Báo chí trong ngôi làng toàn cầu hôm nay

Một công nhân ở TP. Hồ Chí Minh hằng ngày tham gia sản xuất ra những đôi giày cao cấp, nhưng sản phẩm ấy chỉ để xuất khẩu cho người giàu ở các nước phương Tây, anh ta khó có cơ hội được sử dụng do thu nhập còn thấp. Nhưng buổi tối về nhà, anh công nhân ấy có thể lên mạng để chia sẻ cùng bạn bè, trao đổi cùng người thân ở xa qua Facebook bằng một chiếc điện thoại thông minh giá rẻ.

Trong quá trình toàn cầu hóa, truyền thông đóng vai trò trung tâm. Ảnh minh họa

Anh ta cũng có thể xem tin tức về chuyện bầu cử Tổng thống ở Mỹ, có thể xem trận đấu giữa 2 đội bóng Arsenal và Barcelona qua màn ảnh truyền hình, đồng thời, nhâm nhi cốc cà phê Starbucks vừa mua từ siêu thị gần chỗ anh trọ...

Từ toàn cầu hóa đến bùng nổ truyền thông

Toàn cầu hóa là một hiện tượng có bề dày lịch sử và liên quan đến nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, truyền thông, khoa học - công nghệ... Chính vì vậy, khái niệm toàn cầu hóa có nhiều cách hiểu khác nhau, vừa đa dạng vừa phức tạp.

Từ góc độ kinh tế học, người ta bàn về sự lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, tư bản, kỹ thuật, lao động từ nước này sang nước khác, qua đó, hình thành các công ty đa quốc gia, các thị trường xuyên quốc gia và sự phân công lao động ở phạm vi quốc tế.

Từ góc độ chính trị, người ta thấy, như là hệ quả của các thay đổi về phương diện kinh tế, các quốc gia càng ngày càng có tính liên kết và liên lập.

Từ góc độ văn hóa, nhiều nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh vào kinh nghiệm về không gian và thời gian, từ đó, quan hệ giữa người với người, giữa tính toàn cầu và tính địa phương, giữa hội nhập và ý niệm về bản sắc v.v..

Trong quá trình toàn cầu hóa, truyền thông đóng vai trò trung tâm. Đó là quá trình phát triển mạnh mẽ có tính chất bùng nổ và mở rộng quy mô ảnh hưởng toàn thế giới của các phương tiện truyền thông đại chúng, dẫn tới việc thu hẹp không gian và thời gian thông tin trên phạm vi toàn cầu, hình thành “làng thông tin toàn cầu”. Thông tin ở khắp mọi nơi trên thế giới được truyền tải tức thời, liên tục, nhiều chiều và dễ dàng đến với công chúng.

Ngày nay, ở bất kỳ nơi đâu, mọi người đều có thể nắm bắt được toàn bộ thông tin của thế giới mới vừa diễn ra. Thông tin tại mọi ngóc ngách của hành tinh này được các hãng truyền thông, được chính từng thành viên trong cộng đồng cùng cung cấp một cách nhanh chóng và chính xác tới cho mỗi công dân.

Cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật khoa học - công nghệ trong thế kỷ XX, đặc biệt là sự xuất hiện của Internet và các dịch vụ truyền thông trên nền tảng Internet đã tạo ra điều kỳ diệu ấy. Sự phát triển công nghệ đã giúp các phương tiện truyền thông đại chúng, hoặc có tính chất truyền thông đại chúng thực sự hút thời gian vận chuyển tin tức về không (0), kéo khoảng cách truyền tin trong khuôn khổ từng quốc gia và cả thế giới vào tầm mắt nhìn, tầm tai nghe bình thường.

Hai mặt của một hiện tượng

Quá trình toàn cầu hóa truyền thông một mặt góp phần dân chủ hóa về tri thức và kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, kích thích sự tìm tòi, học hỏi, trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm trong sản xuất và quản lý xã hội, mở rộng tầm nhìn toàn cầu, tăng cường nguồn lực tri thức và văn hóa cho cá nhân và cộng đồng ở tất cả các dân tộc, các quốc gia, nhưng đồng thời, nó cũng bị chi phối bởi các cường quốc truyền thông, tạo nên hậu quả về một sự phát triển tập trung và mất cân bằng của những trao đổi về sản phẩm và dịch vụ truyền thông.

Quá trình toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng ở tất cả lĩnh vực không chỉ riêng báo chí

Các tập đoàn truyền thông đa quốc gia là những doanh nghiệp liên tục mở rộng hoạt động ở tầm toàn cầu nhiều năm qua nhờ sự phát triển về công nghệ. Các hãng thông tấn, các tập đoàn báo chí lớn giờ đây không chỉ cung cấp thông tin, các chương trình truyền thông, giải trí, các dịch vụ tin tức cho toàn thế giới mà còn góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho truyền thông nhằm phục vụ các mục tiêu ngoại giao, thương mại.

Trong bối cảnh ấy, thách thức và cơ hội đặt ra cho truyền thông của các nước đang phát triển như Việt Nam ngày càng lớn hơn.

Không một nhà nước nào lại bỏ quên vai trò quyết định trong việc bảo đảm cho người dân tiếp cận thông tin qua các phương tiện truyền thông chính thống và mỗi quốc gia có những cách riêng để quản lý, kiểm soát truyền thông khác nhau. Nhưng, toàn cầu hóa vẫn là xu thế không thể đảo ngược. Sự xuất hiện của các dạng thức truyền thông xã hội như blog, mạng xã hội những năm gần đây cho thấy tính phức tạp trong dòng chảy thông tin toàn cầu ngày càng lớn hơn.

Làm thế nào để chống lại sự bành trướng thông tin, sự phụ thuộc thông tin dẫn tới lệ thuộc nguồn tin, thậm chí, bị định hướng, hướng dẫn nhận thức theo ý đồ của các tập đoàn báo chí, của các nước lớn hay của các nhóm lợi ích? Làm thế nào để giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, để không bị chi phối về mặt nhận thức, tư tưởng, lối sống... từ ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa truyền thông? Đây là những câu hỏi không mới, thậm chí là rất cũ, nhưng câu trả lời vẫn còn đang tiếp tục hoàn thiện.

Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng sâu sắc, quá trình đó gắn chặt với công cụ kết nối thông tin toàn cầu và vai trò của các cá nhân, trong đó có các nhà báo. Khi khoảng cách công nghệ còn xa, cuộc chiến chống bất bình đẳng trong quá trình toàn cầu hóa truyền thông ở các nước đang phát triển như Việt Nam càng cho thấy vai trò mang tính quyết định của nhân lực, nhất là đội ngũ làm công tác truyền thông, công tác tư tưởng./.

Phan Văn Tú

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top