Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nỗi lo gạo Việt Nam mất ánh hào quang

15:56 10/10/2016 - Kinh tế
Giới chuyên gia cảnh báo, nếu không đổi mới công nghệ, gạo Việt sẽ phải nhường sân nhà và các mối hàng xuất khẩu lớn cho gạo ngoại...

Tại Hội thảo Phát triển thị trường nông sản sạch và Nông sản an toàn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra ngày 7/10, nhiều chuyên gia trong ngành nhắc đến những câu chuyện bế tắc, những câu chuyện xấu đang diễn ra trong việc sản xuất "ngọc thực" - niềm tự hào xuất khẩu của Việt Nam khi nhiều năm liền giữ vị trí số 2 hoặc top 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Bước qua thời kỳ huy hoàng

Từ vị trí đỉnh cao nhưng gần đây, các chuyên gia cho rằng gạo Việt đang dần bước qua thời kỳ huy hoàng và rơi vào thế bế tắc cả thị trường nội địa lẫn nước ngoài. 

Trên thị trường quốc tế, gạo Việt đang bị các đối thủ như Campuchia, Thái Lan lấy mất dần thị phần. Cuộc cạnh tranh thị phần càng khốc liệt khiến gạo xuất khẩu đang giảm mạnh cả về lượng và chất. 

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2016, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 3,76 triệu tấn, thu về 1,69 tỷ USD. So với cùng kỳ, gạo xuất khẩu năm nay đã giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị.

Trên thị trường thế giới, không ít vụ việc gạo Việt xuất bị trả về do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. 

VFA cũng cho biết, trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2016 rất nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo thơm của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có tiếng tăm qua các thị trường đã bị trả về vì bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phải bán trong nội địa.

Mới đây, trao đổi với phóng viên, một vị phó cục trưởng tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết qua kiểm tra của Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), có 8 hoạt chất trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép. Cả 8 hoạt chất này đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

Nguy cơ mất sân nhà

Trong khi đó, thị trường gạo trong nước lại phải đối mặt với nguy cơ mất sân nhà vì gạo ngoại đang có xu hướng xâm lấn. Các thương hiệu gạo Sóc Miên, Sa Mơ, Móng Chim… nhập từ Campuchia hay các thương hiệu gạo Thái Lan cũng được nhập về ồ ạt, bán lẻ tràn lan.

Từ thực tế đó, GS. Võ Tòng Xuân cho biết đang có một xu hướng là các công ty xuất khẩu gạo ra nước ngoài liên tục bị trả về vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ngay cả ở trong nước, không ít người dân cũng không thích gạo Việt.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, có rất nhiều nguyên nhân khiến gạo Việt lâm vào cảnh bế tắc đầu ra cả trong lẫn ngoài. Chẳng hạn, tại Việt Nam, bà con nông dân tự do sản xuất, ai thích trồng gì thì trồng, không theo quy hoạch. Đến lúc lúa bị sâu bệnh thì vào cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật mua vô tội vạ, nghe người bán quảng cáo loại thuốc loại diệt sâu tốt nhất thì mua dẫn đến việc gạo Việt mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Nguyễn Tú Anh, đại diện cho Công ty Nông nghiệp GAP cũng cho biết, gạo Việt đang bị mất điểm trong mắt người Việt. Theo đó, ở Việt Nam, những người có tiền đi chợ thường chọn mua gạo Thái Lan, gạo Campuchia về ăn. Trong khi đó, phẩm chất gạo ngày càng bị giảm sút do người dân lạm dụng phân hóa học (phân ure).

Tại các vùng sản xuất lúa chuyên canh, bà con nông dân vẫn còn tự hào với phương thức canh tác cũ cổ truyền, không chịu để lớp người trẻ đưa phương thức canh tác mới vào thay thế. Do đó, giá thành sản xuất luôn cao mà chất lượng gạo vẫn kém, GS. Võ Tòng Xuân chia sẻ.

“Ngành lúa gạo hiện được chia ra các giai đoạn phát triển như: giai đoạn thiếu ăn, giai đoạn đủ ăn và dư thừa, giai đoạn tìm hiểu công nghệ sản xuất mới, giai đoạn sản xuất công nghệ xanh. Các nước đang ở giai đoạn sản xuất theo phương thức công nghệ xanh, còn Việt Nam sau bao nhiêu năm vẫn chỉ ở giai đoạn sản xuất dư thừa, loay hoay không phát triển lên, vẫn chỉ chú trọng về lượng chứ không về chất nên rất khó cạnh tranh”, ông Xuân nói.

Ông nói: “Một cánh đồng cả hàng ngàn thửa ruộng, ruộng bên này trồng một giống lúa, ruộng bên kia trồng một giống khác. Lúc lúa trổ bông, phấn lúa ở ruộng bên này bay sang ruộng bên kia nên hạt gạo không bao giờ đạt được chất lượng cao. Từ đó, rất khó có thể làm thương hiệu gạo Việt”. 

Theo đó, để gạo Việt lấy lại "phong độ", xây dựng thương hiệu uy tín, TS. Lê Đăng Doanh cho biết các cấp ngành phải nêu cao tinh thần đổi mới. Gạo Việt cần phải chú trọng đến chất lượng, giá thành và đặc biệt là khâu an toàn thực phẩm. Bởi, xu hướng tiêu dùng hiện tại của người dân là ăn ít nhưng phải ngon và an toàn để lấy lại thị trường. 

Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) cảnh báo, hạn hán kéo dài do hiện tượng thời tiết El Nino có thể khiến dự trữ ở các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Nếu sản lượng gạo bị ảnh hưởng do mùa mưa kém, Ấn Độ sẽ thận trọng trong xuất khẩu. Điều này sẽ khiến các nước nhập khẩu gạo lớn như Philippines và Indonesia gia tăng mua tích lũy gạo, tương tự như những gì đã xảy ra vào năm 2008. Philippines đang cân nhắc nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm nay để bổ sung thêm cho các kho dự trữ gạo quốc gia

Từ Hải (th)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.