Cung cấp thông tin đa phương tiện phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt dịch thứ 4
16:13 31/05/2022
- Báo chí & Công chúng

Thời gian qua, các cấp ban ngành đã tích cực cung cấp thông tin đa phương tiện phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt dịch thứ 4
Có thể nói trong hơn 2 năm qua, công tác cung cấp thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 đã phát huy được những lợi điểm của truyền thông đa phương tiện, tăng cường tính minh bạch, phát huy tính kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, khơi dậy và nhân lên mạnh mẽ truyền thống tương thân tương ái, tinh thần dân tộc để chung tay chiến thắng dịch bệnh, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh đồng thời phát triển kinh tế xã hội, vì sức khỏe và cuộc sống bình an của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Công tác truyền thông phòng, chống dịch của Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá cao.
Theo Tiến sĩ Mark Finn của Đại học Swinburne (Australia), trong đợt dịch Covid-19 này, Việt Nam là quốc gia có độ tin tưởng vào truyền thông cao nhất trong tổng số 50 quốc gia tham gia nghiên cứu và không thể phủ nhận là công tác truyền thông và chống dịch của Việt Nam khiến cả thế giới kinh ngạc.
Biến chủng Delta và giải pháp cung cấp thông tin mới
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 với sự lây lan của biến thể Delta diễn ra từ 27/4/2021 đến hết tháng 10/2021 đánh dấu một giai đoạn đặc biệt trong công tác cung cấp thông tin về dịch bệnh của Bộ Y tế. Biến thể Delta lây nhiễm nhanh, mạnh hơn; nồng độ virus trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ; chỉ trong 2-3 ngày đã có thêm một vòng lây nhiễm mới (các chủng cũ 5-7 ngày); khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng; lây nhiễm xảy ra trước khi bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng gây khó khăn cho việc phát hiện. Tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao, 1 người nhiễm lây cho 9-10 người, đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm kéo dài.
Dịch bệnh với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh đã khiến Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam và 21 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa có trong tiền lệ trong thời gian dài, trên phạm vi rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Diễn biến phức tạp với sự lây lan mạnh của biến thể Delta khiến người dân có tâm lý hoang mang, lo lắng về khả năng kiểm soát dịch, thu dung điều trị bệnh nhân, xét nghiệm, cách ly, điều trị. Do vậy, công tác cung cấp thông tin của Bộ Y tế thông qua các bản tin hàng ngày của Ban chỉ đạo, Bộ Y tế, các bản tin khác và đột xuất đòi hỏi phải liên tục cập nhật, đổi mới về hình thức, nội dung thông tin, tăng cường truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội để người dân có thể tiếp cận ngay với thông tin đầu nguồn từ Bộ Y tế.
Trong thời gian đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát do những quy định khắt khe về di chuyển, các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tâm dịch, các khu điều trị bệnh nhân nặng, khu cách ly tập trung… Bên cạnh đó, do giãn cách xã hội, nên Bộ Y tế không thể tổ chức các buổi họp báo để cung cấp thông tin về công tác chỉ đạo phòng, chống dịch cho báo chí. Đồng thời, đội ngũ làm truyền thông y tế tại các Sở Y tế, các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế cũng cần các hướng dẫn, tài liệu để triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp. Bộ Y tế đã thành lập ngân hàng thông tin trên các nền tảng mạng xã hội để kịp thời và nhanh chóng cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch cho các nhóm chủ thể truyền thông bao gồm: báo chí, đội ngũ làm truyền thông y tế tại các địa phương và công chúng rộng rãi.
Mục đích của giải pháp bao gồm 4 điểm chủ chốt như sau: Cung cấp thông tin đầu nguồn và chính thống về các chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho các cơ quan báo chí (bao gồm lãnh đạo, biên tập viên và phóng viên); hướng dẫn truyền thông phòng chống dịch, tài liệu truyền thông phòng chống dịch cho đội ngũ làm truyền thông y tế tại các Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố; thông tin tới đông đảo công chúng về công tác phòng chống dịch, đặc biệt là thông tin phản ánh những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y tế và các lực lượng ở tuyến đầu trong công tác truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, điều trị các ca bệnh nặng và nguy kịch…; những tấm gương thầy thuốc tiêu biểu trong đợt dịch thứ 4; những hoạt động đùm bọc, sẻ chia trong đại dịch của ngành y tế…
Trong đợt dịch thứ 4, chúng ta đã thần tốc tiêm văc xin cho người dân giúp giảm thiểu tối đa số người thiệt mạng vì Covid-19
Task-force truyền thông tại Trung ương và thực địa
Để triển khai thực hiện giải pháp trên, Bộ Y tế đã thành lập các tổ truyền thông với nhân sự bao gồm các chuyên gia truyền thông và xây dựng nội dung từ các đơn vị thuộc Bộ Y tế như Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Báo Sức khỏe và Đời sống, Trung tâm Truyền thông, giáo dục sức khỏe Trung ương… Các tổ truyền thông này là thành phần không thể thiếu trong các Bộ phận Thường trực đặc biệt/Tổ công tác đặc biệt được Bộ Y tế cử tới các địa phương trong tâm dịch để hỗ trợ chống dịch.
