Những trang viết thấm đẫm tình người
22:15 16/12/2016
- Báo chí & Công chúng
Viết về trại giam tưởng chừng khô khan, nhưng vẫn có thể khai thác nhiều đề tài hay và
truyền tải hấp dẫn. Phía sau song sắt lạnh lẽo là ngọn lửa khát khao rũ bỏ tội lỗi, hướng tới
tương lai tươi sáng.
Ảnh minh họa
Mỗi lần đi là một cảm xúc mới lạ
Thông thường, các dịp đặc xá, giáp Tết, nhân kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân, Cảnh sát nhân dân, phóng viên tiếp cận thuận lợi nhất và đây cũng là thời điểm tăng cường tuyên truyền mạnh mảng giáo dục, cải tạo phạm nhân, bài viết cũng dễ đăng hơn. Mỗi chuyến đi thường có đề tài dự định trước, nhưng không ít đề tài nảy sinh trong quá trình tác nghiệp. Mặt khác, không phải lúc nào muốn cũng có thể vào trại giam tác nghiệp được ngay nên tôi thường tranh thủ mỗi đợt tới 2 - 3 trại giam “một công đôi việc”, vừa thu thập thông tin nóng để phản ánh ngay, còn thông tin không mang tính thời sự làm “lương khô” để dùng dần.
Lần tiếp xúc với Lã Thị Kim Oanh ở trại 5, phạm nhân được Chủ tịch nước ân giảm án tử hình xuống chung thân, sau 10 năm tù, chị ta vẫn còn thao thao bất tuyệt về những năm tháng làm ăn lớn, tiêu tiền như nước đến nỗi gây thiệt hại cho Nhà nước 75 tỷ đồng và khoảng 113.000 USD nhưng vẫn không quên than thở đổ lỗi do cơ chế, gặp vận đen. Từng là Giám đốc Công ty Tiếp thị đầu tư nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chị ta khéo léo “một bài báo các anh viết bằng chúng tôi nói nghìn lời”. Nói chuyện hào hứng là vậy, nhưng có lẽ nhận ra được lên báo nhiều cũng chẳng đem lại nhiều ích lợi gì, nên một số phóng viên sau này gặp Lã Thị Kim Oanh đều than phiền với tôi là chị ta rất kiệm lời và trả lời miễn cưỡng cho xong chuyện.
Với mỗi phạm nhân, nhất là những người từng gây trọng tội, chịu mức án dài, tâm lý thường sống thu mình, ngại tiếp xúc với nhà báo và nhắc lại lỗi lầm trong quá khứ. Nhà báo tiếp cận với họ rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, bởi đôi khi chỉ cần một câu động viên, an ủi cũng tiếp thêm nghị lực cho họ phấn đấu cải tạo tốt, sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng và nó cũng chính là “chìa khóa” để họ mở lòng. Kinh nghiệm bản thân cho thấy, tạo ấn tượng ban đầu khi tiếp xúc rất quan trọng. Một khi họ cảm thấy tin tưởng và có thiện cảm sẽ mạnh dạn và cởi mở sẻ chia, dốc bầu tâm sự không chút ngại ngùng, dè chừng.
Đôi khi có những góc khuất cuộc đời phạm nhân, ngay cả quản giáo hằng ngày quản lý, giáo dục cũng không biết nhưng lại kể với phóng viên. Cuộc trò chuyện của một phạm nhân thụ án tại trại giam Tân Lập vẫn còn mãi ám ảnh tôi. Anh từng là cán bộ điều tra của Công an tỉnh Lạng Sơn, khi thu tang vật một bánh heroin trong một vụ án buôn bán ma túy, lòng tham nổi lên, đã cùng hai cán bộ công an khác đánh tráo bánh heroin bằng bột mỳ đem bán lấy tiền chia nhau, sau này bị bại lộ khi kẻ mua bánh heroin đó bị bắt và khai nhận.
