Phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích (Phần 1)
16:52 04/04/2022
- Tác nghiệp
Có nhiều tiêu chí, nhiều thang điểm để đánh giá sự thành công của một tác phẩm báo chí, cụ thể ở đây là một phóng sự điều tra. Nhưng, có lẽ, quan trọng hơn cả vẫn là chân lý thế này: Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách của một ngòi bút, ấy là các tác phẩm kia đã làm được gì cho một xã hội tốt đẹp hơn. Trong mắt công chúng báo chí, trong tiêu chí chấm điểm của tất cả các cuộc thi, sự lan tỏa, tính hiệu quả, hiệu ứng xã hội tử tế của tác phẩm luôn là thứ được thượng tôn.
Chúng tôi tạo hiệu ứng bằng các tuyến bài trình bày Emagazine công phu, phiên bản báo giấy cũng được chăm sóc chu đáo
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Điện tử Dân Việt / Nông thôn Ngày nay) về các bài học, những bí kíp và trăn trở của anh xung quan chủ đề này, sau hành trình hơn 25 năm cầm bút, xuất bản 31 cuốn sách và đoạt nhiều giải Nhất, nhì trong các thưởng báo chí uy tín.
Chúng tôi đau xót đi qua những cánh rừng chết
PHẦN 1: BÓC TỪNG LỚP CỦA SỰ THẬT, ĐỂ KHỐI KẺ PHẢI NGỒI BÓC LỊCH!
Được tin chùm phóng sự điều tra dài kì “Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ “khủng” nhất Việt Nam” của mình và cộng sự được trao Giải A - Giải Báo chí Toàn quốc về Phòng chống tham nhũng tiêu cực (lễ trao tổ chức tại Hà Nội, ngày 13/11/2021), dĩ nhiên là tôi đã rất vui. Có được điều này, tôi nghĩ là vì hiệu ứng xã hội mãnh mẽ của tuyến bài, sau khi chúng tôi đã mất vài năm “nằm vùng”, tham vọng lột trần các đường dây ma mãnh tàn sát rừng cổ thụ ở khắp các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang….
Trong bài giảng của tôi ở khắp cả nước, câu chuyện bảo vệ các rừng nghiến cổ thụ kiên cường, gặn chắt từng thớ đất, từng li ti hơi ẩm sương núi để vươn lên trên các triền đá khắc nghiệt… - đã được trưng ra từ trước khi có tin đi nhận giải. Tôi gọi đây là nghệ thuật bóc từng lớp cay đắng của sự thật ra, như bóc một củ hành cay, càng bóc vào lớp trong thì càng dàn dụa nước mắt. Tuyến bài “bóc hành” gần 10 tin bài đăng xong thì tôi đắng lòng hay tin nhiều người đã… ngồi bóc lịch trong nhà tạm giam. Vụ việc dĩ nhiên là chưa đi đến hồi kết, “màn kịch” mới chỉ vừa được vén thôi.
Trong 3 năm, mỗi chuyến đi cả nghìn cây số đèo dốc đã khiến chúng tôi trồi thụt hy vọng rồi lại thất vọng, trong hành trình “bóc từng lớp sự thật”. Núi đá khắc nghiệt và các cụ nghiến cả nghìn năm tuổi là báu vật trên miền đá, là di sản quốc gia và quốc tế trong công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Chặt một cây bán ra chợ đen có thể thu lợi bất chính ngót tỷ đồng.
Một cây nghiến cổ thụ bị cưa hạ, là hàng trăm và cả nghìn năm di sản thiên nhiên của Công viên địa chất toàn cầu bị tổn thất vĩnh viễn
Cuộc chiến khốc liệt này, ai tư túi, ai trục lợi, ai nói dối là tôi đang bất lực, song họ cứ mặc kệ “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”? Vụ phát hiện 14m3 gỗ nghiến cổ thụ bị buôn bán, đã khiến Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phải chỉ đạo điều tra, còn lần theo đường dây khủng này, chúng tôi tố cáo hơn 800m3 gỗ nghiến bị lâm tặc áo rách và lâm tặc áo “cổ cồn” bỏ lại trong rừng đặc dụng (số họ lấy đi thì còn khủng khiếp hơn nhiều). Dù thế nào, thì không thể im lặng được.
