Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Báo chí ở quê hương Mozart

Tháng 7/2015, tôi có dịp được tham gia đoàn cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền do PGS, TS. Phạm Huy Kỳ - Phó Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại quê hương của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart - Cộng hòa Áo theo chương trình Hội thảo chuyên sâu với chủ đề “Những vấn đề hiện tại của truyền thông và nghiên cứu truyền thông tại Châu Âu”.

Đây là chương trình hợp tác giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Khoa Truyền thông, Đại học Tổng hợp Viên (Cộng hòa Áo) nhằm cập nhật những kiến thức, phương thức làm báo hiện đại và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy về báo chí, truyền thông.

Theo TS. Joerg Matthes - Trưởng khoa Truyền thông, dù với lịch sử phát triển 75 năm, Khoa Truyền thông vẫn được coi là rất trẻ so với ngôi trường hơn 600 năm tuổi (năm nay, Đại học Tổng hợp Viên kỷ niệm 650 năm thành lập) nhưng đây là cơ sở đào tạo truyền thông chính của Áo, đồng thời là khoa lớn nhất trên thế giới. Khoa Truyền thông hiện có 120 cán bộ, giảng viên, với 5.000 sinh viên và học viên đang theo học ở 3 ngành: Báo chí, truyền thông chính trị và hoạt động quan hệ công chúng, kinh tế truyền thông. Khoa Truyền thông luôn là đơn vị đi đầu trong sự phát triển chuyên nghiệp của Đại học Tổng hợp Viên.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại châu Âu, đoàn nghiên cứu đã được đến thăm và làm việc với một số cơ quan báo chí – truyền thông của Áo như: Phòng Báo chí và Truyền thông của trụ sở Liên Hợp Quốc tại Áo, Đài truyền hình OKTO, Đài Phát thanh - Truyền hình ORF, Thông tấn xã Áo (Austrian Press Agency – APA), báo Wiener Zeitung, Phòng Báo chí của Thành phố Viên, Văn phòng Báo chí và Quản lý Truyền thông của Chính phủ Áo…

Công chúng tạo nên sự khác biệt

Ở Áo có ba mô hình cơ quan báo chí: Nhà nước, tư nhân và cộng đồng. Đài Truyền hình OKTO thuộc mô hình thứ 3. Đây là đài tư nhân nhưng sử dụng ngân sách công và phục vụ lợi ích cộng đồng. Ở Châu Âu, Áo là nước muộn nhất cho phép ra đời đài truyền hình tư nhân - năm 2001. Trong tiếng Hi Lạp, OKTO nghĩa là số 8, các chương trình của Đài cũng phát trên Kênh 8 hệ cable quốc gia.

OKTO không phóng viên, không quay phim và không biên tập. Số nhân viên làm việc thường xuyên ở OKTO, không phải vài trăm, hay vài nghìn, mà chỉ có 21 người. Vậy họ lấy gì để phát sóng? Đó chính là khác biệt của OKTO - khi CỘNG ĐỒNG vừa là tác giả - vừa là khán giả. OKTO tạo ra cơ hội làm truyền hình, mở cửa chào đón tất cả mọi người nói tiếng nói của mình, thể hiện ý tưởng, được hướng dẫn và sử dụng các thiết bị kỹ thuật miễn phí để sản xuất chương trình. Mỗi ngày, OKTO phát mới từ 2 đến 4 giờ, các giờ khác thì phát lại.

Vậy tiêu chí nào cho việc chọn lựa chương trình? Câu trả lời là ý tưởng. Ông Christian Jungwirth, Giám đốc điều hành, phụ trách tài chính nói rằng, mấu chốt của thành công chính là KHÁC BIỆT. Chỉ cần có ý tưởng tốt, Đài sẽ tạo mọi điều kiện để người đó được tự do sáng tạo, sản xuất chương trình. Mỗi năm, OKTO mở hàng chục khóa đào tạo, hướng dẫn để công chúng có thể tự sản xuất được chương trình truyền hình của mình. Công chúng không phải trả tiền cho những điều họ được đào tạo và cũng không được trả tiền cho những gì họ sản xuất ra. OKTO tạo cơ hội, giúp họ từng bước trở thành “nhà báo” và đưa sản phẩm của họ đến đông đảo công chúng. Khoảng 400-500 người là cộng tác viên thường xuyên của OKTO (trong đó rất nhiều là sinh viên báo chí, truyền thông).

