Bảo tàng Đồng quê: Nơi gặp gỡ của văn hóa, lịch sử - Bài 1: Miền ký ức rưng rưng

06:18 08/05/2024 - Văn hóa xã hội
Hơn mười năm một hành trình khai mở nơi gặp gỡ của văn hóa và lịch sử; được đắp bồi bằng mồ hôi, nước mắt và biết bao tâm huyết. Viên gạch hồng đầu tiên đã đặt nền móng vững chắc cho một công trình văn hóa mang hồn cốt cha ông một thuở. “Bảo tàng Đồng quê” hiện hữu từ tấm lòng cô giáo làng và vị tướng đường biên…

Văn hóa dân tộc luôn bắt đầu từ văn hóa truyền thống. Nó là sự tích tụ, hình thành nên các giá trị lâu đời trong lịch sử xã hội, dân tộc. Một quy luật, chúng ta không thể phát triển dân tộc nếu cắt đứt mối liên hệ với lịch sử, văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới. Chúng ta phấn đấu xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, mang bản sắc dân tộc chính là quá trình xử lý một cách khoa học các mối quan hệ hữu cơ giữa truyền thống văn hóa và tính hiện đại của văn hóa, giữa văn hóa dân tộc và văn hóa thời đại. Giữ gìn văn hóa truyền thống để làm sâu sắc hơn văn dân tộc, làm gốc rễ cho văn hóa dân tộc phát triển. 

Loạt bài dưới đây thể hiện sức sống, sức cảm hóa mạnh mẽ của văn hóa truyền thống, cụ thể ở đây là truyền thống đấu tranh anh dũng, ý chí quật cường, tinh thần lao động của các thế hệ cha, ông đi trước thông qua sức hút, sức lan tỏa của mô hình bảo tàng đồng quê. Bằng tình yêu quê hương và trách nhiệm đặc biệt, ông - bà giáo đã dựng xây nên một địa chỉ văn hóa trở thành nơi gặp gỡ của văn hóa, lịch sử. Góp nhặt những ký ức của một thời xưa cũ, lưu giữ hồn quê bằng các mảnh ghép hiện vật cuộc sống, rồi tái hiện chúng trong một không gian bảo tàng đồng quê thấm đẫm màu sắc của nền văn minh lúa nước, của văn hóa đồng quê, của tiền tuyến và hậu phương. Sức hút, sức lan tỏa của công trình Bảo tàng Đồng quê với du khách một lần nữa khẳng định sức mạnh mềm của văn hóa truyền thống.

Bảo tàng Đồng quê với khung cảnh thanh bình qua hàng rào râm bụt, ao cá, những mô hình tái hiện sinh hoạt của người nông dân.

Hơn một thập niên nỗ lực xây dựng, Bảo tàng Đồng quê giờ đây không chỉ là điểm đến văn hóa, lịch sử yêu thích của những người dân quanh vùng mà còn được nhiều du khách trong nước, ngoài nước biết đến. Một nông thôn “xưa cũ” sống trong lòng một nông thôn hiện đại đang từng ngày đổi mới, Bảo tàng Đồng quê góp một tiếng nói chân tình của người dân nhằm khẳng định sức mạnh và truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, sáng tạo trong lao động sản xuất. 

1. Những cơn gió đầu mùa ràn rạt thổi mang theo cái lạnh buốt giá từ biển. Cảm nhận rõ vị mặn của biển hòa vào trong gió làm mắt cay nồng. Hít thật sâu mùi vị của quê hương, đâu đó tiếng em thơ đọc chữ ghép vần. Tên làng, tên xã nghe thân quen đến lạ - thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy. Ngoài kia, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những con sông đong đầy tuổi thơ ai đó một thời. Những cây đa, cây đề, cây gạo, cây vông, bờ tre ôm ấp bức tường quê, dình dị, yên ả một góc quê thương nhớ vô ngần. Miên man chợt nghĩ, một ngày nào đó, liệu rằng nét đẹp của hương đồng gió nội ấy có còn? Nhịp sống thay đổi quá nhanh, ngoảnh đi ngoảnh lại, những nét xưa trong đời sống, văn hóa làng quê Bắc Bộ đã dần mai một…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phạm Gia Túc - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư tỉnh Nam Định trồng cây lưu niệm tại Bảo tàng Đồng quê. 

Bảo tàng Đồng quê hiện hữu như nhân chứng của lịch sử, văn hóa, của niềm tin cho dù vật đổi sao dời thì vẫn còn đó Bảo tàng Đồng quê, hồn quê thương nhớ vơi đầy. Cuộc sống cha ông thấm trong từng đồ vật, thấm trong từng hình ảnh gợi nhớ. 