Các tổ truyền thông có nhiệm vụ: (i) tư vấn, hướng dẫn truyền thông về công tác phòng chống dịch cho đội ngũ y tế tại địa phương; (ii) xây dựng các tác phẩm báo chí (tin, bài, ảnh, videoclip...) về hoạt động phòng, chống dịch tại các điểm nóng dịch bệnh để cung cấp cho các cơ quan báo chí không thể đi đến tâm dịch để tác nghiệp. Song song với hoạt động của các tổ truyền thông tại hiện trường, một nhóm chuyên gia truyền thông khác trực tiếp khai thác và cung cấp các thông tin về điều hành phòng, chống dịch từ trụ sở của Bộ Y tế. Nhóm này tham dự cuộc họp thảo luận và quyết định các biện pháp phòng, chống dịch của lãnh đạo Bộ Y tế với các đơn vị thuộc và trực thuộc, xây dựng các nội dung truyền thông để gửi cho các cơ quan báo chí.
Giữa nhóm truyền thông tại trụ sở Bộ Y tế và các nhóm truyền thông tác nghiệp tại các địa phương có dịch có sự phối hợp chặt chẽ để xác định chủ đề phù hợp cho việc xây dựng nội dung. Bên cạnh đó, nhóm truyền thông tại trụ sở Bộ Y tế xây dựng các kế hoạch và hướng dẫn truyền thông về công tác phòng, chống dịch, tiêm chủng…, kèm theo các tài liệu truyền thông định dạng infographic, video, audio (lồng tiếng giọng miền Bắc và miền Nam) để cung cấp cho đội ngũ làm truyền thông tại Sở Y tế và CDC các tỉnh, thành phố.
Các nền tảng cung cấp thông tin đa phương tiện
- Nhóm phóng viên Y tế Bộ Y tế trên nền tảng Facebook tập trung 480 phóng viên, biên tập viên theo dõi y tế đang làm việc cho tất cả các cơ quan báo chí, thông tấn, phát thanh, truyền hình của Việt Nam. Trên nền tảng này có thể cung cấp thông tin dưới dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh, video clip, infographic…
- Nhóm Truyền thông Y tế Việt Nam trên nền tảng Facebook tập trung 160 nhân lực phụ trách công tác truyền thông của các Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh, thành phố. Đây là nơi cung cấp các kế hoạch hướng dẫn truyền thông và các tài liệu truyền thông dưới các định dạng infographic, audiospot, video clip để đội ngũ làm truyền thông y tế tỉnh, thành phố thực hiện truyền thông ở tuyến y tế cơ sở. Dành cho đối tượng này Bộ Y tế còn xây kho dữ liệu truyền thông y tế lưu giữ các sản phẩm truyền thông có chất lượng cao tại địa chỉ: https://1drv.ms/u/s!Amm0pPafka615U3F5504ho h53aE3?e=QnubLR
- Công chúng rộng rãi: Bộ Y tế đã chủ động tạo nên các kênh riêng để cung cấp thông tin cho công chúng như: trang facebook Sức khỏe Việt Nam (được Facebook cung cấp chứng thực tick xanh); kênh Youtube Bộ Y tế, kênh của Bộ Y tế trên Tiktok, các trang của Bộ Y tế trên các trang mạng xã hội như Zalo, Lotus … Tất cả các thông tin nóng về chỉ đạo điều hành chống dịch, diễn biến dịch, các nỗ lực dập dịch của ngành y tế, các tấm gương thầy thuốc… đều được truyền tải trên các kênh này.
Hiện nay, người dân đã có thói quen theo quy tắc 5K của Bộ Y tế
Nhanh chóng, đa dạng, hiệu quả
Từ các hoạt động chỉ động phòng, chống dịch Covid-19 và các hoạt động phòng, chống dịch được triển khai trên thực tế tại các địa phương, lực lượng truyền thông của Bộ Y tế đã xây dựng ngân hàng thông tin đa phương tiện cho báo chí với các nội dung chủ yếu:
Tuyến tin, bài, ảnh về các hoạt động chỉ đạo phòng chống dịch của lãnh đạo Bộ Y tế; các hoạt động đàm phán và tiếp nhận vaccine, máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch; các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị… Tuyến tin, bài, ảnh, video phản ánh hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hoạt động của các bộ phận thường trực đặc biệt, các tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại các địa phương có dịch.
