Đi tìm giải pháp cho một “môi trường ảo đáng sống” (Kỳ cuối)

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và các biện pháp đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông, gắn liền với công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, sẵn sàng đối phó với các cuộc chiến tranh trên không gian mạng nhằm xây dựng một môi trường “xã hội ảo” lành mạnh và trong sạch góp phần phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Đất nước.
Để “môi trường không gian ảo” trở thành nơi “đáng sống”:

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi Đồng của Quốc hội phát biểu. Ảnh. TL

Để tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin không gian mạng nhằm mục tiêu tạo sự ổn định trong đời “sống xã hội ảo” giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến “đời sống thật” góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, cần phải có những giải pháp tổng thể mang tính chiến lược lâu dài:   

Tăng cường thông tin tuyên truyền và giáo dục về an ninh mạng

Theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi Đồng của Quốc Hội: “Hiện nay xu hướng thanh, thiếu niên tiếp cận và sử dụng mạng xã hội đang ngày càng tăng cao. Việc thanh, thiếu niên tham gia mạng xã hội là cơ hội để tiếp nhận những kiến thức mới, bổ ích phục vụ cho việc học tập và hoàn thiện kỹ năng tổng hợp của bản thân, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít nguy cơ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu độc, có khả năng tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến quá trình hình thành tư tưởng cũng như hành vi của thanh thiếu niên, qua đó có nguy cơ dẫn đến việc hình thành những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển của xã hội. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của thanh thiếu, niên khi tham gia mạng xã hội nhằm tạo “sức đề kháng” cho thanh thiếu niên trước những thông tin xấu độc từ "không gian ảo" là hết sức quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài về mặt giáo dục nhằm xây dựng một lực lượng lao động tương lai khỏe về thể chất và tinh thần góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Theo điều 34,35 Luật An ninh mạng, giáo dục an ninh mạng được đưa vào môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường; bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng được đưa vào chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh  theo quy định của Luật giáo dục quốc phòng, an ninh. Nhà nước có chính sách phổ biến kiến thức an ninh mạng trong phạm vi cả nước, khuyến khích cơ quan Nhà nước phối hợp với các tổ chức tư nhân, cá nhân thực hiện các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về an ninh mạng.

Như vậy, cần có các chương trình truyền thông và giáo dục sâu rộng về an toàn Internet để nâng cao nhận thức lẫn kỹ năng của người dùng. Các chương trình giáo dục cần rà soát lại để cập nhật và giáo dục cho trẻ em về Internet ngay từ trong trường học.

Các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện mô hình hoạt động, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, đảm bảo an toàn hệ thống và an ninh thông tin. Tăng cường các bài viết thông tin truyền thông về lĩnh vực an ninh mạng để giúp độc giả có thói quen sử dụng an toàn hơn khi truy cập Internet.

Hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý “không gian ảo”

Bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về bảo vệ không gian mạng, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước cũng như kiện toàn tổ chức để thực thi vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng. Cùng với đó là cách tiếp cận chính sách toàn diện, đa giải pháp cho vấn đề an ninh mạng với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dùng. Các giải pháp pháp lý bằng luật và những quy định dưới luật cũng như các giải pháp về kỹ thuật sẽ là không đủ để giải quyết những thách thức phức hợp và xuyên quốc gia về an ninh mạng.

Cần hệ thống Pháp luật để quản lý không gian mạng. Ảnh minh họa

Để bảo vệ quyền riêng tư và tài sản dữ liệu người dùng (cá nhân, doanh nghiệp), cần cụ thể hóa thêm các quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, cần chi tiết hóa nội dung về quyền đối với đời sống riêng tư của cá nhân tại Luật Dân sự 2015; nội dung về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại Luật Trẻ em 2016; nội dung về xử lý thông tin, dữ liệu cá nhân người dùng khi doanh nghiệp tiến hành mua bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tại Luật Doanh nghiệp 2015 trên cơ sở bảo đảm cân bằng với quyền tiếp cận thông tin trong Luật Tiếp cận thông tin 2015, bảo đảm lợi ích công cộng.

