Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể trên sóng truyền hình Tây Nam Bộ

Trải qua hơn 300 năm, vùng đất này để lại nhiều dấu tích của cha ông trong quá trình khai khẩn, mở mang bờ cõi, trong lịch sử đấu tranh với thiên nhiên, với giặc ngoại xâm để bảo vệ thành quả lao động của lớp lớp người đi trước.

Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (An Giang)

Vấn đề bảo tồn phát huy giá trị văn hóa vật thể ở Tây Nam Bộ

Mỗi một vùng miền với những nét văn hóa, bản sắc rất riêng và ấn tượng đã góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú, mang những đặc trưng khác biệt mà không một quốc gia nào có được.

Tây Nam Bộ là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đất đai trù phú có tổng diện tích là 40.406,7 km2 - chiếm 13% diện tích cả nước; dân số là 17,59 triệu người - chiếm 18% dân số cả nước, là vùng đa dân tộc và tôn giáo đan xen với nhau như Phật giáo, Cao Đài, phật giáo Hòa Hảo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành,… Đây là vùng đất của những món ăn ngon, hấp dẫn, những câu hát dân gian độc đáo và những làng nghề truyền thống đặc sắc. Bên cạnh đó, miền đất này còn có hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tuy mới hình thành và phát triển hơn 300 năm nhưng rất phong phú và đa dạng.

Theo số liệu tổng hợp từ Bảo tàng các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, hiện nay, có 216 di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, cấp Quốc gia đặc biệt như Di tích lịch sử trại giam Phú Quốc (Kiên Giang), Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiều (Bến Tre), Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (An Giang),… Ngoài ra, còn rất nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật như Chùa Sóc Xoài (Hòn Đất), Chùa Khmer Tổng Quản (Gò Quao), Chùa Láng Cát (Ratanaransi) (Rạch Giá), Chùa Hội Linh (Bình Thủy), Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (Trà Ôn),…

Di tích lịch sử - văn hóa là chứng tích, tư liệu sống động cho các thế hệ nối tiếp nhau tìm hiểu, nghiên cứu về các thời kỳ lịch sử đã đi qua, từ đó mà thu nhận truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến. Trong thời đại ngày nay, di tích lịch sử - văn hóa còn là điểm đến của mỗi du khách khi tham quan du lịch ở bất kỳ các địa phương. Việc gìn giữ, phát huy giá trị của các di tích gắn với khai thác hợp lý trong phát triển du lịch, vì vậy cũng cần được đẩy mạnh để mỗi di tích thực sự là một điểm đến ý nghĩa với mỗi người dân Việt Nam và cả du khách quốc tế.

Trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể nói riêng và văn hóa nói chung, truyền hình đóng vai trò là một phương tiện truyền thông quan trọng. Truyền hình không chỉ là phương tiện cung cấp thông tin, cung cấp tri thức, mà với hình ảnh sinh động, trực quan, truyền hình sẽ đem đến cho khán giả những trải nghiệm hấp dẫn, từ đó khơi gợi cho công chúng đến địa điểm trực tiếp để thăm quan.

Biểu đồ: Tỷ lệ các nhóm nội dung liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể trên sóng đài PT – TH 3 tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long

Truyền hình Tây Nam Bộ và vấn đề bảo tồn phát huy giá trị văn hóa vật thể

Theo khảo sát ở Đài PT-TH Kiên Giang, Đài PT-TH Vĩnh Long và Đài PT- TH thành phố Cần Thơ trong năm 2020, có 65 tác phẩm có nội dung liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, trong đó, nội dung chủ yếu là giới thiệu, quảng bá các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, với 45 tác phẩm.

Các di sản văn hóa vật thể được giới thiệu theo 2 cách trực tiếp và gián tiếp. Giới thiệu trực tiếp tức là tác phẩm đi thẳng vào nội dung giới thiệu vẻ đẹp, ý nghĩa, giá trị văn hóa lịch sử của di tích và danh lam thắng cảnh. Và đây là nội dung chính của tác phẩm. Điển hình như phóng sự Khu lưu niệm Trần Đại Nghĩa – nơi giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ phát trong chương trình Thời sự Vĩnh Long ngày 26/08/2020. Nội dung phóng sự giới thiệu về khu lưu niệm Trần Đại Nghĩa tại xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Trong 5 năm kể từ khi xây dựng, nơi đây đã trở thành địa điểm tham quan du lịch tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước của thế hệ trẻ.

