Những bức thư gửi về số 7 Phan Đình Phùng

23:14 10/11/2023 - Diễn đàn
Lá thư ấy có thể viết vội trên một trang ô-li được giật ra từ cuốn vở, nét chữ sai chính tả; bức thư trên tờ A4 đề tên tập thể, liệt kê danh sách một loạt người rồi cùng nhau… điểm chỉ… Nó có thể khác nhau về hình thức, nhưng giống nhau một địa chỉ gửi về số 7 Phan Đình Phùng, TP. Hà Nội - nơi Báo Quân đội nhân dân đặt trụ sở.

Có một người nhận thư: Nhà báo, Trung tá Hoàng Trường Giang, Trưởng phòng Phát hành và Truyền thông và một nội dung đó là sự tri ân, tin tưởng gửi gắm từ những số phận, hoàn cảnh khó khăn trên khắp vùng miền, đến một tấm lòng độ lượng.

Nhà báo, Trung tá Hoàng Trường Giang trao học bổng cho các em học sinh ở Huổi Mí, Mường Chà, Điện Biên

Người lính nhận nhiều thư tay nhất làng báo

Câu chuyện của nhà báo Hoàng Trường Giang không đơn giản chỉ là những lá thư, những tin nhắn vội vã qua zalo, facebook... trong suốt 16 năm anh công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Bởi sau đó, anh lại “lao” vào tìm cách giúp đỡ những người đã viết thư cho mình. Chỉ tính riêng trong hơn 1 năm qua, tài khoản dành cho hoạt động thiện nguyện số 2009 của anh tại Ngân hàng Quân đội đã nhận và gửi đi gần 5 tỷ đồng... Có lẽ trừ những người liên quan tới công việc được phân công, phải nhất thiết công bố địa chỉ hòm thư để đại diện cơ quan, tổ chức tiếp nhận thư từ, thông tin hàng ngày,… thì Trung tá Hoàng Trường Giang hẳn là nhà báo nhận được nhiều thư tay nhất mà tôi biết. Tất nhiên tôi không nói tới những hộp thư điện tử, tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội vốn đã quen thuộc trong 20 năm nay. Vì nhà báo Hoàng Trường Giang vẫn luôn đón nhận niềm vui là những bức thư viết tay gửi về từ khắp miền đất nước.

Gửi chú Hoàng Trường Giang..!

Anh em cháu là Ma Seo Khoa, Ma Seo Xuyên hiện là học sinh trường tiểu học Din Thin. Bố cháu bị bệnh chết sớm, nhà cháu nghèo, nhiều em không có ăn. Cháu được các chú đồn biên phòng Tả Gia Khâu đón anh em cháu về nuôi ăn học, được chú cho thêm tiền mua cuồn áo mưới, sách vở, cả giày dép nữa để đi học. Chúng cháu vui lắm. Anh em cháu hứa với chú sẽ học tập tốt để không phụ lòng chú. Chúc chú mạnh khỏe, công tác tốt, hôn nào lên chơi với chúng cháu…” (Bức thư từ Tả Gia Khâu, viết ngày 18/8/2018, tôi chép lại, để nguyên những lỗi sai chính tả).

Một lá thư khác: “Hải Phòng ngày 02/06/2023. Kính gửi anh Hoàng Trường Giang, nhà báo QĐND và các nhà hảo tâm. Tên tôi là Nguyễn Văn Tuấn, là bố của cháu Minh Duy sinh năm 2022 bị đục giác mạc bẩm sinh. Hiện tại tôi là quân nhân chuyên nghiệp công tác tại Trung đoàn 50/Bộ CHQS TP Hải Phòng. Hôm nay 02/06/2023, vợ chồng tôi đã nhận được số tiền là 800 triệu đồng từ nhà báo Hoàng Trường Giang và các nhà hảo tâm đã ủng hộ giúp đỡ cháu Minh Duy để chữa mắt. … Đây là số tiền rất lớn và vô cùng ý nghĩa, là nguồn động lực cho vợ chồng tôi vững tâm hơn trên hành trình tìm lại ánh sáng cho con…”.