Làm thế nào OKTO có thể giữ chân được những cộng tác viên giỏi ở lại lâu dài khi họ không được trả tiền cho những gì làm ra, đồng thời có rất nhiều các đài truyền hình khác hằng ngày săn đón người có ý tưởng. Ông Christian Jungwirth nói rằng “điều này là quy luật của cuộc sống và nó giúp cho sự phát triển của xã hội, đất nước”. Rất nhiều người có ước mơ, ý tưởng và khả năng thực hiện một điều gì đó nhưng lại không có cơ hội thể hiện. OKTO sẵn sàng là bậc thang đầu nâng bước những tài năng, cung cấp sự thử nghiệm. Thêm nữa, những người cũ ra đi sẽ tạo cơ hội cho những người mới. Việc thử nghiệm với những người mới cũng là điều vô cùng thú vị.

Theo bà Barbara Eppensteiner - Giám đốc chương trình (quản lý nội dung), OKTO tôn trọng tính đa văn hoá nên sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Trung Quốc... Thông tin của OKTO rất đa dạng, bao quát mọi lĩnh vực của đời sống như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội với các chương trình tin tức, phóng sự, phim truyện, diễn đàn, tọa đàm... Trung bình, lượng khán giả của Đài từ 10-20 nghìn người/năm, so với gần 8 triệu dân của Áo thì đây không phải là con số nhỏ.

Mỗi năm OKTO nhận được khoảng 1,5 triệu euro, trong đó một triệu euro từ thành phố Viên, 400-500 euro từ Chính phủ Áo. Theo ông Christian Jungwirth, đây là số tiền rất nhỏ để duy trì cả một đài truyền hình, nó chỉ bằng số tiền của một chương trình hay chuỗi chương trình truyền hình nào đó của các đài truyền hình khác. Số tiền này phần lớn dùng để mua sắm trang thiết bị và tổ chức các lớp tập huấn cho công chúng. 

Đài OKTO hoạt động phi lợi nhuận, không có quảng cáo. Có hai lý do mà OKTO không có quảng cáo. Một là, OKTO không thể cạnh tranh với các đài truyền hình lớn của Áo và Châu Âu trong việc thu hút quảng cáo. Nhưng lý do quan trọng hơn chính là mục đích hoạt động vì cộng đồng của OKTO, không muốn công chúng bị ngắt quãng khi đang xem những chương trình hay, yêu thích. Không chỉ OKTO mà ngày càng nhiều các tờ báo, đài phát thanh, truyền hình nhận ra rằng, nguồn lợi từ quảng cáo và tìm mọi cách để thu hút quảng cáo không phải là cách bền lâu. Bền vững nhất là tập trung vào nội dung, tăng sự hấp dẫn của nội dung.

Năm 2005, OKTO được thành lập từ ý tưởng của GS, TS. Thomas Bauer (Đại học Tổng hợp Viên) và các cộng sự.  Mô hình đài truyền hình cộng đồng đang được tiếp tục được thử nghiệm và nhân rộng tại nhiều nước có nền báo chí phát triển. Khi mạng xã hội nở rộ, ai cũng có cơ hội trở thành nhà báo thì việc ra đời một đài truyền hình cộng đồng như OKTO là tất yếu. OKTO trở thành đài truyền hình rất được yêu thích và nhiều người quan tâm ở Thủ đô Viên.