Tình cờ, Đại sứ quán Mỹ và Hội Nhà báo Việt Nam mời tôi giảng dạy một khóa chống nạn buôn người dọc biên giới, thì học viên đến từ tất cả các “đường viền” biên cương: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên… (toàn những tỉnh có vựa nghiến khổng lồ). Tôi giảng về nghệ thuật cài cắm và hóa trang, các học viên / nhà báo bí mật cung cấp cho tôi nhiều sự thật về rừng nghiến quê họ mà họ chưa có dịp nói ra vì nhiều lẽ. Tôi và cộng sự đã đi tìm các lớp sự thật và âm thầm “bóc” chúng ra.
Kho gỗ nghiến tang vật tại Kiểm lâm huyện Bắc Mê phần nào cho thấy tính chất kinh khủng của các vụ tàn sát rừng nghiến trên địa bàn
…Những lâm tặc đầu nhuộm xanh đỏ vừa đánh bạc và gái gẩm, vừa đi cắt gỗ nghiến chôn xuống đất, tập kết ở các nhà kho hoang vu giữa các tỉnh (để vuỗi trách nhiệm khi nhà kho bị triệt phá) ở dọc các huyện Bắc Mê, Bảo Lâm, Bảo Lạc của 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. Các gã giang hồ đổ đốn vào cờ bạc và luôn khát tiền “chạy án”, chuộc đồ, trốn đầu gấu. Họ xúi giục người nghèo vào rừng chặt nghiến cổ thụ.
Các gã trùm buôn tinh vi, giả ngô nghê viết đơn xin tiếp cận tôi (nhà báo) để “nghĩa hiệp” bảo vệ rừng với các gã “cán bộ” cấu kết với gái gẩm buôn gỗ; nhưng thật ra đây là trò triệt hạ nhau giữa các ông bà trùm tranh giành “đất sống”. Chúng tôi đã trượt theo các trò ma quỷ đó, nhiều đêm trắng theo dõi các xe chở gỗ, các nhà kho di biến động sững sờ, có xe tải 3 “chân” đem hàng ra nước ngoài, có gã “thông chốt” bằng xe đeo biển công vụ.
Thời buổi mà dân xã hội đen hiểu về nghề báo, về ước vọng và sự say nghề của nhà báo không kém gì một chuyên gia truyền thông này, chúng tôi đã bị các đối tượng quay lại “gài bẫy” hết sức nguy hiểm. Nhiều nguồn tin đã được chúng tôi báo cáo lên Cục Kiểm lâm, Cục Cảnh sát môi trường, Cục Cảnh sát Kinh tế…; phối hợp với Kiểm lâm tỉnh Hà Giang để xử lý.
Một người dẫn đường với rất nhiều thủ đoạn đánh lạc hướng phóng viên điều tra, phía sau anh ta là một số cán bộ
Nhiều đêm, họ chặn đường xin làm quen, tạo bối cảnh vô tình về một người miền ngược nói tiếng Kinh còn líu ríu. Để “tử tế” đưa nhà báo đi hiện trường, tố cáo lâm tặc bảo vệ thiên nhiên (trời ơi, đi làm điều tra mà gặp “người tốt” cỡ đó, hỏi ông nhà báo nào không sướng rơn!!!). Song đó là cái bẫy “bẻ lái” dư luận, cái bẫy tố cáo địch thủ để các bài điều tra thôi không chĩa vào nhóm lợi ích của anh ta nữa! Loạt bài của chúng tôi, bóc xong cái sự thật rừng bị thảm sát trong Vườn Quốc gia / Rừng đặc dụng (bảo vệ nghiêm ngặt nhất); chúng tôi lại bóc đến lớp sâu hơn, với câu hỏi: Vì sao rừng bị phá? Tiếp theo, lớp nữa chính là sự buông lỏng quản lý, dấu hiệu trục lợi từ hoạt đồng giữ rừng, cái nhập nhằng trong việc phân bổ tiền công bảo vệ rừng của bà con: “Vỡ trận vì dân không ưa cái bụng” (tít kì 2). Vậy, ai đứng đằng sau và họ đã “múa tay trong bị” ra sao, “Đấu trí với sự dắt mũi của các chủ rừng” (tên phóng sự kì 3). Rừng quý chia ra cho nhiều dự án, nhiều lực lượng kiểm lâm bảo vệ, họ rất tinh vi và muốn dắt mũi chúng tôi thông qua việc “mớm lời”, “xúi giục” bà con đạo diễn, lèo lái thông tin; thông qua việc bóc mẽ lẫn nhau, đưa nhà báo vào các ma trận triệt hạ rừng. Họ đã thu lợi tiền tỷ.
