Phát hiện đề tài từ những điều bất ngờ

21:44 12/07/2016 - Tác nghiệp
Nếu các thi sĩ làm thơ có những giây phút xuất thần để lại cho người đời những bài thơ hay, những câu thơ đẹp thì nghề làm báo lại có những điều bất ngờ từ thực tế đưa lại để làm nên những tác phẩm phóng sự, điều tra gây hiệu ứng lớn trong xã hội.

Để có những tác phẩm hay, hãy bắt đầu từ những việc tưởng như quá bình thường, ít ai để ý. Ảnh:PV

Từ bức ảnh “người đàn bà nằm đan”...

Tôi có anh bạn thân tên là Đậu Bình, chuyên nghề chụp ảnh cho khách. Bình mưu sinh nghề ảnh, nhưng anh lại có một tâm hồn nghệ sĩ. Đậu Bình mê chụp ảnh núi, ảnh sông, ảnh đồng quê phong cảnh hữu tình của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thơ mộng. Đặc biệt anh thích chụp ảnh những người nông dân nghèo, trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh. Tính Đậu Bình lại rất vui khi bạn bè đến rủ đi cơ sở. Chính sau mỗi chuyến đi như thế, máy ảnh anh thu được hàng loạt tấm ảnh “nóng bỏng sự kiện” gửi in báo Hà Tĩnh và các báo Trung ương.

Nhớ một lần tôi rủ Đậu Bình đi chụp ảnh phong cảnh thác nước Xai Phố (xã Sơn Hồng - huyện Hương Sơn). Trời hôm ấy đượm nắng, sau khi ngắm nghía chán, hai đứa ngồi trên tảng đá chơi. Đậu Bình lấy ra cho tôi xem nhiều bức ảnh anh vừa mới chụp, ảnh nào cũng sáng rõ, sắc màu, đường nét, bố cục chặt chẽ. Xem tới hơn hai chục tấm, chợt bức ảnh khiến tôi sững sờ: người đàn bà trên tấm ảnh lúc đó khoảng hơn 50 tuổi, hai chân bị cụt hẳn nhưng đôi mắt vẫn sáng, bà nằm trên giường tay mải miết đan. Dưới nền nhà những chiếc nong gấm xếp thành hàng ngay ngắn. Đằng sau bức ảnh Đậu Bình chú thích rất mộc mạc “Chị Liên tàn tật, chịu khó đan thúng mủng đã hai mươi năm”. Tôi bật cười với kiểu chú thích của ông “phó nháy” nhưng lại rất thú vị với bức ảnh này. Tôi hỏi Bình :

- Thế bà Liên quê ở đâu?

- Quê ở Sơn Thịnh

- Ở xóm nào?

- Hôm đó tớ vội quá nên không nhớ xóm nào nữa.

Kết thúc cuộc đi, tôi bảo Đậu Bình: Cậu cho tớ xin bức ảnh này, để khi xuống làng đưa ảnh ra hỏi người qua đường dễ tìm địa chỉ hơn. Mặt khác nếu viết được bài thì tấm ảnh kèm theo của cậu có giá trị lắm.

... hành trình tìm nhân vật trong ảnh

Cuộc hành trình đến với người đàn bà bất hạnh của tôi sáng hôm sau thật gian nan vất vả. Tháng 9 ở Hương Sơn là mùa mưa ngàn, buổi sáng hôm ấy tôi tới chân cầu treo Nầm thì gió mưa sầm sập làm đổ cả cây cả cối. Tôi đoán chắc lũ quét sẽ về, khi nhìn dòng sông Ngàn Phố nước đỏ ngầu, réo rắt. Tôi đi ngược gió, chiếc xe máy của tôi thuộc diện phân khối lớn, nhưng lúc này vận hành không khác gì xe đạp. May nhờ có chiếc áo đi mưa tốt, nên tôi chỉ ướt đôi giày và hai gấu quần.

Mưa gió, đường sá chẳng có ai qua lại, tôi một mình mò mẫm như con rùa đi trong “rừng mưa vây bủa, mù mịt, tối tăm, quăng quật”... Người đàn bà lúc đầu thoáng nét rụt rè do dự, nhưng khi tôi đưa thẻ nhà báo ra bà Liên thành thật kể cho tôi chuyện đời tư của mình.