Giới thiệu gián tiếp là giới thiệu các di sản văn hóa lịch sử và danh lam thắng cảnh thông qua các sự kiện, vấn đề liên quan. Nội dung giới thiệu chỉ chiếm 1 phần trong toàn bộ nội dung tác phẩm. Ví dụ như tin Dâng hương khu di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào phát trong chương trình Thời sự TH Cần Thơ tối ngày 07/06/2020. Thông qua việc đưa tin về lễ dâng hương, tác phẩm cũng gián tiếp giới thiệu về khu di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào đến đông đảo công chúng xem truyền hình.

Xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Những nội dung liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể được phản ánh trên sóng truyền hình các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long thành 4 nhóm gồm:

Nhóm 1: Tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể.

Nhóm 2: Phản ánh những bất cập trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể.

Nhóm 3: Giới thiệu các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh tại địa phương.

Nhóm 4: Công tác quản lý, bảo vệ các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh tại địa phương.

Trong đó, số lượng các tác phẩm tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chiếm 7,8%. Đài PT-TH Kiên Giang không có tác phẩm nào phản ánh nội dung này. Đài PT-TH Cần Thơ có 01 tác phẩm, chiếm 20%. Đài PT-TH Vĩnh Long có 4 tác phẩm, chiếm 80%. Ví dụ như: Phóng sự “Gìn vàng giữ ngọc” trên quê hương Bình Thủy phát sóng trong chương trình Thời sự TH Cần Thơ tối 05/02/2020. Hay trong phóng sự "Sự cần thiết trong việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long" phát sóng ngày 26/05/2020 trên sóng truyền hình Vĩnh Long.

Các tác phẩm phản ánh những bất cập trong việc bảo tồn các di tích văn hóa vật thể dẫn đến tình trạng xuống cấp của các di sản văn hóa; lên án hành vi xâm phạm di sản văn hóa vật thể; làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của các di sản văn hóa vật thể,… lại càng ít hơn nữa. Trong số 65 tác phẩm có nội dung liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể trong diện khảo sát, chỉ có duy nhất 01 tác phẩm có nội dung phản ánh bất cập trong việc quản lý, bảo tồn di tích phát trên sóng đài Cần Thơ, chiếm 1,5%. Đó là phóng sự "Đống rác to trên đường vào khu di tích lịch sử Vườn Mận" (Thời sự Cần Thơ ngày 19/02/2020) với nội dung phản ánh tình trạng xuất hiện đống rác to không rõ nguồn gốc trên trục đường nối vào khu di tích đoạn thuộc phường An Bình.

Khu di tích lịch sử Vườn Mận

Hình ảnh là yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của một tác phẩm truyền hình. Tuy nhiên, hình ảnh trong các tác phẩm làm về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể của cả 3 Đài PT - TH trong diện khảo sát đều còn nhiều hạn chế. Không khó để tìm thấy các tác phẩm có hình ảnh đơn điệu, nhàm chán, các cụm hình giống nhau được lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối.

Ví dụ như tin "Chuyến về nguồn tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận" (phát sóng trong chương trình thời sự Kiên Giang tối 21/05/2020), lặp đi lặp lại cụm hình nhóm người tham gia chuyến về nguồn thắp hương tại các khu di tích. Có những tác phẩm lại sử dụng hoàn toàn hình ảnh tĩnh. Trong phim tài liệu Tân Hội - Những dấu tích thời gian (phát sóng trong chương trình Kiên Giang đất và người ngày 22/12/2020) có tới gần 10 phút sử dụng ảnh tĩnh mặt nền móng đá và những mặt nền kiến trúc để giới thiệu về di tích Nền Chùa.