Còn nhớ dịp đầu tháng 6, chúng tôi xuống thăm gia đình cháu Minh Duy và trao khoản hỗ trợ, chị Bích Ngọc, mẹ của cháu vừa cảm ơn vừa khóc: “Thực sự gia đình em không biết nói sao. Cháu sinh ra đã bị bệnh bẩm sinh, vợ chồng em dồn hết tiền bạc, “cắm sổ đỏ” vay ngân hàng, nhờ vả khắp nơi rồi nhưng vẫn khó khăn quá. Anh ấy chỉ có đồng lương bộ đội, em thì làm công nhân mà phải nghỉ ở nhà chăm cháu nên không có thu nhập. Nhờ qua anh Giang kêu gọi, vận động mà nay cháu có thêm cơ hội để tiếp tục chữa trị, thực sự gia đình em vô cùng biết ơn”.

Đấy chỉ là 2 trong số rất nhiều bức thư khác nữa mà nhà báo, Trung tá Hoàng Trường Giang đã nhận trên hành trình tình nguyện của mình. Đó là bức thư của phụ huynh bé gái bị tim bẩm sinh có bố là bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu (anh đã huy động 500 triệu đồng hỗ trợ); rồi bức thư tập thể của cô và trò một trường tiểu học ở Vũng Tàu thiếu thốn đủ bề, được anh kêu gọi hỗ trợ 100 triệu đồng để duy trì lớp học tình thương ban đêm; là bức thư của lãnh đạo xã Sàn Tùng, Tả Ngài (huyện Sìn Hồ, Lai Châu)… viết cảm ơn anh về số tiền hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sạt lở đất… Tất cả đều là những hoàn cảnh khó khăn, những số phận không may mắn. Trung tá Hoàng Trường Giang là gạch nối tấm lòng nhân ái với những số phận người thực, việc thực, những mảnh đời cần được giúp đỡ, đúng địa chỉ, đúng người muốn gửi đến người cần nhận.

Bộ đội trên đảo Trường Sa đọc thư nhà

Anh bộ đội Cụ Hồ trong lòng bạn đọc

Tôi và nhà báo Hoàng Trường Giang là bạn đồng môn cùng lớp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sinh ra và lớn lên ở một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước - Lai Châu, nhưng Giang luôn tự hào mình là người con của núi rừng Tây Bắc. Thời sinh viên, Giang hay giúp đỡ những bạn học hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đơn giản như là chia sẻ bát mỳ tôm cuối tháng, chút tiền khi ốm đau... nhưng cũng nói lên tấm lòng của cậu sinh viên khi ấy. Với công việc chung, Giang lúc nào cũng xông xáo, nhận hết phần việc về mình. 

Tốt nghiệp đại học, Giang thi tuyển vào Báo Quân đội nhân dân, được hun đúc, rèn luyện trong quân đội. Thời gian công tác tại Báo Quân đội nhân dân, nhà báo Hoàng Trường Giang cũng đã giành không ít giải thưởng báo chí, khen thưởng của các bộ ngành, địa phương; đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quân năm 2022; 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Cơ quan Tổng cục Chính trị năm 2019, 2020… Với anh, được sống và làm việc tại Báo Quân đội nhân dân, tờ báo 2 lần anh hùng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên; được trở thành nhà báo chiến sĩ thực sự là may mắn lớn trong cuộc đời.

Và rồi việc giúp đỡ những người xung quanh đến với anh, tự nhiên như một cái duyên, thậm chí như được cuộc sống trao nhiệm vụ. Nghề báo, nghiệp lính đã cho anh cơ hội được đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều khó khăn vất vả của đồng đội và nhân dân nên trong lòng anh luôn đau đáu làm sao để hỗ trợ họ. Thời đại chúng ta đang sống, sự phát triển của mạng xã hội nhanh chưa từng có, trang facebook cá nhân của nhà báo Hoàng Trường Giang rất phong phú nội dung, nhưng sâu nặng và tha thiết nhất vẫn là câu chuyện về những bản làng heo hút anh đến, những mảnh đời gieo neo anh gặp, những tha thiết, suy tư về khó khăn của đồng đội nơi biên giới, hải đảo…

Tôi hay lặng lẽ quan sát cuộc sống của nhà báo Hoàng Trường Giang qua những bài anh viết và nhận thấy sự chín chắn, trưởng thành của người bạn đồng nghiệp làm báo luôn nặng lòng, có trách nhiệm với xã hội, yêu thương đồng đội, đồng bào... Đó là một thế giới đầy nội tâm nhưng không bao giờ phẳng lặng, mà sôi động, nhiệt huyết và đam mê.

