Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

“Báo chí là gì? Nghệ thuật và quyền năng huỷ diệt”

Cuốn sách “Báo chí là gì? Nghệ thuật và quyền năng huỷ diệt” là kết quả của hơn 30 năm trải nghiệm thực tiễn và tổng kết lý luận ngành báo chí.

Nghiên cứu báo chí là một lĩnh vực thú vị và thu hút sự chú ý của nhiều học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà báo và cộng đồng khoa học.

Ngay từ đầu thế kỷ 20, lĩnh vực báo chí đã được nghiên cứu như một ngành học thuật chuyên sâu trên toàn thế giới. Các nghiên cứu chủ yếu cung cấp hệ thống lý thuyết về báo chí và truyền thông, là nền tảng để nghiên cứu báo chí có vị thế ngang bằng, thậm chí rất quan trọng ở một vài thời điểm, so với các lĩnh vực học thuật truyền thống như văn học, nghệ thuật và lịch sử.

Nhằm đi sâu vào phân tích và có những cái nhìn chính xác hơn về báo chí và truyền thông trong thời đại mới, những tư tưởng và lý thuyết trong cuốn sách xuất bản tháng 11/2016 có tựa đề "What is Journalism? The Art and Politics of a Rupture"(tạm dịch: Báo chí là gì? Nghệ thuật và quyền năng huỷ diệt) do giáo sư Chris Nash đề xướng là những tổng kết về lý thuyết rất hữu ích với những học giả, những chuyên gia và nghiên cứu sinh ngành báo chí.

Cuốn sách sẽ cung cấp một cách nhìn khác về nghiên cứu báo chí qua con mắt một người có nhiều năm kinh nghiệm làm báo. Các cơ sở lý thuyết được củng cố và bổ sung bằng hàng loạt các ví dụ sinh động và thú vị của đời sống kinh tế, xã hội. Qua đó, xác định vị trí của báo chí và người làm báo, đồng thời, nhấn mạnh vai trò của báo chí trong đời sống xã hội hiện đại.
 

Trang bìa cuốn sách "What is Journalism? The Art and Politics of a Rupture"

Nhắc tới Giáo sư Chris Nash là nhắc tới một tượng đài của báo chí Úc, với những hiểu biết sâu rộng về thực tiễn làm báo cũng như nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về ngành báo chí. Ông là giáo sư sáng lập chuyên ngành đào tạo báo chí tại Đại học Monash, Úc.

Trước khi giảng dạy tại Đại học Monash, ông làm Giám đốc Trung tâm Báo chí độc lập Úc, thuộc Đại học Công nghệ Sydney. Khi làm việc tại Đài Phát thanh - Truyền hình Úc (ABC), Chris Nash đã giành giải thưởng báo chí Walkley cho phóng sự điều tra "Lynch Affair", phanh phui những vụ mua bán đất đai bất minh của Bộ trưởng Ngân khố Liên bang Úc, Phillip Lynch, dẫn đến việc ông bột rưởng phải từ chức năm 1977.

Chris Nash làm đạo diễn cho phim tài liệu "Phillipines, My Philippines" - nói về tác động của phong trào bạo lực tới xã hội Philippines và phim "Brigadistas"- cuộc sống của những người lính Úc và New Zealand làm nhiệm vụ tại Cuba.

Chris Nash từng là trưởng đại diện của Úc trong dự án Tumblong - một dự án phát triển văn hoá dựa trên nền tảng truyền thông trên mạng giữa Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Oxford.

Cuốn sách "Báo chí là gì? Nghệ thuật và quyền năng huỷ diệt" là kết quả của hơn 30 năm trải nghiệm thực tiễn và tổng kết lý luận ngành báo chí.

Cuốn sách phản bác lại quan điểm cho rằng nghề báo là một nghề thực hành đơn thuần, dựa trên chủ nghĩa kinh nghiệm thuần tuý, tường thuật lại những gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại không dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh xã hội, phụ thuộc vào khả năng nhà báo khai thác những nguồn tin có quyền lực.