Tác giả chụp tại Phòng biên tập của OKTO

Đa phương tiện và đa dạng sản phẩm

GS, TS. Wolgang Vyslouzil - nguyên tổng giám đốc Thông tấn xã Áo (Austrian Press Agency – APA) đã tiếp đoàn và có bài thuyết trình đầy ấn tượng về lịch sử, hiện tại và triển vọng của thông tấn xã nói chung, APA nói riêng. Theo ông, hiện có khoảng 140 thông tấn xã trên toàn cầu (trong đó có 10 thông tấn xã quốc tế và 130 thông tấn xã quốc gia; 20 thông tấn xã của tư nhân và 120 thông tấn xã thuộc nhà nước) kết nối với nhau thông qua thông tin và sử dụng thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp của nhau. Thông tấn xã thuộc nhà nước được bao cấp từ chính phủ, còn thông tấn xã tư nhân thì không nên họ phải tìm nhiều cách để duy trì hoạt động, và cách quan trọng nhất (đôi khi duy nhất) là bán dịch vụ. Một khảo sát năm 2012 cho thấy, trong khi các thông tấn xã nhà nước thu không bù chi thì các thông tấn xã tư nhân lại có doanh thu hiệu quả. Năm 2012, tổng doanh thu của AP là 470 triệu euro; Reuter là 300 triệu euro; AFP là 288 triệu euro... chủ yếu đến từ sự đa dạng sản phẩm.

Thời gian đầu, từ năm 1949 -1959, APA là thông tấn xã tư nhân; từ năm 1959-1946 trở thành thông tấn xã nhà nước. Sau nhiều lần chuyển đổi, từ 1946 đến nay, APA là tập đoàn báo chí nhà nước nhưng hoạt động độc lập về kinh tế với nhiều công ty con hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh là trung tâm tin tức cung cấp các dịch vụ truyền thông, APA còn cung cấp các dịch vụ công, cũng như tham gia đào tạo báo chí, truyền thông.

Lãnh đạo của APA nhận thấy, trên thực tế, thu nhập hiện nay của các cơ quan báo chí ngày càng giảm trong khi chi phí để duy trì hoạt động ngày càng tăng. Phương án chiến lược nào có thể khỏa lấp khoảng trống giữa thu và chi của các cơ quan báo chí? Một số tính đến giảm chi phí, cắt giảm nhân sự hoặc tăng cường tìm kiếm nguồn thu khác. APA thì cho rằng, trong điều kiện thị trường báo in của Áo bị giới hạn, nhỏ bé, hạn hẹp khi chỉ có 14 tờ báo, nếu chỉ dựa vào đây thì doanh thu sẽ rất khó khăn. Vì vậy, đa phương tiện và đa dạng hoá sản phẩm là lối thoát khả thi. Nếu năm 2014, APA chủ yếu sản xuất thông tin dưới dạng văn bản thì năm 2015, thông tin đa phương tiện đã được tăng lên rất nhiều. Từ tháng 1 đến tháng 6/2015, APA đã sản xuất 150.000 tin tức, 235.000 bức ảnh, 1.600 đồ họa và 2.200 video…

Với nhiệm vụ nghiên cứu, biên tập và sản xuất thông tin, phục vụ hơn 60.000 khách hàng, APA hoạt động 24h/ ngày, 7 ngày/ tuần, sản xuất một số lượng thông tin khổng lồ, khoảng 500 đến 1.000 tin bài, 2.000 bức ảnh/ngày với nội dung đa dạng, đa phương tiện và cung cấp cho nhiều thiết bị, nền tảng: báo in, trang web, mobile và các loại màn hình khác. Hiện APA có 160 nhà báo và 140 người làm về công nghệ thông tin. 

Mô hình tòa soạn của Thông tấn xã APA

Với tiêu chí đưa tin: Chính xác, nhanh và đảm bảo sự tin cậy, có thể nói, hầu hết hoạt động của các cơ quan báo chí ở Áo cho dù đó là báo in, phát thanh, truyền hình hay báo mạng điện tử đều nhờ sự trợ giúp của APA. Bên cạnh hơn 50% lượng tin, bài, ảnh tự sản xuất, APA còn liên kết với các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AFP, Reuters… để trao đổi thông tin.

