Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Chính vì vậy, báo chí ngày càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, vai trò của báo chí được nâng cao, vị thế của báo chí trong đời sống xã hội đã thay đổi, báo chí ngày càng trưởng thành, tự tin, tích cực chủ động, dấn thân hơn cùng toàn Đảng, toàn dân tham gia cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực gay go và quyết liệt.

Xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Hơn 98 năm qua, nền báo chí nước ta có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp. Hiện nay, cả nước có gần 25.000 hội viên với hơn 800 cơ quan báo chí. Báo chí Việt Nam là dòng thông tin chính thống đáp ứng tốt nhu cầu thông tin - giao tiếp đại chúng, là phương tiện - phương thức liên kết các lực lượng trên toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Thực tiễn báo chí Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí. Ngày 12/1/2023, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp phiên thứ 23, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, có nhiều đổi mới. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã thông tin, tuyên truyền sâu sắc, đậm nét hơn, mở nhiều chuyên mục mới, số lượng, thời lượng tin, bài về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đăng tải nhiều hơn. Trong năm 2022, các cơ quan báo chí đã đăng tải 11.607 tin, bài, phóng sự nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng 2 lần so với năm 2021).

Thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông đã tham gia rất tích cực, chủ động, là lực lượng xung kích, tiên phong, trực tiếp “chiến đấu” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí đã góp phần phổ biến, tuyên truyền kết quả tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh, lên án các biểu hiện bè phái, cục bộ địa phương và “lợi ích nhóm”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Bên cạnh đó, báo chí còn thể hiện sinh động những quan điểm, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua các tác phẩm báo chí, ở tất cả các loại hình báo chí. Đó không chỉ là những thông tin đơn thuần tới bạn đọc về các biểu hiện, hành vi, vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện, những vụ án tham nhũng bị xử lý, mà thực hiện tốt chức năng tư tưởng, các tác phẩm báo chí còn thể hiện thái độ đấu tranh không khoan nhượng đối với các hành vi vi phạm pháp luật này... Qua những nội dung tuyên truyền, báo chí giúp nhân dân hiểu rõ các quan điểm, chủ trương, sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước; các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của cả hệ thống chính trị nói chung và mỗi công dân nói riêng trong công tác phòng, chống tham nhũng; tính cấp thiết của cuộc đấu tranh này.

Điều đó đã góp phần quan trọng vào tăng cường sự hiểu biết của cán bộ, công chức cũng như người dân về tác hại của tham nhũng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như làm bào mòn niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng. Qua đó tạo thành sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa và diệt trừ tận gốc tệ tham nhũng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, báo chí không có thẩm quyền điều tra hoặc thanh tra như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Báo chí cũng không có bộ máy, các thiết chế, chế tài pháp luật hoặc công cụ hỗ trợ khác để tiến hành các hoạt động điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Thế nhưng, báo chí lại có nhiều hình thức để phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Ví dụ, qua thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí, qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân, báo chí xác minh để tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận và các cơ quan chức năng; hoặc báo chí phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và thực hiện những biện pháp điều tra đặc thù của nghề nghiệp.

Thông qua báo chí, người dân có thể phản ánh, nêu ý kiến về những vấn đề mình quan tâm, đặc biệt là những vấn đề xã hội bức xúc xảy ra hằng ngày hay kéo dài dai dẳng, trong đó có “quốc nạn tham nhũng”. Đáp ứng được những yêu cầu đó, báo chí đã thực sự trở thành tiếng nói của nhân dân, đứng về phía nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và tạo được lòng tin trong quần chúng nhân dân. Không chỉ góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc cổ vũ, hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho nhân dân. Báo chí có thể truyền tải thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua rất nhiều hình thức khác nhau.

Báo chí tạo ra các diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những kiến nghị; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thật sự phù hợp thực tiễn cuộc sống. Việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí nhằm hai mục tiêu xây và chống: xây là vận động nhân dân tham gia phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; chống tham nhũng, tiêu cực là vận động nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên với hình thức theo dõi, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin nhanh về hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thông qua việc tuyên truyền, báo chí còn góp phần giúp các cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh đa chiều, khách quan về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua có những chuyển biến tích cực cả về mặt nhận thức cũng như hành động. Nhiều vụ án tham nhũng đã bị phát hiện và đưa ra xét xử công khai, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội. Từ những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận, của nhân dân để tạo ra áp lực dư luận xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu ra.

