Đạo văn là vi phạm đạo đức nghề nghiệp
21:29 14/10/2016
- Lý luận thực tiễn
Từ điển tiếng Việt định nghĩa đạo văn là lấy bài viết, bài văn, tác phẩm của người khác
làm thành tác phẩm, bài viết của mình; theo cách nói thông thường là ăn cắp văn, ăn cắp
bài viết. Đạo văn là hành vi, tối kỵ đối với người viết văn, viết báo chân chính.
"Đạo báo" là hành vi xấu cần lên án. Ảnh minh họa
Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Báo chí ASEAN, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan, Cựu Tổng Biên tập Nhật báo Bangkok Post của Thái Lan, ông Badhit Rajavatanadhanin đã phát biểu trong một cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội: “Đạo văn, đạo bài là vi phạm đạo đức báo chí. Bangkok Post rất nghiêm khắc với những kẻ đạo bài của đồng nghiệp. Nếu phát hiện được nhà báo nào đạo tin, bài, chúng tôi xử lý ngay, kể cả việc sa thải, cho anh ta ra khỏi nghề báo”.
Năm 1954, Liên đoàn Nhà báo thế giới ra tuyên ngôn các quy tắc đạo đức nghề báo. Năm 1986, tại Đại hội Liên đoàn Nhà báo thế giới tuyên ngôn các quy tắc đạo đức nghề báo được chỉnh sửa bổ sung thành “10 quy chuẩn đạo đức báo chí” của báo giới quốc tế. Tuyên ngôn đạo đức nhà báo nêu rõ: “Nhà báo cần coi trọng những việc sau đây là vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng, đạo văn, bóp méo sự thật có ác ý, vu khống, bôi nhọ, buộc tội vô căn cứ, nhận hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào để đăng hoặc lấp liếm thông tin...”. Các nhà báo chân chính cần coi đây là bổn phận của mình. Thế giới coi đạo văn là hành vi vô đạo đức, là “sự ăn cắp nhục nhã”.
Với báo chí nước ta, Đại hội lần thứ VI (năm 1995) Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Bản Quy ước đạo đức báo chí, bao gồm 10 điều. Đại hội lần thứ VIII (năm 2005) Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy định đạo đức báo chí Việt Nam gồm 9 điều. Bản Quy ước & Quy định đạo đức nghề nghiệp chưa nêu đạo văn là vi phạm đạo đức nghề báo, mặc dù ai cũng coi đạo văn là hành vi thiếu trung thực trong nghề nghiệp, hành vi giả dối cần lên án.
Sao chép thông tin, biến của người thành của mình là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu hành vi đạo văn, đạo bài được ghi vào Bản quy định đạo đức báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành thì kẻ đạo văn, đạo bài không chỉ vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ mà còn vi phạm Luật Báo chí. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc ghi âm, ghi hình bằng bất cứ phương tiện hoặc hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử. Sao chép có thể cóp luôn cả tác phẩm, một phần tác phẩm hoặc góp nhặt, xào xáo, nhào lặn dưới tác phẩm, bài viết của người khác, biến nó thành của mình, ký tên mình. Một số trang thông tin điện tử, báo mạng điện tử, ấn phẩm in đang là thủ phạm của sự sao chép, đánh cắp bài viết tùy tiện, chẳng cần hỏi ai, xin phép ai. Họ vô tư ăn cắp bài vở như thế giới này là của riêng họ.
Sao chép thông tin tùy tiện thể hiện thái độ làm nghề không nghiêm túc, lười biếng, làm báo kiểu sa-lông, ngại đi cơ sở. Sao chép thông tin dễ dãi là thiếu trách nhiệm xã hội, không làm trọn nghĩa vụ công dân, thậm chí để biển thủ nhuận bút. Nhà báo Phan Tùng Sơn, Báo Quân đội nhân dân và không ít đồng nghiệp khác hành nghề chân chính, trung thực là nạn nhân của tình trạng bị đạo văn, tác phẩm, bài viết bị đánh cắp trắng trợn phẫn nộ lên án: “Những kẻ đạo văn, đạo bài chẳng có chút lòng tự trọng. Với họ không thể có chỗ trú chân trong mái ấm của những nhà báo chân chính”.
Việc sao chép thông tin, đạo văn, đạo bài như vừa nêu khác với việc nhà báo tác nghiệp nghiêm túc, tham khảo, chắt lọc thông tin từ tác phẩm hay bài báo - sau khi đã thẩm định nguồn tin và bảo đảm tính xác thực. Những thông tin chắt lọc từ nhiều nguồn cùng nguồn tài liệu khai thác thực tế từ cơ sở, từ cuộc sống của người dân để từ đó mà nhuần nhuyễn sáng tạo - viết thành một tác phẩm, một bài viết của riêng mình theo dụng ý của riêng mình. Bài viết đó, tác phẩm báo chí đó là của chính người viết.
Một tác phẩm báo chí như thế khác về kết cấu - bố cục, nội dung và hình thức trình bày, mang tính định hướng dư luận xã hội. Cách khai thác và sử dụng nguồn tin từ mạng xã hội, báo mạng điện tử và các nguồn khác là hoàn toàn có thể và được phép, tuy nhiên phải kiểm chứng thông tin.
Tính hợp pháp của việc khai thác, chắt lọc nguồn tin là phải chuẩn xác và cần trích dẫn nguồn tin sau khi được thẩm định chắc chắn, rõ ràng.
Đạo văn, đạo bài là hành vi xấu xa cần lên án và loại bỏ nó ra khỏi đời sống báo chí phát triển lành mạnh, chân chính.
Hải Vân
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Phát huy vai trò Cựu chiến binh tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng trong hoạt động báo chí (07:22 30/12/2022)
- Xuất bản sách dịch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tình hình mới (09:46 01/11/2022)
- Giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức về bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân Việt Nam (09:31 28/07/2022)
- Quản trị toà soạn báo mạng điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (03:05 08/07/2022)
- Quản lý quy trình tổ chức sản xuất các tuyến bài điều tra trên Báo Đại Đoàn Kết (05:07 07/07/2022)