Mười mấy năm, biết bao chuyến về thăm, biết bao lần tần ngần, ngẩn ngơ nhìn vật nhớ người. Cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên, rưng rưng một miền ký ức… Bước qua cánh cổng tam quan xây theo kiến trúc cổng làng cổ kính, hai bên đắp chữ nổi đôi câu đối của giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu đề tặng “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước/Để cho con cháu mãi ngàn sau” là một thế giới của hồi ức, của yêu thương, nhớ nhung và cả niềm tự hào, khát vọng.

Nếp nhà quê một thời xưa cũ mang hoài niệm mẹ cha vất vả một đời

Những mái nhà lợp bổi nguyên sơ, những nổi ba, nổi bảy, những thau đồng, chậu đồng, những chiếc đèn bão,… bức tranh quê qua nhiều thế kỷ vẫn hiện về đủ đầy lớp lang. 6000m2 đất chứa đựng cả lịch sử văn hóa một thời. Từng chi tiết nhỏ của bảo tàng đều thấm đẫm hồn quê hương, mang tâm tư tình cảm ấp ủ cả đời của người tạo dựng. 

Những hiện vật đồng quê tiêu biểu được trưng bày tại tòa nhà trung tâm, một kiểu nhà hiện đại phổ biến ở nông thôn hiện nay như một điểm nhấn chủ đạo của bảo tàng. Khu trưng bày dụng cụ sản xuất nông nghiệp với chủ đề chính về cây lúa với đồng bằng Bắc Bộ. Các hiện vật ở đây chủ yếu là các nông cụ liên quan đến nghề trồng lúa, các nông cụ đã qua sản xuất gắn bó với đời sống ông cha, như bộ sưu tập về các nông cụ làm đất, nông cụ chăm sóc lúa, nông cụ thu hoạch,... Tại đây còn có các loại công cụ nghề biển, nghề muối đã gắn bó với người dân nơi đây hàng trăm năm qua; khu đồ dùng với rất nhiều chủng loại, vô cùng phong phú và đa dạng. Từ chiếc cối xay, cối giã gạo, chiếc cày, hay bát ăn cơm, rổ rá… trong sinh hoạt và sản xuất của người dân đồng bằng đều được tái hiện sinh động và hấp dẫn.

Ngôi nhà bần nông được phục dựng gợi bao ký ức rưng rưng.

Khu thư viện và phòng đọc sách với trên 1.000 đầu sách, ngoài các sách về phong tục tập quán của quê hương Nam Định, sách y học, danh nhân, văn hóa ẩm thực, khoa học kỹ thuật, lịch sử, nghệ thuật, quân đội… và nhiều loại tạp chí giới thiệu các danh lam thắng cảnh, cổ vật, con người và đất nước Việt Nam. 

Độc đáo nơi trưng bày những kỷ vật chiến tranh, gắn với cuộc đời quân ngũ của Thiếu tướng Hoàng Kiền, thể hiện hồi ức của một người chiến sĩ công binh trong quá trình chiến đấu, công tác suốt hơn 40 năm; những hiện vật, bức ảnh về quá trình xây dựng quần đảo Trường Sa của những người con làng Bỉnh Di (Nam Định). Tất cả là tài sản vô giá của vị tướng từng chiến đấu ở những chiến trường đỏ lửa, đến những năm tháng hòa bình xây dựng quân đội, xây dựng phên dậu đất nước từ biển, đảo xa xôi đến miền núi hẻo lánh; là chiếc cầu nối quá khứ, hiện tại và mãi mãi sau này. 

Xúc động nghẹn ngào, giữa không gian hoài niệm xưa cũ ấy, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện diện trang nghiêm, ấm áp như vỗ về, như khích lệ động viên những người làm văn hóa “bất đắc dĩ” bền chí, vững tâm góp phần giữ gìn văn hóa, lịch sử cha ông.

Miền ký ức đậm sâu năm tháng của ông cha, của lịch sử. Mỗi hiện vật của Bảo tàng Đồng quê như những chứng nhân hiện diện làm tường minh, làm sâu sắc thêm đời sống văn hóa, ý chí, vẻ đẹp lao động của con người Việt Nam.

Gốc quê không còn, hồn quê không có thì sao thành người!... Tiếng ai đó vọng về như nhắc nhở, thênh thang một thuở hồn quê dịu dàng.

