Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Để nhà báo không cô đơn trên mặt trận chống tiêu cực

14:44 29/03/2017 - Pháp luật
Gần đây, những bài báo mang tính chất điều tra, phanh phui những vụ việc tiêu cực mang tính phát hiện, đi trước cơ quan chức năng (công an, thanh tra...) ngày càng ít đi. Nếu có cũng rất ít vụ việc phóng viên điều tra đến nơi đến chốn như trước đây. Vì sao lại như vậy?

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” ngày 1/3/2017. Ảnh: TL

Những bài báo chống tiêu cực ngày một ít

Có tình trạng, phóng viên điều tra khi đưa một bài báo ra công chúng, thì có vài ba, thậm chí rất nhiều phóng viên đến “ăn theo” các bài này, bằng nội dung ngược lại, hoặc viết giảm độ vi phạm xuống, có tính chất “minh oan, thanh minh” cho cá nhân, tổ chức vi phạm. Do vậy, không thiếu các tuyến bài như: “Công ty A, Tập đoàn B lên tiếng”; hay “Lời nói của người trong cuộc”, hoặc “Vì sao Công ty A, Tập đoàn B để xảy ra sai phạm???”... mang tính chất giải thích “là do khó khăn”, do “thế nọ, thế kia”...

Còn những tờ báo đồng hành với tờ báo phanh phui tiêu cực lại ít, cho nên nhiều nhà báo, cơ quan báo chí cảm thấy “cô đơn” khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng của mình ít được các đồng nghiệp tham gia cùng. Ngược lại có một số nhà báo, cơ quan báo chí lại viết bài “giãi bày”, “trần tình” lên tiếng cho công ty vi phạm. Nên phóng viên phần nào đó không còn “máu lửa” như trước nữa.

Có một thực tế, những nhà báo viết bài điều tra chống tiêu cực, thường xuyên phải đối mặt với cám dỗ về vật chất, đôi khi còn bị sức ép về chính trị. Tại các cơ quan báo chí, với các phóng viên viết mảng kinh tế - xã hội, công việc đều đặn, không va chạm gì, lương cao. Nhưng phóng viên viết bài điều tra, thành tích đâu, sản phẩm, kết quả đâu chưa thấy, nhưng thấy ngay đơn kiện của những tổ chức, cá nhân bị viết bài phanh phui sai phạm.

Thực tế nhiều đơn vị, cá nhân sai phạm, bản chất sai nhưng dù báo chí đăng đúng, họ vẫn có quyền gửi đơn kiện. Nếu ban biên tập nào thấy các đơn kiện đó gửi đến, bình tĩnh giải quyết thì không sao, nhưng nhiều cơ quan báo chí, ban biên tập, thấy có đơn kiện là cuống cuồng, yêu cầu phóng viên giải trình, dừng tuyến bài đăng dở lại, làm nhụt ý chí của anh em phóng viên, bởi chỗ dựa vững chắc nhất là tòa soạn thì nay tòa soạn lại bắt giải trình, mà không yêu cầu phóng viên phải tiếp tục điều tra, phanh phui trắng đen rõ ràng.

Những nhà báo làm bài điều tra phanh phui tiêu cực cần có sự động viên của cơ quan, người thân. Các cụ có câu “Kẻ nát nhát kẻ bạo”, việc này làm cho nhiều nhà báo hiện nay, dù tâm huyết với mảng điều tra chống tiêu cực, mang lại lợi ích cho người dân, nhưng không lựa chọn. Đó là điều cần phải suy nghĩ.

Một yếu tố nữa, những phóng viên làm điều tra hiện nay khó tiếp cận với các nguồn thông tin, tài liệu. Bởi vì, không ít cá nhân, tổ chức, đơn vị có sai phạm, bưng bít rất khéo. Nhiều đơn vị bị thanh tra, kiểm tra, có kết luận rồi, nhưng thông đồng với nhau để ngăn không cho báo chí tiếp cận được nguồn thông tin. Chính vì vậy, những sai phạm sau thanh tra, những hồ sơ vụ việc đó không đến được tay phóng viên và không có hồ sơ thì phản ánh tiêu cực làm sao được, án tại hồ sơ, nói có sách, mách phải có chứng.

