Phát hiện kháng thể mới có tiềm năng giúp điều trị COVID-19

Các nhà khoa học tại Đại học Duke và Đại học North Carolina ở Chapel Hill, Mỹ, đã phát hiện kháng thể mới giúp giảm nguy cơ bệnh nặng khi nhiễm các chủng virus corona, trong đó có cả chủng gây bệnh COVID-19 và bệnh SARS.


Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Kết quả nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine số ra ngày 2/11.

Một nhóm nghiên cứu tại Viện vaccine cho con người Duke (DHVI) đã phát hiện ra kháng thể trên và tiến hành thử nghiệm trên động vật tại Đại học North Carolina.

Giám đốc DHVI, đồng tác giả nghiên cứu trên, Barton Haynes, cho rằng "kháng thể này có khả năng trở thành một phương pháp điều trị cho dịch bệnh hiện nay.”

Theo ông, kháng thể trên cũng có thể có hiệu quả trong trường hợp xảy ra các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai, khi các chủng virus corona khác lây lan từ vật chủ là động vật sang con người.

Ông Haynes và các đồng nghiệp tại DHVI đã phân lập được kháng thể này bằng cách phân tích mẫu máu của một bệnh nhân từng nhiễm virus SARS-CoV-1, nguyên nhân gây ra dịch SARS vào đầu những năm 2000, và từ một bệnh nhân mắc COVID-19 hiện nay.

Họ đã xác định được hơn 1.700 kháng thể mà hệ thống miễn dịch tạo ra, có khả năng liên kết tại các vị trí cụ thể trên virus, giúp ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm vào tế bào.

Khi virus đột biến, nhiều liên kết bị thay đổi hoặc bị loại bỏ, khiến các kháng thể bị vô hiệu hóa. Nhưng cũng có những vị trí trên virus không thay đổi dù chúng đột biến.

Các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu kháng thể nhằm vào những vị trí này vì chúng có khả năng đạt hiệu quả cao ngay cả đối với các chủng virus khác nhau.

Trong số 1.700 kháng thể từ hai bệnh nhân trên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke đã tìm thấy 50 kháng thể có khả năng liên kết với cả virus SARS-CoV-1 cũng như SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hiện nay.

Phân tích sâu hơn cho thấy trong số đó, một kháng thể phản ứng chéo có thể liên kết với nhiều loại virus corona khác trên động vật, ngoài hai tác nhân gây bệnh lây nhiễm cho người nêu trên.

Ông Haynes nhấn mạnh kháng thể này gắn tại một vị trí không thay đổi trên virus dù trải qua nhiều đột biến, do đó kháng thể có thể vô hiệu hóa một loạt các chủng virus corona.

Sau khi phân lập được kháng thể, DHVI đã chuyển kết quả cho các nhà nghiên cứu tại UNC, những người có chuyên môn về virus corona ở động vật.

Nhóm nghiên cứu UNC đã thử nghiệm trên chuột để xác định xem liệu kháng thể có thể ngăn chặn lây nhiễm một cách hiệu quả hay giảm thiểu các triệu chứng nặng hay không.

Kết quả cho thấy kháng thể này thực hiện được cả 2 chức năng này. Kháng thể trên đã giúp bảo vệ chuột trước bệnh SARS, COVID-19 và các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Delta, cũng như nhiều virus corona ở động vật có khả năng gây ra dịch bệnh ở người./.

TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top