Trao quà cho người dân bị lũ quét ở Sìn Hồ, Lai Châu

Như cơn sóng lừng…

Làm từ thiện là một việc rất khó, vô cùng khó. Có những người làm từ thiện như một căn duyên, cuộc đời này lựa chọn họ. Và nhiều năm qua Trung tá Hoàng Trường Giang cũng vậy, anh cứ miệt mài “phát động” trên trang cá nhân của mình. Bạn bè anh, những người đã hiểu tính cách của anh, ngay lập tức “ủn” vào tài khoản một món tiền không phải là nhỏ, để anh lại trèo đèo lội suối mang lên cho những nơi, những người đang cần dùng tới nó. Anh cũng là một trong ba người đầu tiên được Ngân hàng Quân đội (MB) mời trải nghiệm tài khoản thiện nguyện (tài khoản 4 số công khai trên app) khi MB chính thức triển khai nền tảng này. Tôi gọi cách Trung tá Hoàng Trường Giang làm giống như những “con sóng lừng”, một thứ không bao giờ nổi lên trên bề mặt, không ai biết nó đang có trong lòng đại dương, nhưng có sức lan tỏa ghê gớm.

Nói về những bức thư gửi về địa chỉ số 7 Phan Đình Phùng, cuối mỗi bức thư đều có một lời nhắc hẹn hò: mời chú/anh/em/cháu Hoàng Trường Giang “có dịp về thăm” - một ước muốn giản dị, nhỏ bé của mỗi người viết thư khi ấy, để nơi họ sinh sống có dịp đón chờ một điều gì đó tươi vui, tốt lành, ấm áp, mát mẻ… đến với vùng u buồn của họ.

Những câu chuyện của Nhà báo Hoàng Trường Giang không phải ai cũng viết được, theo cái cách hồn hậu, không tính toán như anh vẫn đang viết mỗi ngày… Anh nói với tôi rằng: “Cá nhân tôi rất thích một câu ngạn ngữ của người Do Thái, đại ý là: Khi tặng hoa cho người khác thì người ngửi mùi hương thơm đầu tiên chính là chúng ta. Tôi có may mắn là được gia đình, cơ quan ủng hộ nên thuận lợi hơn trong việc tham gia tổ chức các hoạt động tình nguyện trong một thời gian dài. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đồng chí, đồng đội, anh chị em, bạn bè, các nhà hảo tâm đã đồng hành, tin tưởng, ủng hộ các hoạt động mà tôi khởi xướng. Tôi làm được một vài điều nhỏ bé như vậy là vì có mọi người xung quanh đã kề vai, sát cánh qua từng năm, từng tháng, từng ngày. Tôi trân trọng và biết ơn họ”.

Nhà báo, Trung tá Hoàng Trường Giang thăm hỏi, động viên gia đình cháu Nguyễn Minh Duy bị đục giác mạc bẩm sinh

Trong 15 năm qua, Trung tá Hoàng Trường Giang đã tham gia khởi xướng, tổ chức hàng trăm chương trình thiện nguyện, từ Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… vào tới Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hơn 30 điểm trường, nhà ăn, nhà bán trú, công trình nước sạch, hệ thống điện mặt trời, hàng vạn chăn áo ấm, đồ dùng học tập, hàng trăm suất học bổng được trao tặng cùng rất nhiều gia đình khó khăn đã nhận hỗ trợ từ các chương trình do anh phát động. Mỗi năm trung bình Trung tá Hoàng Trường Giang huy động từ 1,5-2 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động xã hội.

Nguyễn Kiên Trung

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top