Bà tên đầy đủ là Hà Thị Liên, sinh năm 1943, trong một gia đình nghèo và mồ côi cha từ lúc 3 tuổi. Ở với mẹ đẻ, được mẹ chăm sóc và học nghề đan lát từ năm lên 8 tuổi. Năm 20 tuổi, Liên đi làm công nhân khai thác quặng A-mi-ăng tại tỉnh Hòa Bình. Tại đây chị và anh Đinh Quang Sáu (quê xã Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã bắt đầu nẩy nở tình yêu. Tình yêu vừa mới chớm thì ba tháng sau, chị Liên gặp nạn (giáp Tết năm 1971), chị bị văng xuống suối do ngã xe đạp. Chị Liên được đưa đi cấp cứu, nhưng bị chấn thương nặng cột sống phải cưa cả hai chân. Lúc đó mẹ già ở quê không ra được, em trai chị vừa hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Họa vô đơn chí, chỗ dựa để chị đỡ đau lòng, tủi thân lúc này chỉ nhờ cậy vào anh Sáu. Rồi xí nghiệp giải thể, chị trở về quê nương náu cùng mẹ đẻ (với cảnh sống không có lương hưu).

Chị Liên kể lại: “Khi về ở nhà mẹ đẻ, tôi đã van xin anh Sáu tìm người con gái khác làm vợ. Nếu lấy tôi tự dưng anh ôm cả cục khổ suốt đời, nhưng bất chấp sự phản đối quyết liệt từ gia đình, anh đã bắt bằng được tôi ký giấy kết hôn rồi lên chính quyền chứng nhận”.

Kể tới đây, chị Hà Thị Liên không kìm được xúc động, chị khóc nức nở khiến tôi cũng trào nước mắt. Tôi thấy quá kỳ lạ về một con người bằng xương bằng thịt, với một tình yêu đích thực từ trái tim có tình thương vô bờ bến, chứ không phải là cổ tích.

Nhập gia tùy tục, anh Sáu đã đích thân làm rể làng đan này, chịu khó làm những nghề dân địa phương từng làm như nghề cán miến dong, nghề đan lát để lo ăn, lo mặc, lo thuốc men cho người vợ yếu hàng ngày. Hơn 17 năm, vợ chồng chung sống: Hạnh phúc đang ấm dần lên, khi vợ chồng chị Liên sinh thành, nuôi nấng được hai người con: một trai, một gái (cháu Đinh Văn Hà 16 tuổi và cháu Đinh Thị Thu Hằng 12 tuổi).

Cả hai vợ chồng vừa xây xong ba gian ngói, đột ngột anh Sáu bị nhồi máu cơ tim và qua đời. Đây là “bi kịch” thứ hai đối với người đàn bà bất hạnh, khi người chồng sống quá tử tế lại ra đi.

Nếu không có bản lĩnh, người đàn bà này lại thất vọng chán chường vì tổn thất quá lớn. Nhưng bà đã dám cam chịu tất cả để làm tốt ước nguyện của người chồng lúc còn sống là nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Và điều ấy đã thành sự thật, người con trai cáng đáng giúp mẹ, trở thành người chủ trong gia đình.

Lúc tôi đến tận mắt thấy cô con dâu và đứa cháu nội kháu khỉnh của bà Liên.

Sau khi ghi chép tài liệu, tôi trở về nhà viết ngay bài phóng sự “Người đàn bà nằm đan” gửi Báo Lao động. Bài viết chuyển xong đã được anh Vũ Mạnh Cường đọc và gọi điện cho tôi “Em đọc bài viết của anh mà ứa nước mắt, không ngờ sau lũy tre làng bên sông lại có một người đàn bà như thế. Tòa soạn đã biên tập xong, ngày mai báo ra...”

Nghe anh Cường nói “ngày mai báo ra”, tôi cảm thấy phấn khởi quá. Phấn khởi vì bài phóng sự sẽ chuyển tới bạn đọc một tấm lòng nhân ái phi thường, một nghị lực vượt khó phi thường. Nói như nhà thơ Xuân Diệu “Ở đâu có yêu thương ở đấy vẫn còn sự sống”.

Phóng sự “Người đàn bà nằm đan” đăng báo lao động tháng 9/2001 đã giúp liên được nhiều cá nhân trong và ngoài nước thăm hỏi, tặng quà (trong đó có ông Phạm Quang Nghị, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội gửi tặng 5 triệu đồng). Chị đã được liên đoàn lao động Hà Tĩnh giới thiệu và ra Hà Nội báo cáo“Những tấm gương phụ nữ điển hình toàn quốc”.
Nhắc lại câu chuyện này, tôi muốn gửi gắm đồng nghiệp rằng chuyện phát hiện đề tài, để làm nên những bài báo hay, bắt đầu từ những việc tưởng như quá bình thường ít ai để ý. Nhưng nếu mình có cách nhìn sâu sắc và có lòng đam mê thì không bao giờ mất cơ hội, tìm ra cái mới có sức thuyết phục.


Phan Thế Cải
Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top