Nỗ lực vượt khó
22:06 01/02/2022
- Kinh tế
Do đại dịch Covid-19, năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam;
song cũng là năm khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo Việt Nam
trong chủ động, linh hoạt thích ứng, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội
trong bối cảnh bình thường mới …!
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thực hiện đồng bộ
Đại dịch Covid-19 kéo dài và nhiều bộc phát khó lường, chưa rõ nguyên nhân, chưa có thuốc đặc trị, chưa rõ thời gian và triển vọng kết thúc… nhưng đã, đang và sẽ tiếp tục gây tác hại toàn diện cho trên 215 quốc gia, vùng lãnh thổ; cướp đi hơn 5 triệu sinh mạng, gây di hại lâu dài về sức khỏe thể chất và tâm thần của hàng trăm triệu người; làm gián đoạn, đứt ngãy các chuỗi cung ứng và giảm sút cả tổng cầu, tổng cung xã hội, làm chậm nhịp độ tăng trưởng, và gia tăng áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công, thất nghiệp, nghèo đói và bất bình đẳng quốc gia và quốc tế…
Trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành các Kết luận, Thông báo, Điện, Công điện; Tổng Bí thư đã ra Lời kêu gọi; Lãnh đạo chủ chốt thường xuyên thảo luận, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra những định hướng lớn, các phương châm, đường lối, chiến lược về phòng, chống dịch. Các văn bản được thống nhất ban hành đã chỉ đạo các cơ quan trong cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Các biện pháp quyết liệt, triệt để và quy mô nhất, kể cả chưa có tiền lệ, được các cơ quan chức năng các cấp liên tiếp đưa ra với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết. Quốc hội cho phép Chính phủ áp dụng một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, kể cả cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch.
Đặc biệt, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, qua thực tiễn tình hình trong nước và quốc tế, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, đã thống nhất ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"; theo đó cả nước chính thức chuyển hướng chiến lược chống dịch từ phòng ngự sang tấn công, chủ động và linh hoạt thích ứng với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế; phân cấp rõ ràng và tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, sự linh hoạt kịp thời trong triển khai chính sách chống dịch bệnh quốc gia; đẩy mạnh tiêm chủng, lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", lấy người dân là "chiến sỹ", người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch, theo công thức: 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, với các trụ cột: xét nghiệm, cách ly, điều trị; triển khai các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn và các mô hình chăm sóc, điều trị người nhiễm tại nhà, các nghiên cứu, ứng dụng, các phương pháp điều trị mới kết hợp Đông - Tây y...; đẩy mạnh độ bao phủ tiêm vắc-xin, nhằm giảm mắc, giảm tử vong, bảo đảm an ninh, an sinh, an toàn trật tự xã hội; tạo thuận lợi khôi phục và không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, duy trì cân đối vĩ mô và các hoạt động kinh tế-xã hội quốc gia và quốc tế...
Nỗ lực vượt khó
Những hy vọng
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, như y tế, quân đội, công an..., với sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tình hình phòng, chống dịch đã có chuyển biến tích cực. Đến nay, hầu hết các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh; duy trì hợp lý các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nơi đủ điều kiện, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và có nhiều chuyển biến tích cực trong ổn định đời sống nhân dân, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế được đẩy mạnh rõ rệt theo hướng coi trọng hơn thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng trong nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui chơi giải trí từ xa… ngày càng trở nên phổ biến và thường xuyên hơn trên cả nước.
Về tổng thể, theo Chính phủ, năm 2021 các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh; lượng dự trữ ngoại hối tăng cao; tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát…Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “ổn định” lên "tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát; tiếp tục được World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á (giống như năm 2018 và 2019), cũng như một số địa chỉ được vinh danh là Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á, Điểm tham quan hàng đầu châu Á, Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á và Công viên quốc gia hàng đầu châu Á.
Bản lĩnh Việt Nam
Bản lĩnh Việt Nam
Theo dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 16/2021/QH15 về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, với "giải pháp đủ mạnh", "thời gian đủ dài", "quy mô đủ lớn" tập trung, Việt Nam sẽ tập trung vào tăng cường năng lực y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, kích thích đầu tư công và cải cách hành chính, với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời, tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH bền vững hơn, với tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 4% GDP... trong 2022.
Kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài tùy thuộc quyết định vào sự chủ động chỉ đạo thống nhất, sự phối hợp đồng bộ, hài hòa các giải pháp hỗ trợ toàn diện, thích hợp, kịp thời, hiệu quả từ tất cả các cấp, ngành đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị; cũng như, từ sự nỗ lực, tuân thủ chung trong chiến lược quốc gia kiểm soát, thích ứng dài hạn với dịch bệnh và từ năng lực ứng chịu, tự lực tự cường vượt qua các khó khăn, thách thức của từng địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Đại dịch cho thấy không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các đại gia và cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Đại dịch cũng khiến thế giới trở lên chật hẹp hơn, gia tăng sự tùy thuộc, kết nối chặt chẽ và tác động lan tỏa hơn giữa các quốc gia có. Mỗi nước, cộng đồng và cá nhân đều có trải nghiệm sâu sắc và tăng cảm thông nhau hơn khi hiểu rằng, không một ai, không một quốc gia nào được an toàn, khi cộng đồng và các nước khác chưa an toàn. Dịch bệnh tạo áp lực và động lực thúc đẩy các nỗ lực xây dựng, củng cố và phối hợp thường xuyên hơn các thể chế, cả bàn tay Nhà nước và bàn tay Thị trường, coi trọng tính đồng bộ, kịp thời, hiệu quả và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, hợp tác toàn cầu nhiều hơn để đa dạng hoá và phối hợp hiệu quả các nguồn lực quốc gia và quốc tế, tăng cường dự báo, thông tin, giữ vững lòng tin, hài hòa lợi ích, tránh cực đoan trong nhận thức và hành động vượt qua khủng hoảng trong thời gian tới.
Dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức y tế và kinh tế-xã hội chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi chúng ta cũng phải có những tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ, để vượt qua, phục hồi và tiếp tục phát triển…!
Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được tôi rèn qua chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh và muôn vàn thử thách nghiệt ngã khác đã, đang và sẽ ngày càng được nâng cao, mạnh mẽ và sáng tạo hơn, là cội nguồn sức mạnh để đất nước ta vượt mọi khó khăn trên hành trình vươn mình, hội nhập và sánh vai cùng thế giới…!
TS NGUYỄN MINH PHONG
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- VIB đưa nghệ thuật vào trải nghiệm khách hàng (11:32 20/12/2024)
- MB dẫn đầu về chỉ số hài lòng của khách hàng Việt Nam 2024 ngành ngân hàng (10:05 20/12/2024)
- BIDV triển khai dịch vụ xác thực khách hàng điện tử qua VNeID trên SmartBanking (03:26 18/12/2024)
- SHB miễn phí đổi thẻ từ sang thẻ chíp đạt chuẩn VCCS (07:17 17/12/2024)
- BAC A BANK ra mắt ứng dụng ngân hàng điện tử phiên bản mới (11:26 16/12/2024)