Những vấn đề cần giải quyết chấn chỉnh công tác tín ngưỡng, tôn giáo (Bài 2)

21:47 05/08/2021 - Văn hóa xã hội
Bằng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an đã mang đến sự bình yên trong cuộc sống và hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Yên Bái, thực trạng và những vấn đề cần giải quyết:

Đoàn Giám mục Nguyễn Văn Viên - Giám quản Tông Tòa Giáo phận Hưng Hóa đến thăm và chúc tết Công an tỉnh Yên Bái Nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021

Kiên quyết đấu tranh, xử lý các hội, nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật 

Như nội dung bài 1 chúng tôi đã đề cập, trong thời gian qua, hoạt động của các hội, nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận người dân; ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, nét đẹp truyền thống của dân tộc và tình hình an ninh chính trị ở một số địa bàn trong tỉnh. Để đấu tranh, xử lý đối với các hội, nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật mang lại sự bình yên cho nhân dân, các chiến sĩ công an nhân dân bằng những công việc thầm lặng, không quản ngại sớm khuya, mưa nắng, thường xuyên bám, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng. Liên quan đến các vụ việc của bà Đỗ Thị Huệ đã đề cập trong bài 1, lực lượng công an vào cuộc điều tra làm rõ và đề nghị các ngành chức năng, các cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan xử lý. Qua kiểm tra xác định bà Huệ không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, không được đào tạo về lĩnh vực y tế, bà Huệ đã sử dụng hình thức mang màu sắc mê tín, dị đoan để thực hiện hành vi khám chữa bệnh. Ngày 5/4/2017 Uỷ ban nhân dân huyện Trấn Yên đã ra quyết định số 799/QĐ-UBND về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế đối với bà Đỗ Thị Huệ, số tiền xử phạt 42.500.000đ và yêu cầu bà Huệ chấm dứt hành vi khám chữa bệnh mang hình thức mê tín, dị đoan. Qua công tác đấu tranh của Công an tỉnh và phối hợp quản lý UBND huyện Trấn Yên, hiện bà Đỗ Thị Huệ đã dừng hoạt động.

Bám sát địa bàn, ngày 06/5/2018 Công an Thành phố Yên Bái đã phát hiện bắt quả tang 02 đối tượng Đào Xuân Giáp và Phạm Ngọc Châu đang thực hiện hành vi tuyên truyền trái phép về “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” tại gia đình ông L.D.Đ Tổ 55, Phường Nguyễn Thái Học, Thành phố Yên Bái. Lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra hành chính, đã thu giữ 6 bộ quần áo choàng, 100 kg tài liệu kinh sách, tài liệu tham khảo, sổ tay liên quan đến việc tuyên truyền "Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ”; 118 tờ rơi có in ảnh, chữ liên quan đến việc truyền đạo; 332 phong bì có in chữ "ZION OFFERING”; 14 băng rôn, khẩu hiệu; 87 phong bì do Bưu điện Việt Nam phát hành và hơn 6 triệu đồng…  

Cùng với 02 vụ việc nêu trên, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh lực lượng chức năng đã phát hiện 17 vụ việc, 20 đối tượng tuyên truyền tán phát tài liệu có liên quan đến các hội nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Công an tỉnh đã lập biên bản, thu giữ hơn 1.000 tài liệu với tiêu đề: “Giới thiệu Pháp luân công”; “Pháp luân đại pháp, Chân - Thiện - Nhẫn, môn khí công tu luyện nâng cao cả tâm lẫn thân”; “Chuyển pháp luân - Lý Hồng Chí” ….và hơn 500 móc treo chìa khóa hình bông sen in chữ “Pháp luân đại pháp”. Phát hiện, ngăn chặn 20 lần các hội, nhóm tín ngưỡng tôn giáo trái pháp luật tổ chức họp nhóm, ngày lễ kỷ niệm, khuếch trương thanh thế. Xử phạt vi phạm hành chính 03 đối tượng có hoạt động tuyên truyền, tán phát tài liệu có nội dung liên quan đến Pháp luân công về hành vi “tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in ấn không phải là xuất bản phẩm”, tổng số tiền xử phạt trên 10.000.000 đ. 

