Tăng cường sự phối hợp giữa báo chí và ngành y tế
Phóng viên (PV): Dù báo chí đã rất nỗ lực trong việc đưa những thông tin mới nhất của ngành y tế đến với người dân, tuy nhiên vẫn rất cần sự hợp tác tích cực hơn nữa của ngành y tế. Ông đánh giá thế nào về điều này?
GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng: Tôi cho rằng ngành y tế cần thường xuyên cung cấp và minh bạch thông tin cho báo chí. Từ đó, các cơ quan báo chí sẽ giúp ngành y tế đưa thông tin chính xác, kịp thời. Ngược lại, nếu mập mờ thông tin sẽ làm cho báo chí nghi ngại, cho rằng vấn đề bị giấu và bưng bít thông tin. Ngành y tế cũng cần tổ chức sinh hoạt đối thoại giữa cán bộ y tế với báo chí thường xuyên để hai bên có thể hiểu nhau hơn. Sự phối hợp này sẽ giúp xây dựng một nền chăm sóc sức khỏe của dân, do dân và vì dân ngày càng phát triển. Cùng với đó, nên thành lập câu lạc bộ các nhà báo về chăm sóc sức khỏe để tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe cho nhân dân; tổ chức các cuộc thi viết về chăm sóc sức khỏe; cùng với đó là vinh danh các nhà báo có nhiều bài viết hay, ý nghĩa, có tác dụng thiết thực, đem lại hiệu quả cao về chăm sóc sức khỏe...
GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng.
PV: Thời gian qua, nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành y tế đã được báo chí nêu lên, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận ngành y tế đã có những chuyển biến tích cực. Vậy cần có cách truyền thông như thế nào để người dân có cái nhìn đầy đủ về ngành y tế, thưa ông?
GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng: Tôi rất hoan nghênh việc nêu lên các vấn đề còn tồn tại của ngành y tế, điều đó giúp ngành y tế nhìn rõ hơn những thiếu sót của mình. Tuy nhiên, báo chí cũng cần có sự cảm thông với các cán bộ y tế khi phải lao động trong một môi trường vất vả, nhiều sức ép. Có những trường hợp người thầy thuốc đã làm hết sức mình để cứu chữa bệnh nhân, nhưng kết quả không như mong đợi, trong hoàn cảnh ấy, gia đình bệnh nhân có thể sẽ có những phản ứng thái quá, báo chí không nên vì thế mà đưa ra những lời đánh giá không đúng về các bác sĩ. Quan trọng là phải có cái nhìn tổng thể, chính xác. Có những sự việc rõ ràng nhưng ta phải đặt ra viết để làm gì, viết lúc nào, bài viết của anh sẽ dẫn đến cái gì chứ không phải gặp đâu viết đấy. Cần nhìn nhận rằng ngành y tế vẫn đang cố gắng thay đổi, đặc biệt dành sự quan tâm tới giáo dục y đức và y nghiệp cho những người làm trong lĩnh vực y tế. Đã có những chuyển biến tích cực về ý thức trách nhiệm, thái độ của các cán bộ y tế và công tác vệ sinh tại các bệnh viện. Báo chí nên đưa thêm nhiều thông tin tích cực, những chuyển biến của ngành y tế để người dân có cái nhìn đầy đủ, chứ không phải lúc nào cũng chỉ là những điều tiêu cực.
Nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân
PV: Báo chí trong những năm qua luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới việc bảo vệ sức khỏe nhân dân với những bài viết cập nhật, mang tính thời sự. Theo ông, điều đó đã tác động như thế nào đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân?
GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng: Theo tôi, vấn đề giáo dục bằng truyền thông là giải pháp quan trọng số một trong chăm sóc sức khỏe. Trong truyền thông thì lực lượng báo chí đóng một vai trò chủ lực vì các nhà báo có các hình thức đa dạng để đưa thông tin tới người dân, như: Báo in, báo hình, báo nói. Bên cạnh đó, đặc tính của báo chí là hoạt động thường xuyên, mang tính linh hoạt, có sức lan tỏa cao, dễ đến với mọi người; các nhà báo cũng có khả năng nói và viết tốt, lại được tổ chức chuyên nghiệp. Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người có thể không để ý đến những vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhưng khi đọc các bài báo, nghe thông tin qua đài, ti vi thì thường sẽ dễ dàng nghe và làm theo.
PV: Bên cạnh việc nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại các cơ sở y tế, cũng cần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ sức khỏe bản thân. Vậy báo chí cần làm gì để giúp nâng cao ý thức người dân, thưa ông?
GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng: Các nhà báo cần tuyên truyền để người dân tích cực tham gia chăm sóc sức khỏe; đồng thời giúp người dân hiểu và đồng thuận với các chính sách về chăm sóc sức khỏe của Nhà nước. Cùng với đó nên đưa ra những kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe; những gương tốt và những gương xấu trong chăm sóc sức khỏe. Những gương tốt ở đây có thể là những tấm gương tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng; cùng những gương xấu về mất vệ sinh môi trường sống, mất an toàn vệ sinh thực phẩm,... ví dụ như việc người dân đã được khuyến cáo rất nhiều về không nên ăn tiết canh lợn vì dễ bị nhiễm bệnh liên cầu lợn rất nguy hiểm, nhưng vẫn có những người chưa từ bỏ được thói quen này. Các nhà báo cần nêu những trường hợp cụ thể như vậy để người dân tạo thói quen tốt trong chăm sóc sức khỏe và tránh những thói quen xấu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: QĐND