Hiện APA có 4 nguồn thu chính: Thứ nhất, từ việc sản xuất tin tức theo dạng truyền thống dành cho báo in; thứ hai, từ ngân hàng ảnh (trong đó 60% ảnh là do APA, 40% ảnh từ nhiều nguồn khác nhau do APA liên kết); thứ ba, từ quản lý, cung cấp kho dữ liệu (bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Đức, Anh, Pháp…); thứ tư, từ sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin. Thực tế cho thấy, trong khi nguồn thu thứ nhất giảm sút thì 3 nguồn thu còn lại tăng lên.

Thông tấn xã APA tọa lạc trên một khu đất rộng 1.600 m2 nằm ở trung tâm của thành phố Viên, bao quanh là các công viên tuyệt đẹp, yên bình. Phải mất 5 năm (2005), APA mới tìm được vị trí ưng ý này. Việc xây dựng cơ sở mới tiêu tốn hơn 10 triệu euro, cộng thêm chuyển từ vị trí cũ đến vị trí mới mất 6 triệu euro nhưng lãnh đạo của APA vẫn quyết định thay đổi. Với mặt bằng lý tưởng đã cho phép APA xây dựng một cơ quan truyền thông đa phương tiện, theo mô hình hội tụ. Toàn bộ phòng, ban nằm trên một mặt phẳng, không gian mở, không có sự ngăn cách của những bức tường lại có hệ thống chống ồn hiện đại đã tạo điều kiện cho quá trình trao đổi thông tin tại APA diễn ra nhanh chóng, thông suốt và hiệu quả.

 Phát triển công chúng thị trường báo chí

Báo Wiener Zeitung ra đời năm 1703 với tên gọi Wiennerisches Diarium (Nhật kí Thành Wien), phát hành số đầu tiên vào ngày 8/8/1703. Năm 1780, Wiennerisches Diarium chính thức đổi thành Nhật báo Wiener Zeitung. Năm 1995, báo Wiener Zeitung ra mắt báo điện tử - www.wienerzeitung.at. Năm 1998, tòa báo chuyển đổi thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn - Wiener Zeitung GmbH. Hiện nay, Wiener Zeitung GmbH thuộc về Chính quyền Liên bang nước Cộng hòa Áo với 4 nhóm thị trường: Thị trường báo chí (báo in, báo điện tử Wiener Zeitung, E-paper, báo trên các thiết bị di động và các tạp chí), thị trường xuất bản và bán sách (nhà xuất bản), dịch vụ của Chính phủ (đăng tải, cung cấp các thông tin, văn bản, chỉ dẫn, dịch vụ, hỗ trợ… của Chính phủ phục vụ đời sống của người dân) và thị trường các giải pháp điện tử. Tổng số cán bộ, nhân viên của Wiener Zeitung GmbH là 165 người, trong đó 70 người là lãnh đạo, nhà báo, phóng viên; 85 nhân viên của các phòng ban, dự án, kỹ thuật viên, họa sĩ thiết kế…; 10 nhà báo đại điện ở châu Âu và thế giới; ngoài ra còn có bộ phận cộng tác viên.

Ông Wolfgang Renner – Giám đốc bộ phận Marketing và Truyền thông

giới thiệu về báo Wiener Zeitung

Wiener Zeitung hiện là nhật báo lâu đời nhất trên thế giới, được coi như “cơ quan ngôn luận” của Chính phủ Áo và Liên minh châu Âu. Báo cũng có sức ảnh hưởng rất lớn, được coi như nguồn cung cấp và đối chiếu thông tin, tư liệu quan trọng, đáng tin cậy cho các nhà báo và các tờ báo ở Áo và châu Âu. Trong bối cảnh các tờ báo in phải thực sự “đấu trí” để cạnh tranh, giữ chân công chúng thì Wiener Zeitung vẫn có số lượng phát hành gần 24.000 bản (cho các bản ra từ thứ Ba đến thứ Sáu) và 55.000 bản (cho các bản ra Thứ Bảy, chủ Nhật). Công chúng Áo tin tưởng, đọc và sử dụng các dịch vụ của báo Wiener Zeitung từ đời này sang đời khác như một thói quen, nét đẹp văn hóa.