Chris Nash cho rằng những quan điểm trên là sai lầm nhưng đang ngày càng trở nên phổ biến không chỉ trong những người làm báo mà còn cả trong giới nghiên cứu và đào tạo báo chí.    
 

Tác giả Chris Nash trong lễ ra mắt sách "What is Journalism? The Art and Politics of a Rupture", tổ chức tại Nhà sách Gleebooks, Sydney, 10/11/2016.

Điểm đặc biệt nhất của cuốn sách là cung cấp hệ thống lý thuyết về báo chí, coi báo chí là một lĩnh vực nghiên cứu tương đương với những ngành như lịch sử, địa lý, xã hội học, nghệ thuật học. Cuốn sách đề cập hệ thống lý thuyết của tác học giả nổi tiếng trong ngành khoa học nghệ thuật, xã hội và nhân văn như Pierre Bourdieu, David Harvey, Henri Lefebvre, Michel-Rolph Trouillot, Stuart Hall, Gaye Tuchman và các quan điểm của chủ nghĩa Mac-Lênin và cách sử dụng hệ thống lý thuyết này để thêm chiều sâu lý luận trong tác nghiệp báo chí.

Tuy trình bày lý thuyết, cuốn sách này có hàng loạt các ví dụ trong thực tiễn diễn biến đời sống kinh tế - chính trị thế giới. Cuốn sách phân tích sâu hai trường hợp điển hình. Trường hợp thứ nhất được nói tới trong chương 2 là câu chuyện của nghệ sĩ người Mỹ gốc Đức Hans Haackle, với những tác phẩm nghệ thuật thị giác được coi là báo chí và bị loại khỏi không gian triển lãm, gây ra tranh luận lớn chưa từng có trong giới nghệ sĩ và giới làm báo phương Tây về ranh giới giữa nghệ thuật và báo chí.

Nghiên cứu trường hợp điển hình thứ hai được đề cập trong chương 3 là sự nghiệp của Izzy F. Stone, nhà báo Mỹ được mệnh danh là nhà báo điều tra xuất sắc nhất mọi thời đại.

Câu chuyện nghề của Izzy F. Stone là điển hình cho phong cách nhà báo độc lập về quan điểm chính trị, tự chủ về tài chính, khách quan trong nhận định, mang lại thành công cho hai thập niên xuất bản tờ báo riêng của gia đình nhà báo này.

Izzy F. Stone sau đó chuyển hướng sự nghiệp sang viết sách, thực chất là làm báo thể loại trường kỳ(long form), nhưng vấp phải sự từ chối phũ phàng của những nhà xuất bản. Hai sản phẩm báo chí dưới dạng sách của Stone đã bị 28 nhà xuất bản từ chối phát hành suốt 30 năm, trước khi được công nhận là tuyệt phẩm báo chí và được xuất bản đại trà.  

Hệ thống ma trận 9 loại hình không gian, 9 loại hình thời gian do hai học giả Harvey và Lefebrve xây dựng được trình bày trong chương 4 và chương 5 của cuốn sách, là khung lý thuyết để phân tích, đánh giá, xếp loại tác phẩm báo chí. Chương 6 diễn giải về các khái niệm Trường (Field), Vốn (Capital), Tập tính (Habitus), Nguồn tin (Sources) trong làm báo theo lýthuyết của Pierre Bourdieu.

Cuốn sách "What is Journalism? The Art and Politics of a Rupture" (Báo chí là gì? Nghệ thuật và quyền năng huỷ diệt) do tập đoàn Palgrave Macmillan xuất bản tháng 11/2016, hứa hẹn sẽ là một tài liệu hữu ích cho người làm báo, nghiên cứu sinh và nhà đào tạo báo chí.

Bạn đọc có thể đăng ký mua cuốn sách hoặc từng chương trong cuốn sách qua hệ thống phát hành của công ty Springer http://www.springer.com/in/book/9781137399335

 

Theo: Mạch Lê Thu và Phạm Bình Dương - Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.