Tuyến bài tập trung vào nỗ lực vượt bậc của đội ngũ y, bác sĩ trong công tác phòng, chống dịch, những vất vả, gian khổ và hy sinh mà đội ngũ y tế phải đối mặt, những sáng kiến và chủ động để vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại các bệnh viện dã chiến, các trạm y tế lưu động, các điểm xét nghiệm, tiêm chủng, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là tại các Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19. Tuyến bài tập trung vào thành quả chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, đặc biệt là các nỗ lực xanh hóa, triển khai các trạm y tế lưu động, cung cấp các gói thuốc A,B,C và gói lương thực thiết yếu, đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine, những nỗ lực giảm tử vong tại các trung tâm hồi sức tích cực khi thực hiện mô hình “tháp điều trị 3 tầng”, “bệnh viện chị-em”, “bệnh viện chia đôi”…
Tuyến phóng sự truyền hình về công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm, điều trị, hoạt động của xe xét nghiệm lưu động, trạm y tế lưu động; các tọa đàm truyền hình “Từ điểm nóng dịch Covid-19” thực hiện tại các Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long… Các nhà báo có thể sử dụng toàn phần, hoặc một phần tư liệu từ các thông tin và sản phẩm báo chí được Bộ Y tế cung cấp trên nhóm Phóng viên Y tế Bộ Y tế. Các tin, bài, ảnh, video do Bộ Y tế cung cấp đã được hầu hết các cơ quan thông tin đại chúng của Việt Nam và nhiều kênh truyền thông trên các mạng xã hội sử dụng. Trung bình mỗi tác phẩm được 10 cơ quan báo chí đăng tải/ phát sóng .
Cùng với ngân hàng thông tin cho báo chí nên trên, kho dữ liệu truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế dành cho đội ngũ làm truyền thông y tế tuyến tỉnh cũng được vận hành tích cực. 120 thông tin chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được chuyển cho truyền thông y tế tuyến tỉnh. Kho dữ liệu điện tử truyền thông Covid-19 có tổng cộng 1.599 sản phẩm, bao gồm Infographics và Poster: 1.176; Videoclip: 348; RadioSpot: 75 và nhiều sản phẩm khác. Link Kho dữ liệu truyền thông: Đội ngũ truyền thông y tế ở các tỉnh, thành phố có thể tải các tài liệu truyền thông được Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng cung cấp trên nhóm Truyền thông Y tế Việt Nam và kho dữ liệu truyền thông để in ấn thành các poster, tờ rơi; phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình địa phương, trên hệ thống loa phát thanh, màn hình tại các địa điểm công cộng, trong thang máy; đăng tải trên các trang mạng xã hội để phục vụ nhu cầu truyền thông phòng, chống dịch tại địa phương, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí.
Với số lượng thông tin truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 phong phú như vậy, Bộ Y tế lựa chọn các tác phẩm báo chí phù hợp, các infographic, video… để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế và các trang mạng xã hội do Bộ Y tế quản lý bao gồm: trang Sức khỏe Việt Nam trên Facebook, kênh Bộ Y tế trên Youtube, kênh Bộ Y tế trên Tiktok, trang Bộ Y tế trên Zalo, Lotus.
Mô hình cung cấp thông tin đầu nguồn, đa dạng, đa nền tảng được Bộ Y tế áp dụng trong giai đoạn dịch Covid-19 thứ 4 thể hiện rõ tính hiệu quả, mặc dù những quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã gây ra những hạn chế tiếp cận đầu nguồn thông tin, nhưng các cơ quan báo chí và các chủ thể truyền thông vẫn tiếp cận được thông tin chính thống một cách kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận xét: “Một trong những đổi mới nổi bật của truyền thông y tế trong đợt dịch thứ 4 là việc tận dụng ưu thế của mạng xã hội, xây dựng ngân hàng thông tin từ đầu tháng 5 đến hết tháng 10/2021 “, đồng thời coi “việc xây dựng ngân hàng thông tin cung cấp thông tin đồng thời cho báo chí, đội ngũ truyền thông y tế cơ sở và công chúng rộng rãi theo phương pháp đa nền tảng” là một trong 6 bài học kinh nghiệm truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 . Mô hình này có thể được áp dụng rộng rãi trong điều kiện bình thường cũng như trong các tình huống có dịch bệnh cần ứng phó nhanh và hiệu quả./.
Vũ Mạnh Cường
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)