Bí quyết nào cho sự tồn tại và phát triển này? Ông Wolfgang Renner – Giám đốc bộ phận Marketing và Truyền thông của Wiener Zeitung (ông cũng là Tiến sĩ Danh dự của Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: Wiener Zeitung tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc: “Công chúng thị trường là sự sống còn của tờ báo, giữ gìn sự cao cấp của tờ báo”.

Wiener Zeitung có nhiều hình thức nhằm chăm sóc công chúng thị trường truyền thống, tìm kiến đối tượng công chúng mới và gia tăng thị phần như: giảm giá 50%, đọc báo miễn phí 3 tháng, trúng thưởng với giá trị cao… Báo đã nghiên cứu để đưa ra các giải pháp cải tiến nội dung, thiết kế, trình bày, đặc biệt là marketing nhằm giữ chân công chúng cũ, thu hút công chúng mới. Hai giải pháp chính để phát triển thị trường đã đề ra, đó là phát triển thị trường báo in bằng cách bán nội dung trên các thiết bị di động như E-paper, iPad, iPhone, Android… và phát triển các phụ trương, các tạp chí dành cho đối tượng sinh viên và hệ thống các trường đại học Áo, châu Âu.

Với Slogan: “Hay để đọc”, nội dung của báo Wiener Zeitung đề cập đến mọi vấn đề của đời sống xã hội với các chuyên mục vừa cập nhật tin tức, vừa phân tích chuyên sâu. Đặc biệt, báo Wiener Zeitung có chuyên mục Công báo đăng tải các bản tuyên bố, đăng ký thành lập hay phá sản, cân đối và báo cáo tài chính hàng năm… của các công ty, khu vực tài chính công thuộc hệ thống Chính phủ Áo và 27 nước khu vực Liên minh châu Âu. Đây là tờ báo duy nhất ở Áo được phép đăng những thông tin này, đồng thời chuyên mục Công báo cũng là chuyên mục quan trọng nhất trong lịch sử của tờ báo – một trong những lý do xuất bản và tồn tại của Wiener Zeitung.

Nguồn doanh thu chủ yếu của Wiener Zeitung gồm: Bán báo (chiếm 20%), dịch vụ đăng tải trên chuyên mục Công báo (chiếm 65%) và dịch vụ quảng cáo (chiếm 15%). Theo ông Wolfgang Renner, nguồn thu từ bán báo và dịch vụ quảng cáo trong nhiều năm lại đây không tăng, điều này có nghĩa là công chúng thị trường của báo đang giảm. Nguồn thu từ dịch vụ đăng tải trên chuyên mục Công báo chiếm lợi thế tuyệt đối, tuy nhiên nếu không có chính sách lâu dài thì báo sẽ đánh mất giá trị đích thực của mình trong hoạt động báo chí. (Điều này đã được các nhà lãnh đạo của Wiener Zeitung nhận thức ra).

Báo Wiener Zeitung là một hiện tượng đặc biệt, nó vừa biết “tuân thủ tiền lệ của Chính phủ”, vừa biết “tuân thủ các quy luật thị trường” để tồn tại và phát triển như ngày nay. Với các giá trị thực mà Wiener Zeitung hướng tới: Niềm tin, Minh bạch, Sáng tạo, Đa dạng, Bản sắc… báo đã trải qua nhiều biến động nhưng nhờ vào sự cải tiến của chính sách truyền thông mà tờ báo vẫn tiếp tục tồn tại đến ngày nay.

Lời kết

Một chuyến công tác, trải nghiệm ngắn ngủi nhưng đầy thú vị, bổ ích với “một bồ” kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy. Còn rất nhiều điều muốn chia sẻ nhưng không thể nói hết. Việc tiếp thu có chọn lọc những bài học, kinh nghiệm của các nền báo chí tiên tiến sẽ giúp cho báo chí Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại hơn./.

 

* Bài viết có tham khảo thông tin từ cuốn sách của Nguyễn Thị Bích Yến (2012), Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào? Kinh nghiệm của tờ báo Wiener Zeitung (Cộng hòa Liên bang Áo); NXB. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang

Học viện Báo chí & Tuyên truyền

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top