Sau quá trình dài bị moi ruột, vựa nghiến ở rừng đặc dụng của Bắc Mê có khi đã chuyển đổi thành rừng sản xuất
Vậy, đâu là bản chất vấn đề? Làm thủy điện, di dân vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Du Già, dân nghèo, giữ rừng để lấy tiền sinh sống, tiền bị xà xẻo, dân uất và mặc kệ rừng hoặc tham gia phá rừng kiếm ăn. Lâm tặc cung cấp nhu yếu phẩm, đầu tư mọi thứ cho dân đi đẵn gỗ rồi cõng ra bán cho chúng. Chúng gom hàng đem ra nước ngoài hoặc bán đi cả nước. Chúng đi qua mọi cửa kiểm soát - dẫu chỉ có mỗi một lối ra khỏi rừng, vậy ai đã bảo kê? Gỗ vi phạm bị bán đấu giá và lại đưa vào lưu thông như bình thường (dù đó là hàng cấm!), những kẻ mua gỗ được cấp giấy tờ nguồn gốc gỗ mua bán đấu giá và đem thứ đó làm bình phong “chứng minh nguồn gốc” cho vô thiên lủng gỗ vi phạm khác. Vậy, hàng cấm (gỗ nghiến cổ thụ) có được phép bán đấu giá nhập nhằng như thế không? Sau tuyến bài, nhiều tỉnh đã chính thức ngừng bán đấu giá gỗ nghiến.
Ai đó đã vô cảm với việc bảo vệ rừng, phải đến lúc chiếc xe này bị tai nạn, mới lòi ra kho gỗ nghiến chở lậu ở Bắc Mê
Câu hỏi nữa: Cục Kiểm lâm đứng ở đâu? Rừng được Chính phủ giao cho UBND tỉnh quản lý, vậy ông Chủ tịch UBND tỉnh nói gì và liên đới đến đâu? Các Đại biểu Quốc hội nghĩ gì và kiến nghị ra sao? Các vị tướng công an nói gì về trách nhiệm của các đơn vị sức mạnh lẽ ra cần vào cuộc ngăn chặn thảm họa trên? Chúng tôi đã tạo diễn đàn trên Dân Việt để quan chức, chuyên gia lý giải mọi vấn đề. Cá nhân tôi (Đỗ Doãn Hoàng), viết thư cho một số Chủ tịch UBND tỉnh, làm việc với Cục Kiểm lâm, tham gia các hội thảo, diễn thuyết về vấn đề này để vận động hành lang.