Thời điểm đó, đường dây ma túy do Vũ Xuân Trường cầm đầu vừa mới xét xử, nhiều đối tượng bị tử hình và chung thân nên anh ta rất sợ. Và nỗi đau còn nhân lên gấp bội khi mới vào trại, người vợ mà anh hết mực yêu thương đã đưa ngay lá đơn li dị. Tôi đã động viên anh rất nhiều, hãy cố gắng thật nhiều để sớm được ra trại, báo hiếu cha mẹ đã già yếu và quyết tâm làm lại cuộc đời, dẫu muộn mằn. Chứng kiến cuộc trò chuyện của chúng tôi, người quản giáo bảo, hôm nay tôi mới hiểu rõ thêm về gia cảnh, tâm tư của anh ấy. Và có lẽ cán bộ trại sẽ có cách động viên, giáo dục kịp thời để tạo điều kiện cho anh nỗ lực cải tạo tốt, sớm hoàn lương.
Một khâu không thể thiếu là phải đối chiếu, thẩm tra lại thông tin qua hồ sơ và quản giáo trực tiếp phụ trách bởi họ đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, hoàn cảnh phạm tội và gia cảnh của phạm nhân. Trò chuyện với quản giáo, tôi càng hiểu rõ ngọn nguồn những bi kịch và sự bất hạnh trong cuộc đời những con người lầm lỡ ấy, diễn biến tâm lý và khát khao hoàn lương, từ đó có nguồn tư liệu phong phú.
Kinh nghiệm cho thấy, việc ghi chép cẩn thận thông tin còn là đầu mối để sau này triển khai tuyến bài viết về những phạm nhân ra trại tích cực hoàn lương. Một trong số những người tôi tìm gặp viết bài về hậu đặc xá là Trần Quang Trung, Văn Ðiển, Hà Nội. Chỉ vì coi thường pháp luật, Trung phải lĩnh án 5 năm tù về tội cướp tài sản, thụ án tại trại 6, lúc tỉnh ngộ, rất ân hận nhưng tất cả đã quá muộn. Không khí trò chuyện cởi mở hơn, không còn e dè như hồi mới gặp. Sau nửa năm ra trại, anh Trung đầu tư thêm máy móc, mở rộng quy mô cửa hàng may T - Q thêm khang trang, thường xuyên tạo việc làm cho 15 công nhân, làm ăn mỗi lúc phát đạt. Anh còn thường xuyên liên lạc bạn tù đồng cảnh, tổ chức gặp mặt tại Hà Nội bàn cách giúp đỡ nhau sớm ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện.
Vui cùng phạm nhân trong ngày đoàn tụ
Thông thường, thời điểm gặp phạm nhân là vào ban ngày lúc họ đang lao động, cải tạo, tôi chọn cách tác nghiệp cơ động bằng ghi âm để làm bằng chứng, kiểm tra lại thông tin và chỉ ghi vào sổ những ý chính. Còn khi viết bài về cán bộ trại, tôi thường tranh thủ phỏng vấn ngay tại hiện trường các tổ, đội sản xuất hoặc vào lúc cuối ngày làm việc, khi đó họ trò chuyện lâu hơn. Kỷ niệm không thể nào quên là nhiều lần bị muỗi trại giam tấn công khi cả phóng viên và cán bộ trại say sưa trò chuyện đến tận khuya.
Càng tiếp xúc với nhiều cán bộ, tôi thấu hiểu thêm nỗi vất vả, gian truân trong nghề nghiệp đặc thù của họ, luôn phải đương đầu với áp lực căng thẳng. Và không có niềm vui nào bằng giây phút cán bộ trại và phạm nhân bịn rịn chia tay. Từng chứng kiến hàng chục buổi công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước ở nhiều trại giam, lần nào tôi cũng thấy xốn xang và vui niềm vui của những phạm nhân, người nhà trong ngày đoàn tụ.
Và đặc xá mới chỉ là khởi đầu trong hành trình hoàn lương vốn lắm chông gai và thử thách, quan trọng là mỗi người sau khi ra trại phải vượt qua mặc cảm, tự ti và thật sự quyết tâm xua tan quá khứ một thời lầm lỗi để biến khát khao làm lại cuộc đời thành hiện thực, cho ngày mai trời lại sáng./.
Tuấn Anh
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)
- Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - ASEAN báo công dâng Bác (03:43 22/10/2024)
- Báo chí kiến tạo, phát triển để hội nhập với nền báo chí hiện đại trên thế giới (02:21 27/08/2024)
- Ngành Thông tin và Truyền thông quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia (03:02 30/07/2024)
- Thành phố Hồ Chí Minh: Trao giải và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tươi đẹp quanh ta” (09:18 29/06/2024)