Những miền đất giầu cảm hứng và sáng tạo

01:01 28/09/2021 - Văn hóa xã hội
Tạp chí Người Làm Báo vừa nhận được cuốn sách "Ngang qua những vùng đất" của nhà báo, nhà văn, nhà mỹ thuật Đỗ Ngọc Dũng, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành. Trân trọng giới thiệu cuốn sách với Lời giới thiệu sách của nhà báo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh:

Tròn một năm, cuốn tạp văn “NHỮNG MẢNH GHÉP KỶ NIỆM” của họa sĩ ĐỖ NGỌC DŨNG, với gần 600 trang (khổ 16x24cm) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, hôm nay, bạn đọc lại có trong tay cuốn NGANG QUA NHỮNG MIỀN ĐẤT, gồm gần 400 trang, ghi lại những ký ức đẹp đẽ, thú vị trong hành trình trải nghiệm cuộc sống,công tác ở hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Đã từ lâu, nhiều bạn đọc,giới văn nghệ sĩ từng biết cái tên Đỗ Ngọc Dũng, một họa sĩ tài năng đã sáng tạo hàng trăm bức tranh nhiều thể loại, từng được trưng bày trong một số triển lãm quốc tế, có tác phẩm lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia; Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; Bảo tàng Hồ Chí Minh; bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam…

Nhiều tác phẩm hội họa của anh đã đạt giải thưởng cao ở trong nước và quốc tế. Công chúng yêu hội họa trong và ngoài nước trân trọng và đặt mua nhiều tác phẩm của anh thông qua các cuộc triển lãm tranh Đỗ Ngọc Dũng – một “cây cọ” trung du giữa đất Thủ đô hào hoa, thanh lịch cũng như Thành phố cảng Hải Phòng !

Nhà báo, nhà văn, nhà mỹ thuật Đỗ Ngọc Dũng ở thảo nguyên Nội Mông

Sinh ra và lớn lên trên đất Tổ - Vua Hùng, nơi có 2 di tích văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, đã từ lâu, hồn cốt của vùng đất thiêng liêng này đã thấm vào máu thịt người thanh niên từ ngày bước chân vào trường Đại học Mỹ thuật quốc gia, trở thành động lực sáng tạo nên những tác phẩm miêu tả sinh động vùng đất trập trùng đồi cọ, nương chè, rừng xanh, lúa mượt; những bà mẹ, “bà bầm” còng lưng một nắng hai sương nuôi con, nuôi bộ đội trong các cuộc chiến tranh giữ nước; những thuyền bè tấp nập nơi ngã ba sông Lô- sông Hồng- sông Đà; những lễ hội rộn ràng đầu xuân, trong đó có Lễ hội Đền Hùng vào dịp 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nay trở thành ngày Quốc giỗ.

Tôi thầm nghĩ, phải chăng sự sống tiềm ẩn một chiều dài và chiều sâu văn hóa nơi đây đã thổi hồn vào những tác phẩm hội họa của anh, tạo nên sự cuốn hút và hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng yêu mỹ thuật cả ở trong nước và nước ngoài?

Và phải chăng, những điều hiếm quý ấy đã hun đúc nên một nhà văn hóa – mỹ thuật tên tuổi Đỗ Ngọc Dũng – cội nguồn kết nối tình yêu con người, tình yêu đất nước giữa các quốc gia, dân tộc – nơi anh đã có dịp tới thăm, làm việc và giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, để rồi đọng lại trong họ những tình cảm sâu nặng của công chúng yêu mỹ thuật và cả những chính khách ngoại giao có tiếng tăm?

Gần 400 trang sách này được ghi lại trung thực những quan sát, cảm nhận cá nhân, đã giúp tôi hình dung một hành trình sáng tạo đam mê, nhưng đầy gian nan – mà gian nan nhất là anh luôn tự vượt lên chính mình để đa dạng hóa đề tài, đa dạng cách cấu trúc, đa dạng cách thức thể hiện, tạo nên sức hút lớn của hội họa đối với công chúng nghệ thuật, mà cả sự quan sát tinh tế, ghi chép thu lượm kiến thức mọi lĩnh vực từ các nước mà anh đã có dịp đến thăm, làm việc và học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…cũng như ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ…

Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên tượng đài Pie Đại Đế (Nga)

Đã có 13 năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, khẳng định một dấu ấn cá nhân đậm nét cho sự phát triển của văn học nghệ thuật vùng đất Tổ; tiếp đến là Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh, kiêm Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, với tố chất thông minh, năng động, hòa đồng, cầu thị học hỏi, Đỗ Ngọc Dũng không chỉ làm nên gia tài đồ sộ về mỹ thuật cho riêng mình, mà anh còn kết nối, nhân rộng mối quan hệ giữa văn nghệ sĩ tỉnh nhà với các cơ quan hữu quan ở Trung ương; đặt nền móng cho những cuộc kết nghĩa, giao lưu học hỏi với các tỉnh, thành phố, đặc biệt với bạn bè quốc tế ở nhiều nước đem lại những kết quả tích cực. Chính vì vậy, ta có thể gọi anh như một trong những Đại sứ văn hóa của Việt Nam.

Có lẽ, với danh hiệu cao quý ấy, Đỗ Ngọc Dũng đã được bạn bè các nước nơi anh đã tới, luôn trân trọng, đón tiếp nồng hậu và chân tình. Và ở chiều ngược lại, qua những miền đất ấy, những trải nghiệm ấy, anh đã thu hoạch được rất nhiều điều bổ ích và thú vị cho đời và cho nghề. Tôi cho rằng, chủ đề bao trùm ấy đã được Đỗ Ngọc Dũng thể hiện sinh động trong cuốn sách đáng quý này.

Nồng nhiệt chúc mừng Anh – nhà họa sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà đối ngoại…, đã cả đời đam mê sáng tạo và dâng hiến cái Đẹp cho xã hội, tiếp tục gặt hái những “mùa vàng” bội thu!

Đoàn công tác tỉnh Phú Thọ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo (Nhật Bản)

Tác giả cùng đoàn trong Nhà lưu niệm nhà văn Sô-Lô-Khốp (Nga)

Tượng đài Nga Hoàng Alexander ở Helsinky (Phần Lan)

Trung tâm phố cổ Frankfurt (Đức)

Thành phố Ottawa (Canada) là một trong ba thủ đô lạnh nhất thế giới

Đền thờ Hùng Vương tại thành phố Sanjose (Mỹ)

Bên tháp Thạp Luổng - Viên Chăn (Lào)

PGS,TS NGUYỄN HỒNG VINH

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top