Các cơ chế để giải quyết việc xâm phạm quyền riêng tư và tài sản dữ liệu, giải quyết tranh chấp, xung đột giữa người dùng và doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp với doanh nghiệp (quan hệ dân sự), giữa người dùng cá nhân, doanh nghiệp với Nhà nước (quan hệ hành chính) hiện nay hầu như không hiệu quả, trong dài hạn cần phải tăng cường vai trò của tòa án và các quy trình tư pháp.

Nghiên cứu và ứng dụng thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật

Phát triển khoa học, công nghệ và các biện pháp kỹ thuật bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, đầu tư tiềm lực cho bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay khi mà các thế lực xấu không ngừng áp dụng những tiến bộ khoa học mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm tạo ra sự bất ổn định trong “đời sống xã hội trên không gian ảo”. Tại Điều 3 Luật An ninh mạng 2018 có nói đến việc “ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng”. Như vậy, Nhà nước đã có chính sách Pháp luật ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Tăng cường xây dựng tiềm lực cho các cơ quan chuyên trách bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng.

Ngoài ra, cần nghiên cứu việc thành lập các quỹ đầu tư cho nghiên cứu, phát triển các giải pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; có cơ chế huy động, hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp trong nước làm chủ dịch vụ, có năng lực tự sản xuất các thiết bị an toàn mạng, không lệ thuộc vào sản phẩm nước ngoài, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp này phát triển lớn mạnh ngang tầm khu vực, thế giới.

Nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định

Công dân Việt Nam có kiến thức về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin là nguồn lực cơ bản, chủ yếu bảo vệ an ninh mạng. Nhà nước có chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng. Khi xảy ra tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, khủng bố mạng, tấn công mạng, sự cố an ninh mạng hoặc nguy cơ đe dọa an ninh mạng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định huy động nhân lực bảo vệ an ninh mạng. Thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục huy động nhân lực bảo vệ an ninh mạng được thực hiện theo quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan – Điều 31 Luật An ninh mạng.

Như vậy, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng phải được quan tâm, chú trọng. Cần có quy hoạch về đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách trong lĩnh vực an toàn và bảo mật thông tin. Tập trung thực hiện chương trình mục tiêu, đổi mới nội dung chương trình đào tạo, công tác quản lý, kết hợp đào tạo trong nước và ở nước ngoài, xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, gắn chặt giữa đào tạo với bồi dưỡng phẩm chất chính trị theo tiêu chuẩn đối với người làm công tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Tăng cường ứng dụng các công nghệ trong huấn luyện, đào tạo an toàn, an ninh thông tin mạng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi, đạo đức tốt làm việc cho các cơ quan nhà nước và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Hợp tác quốc tế để “đi tắt đón đầu”

Tham gia hợp tác quốc tế nhiều hơn, rộng hơn và sâu hơn vào các sáng kiến, diễn đàn hợp tác quốc tế song phương, đa phương về an ninh mạng để học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tác chiến trên không gian mạng; chú trọng tới các điều khoản về an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng trong các hiệp định hợp tác kinh tế quốc tế. Việc hợp tác “trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi” – Điều 7 Luật An ninh mạng 2018.

Tham gia các công ước, thỏa thuận quốc tế về bảo vệ không gian mạng, phòng chống tội phạm mạng phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Triển khai có hiệu quả, thiết thực các nghị định thư, thỏa thuận hợp tác về phòng chống tội phạm mạng đã ký kết với các nước.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế có trình độ phát triển cao về CNTT để đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng với mục tiêu “đi tắt đón đầu” nhằm chủ động áp dụng hiệu quả những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực CNTT trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường số để “không gian ảo” thực sự trở thành “nơi yên bình và đáng sống” cho tất cả công chúng ./.

Thanh Hòa – Hữu Tuấn

  SERIES: Để “môi trường xã hội ảo” trở thành nơi “đáng sống”:

>>> Kỳ 1: Từ “không gian ảo” đến … “hệ lụy thật”
>>> Kỳ 2: "Thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương" trên “không gian ảo”
>>> Kỳ 3: Cần công cụ hữu hiệu quản lý “xã hội ảo”
>>> Kỳ 4: Đi tìm giải pháp cho một “môi trường ảo đáng sống”

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top