Nhà báo Vũ Văn Tiến điều tra vụ việc Trụ sở UBND quận Hoàng Mai xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: TGCC

Để phát huy sức chiến đấu chống tiêu cực?

Thứ nhất, đối với các phóng viên, tòa soạn, khi thực hiện các bài điều tra chống tham nhũng, lãng phí, trước tiên phải không “dính chàm”, mình phải sạch thì mới đi “rửa” cho người khác được. Mỗi phóng viên cần chín chắn, có tài có đức, chứ không thể chống tiêu cực rồi lại có động cơ vụ lợi như xin quảng cáo, vận động tài trợ, bảo trợ... thì khó mà chống tiêu cực được. Đã chống tiêu cực thì phải trong sáng, cái kim, sợi chỉ cũng không được tơ hào.

Bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên cần có tư duy khoa học, vận dụng các kỹ năng nghiệp vụ để quá trình tác nghiệp được trơn tru. Nhiều phóng viên, động cơ có thể trong sáng nhưng tác nghiệp thiếu thận trọng dẫn đến bị hành hung.

Thứ hai, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, do vậy, các cơ quan báo chí cần coi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng; cần lấy phòng, chống tham nhũng là nội dung trọng tâm trong các hoạt động; phải xây dựng kế hoạch, xây dựng các tuyến bài để phục vụ cho nội dung này.

Thứ ba, ban biên tập, cơ quan báo chí, nếu đã lựa chọn tuyến bài điều tra để thực hiện thì phải đi đến cùng của sự việc; không thể “đánh trống bỏ dùi”, không “giữa đường đứt gánh” có thể khiến các cơ quan, đơn vị đang bị phản ánh sai phạm kiện ngược lại thì rất nguy hiểm đến sinh mạng chính trị của phóng viên thực hiện loạt bài đó. Do vậy, đã làm là phải làm đến cùng, như tôi đã phát biểu trên một số diễn đàn, “chống tham nhũng sợ nhất là chùn tay!”.

Thứ tư, các cơ quan chủ quản, tòa soạn cũng cần thấu hiểu tính chất của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên báo chí, để từ đó có sự động viên kịp thời, tránh sự can thiệp từ bên ngoài. Ngăn chặn được việc này thì các bài điều tra chống tiêu cực mới có hiệu quả. Nếu chỉ dùng sức ép của quan hệ thân quen, sức ép từ bên ngoài để can thiệp thì công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các cơ quan báo chí khó mà đạt được kết quả.

Thứ năm, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý báo chí cần có sự động viên kịp thời đối với các phóng viên, tòa soạn thực hiện tuyến bài chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, để khơi gợi tinh thần trách nhiệm với các phóng viên dám dũng cảm, xả thân trong quá trình điều tra chống tiêu cực. Và, yếu tố cốt lõi là, các cơ quan khi tiếp cận được nội dung phản ánh tham ô, lãng phí mà báo chí phanh phui, cần đồng hành với cơ quan báo chí, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo cá nhân, tổ chức được nêu cụ thể trong báo, phải báo cáo giải trình với cơ quan, đơn vị. Nếu không những bài báo điều tra tiêu cực chỉ như “ném đá ao bèo”, tính hiệu quả không cao.

Để có những bài báo điều tra chống tiêu cực một cách chất lượng, hiệu quả, trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên, tòa soạn phải sẵn sàng đối mặt với những áp lực, khó khăn đến từ nhiều phía, nhiều mức độ khác nhau. Chỉ có bằng kiến thức chuyên môn, phương pháp làm việc khoa học và bản lĩnh nghề nghiệp, cũng như sự động viên, chỉ đạo kịp thời của tòa soạn, cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, các phóng viên, tòa soạn mới có thể nuôi dưỡng nhiệt huyết để theo đuổi thể loại khó khăn nhất của báo chí này./.

NCS. Vũ Văn Tiến

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.