Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Bài cuối: Bảo tồn văn hóa dân tộc

17:34 27/10/2022 - Văn hóa xã hội
Tôi đã từng chứng kiến nhiều người yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình một cách nồng nàn, máu thịt. Nhưng yêu, gắn bó và bảo tồn những giá trị văn hóa như cách của bà Roda Nai Linh là điều hiếm thấy. Vì muốn bảo tồn những giá trị văn hóa của tộc người K’ho mà bà Roda Nai Linh đã biến ngôi nhà mình trở thành một “bảo tàng” thu nhỏ giữa đại ngàn Tây Nguyên. Việc làm này của bà Roda Nai Linh trong thời gian qua cứ thế trĩu nặng những yêu thương…
Người đi ngược lời khuyên

Bà Nai Linh hiểu rất rõ về các nhạc cụ dân tộc K'ho.

Bảo tàng tại… tư gia

Nam Tây Nguyên ngày lập đông. Nắng thi thoảng ghé qua rồi núp sau những bóng mây. Đến nhà bà Nai Linh, tôi thật sự bất ngờ. Chần chừ một lúc tôi mới định hình lại cảm xúc của mình. Giữa không gian của huyện nông thôn mới đầu tiên của Tây Nguyên với những căn nhà mái Thái cao tầng thì bà Nai Linh vẫn ở trong căn nhà sàn giản dị. Điều ngạc nhiên hơn là trong ngôi nhà ấy, bà giữ lại những cổ vật giá trị, dù có người hỏi mua cả trăm triệu đồng nhưng đều nhận được cái lắc đầu lạnh lùng của người phụ nữ K’ho này. Như nắm được sự tò mò và thắc mắc của tôi, bà Nai Linh mở lòng: “Mình sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà này, chứng kiến bao nhiêu buồn vui và nhiều kỷ niệm sâu sắc. Mình giữ lại ngôi nhà là để giữ những hồn cốt, nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Nhiều người hỏi mua những vật dụng, cổ vật nhưng mình không bán đâu”. Mấy chục năm tồn tại, ngôi nhà với chiều ngang 6m, dài 14m là nơi chứa đựng bao nhiêu ký ức, đặc biệt là những vật dụng gắn bó với tộc người K’ho. Bên trong ngôi nhà, các vật dụng được bà Nai Linh dụng công bố trí. Chóe cổ, mâm gỗ, lao, đòn gánh, lu nước, trống làm bằng da nai, nồi đồng… được trưng bày khá bài bản. Có những lúc kinh tế gia đình khó khăn, có người vào nhà xem cổ vật, họ trả giá 40 triệu đồng cho một cái chiêng, 10 triệu cho 1 vòng hạt cườm nhưng bà cũng không đồng ý bán.

Bà Roda Nai Linh và những vật dụng của người K'ho trong ngôi nhà sàn truyền thống của mình.

Trao đổi với bà Nai Linh, chúng tôi thấy rằng, những năm qua câu chuyện mai một về nét văn hóa của tộc người K’ho cứ được phơi bày ra một cách ngậm ngùi. Thế nên việc giữ lại ngôi nhà sàn và những cổ vật là việc làm mà bà cho rằng mình đã học và làm đúng theo tinh thần, chủ trương về việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Cách mà bà Nai Linh làm theo Đảng, Nhà nước rất mộc mạc: “Buổi tối coi ti vi thì nghe chủ trương, đường lối của Đảng rồi, mình cứ vậy mà làm thôi. Mình giữ lại những vật dụng này cũng là cách truyền cảm hứng, nhắc nhở cho con cháu biết và gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa nguồn cội”. Bà Nai Linh trải lòng mình bằng một cảm xúc rất thật. 

“Địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống

Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, nơi đây có 43 dân tộc anh em đang sinh sống. Trong cộng đồng các tộc người ấy có khoảng 200 ngàn cư dân người K’ho, Churu, Mạ, chiếm khoảng 15% dân số toàn tỉnh. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân trong những năm qua từng bước được thay da đổi thịt. Đặc biệt, thông qua việc triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới tại huyện Đơn Dương nên diện mạo của vùng nông thôn đã mang một nét mới. Trong luồng gió đổi mới ấy có sự tiếp biến văn hóa, các phong tục, tập quán cũng dần bị mai một. Điều này đã làm cho những người vốn nặng lòng với các giá trị văn hóa truyền thống như bà Nai Linh phải trăn trở.Việc bảo tồn các vật dụng, giữ lại ngôi nhà sàn truyền thống của tổ tiên cũng là cách để bà cùng con cháu và đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn về nguồn cội, đời sống của cha ông mình ngày xưa. Thời gian qua, căn nhà của bà Roda Nai Linh là điểm đến của các em học sinh trên địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ đến để tham quan, tìm hiểu về đời sống văn hóa của người K’ho. “Là một người K’ho,bản thân em là người trẻ tuổi, những phong tục tập quán chỉ được nghe kể lại mà thôi. Tuy nhiên, khi vào tham quan ngôi nhà bà Roda Nai Linh, được bà giới thiệu về nguồn gốc các vật dụng, các nghi lễ của cha ông mình thì đó là điều rất bổ ích. Ngôi nhà như một địa chỉ đỏ để giúp em hiểu hơn về đời sống vật chất, tinh thần, nét văn hóa truyền thống của cha ông mình”. Em Ka Thúy, tổ dân phố M’lọn chia sẻ những điều rất ý nghĩa về ngôi nhà của bà Roda Nai Linh.

Những cổ vật có giá trị vẫn được bà Nai Linh trưng bày trong ngôi nhà sàn.

Ngày chưa trôi về phía cũ, câu chuyện về bà Nai Linh cứ thế làm cho tôi  day dứt hoài nỗi nhớ. Là một người am hiểu rất rõ về các phong tục của người đồng bào dân tộc thiểu số, bà Nai Linh sẵn sàng kể vanh vách những phong tục, tập quán cho người dân tại địa phương với mong muốn trao truyền, lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người đồng bào K’ho nơi đây. Kể cho chúng tôi nghe thêm về những phần việc mà bà Roda Nai linh cống hiến cho cộng đồng, xã hội, ông Nguyễn Văn Vinh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đơn Dương không dấu khỏi sự hài lòng và cảm phục: “Địa phương và ngành chức năng cũng hoan nghênh, ủng hộ những việc làm của bà Nai Linh, về phía ngành văn hóa cũng động viên bà gìn giữ nét văn hóa truyền thống của gia đình thông qua việc giữ lại ngôi nhà sàn và đặc biệt là các vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc K’ho ngày xưa”.

Chia tay bà Roda Nai Linh, tôi trở về phố núi khi nắng đã nhàn nhạt phai màu. Những việc làm của người phụ nữ K’ho này đã làm cho chúng tôi bâng khuâng nhớ. Như một nhịp cầu vững chãi nối giữa ý Đảng và lòng dân, giữa chính sách và thực tiễn, Roda Nai Linh như một hiền nhân nơi đại ngàn Tây Nguyên với một lối nghĩ, cách làm đầy thuyết phục. Với những cống hiến của mình, bà Roda Nai Linh đã vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác Mặt trận và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành tại địa phương. 

Thành Nam

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top