Bảo đảm bình đẳng giới trong Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
20:29 14/09/2023
- Văn hóa xã hội
Ngày13/9, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp chuyên gia cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội (UBXH) chủ trì phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội; đại biểu các Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Ban soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN) thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; các chuyên gia về pháp luật và bình đẳng giới.
Tại phiên họp, Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, Cơ quan thường trực Ban soạn thảo dự án Luật, báo cáo về việc xây dựng dự án Luật. Theo đó, dự án Luật do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Công an xây dựng nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN, nhất là đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của CNQP, công nghiệp an ninh (CNAN); huy động các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực CNQP. Dự thảo dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN gồm 7 chương, 73 điều.
Về một số nội dung liên quan đến giới trong dự án Luật, các quy định được đề xuất đã đáp ứng nguyên tắc bình đẳng giới. Theo đó, Luật bảo đảm bình đẳng giới trong việc thụ hưởng các chế độ, chính sách khi tham gia hoạt động CNQP, AN và thực hiện nhiệm vụ ĐVCN. Chế độ, chính sách trong dự án luật không gây ảnh hưởng đến cơ hội việc làm, điều kiện, năng lực thực hiện công việc giữa nam giới và nữ giới. Đồng thời, những quyền lợi của người lao động trong các cơ sở CNQP, AN được áp dụng chung, không có sự phân biệt đối xử về giới. Các nội dung lồng ghép bình đẳng giới về chính trị; kinh tế, lao động; hoạt động khoa học và công nghệ; y tế, giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông được thể hiện cụ thể bằng các điều khoản trong dự thảo Luật.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phát biểu tại phiên họp.
Các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất việc xây dựng dự án Luật là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ CNQP, AN và ĐVCN trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu các ý kiến đóng góp của chuyên gia tại phiên họp; tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan rà soát, bổ sung các quy định để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với các nguyên tắc bình đẳng không phân biệt đối xử trong thụ hưởng chế độ, chính sách, điều kiện bảo đảm hoạt động của người lao động trong CNQP, AN và ĐVCN.
PV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Herbalife Việt Nam đồng hành cùng VTV3 khép lại mùa thứ hai “Sinh viên thế hệ mới” thành công (03:16 21/11/2024)
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)