Phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 19 nội dung quan trọng

Phiên họp dự kiến diễn ra trong 3 ngày và được chia thành 2 đợt (gồm ngày 13-14/12 và ngày 18/12), theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 19 nội dung quan trọng, tập trung vào 5 nhóm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc_Ảnh: TTXVN

Ngày 13/12, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 28.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết Phiên họp dự kiến diễn ra trong 3 ngày và được chia thành 2 đợt (gồm ngày 13-14/12 và ngày 18/12). Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 19 nội dung quan trọng, tập trung vào 5 nhóm. Cụ thể:

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới của Quốc hội. Kỳ họp thứ 6 đã kết thúc vào ngày 29/11 vừa qua, theo thông lệ, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có nhận định, đánh giá, tổng kết trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các báo cáo tổng hợp dư luận của nhân dân, cử tri để có sự đánh giá toàn diện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến sơ bộ về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, dự kiến vào tháng 5/2024.

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp vừa qua đã có 2 dự án Luật quan trọng là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội quyết định chưa thông qua để có thêm thời gian chuẩn bị, hoàn thiện, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt vừa bảo đảm chất lượng của các dự án Luật này.

Ngoài ra, còn một số nội dung rất quan trọng khác như Quy hoạch không gian điện quốc gia; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; nội dung về tài chính-ngân sách còn tồn đọng và thuộc quyền hạn của Quốc hội...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tính đến khả năng từ nay đến Kỳ họp thứ 7 có thể tổ chức một Kỳ họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và cấp bách.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua các chương trình công tác trong năm tới, gồm: Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho ý kiến về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng; xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Đối với dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là dự án Pháp lệnh thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét từ đầu nhiệm kỳ tới nay và nằm trong chương trình lập pháp của cả nhiệm kỳ. Do tính chất quan trọng, dự kiến sẽ được xem xét và thông qua theo quy trình hai kỳ họp Quốc hội.

Một số dự án luật được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 gồm Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)... Nhấn mạnh đây là nội dung lập pháp rất quan trọng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh định hướng tăng cường công tác giám sát và các hình thức giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Hiện nay, chưa có quy trình, quy định cụ thể về nội dung này, do đó cần phải có một văn bản hướng dẫn để tạo sự thuận lợi, thống nhất trong quá trình triển khai; nâng cao chất lượng hoạt động giải trình tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén.

Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 11 nội dung quan trọng về tài chính-ngân sách, địa giới hành chính, nhân sự. Trong đó, có 9 nội dung liên quan đến tài chính-ngân sách như việc phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2023; bổ sung kinh phí chi sự nghiệp khoa học, công nghệ và sự nghiệp bảo vệ môi trường; điều chỉnh vốn vay lại năm 2023 của các địa phương; bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; xem xét quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mỡ nhờn năm 2004; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 giữa các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; giao kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương...

Về vấn đề địa giới hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo Công tác Dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023; cho ý kiến, quyết định bằng văn bản theo thẩm quyền đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024.

Nhấn mạnh phiên họp được tiến hành trong thời gian ngắn, chia làm 2 đợt, với khối lượng công việc rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung làm việc để bảo đảm chất lượng cao nhất.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện các phần công việc để trình ký chứng thực một số dự án luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, trình Chủ tịch nước ký lệnh công bố theo quy định của pháp luật, đồng thời, chuẩn bị các dự án luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp chuyên đề và Kỳ họp thứ 7.

Hoàng Thị Hoa

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top