trong xã lại nô nức huy động nhân công để sản xuất với số lượng lớn. Trong làng những ngày cận và sau Tết Nguyên đán gần như cả làng đều mặc comple ra đường, từ trẻ nhỏ, ông già đến nam thanh niên như một sự tự hào về làng nghề trăm tuổi.
Dạo quanh xã Vân Từ, đặc biệt là làng Từ Thuận rất khó bắt gặp được căn nhà mái nào vì giờ nhà cao tầng đã mọc lên gần như cả làng, đấy là còn chưa kể nhiều gia đình làm ăn phát đạt mua đất và làm nhà ở các tỉnh khác. Đường làng, ngõ xóm khang trang khác hẳn những gì người ta tưởng tượng về một vùng quê ngoại thành Hà Nội.
Nhiều gia đình còn cho con mình học dệt may ở Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội với mục đích về phát triển mạnh hơn nữa nghề truyền thống, sáng tạo hơn về mẫu mã. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm, hay phải đi nơi khác làm ăn rất thấp, kể cả những vụ comple, veston bán chậm thì vẫn có việc để làm cầm chừng.
Vẫn còn nhiều tiềm năng
Làng nghề may comple, veston Vân Từ là làng nghề đặc thù và có tiềm năng khai thác du lịch rất cao, ngay từ khi còn thuộc tỉnh Hà Tây (cũ), Vân Từ đã được công nhận là điểm du lịch làng nghề nhưng phát triển du lịch ở Vân Từ vẫn còn khá khiêm tốn.
May comple đã trở thành thương hiệu riêng của làng Vân Từ
Với giao thông khá thuận tiện, cùng với nằm gần làng cổ Cựu (Vân Từ) các làng nghề may Vân Từ hoàn toàn có thể thực hiện những tour du lịch cho cả khách trong nước lẫn khách nước ngoài. Khi có các tour du lịch thì những dịch vụ đi theo xuất hiện tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế cân đối hơn.
Du lịch cũng chính là chiếc cầu nối để quảng bá thương hiệu comple, veston Vân Từ tới nhiều người hơn đặc biệt là du khách nước ngoài.
Ông Đào Văn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp làng nghề thôn Từ Thuận chia sẻ: Nghề may comple của làng hiện nay khá phát triển, nghề đã giúp cho khá nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, nhưng mới chỉ khai thác được về mặt sản xuất sản phẩm chứ còn khai thác về tiềm năng du lịch thì vẫn còn rất hạn chế, thường là du lịch tự phát.
Nguyễn Văn Công
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Khảo sát chính thức đánh giá chất lượng chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học (04:10 15/04/2025)
- Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - việc làm năm 2025 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (02:23 13/04/2025)
- Cô giáo Tâm thủy tinh sẽ nỗ lực phát triển lớp học “5 không” sau giải thưởng “Bền đam mê” (05:46 09/04/2025)
- Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đoàn tại Trường Đại học Công Đoàn (06:23 04/04/2025)
- Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội (10:46 04/04/2025)