Đại tá Đinh Xuân Thiệp - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Công an tỉnh đã thường xuyên tổ chức triển khai tuyên truyền phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong Công an tỉnh và Công an cấp huyện, đặc biệt là tuyên truyền đến các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo. Từ năm 2010 đến nay, Công an tỉnh đã tổ chức trên 20 hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, vận động hơn 600.000 người dân tham gia học tập. Tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt chức sắc, chức việc trên địa bàn tỉnh Yên Bái; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 120 chức sắc, chức việc các tôn giáo; cấp phát hơn 500 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho các chức sắc, chức việc và tín đồ. Ngoài ra, nhân các dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc và sự kiện lớn của các tôn giáo, Công an tỉnh tổ chức tiếp xúc, thăm hỏi động viên các chức sắc, chức việc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống sinh hoạt và hoạt động tôn giáo tại địa phương. Tác động, đề nghị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo tham gia phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động tín đồ sinh hoạt tôn giáo thuần túy, chấp hành các quy định của pháp luật.     

Đại tá Đinh Xuân Thiệp - Phó Giám đốc Công an tỉnh

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn; đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ban, ngành giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”; thực hiện tốt công tác tiếp xúc, vận động, tranh thủ chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo tác động, vận động quần chúng tín đồ hoạt động tôn giáo chấp hành quy định của pháp luật và địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh làm thất bại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

Bằng sự vào cuộc quyết liệt, linh hoạt của lực lượng Công an đã kịp thời xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến công tác tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật mang lại sự bình yên trong cuộc sống và hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Đề cao công tác dân vận trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

Việc thực hiện đảm bảo công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo đã được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Đồng chí Hoàng Thị Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Trong thời gian qua Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác tiếp xúc, vận động quần chúng không tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, bên cạnh đó tranh thủ những người có uy tín trong các tôn giáo tác động, vận động quần chúng tín đồ hoạt động tôn giáo chấp hành quy định của pháp luật và địa phương, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh làm thất bại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo.     

 Đồng chí Hoàng Thị Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy thăm và chúc mừng Giáo xứ Phình Hồ, huyện Trạm Tấu nhân Lễ Phục sinh

Để đảm bảo công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, trong thời gian tới UBND tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban ngành thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đối với hoạt động của các hội nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, đồng thời tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 18 - CT/TW, ngày 10/01/2018 của của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới gắn với các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết thêm về những giải pháp mới của tỉnh để thực hiện tốt công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai trong cán bộ, nhân dân nói chung và đặc biệt là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo nói riêng về thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, hoạt động tôn giáo thuần túy, tuân thủ pháp luật và tích cực lên án, đấu tranh với các đối tượng lợi dụng tôn giáo hoạt động vi phạm pháp luật.

Hai là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đẩy mạnh việc hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ đã được Nhà nước công nhận và theo quy định của pháp luật. Xem xét, giải quyết thấu đáo các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần túy của người dân trên địa bàn, phân biệt sinh hoạt tôn giáo thuần túy và việc lợi dụng tôn giáo trong giải quyết các vụ, việc phức tạp để loại bỏ yếu tố cực đoan ra khỏi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Lồng ghép nội dung, nhiệm vụ về công tác tôn giáo với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhất là tại vùng có đông đồng bào tôn giáo sinh sống. 

Ba là, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận trước các vấn đề trong và ngoài nước, nhất là các vấn đề liên quan đến tôn giáo, thu hút sự quan tâm của chức sắc, tín đồ tôn giáo. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình tôn giáo trên địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới hoạt động mang màu sắc mê tín dị đoan, có quan điểm, tư tưởng, hành động trái ngược với thuần phong mỹ tục và phong tục tập quán của địa phương, dân tộc.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố bộ máy làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo đủ mạnh, có tính ổn định cao, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tôn giáo, nghiệp vụ công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác tôn giáo, nhất là ở cơ sở; từng bước đưa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nề nếp góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.     

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái

Bằng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, đồng thời phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, trong những năm qua tỉnh Yên Bái đã và đang thực hiện tốt công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn, đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc được cải thiện, tinh thần đoàn kết, thân ái, giúp đỡ trong quần chúng nhân dân được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, xây dựng hình ảnh con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Hoàng Yên - Việt Anh - Lê Hà

---

Loạt 2 bài: Công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Yên Bái, thực trạng và những vấn đề cần giải quyết:

>>> Thực trạng công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Yên Bái (Bài 1)

>>> Những vấn đề cần giải quyết chấn chỉnh công tác tín ngưỡng, tôn giáo (Bài 2)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top