Phát huy vai trò phụ nữ trong vận động người tham gia BHXH, BHYT, BHTN

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thực hiện nhiều cách làm, mô hình thu hút đông đảo hội viên, người dân tham gia BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

BHXH tự nguyện, BHYT là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc, cùng chung tay tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với BHXH ký kết các chương trình, kế hoạch hoạt động, đề ra các giải pháp và đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ hiểu rõ mục đích, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT gắn trách nhiệm cá nhân với gia đình, người thân và cộng đồng xã hội. Vận động hội viên phụ nữ ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn tích cực tham gia BHYT để có đủ điều kiện khám chữa bệnh khi ốm đau, bệnh tật.

Xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt, gần 141.000 hội viên phụ nữ đã tích cực tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT, góp phần đưa chính sách đến gần với người dân. Các cấp hội còn đẩy mạnh tuyên truyền qua trang thông tin điện tử như fanpage Hội LHPN các cấp, các group zalo của hệ thống hội, trang zalo, facebook cá nhân của cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, còn truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông tại hộ gia đình… Với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư trong việc tham gia BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thị Kim Hận, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: Chúng tôi chú trọng tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Cụ thể, khi tham gia BHXH tự nguyện đủ số năm theo quy định và đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí. Còn khi tham gia BHYT sẽ được chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, bệnh tật, gia đình giảm được gánh nặng tài chính; được đóng theo hộ gia đình, lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu.

Cùng với công tác tuyên truyền, các cấp Hội LHPN còn thực hiện nhiều mô hình, qua đó, giúp chị em có thêm điều kiện tham gia BHXH tự nguyện, BHYT cho bản thân, gia đình.

Những mô hình thiết thực, ý nghĩa

Xuất phát từ thực tế tại địa phương, một số chị em phụ nữ còn khó khăn, chưa có điều kiện tham gia BHYT, BHXH tự nguyện cho bản thân và cả gia đình. Chính vì vậy, Hội LHPN thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A đã thành lập tổ phụ nữ hùn vốn mua BHYT, BHXH ở ấp 4B và ấp 3A. Theo bà Võ Thị Hồng Hên, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Bảy Ngàn, tổ phụ nữ hùn vốn mua BHYT, BHXH ở ấp 3A có 15 thành viên và ấp 4B có 12 thành viên, hoạt động theo hình thức góp vốn xoay vòng. Mỗi tháng mỗi chị góp từ 100.000 đến 150.000 đồng. Từ nguồn vốn có được, các thành viên sẽ họp xem xét ưu tiên cho các thành viên đến thời điểm nối hạn BHYT, cứ thế luân phiên xoay vòng. Đồng thời, mỗi ngày mỗi chị bỏ ống heo 10.000 đồng, để tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân hoặc người thân trong gia đình. Qua đó, giúp mọi người cùng có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cũng như có lương hưu về già, không phải cậy nhờ con cháu.

Còn tại thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, nhằm giúp chị em tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe, năm 2020 Hội LHPN thị trấn Kinh Cùng đã thành lập mô hình “Biến rác thải thành thẻ BHYT” tại ấp 6. Theo bà Hà Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Kinh Cùng, thực hiện mô hình các hội viên phân loại, thu gom vỏ chai nhựa, giấy… đã qua sử dụng để bán gây quỹ. Định kỳ hàng tháng, họ đóng góp số tiền trên để mua thẻ BHYT tặng cho các thành viên trong mô hình. Nhờ đó, tất cả các chị em có hoàn cảnh khó khăn đều có thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe. Từ hiệu quả mô hình ở ấp 6 mang lại, Hội LHPN thị trấn đã chỉ đạo nhận rộng mô hình sang chi hội phụ nữ các ấp còn lại trên địa bàn.

Hiện nay toàn tỉnh có trên 125 câu lạc bộ, tổ, nhóm với hơn 1.750 hội viên tham gia các mô hình trên. Các mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm duy trì sinh hoạt thường xuyên đã góp phần đưa chính sách đến với người dân. Để thực hiện tốt chỉ tiêu bảo hiểm cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thời gian tới hội LHPN các cấp tiếp tục phối hợp và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, triển khai các mô hình hiệu quả về các chính sách BHXH tự nguyện, BHYT để người dân hiểu và tự nguyện tham gia…

Bích Châu

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top