Một tít của tuyến bài khi đăng tải trên Dân Việt
Tuyến bài của chúng tôi đã chính thức đề nghị các cơ quan trung ương vào cuộc và quy trách nhiệm cho “các công bộc giữ báu vật trên miền đá” (tít bài kỳ 4 và 5). Kết quả, hiệu ứng của tuyến bài khiến chúng tôi thấy nỗ lực của mình được an ủi, sau những lần phải bỏ chạy, bị đe dọa, bị Trưởng Công an huyện “đuổi” ra khỏi hiện trường khi đang tác nghiệp. Và ngàn vạn sức ép “sinh tử” mà chưa chắc đã nên kể ra đây…
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu về các vấn đề nóng mà tuyến bài của chúng tôi đặt ra
Đó là: ngay trong ngày đầu đăng kì 1, chúng tôi vẫn nằm bẹp ở bản vì leo núi toạc chân sưng tấy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Văn Sơn đã dẫn đầu đoàn đại biểu vào kiểm tra và chỉ đạo nóng. Cùng ngày, lãnh đạo Cục Kiểm lâm Việt Nam có công văn hỏa tốc đề nghị xử lý nghiêm. Sau khi các quan chức, đại biểu quốc hội, các trí thức và nhà bảo tồn lên tiếng đanh thép, các cuộc ra quân quyết liệt được thực thi, tang vật gỗ nghiến bị thu giữ nhiều: 5 vụ việc đã bị khởi tố; 13 đối tượng đã bị bắt tạm giam, tạm giữ hình sự, một Trạm trưởng Kiểm lâm bị bắt giam, Giám đốc Rừng đặc dụng (VQG) bị xử lý kỉ luật, cách tất cả các chức vụ…
Dây xích chạy máy cưa mà lâm tặc bỏ lại sau quá trình chặt hạ các cây nghiến vài trăm năm đến nghìn năm tuổi ở Bắc Mê
Có lẽ, đó chỉ là lớp váng mỡ của những điều cần phải làm vì lương tâm Người, là phần nổi của tảng băng chìm tê tái từng nhiều năm gây công phẫn trong dư luận. Song, với nỗ lực làm cái gì đó cho cộng đồng, để giữ gìn rừng già - tấm áo giáp bảo vệ sự sống của tất cả chúng ta, người cầm bút chúng tôi đã phần nào thấy được an ủi. Thấy các phóng sự đã không bị rơi vào thảm trạng đá ném ao bèo.
Gỗ nghiến bị bắt giữ đưa về chi Cục kiểm lâm Hà Giang và đã bán đấu giá cơ bản hết
Một vụ phá rừng ở Hà Giang đã gây đau lòng cả nước, song tổn thất thiên nhiên nghìn năm tuổi này, dường như chưa bao giờ là bài học để rút kinh nghiệm cả
Nhiều xác cây gỗ nghiến bị đốn hạ còn xót lại trong khu rừng ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang
Nhóm PV và người dẫn đường đi hàng chục tiếng đồng hồ trong rừng, nhiều khi chúng tôi bị các đối tượng đánh lạc hướng điều tra
Những gì lâm tặc bỏ lại trong rừng chỉ là phần nổi của tảng băng lớn đã bị lấy đi
Những người dân và cán bộ thôn bản, khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, họ đều đột ngột nhận được điện thoại điều khiển từ cán bộ kiểm lâm
Tiền thì Ngân sách vẫn chi đều cho bảo vệ rừng, song vì mâu thuẫn, người ta có thể bỏ mặc rừng hoặc phá rừng cho bõ tức
Toàn cảnh khu rừng già, lá phổi xanh của huyện Bắc Mê nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung đang bị tàn phá nghiêm trọng
Trong nhiều ngày đi rừng, phóng viên ghi nhận nhiều cây gỗ nghiến lớn bị chặt hạ, xác nghiến nằm ngổn ngang trong rừng
Vết cưa xẻ còn mới và sắc lẻm, với thiết bị cắt gỗ hiện đại của lâm tặc
Vết cưa xẻ gỗ nghiến cổ thụ làm thớt vẫn còn mới nguyên
Trạm trưởng Trạm kiểm lâm ở khu vực Bắc Mê, nơi tuyến bài của chúng tôi tố cáo, đã bị bắt giam, Giám đốc VQG bị cách toàn bộ các chức vụ, nhiều người khác bị tạm giữ hình sự
Trạm trưởng Trạm kiểm lâm ở khu vực Bắc Mê, nơi tuyến bài của chúng tôi tố cáo, đã bị bắt giam, Giám đốc VQG bị cách toàn bộ các chức vụ, nhiều người khác bị tạm giữ hình sự
(còn nữa)
(Ghi theo lời kể của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)
Bình luận: 0