Phía trước là tình huống
16:50 24/10/2016
- Tác nghiệp
Mỗi nhà báo đều luôn phải ở trong tâm thế sẵn sàng đón nhận những điều
bất ngờ, những tình huống ngoài sự chuẩn bị, thậm chí không mong muốn.
Làm chủ tình huống ngẫu nhiên
Một ngày mưa xuân lất phất đầu năm 1971, tôi về Hợp tác xã Thanh Mai và xã Hoàng Văn Thụ, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội làm phóng sự: “Làng lúa, làng cá dốc lòng cho tiền tuyến”. Cầm tờ giấy giới thiệu trên tay, ông Thư ký UBND xã lật đi lật lại, soi kỹ con dấu đỏ chót mới thấy lần đầu, buột hỏi: “CP 90 là cái gì mà thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng?”
Bất ngờ quá, tôi đâm lúng túng: “Đây là cơ quan tuyệt mật, rất quan trọng”. Ông thư ký dằn từng tiếng một: “Vậy tại sao không có giấy giới thiệu từ trên thành phố, trên huyện xuống?”. Nguy to rồi. Không khéo, đã không được làm việc, còn bị nghi ngờ, tôi đành dẫn giải là phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng thường trú tại Hà Nội để hằng ngày, hàng giờ phản ánh tình cảm bà con miền Bắc, như xã Hoàng Văn Thụ đây với đồng bào miền Nam ruột thịt.
Không ngờ ông thư ký vui vẻ: “Thế thì tốt quá” liền dẫn tôi đi thăm đồng ruộng, ao cá, làm việc với Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Mai. Phóng sự được duyệt, nhưng không được ghi tác giả. Thấy bất ổn, anh Phạm Tăng, biên tập viên cùng phòng liền nảy ra sáng kiến: Giới thiệu là phóng sự do Đài Tiếng nói Việt Nam vừa gửi cho Đài Phát thanh Giải phóng. Thế là ổn.
Có lần tôi đem chuyện bếp núc nghề nghiệp kể cho Trần Quang Khải nghe, anh gật gù nói: “Tớ cũng từng bị một phen hú vía”. Chả là hôm ấy có đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, đến nhà máy dệt “Mùng 8 tháng 3”.
Lúc ấy, Quang Khải hòa vào đoàn để làm tin một cách bí mật. Bất chợt mấy chị cùng quê phát hiện ra anh đang ở Chèm, làm việc tại Hà Nội, sao lại là người miền Nam. Việc cơ quan phải tuyệt mật nên Quang Khải không thể tiếp xúc và giải thích cho người làng ngay được.
Sau này trở lại, anh mới nói với bà con mình là thành viên miền Bắc đón tiếp đoàn miền Nam. Trước tình huống bất chợt này vì cái chung mà phải im lặng cũng là việc nên làm.
Bộ phận điện vụ của Thông tấn xã Giải phóng hoạt động trong thời kì kháng chiến
chống Mỹ cứu nước. Ảnh: TL (TTXVN)
Giải quyết tình huống cần có lý, có tình
Mùa hè năm 1972, tôi vào chiến trường Trị Thiên Huế đang nóng bỏng. Tin chiến sự, bắt tù binh điện về Văn phòng Tỉnh ủy tới tấp. Tôi phải lựa chọn để khai thác. Hay tin bộ đội mình vừa cứu sống một binh sỹ ngụy, tôi lên ngay Trạm Quân y phía Nam. May mắn thay, bác sỹ, Trưởng trạm là Trần Diễm, chú ruột của Trần Trọng Trủy, phóng viên Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam nên anh tạo mọi điều kiện cho tôi làm việc. Trạm trưởng đích thân dẫn tôi đến chỗ binh sỹ ngụy nằm trong góc.
Đi qua lán anh em thương binh, tôi được chào đón vui vẻ. Anh Diễm cho biết tên tù binh là Nguyễn Thọ Rớt, quê ở Quảng Trị vấp mìn định hướng do chính đơn vị anh ta cài lại bị cụt một chân. Anh ta được bộ đội Giải phóng cáng về trạm xá cấp cứu khi vết thương đang hoại tử. Bác sỹ Diễm quyết định cưa một phần đùi của Thọ Rớt và giúp anh ta qua khỏi.
Biết tôi là người Quảng Trị, Thọ Rớt rơm rớm xin được nhận là đồng hương. Tôi gật đầu, anh ta cười mếu máo. Ai ngờ, khi trở ra, anh em thương binh không nhìn tôi. Một anh nói giọng xứ Nghệ nặng và gắt: “Chúng tôi là quân Giải phóng, chiến đấu, hy sinh vì nhân dân, sao không được nói trên Đài mà anh lại ghi âm thằng ngụy đã bắn vào anh em mình”.
Tôi lặng người vì quá bất ngờ trước tình huống này. Trấn tĩnh, tôi liền xin lỗi và cặn kẽ giải thích là đưa một lời lính ngụy thú tội lên Đài làm tinh thần quân địch suy yếu, tan rã cũng bằng mũi xung kích trong trận đánh, bớt phần xương máu của quân ta. Sau đó, tôi thu thanh mỗi thương binh một vài câu nhắn gửi về gia đình qua làn sóng Đài Phát thanh Giải phóng. Anh em vui vẻ nói vào máy và tạm biệt tôi bằng nụ cười đằm thắm.
Ai dè, ít lâu sau, Chi bộ xét kết nạp tôi vào Đảng, có ý kiến cho rằng lập trường của quần chúng không dứt khoát, thiếu kiên định vì nhận tù binh là đồng hương. Tình huống bất ngờ này, lúc ấy không ai giải thích được nên tôi không được thông qua.
Sau này anh Quế Lâm, đảng viên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nói lại với tôi: “Lúc ấy, tớ cũng chả biết nói thế nào để thanh minh cho cậu. Chỉ biết làm phóng viên chiến trường, cái gì cũng ở phía trước. Thật khôn lường”.
Vĩnh Trà
Bình luận: 0