2. Bà giáo gồng gánh một đời nuôi con chữ, nuôi cả những ước mong từ những “đồ đồng nát” để rồi góp nhặt nên những yêu thương, góp nhặt nên một hành trình văn hóa từ hiện vật “có một không hai”. 

Trong suốt 20 năm, Nhà giáo Ngô Thị Khiếu Giám đốc Bảo tàng Đồng quê đã trải qua hành trình hơn một vạn ki - lô- mét ngược xuôi Nam - Bắc sưu tầm, nâng niu, giữ gìn từng hiện vật.

Hàng nghìn hiện vật đặc trưng cho vùng đồng bằng Bắc Bộ bao gồm công cụ lao động trong sản xuất nông nghiệp, nghề biển, nghề muối, dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng; khoảng 700 chiếc nồi, mâm, chậu, sanh đồng; hơn 100 chiếc đèn dầu; hơn một tạ tiền xu các loại, 2kg tiền giấy Đông Dương;… với hồ sơ đầy đủ. Những con số ấy của thời gian, của lịch sử, của văn hóa, của sự phản ánh chân thực nhất quá trình lao tâm khổ tứ tìm kiếm, thu thập, xác minh làm sống dậy từng hiện vật. Để có được một thế giới hiện vật sắp đặt lớp lang ấy, nhà giáo Ngô Thị Khiếu đã trải qua hành trình hơn một vạn ki-lô-mét trong suốt 20 năm ngược xuôi Nam - Bắc sưu tầm, nâng niu, giữ gìn, sáng tạo. Đôi bàn chân của bà rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc khắc khoải nỗi lo vắng bóng ký ức một thời cha ông.

Còn ông, Thiếu tướng Hoàng Kiền, từ chiến trận giải phóng dân tộc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế, trận tuyến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở về với đời thường, quê hương, người anh hùng lại cùng vợ trong vai người lính xung kích trên mặt trận bảo vệ những giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, vị tướng của biển đảo, đường biên vẫn tiếp bước quân hành… Bục giảng hôm nay của ông bà giáo là các gian trưng bày của bảo tàng đồng quê để các em học sinh và khách tham quan thêm hiểu về Trường Sơn, quần đảo Trường Sa, về đường tuần tra biên giới, những trận đánh ác liệt của cha ông,… thêm trân trọng thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, hình thành nên nền văn minh lúa nước – nền văn minh sông Hồng, nên một Việt Nam hùng cường, vững mạnh hôm nay.

Văn phòng Chủ tịch nước thăm quan Bảo tàng Đồng quê tháng 4/2024

Dường như sứ mệnh đã trao cho vợ chồng ông bà giáo một công việc mà chỉ khi có đủ đam mê, nhiệt huyết, tận tâm, tận lực mới có thể làm.

Một Bảo tàng Đồng quê lay động lòng người. Hình ảnh quê hương gói gọn một góc nhìn. Đó là tình cảm, tâm huyết, nỗi niềm mấy mươi năm gắn bó với quê hương, là sự “xót xa” với những gì in dấu ấn một thời đang từng ngày mai một, là nỗi lo con cháu đời sau lãng quên giá trị truyền thống. Từ ước mong nhỏ bé lúc ban đầu của cô giáo về hưu - xây một thư viện nhỏ cho các em học sinh và bà con có nơi để đọc sách và trưng bày những hiện vật đồng quê đang dần bị mai một. Ước mong chính đáng ấy của bà đã nhận được sự động viên, ủng hộ của lãnh đạo các cấp địa phương từ thôn xóm tới tỉnh tạo mọi điều kiện để bảo tàng được xây dựng đi vào hoạt động; sự ủng hộ giúp đỡ về kinh phí xây dựng, tặng hiện vật của các cá nhân và tập thể trên mọi miền đất nước. Công trình Bảo tàng Đồng quê được khởi công tháng 3 năm 2011 và qua hơn 10 năm hoạt động với những giá trị lịch sử, văn hóa mang lại, Bảo tàng Đồng quê đã và đang trở thành điểm đến văn hóa, lịch sử đặc biệt của nhân dân cả nước và khách quốc tế. 

Bảo tàng Đồng quê, một dự án văn hóa tư nhân, một công trình văn hóa tái hiện tâm hồn, cuộc sống, tinh thần lao động cần cù, anh dũng chống giặc ngoại xâm và đấu tranh với thiên nhiên của cha ông ta; là sợi dây gắn kết quá khứ, hiện tại, gợi mở tương lai mang tinh thần nhân văn cao cả với ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Bài 2: Tôn vinh truyền thống, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước

Nam Giao

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top