Một số vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được phản ánh đến nơi đến chốn, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí. Nhà báo tham gia tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn, nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có cơ quan báo chí và một số nhà báo gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý. Một số cơ quan báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cơ quan báo chí nhiều khi còn thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, có lúc có nơi còn làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức...

Các phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí_ Ảnh:TTXVN

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần phải kiên quyết, kiên trì tiến hành thường xuyên, lâu dài. Vì vậy, báo chí cần phải tích cực và cần được tạo điều kiện, cơ chế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Để phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, các nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian tới, xin đề xuất một số giải pháp, kiến nghị sau đây:

Một là, cơ quan báo chí, người làm báo cần quán triệt, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là việc làm cấp bách, thường xuyên, liên tục, lâu dài, do đó cần có cách làm bài bản, thận trọng; có phương pháp đấu tranh phù hợp với từng đối tượng, từng vụ việc cụ thể; không nóng vội, chủ quan, nhưng cũng không dây dưa kéo dài, trì trệ; không bỏ sót, bỏ lọt đối tượng, vụ việc tham nhũng, nhưng cũng không được làm oan sai người vô tội, làm trái quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng. Cần thống nhất tư duy, nhận thức đấu tranh, phát hiện các dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển đất nước.

Hai là, xây dựng đội ngũ phóng viên, người làm báo có tâm, coi trọng đạo đức nghề nghiệp, hiểu sâu về chuyên môn nghiệp vụ. Nhà báo có trung thực, ngay thẳng, trong sáng thì mới nhận được sự tin tưởng của người dân. Báo chí khi cung cấp thông tin cần phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật, phản ánh đúng bản chất vấn đề. Khi khen ngợi, biểu dương cần đúng mực, không nên tô hồng, hoặc khi lên án, phê phán cũng không được phép bôi nhọ. Phóng viên khi đưa tin, bài về tham nhũng cần tránh cả 2 khuynh hướng: thứ nhất, đưa tin thiếu chọn lọc, thiếu cân nhắc, thiếu kiểm chứng làm đơn giản hóa hoặc phức tạp hóa vấn đề; thứ hai, đưa tin cắt xén, bưng bít làm hiểu sai vấn đề, gây mất lòng tin trong nhân dân. Do vậy, cần chú trọng đào tạo và đào tạo lại các phóng viên báo chí chuyên sâu về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng đạo đức của người cầm bút, với tinh thần làm nghề vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Bên cạnh đó, cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà báo tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm sao người cầm bút luôn công tâm khách quan và trung thực với thông tin.

Ba là, hoàn thiện cơ chế bảo vệ phóng viên, cơ quan báo chí khi đưa tin về tham nhũng, tiêu cực. Cần có cơ sở pháp lý đầy đủ để cung cấp thông tin, bảo vệ các nhà báo, các cơ quan báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần xác định rõ trong các quy định của pháp luật, phóng viên báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì được bảo vệ như thế nào; nguyên tắc, cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng; xây dựng cơ chế đối thoại và tham vấn thường xuyên giữa nhà nước và người dân, các tổ chức xã hội. Các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, hội viên chân chính trong tác nghiệp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên kịp thời, xứng đáng với những người làm báo có tinh thần dấn thân, đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bốn là, các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí để cung cấp, trao đổi thông tin về những lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý; tăng cường phối hợp xây dựng các chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vừa để xử lý nghiêm minh, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục những sơ hở, bất cập về thể chế, pháp luật. Đồng thời, các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo cần kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan chức năng như kiểm tra, giám sát, thanh tra, nội chính, công an và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nhận diện, phát hiện các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên. Sự phối hợp giữa các cơ quan sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho báo chí thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phùng Kim Kiên 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top