Đồ họa là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hình ảnh động trong việc truyền tải thông tin, giúp các tác phẩm truyền hình hấp dẫn hơn, dễ hiểu hơn. Rất nhiều phóng sự về các di tích văn hóa lịch sử trên VTV sử dụng đồ họa, đặc biệt là đồ họa mô hình 3D để khán giả có thể hình dung rõ hơn về quy mô, vị thế, tầm cỡ của di tích. Tuy nhiên, trong tổng số 65 tác phẩm liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể trong diện khảo sát, chỉ có một tác phẩm duy nhất sử dụng đồ họa. Đó là tin “Các bộ ngành trung ương đã đồng ý triển khai đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” (truyền hình Vĩnh Long, tối 26/5/2020) - và đồ họa 3D đó là đồ họa sử dụng lại của Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL.

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng hình ảnh và lời bình chưa “khớp nhau”, chẳng hạn, khi phát thanh viên đọc lời bình về “Bảo tàng dự kiến xây dựng tại thị trấn Vũng Liêm, trên diện tích hơn 11 ha, vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng từ ngân sách và xã hội hóa…” thì hình ảnh trên màn hình lại là khu tưởng niệm cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, di tích Hồ Vũng Linh. Tập phim tài liệu Hà Tiên - Sắc màu biên giới (phát sóng trong chương trình Kiên Giang đất và người ngày 18/03/220), mặc dù giới thiệu hai ngôi chùa là Chùa Phật Đà và Chùa Lò Gạch, nhưng nhạc nền trong phim lại là ca khúc “Hơn cả yêu” của ca sỹ Đức Phúc!

Khu di tích Giàn Gừa - Phong Điền- Cần Thơ

Vấn đề đặt ra

Trong năm 2020, tổng lượng bài về các di tích văn hóa vật thể của khu vực Tây Nam Bộ chỉ là 65 trong tổng số 13.365 tác phẩm được phát sóng. Đây là con số quá khiêm tốn trên cả 3 đài trong diện khảo sát, trong khi chỉ riêng tại 3 địa phương này đã có 1.033 di tích văn hóa lịch sử và danh lam thắng cảnh được xếp hạng.

Cần Thơ sở hữu 325 di tích văn hóa lịch sử, nhưng Đài PT - TH Cần Thơ không có chương trình chuyên mục nào về chủ đề này.

Kiên Giang là tỉnh có 58 di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng, và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, tuy nhiên, Đài PT - TH Kiên Giang chưa xây dựng được tuyến bài ký sự hay phim tài liệu giới thiệu về các địa danh địa phương để thu hút khán giả và thúc đẩy du lịch phát triển. Hơn nữa, khung giờ phát sóng chương trình “Kiên Giang – Đất và Người” được phát sóng vào 22h thứ hai hàng tuần - một khung giờ rất ít người xem.

Di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long)

Chính vì thông tin về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể rất ít ỏi và mờ nhạt so với những nội dung khác như thiên tai, dịch bệnh, an toàn giao thông, xâm nhập mặn…, nên việc truyền thông về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể chưa đủ để tạo được dấu ấn trong lòng công chúng xem truyền hình.

Trong khi đó, khu vực Tây Nam Bộ là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh liên miên trong quá khứ và biến đổi khí hậu nặng nề trong hiện tại. Các di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh bị tàn phá, xuống cấp nặng nề. Điển hình như tình trạng xuống cấp di tích Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang (xã Tân An Hội, huyện Mang Thít, Vĩnh Long) và di tích Công Thần miếu (phường 5, thành phố Vĩnh Long), di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), Thất Phủ miếu (phường 5, thành phố Vĩnh Long), chùa Đại Thọ (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long), chùa Gò Xoài (xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long); tình trạng sạt lở đường vào khu di tích mộ nhà thơ Phan Văn Trị (TP Cần Thơ)…

Tuy nhiên, các địa phương cũng chưa chú trọng việc truyền thông, quảng bá, để hình ảnh về các khu di tích văn hóa vật thể được lan tỏa đến với đông đảo công chúng tiếp nhận, cũng như có tiếng nói để thúc đẩy việc bảo tồn những báu vật của quốc gia, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đất nước. Truyền hình địa phương có ưu thế lớn trong việc tiếp cận với các di tích ở địa phương và truyền tải thông tin cho công chúng.… vì vậy, cần phải quan tâm đầu tư để có nhiều chương trình chất lượng, hiệu quả hơn nữa về lĩnh vực này./.

Trần Thị Cẩm Âu

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top