Nhiều cơ hội để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2017
22:09 16/01/2017
- Kinh tế
Năm 2017, với tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, nền kinh tế tiếp
tục đà phục hồi và phát triển, tăng trưởng GDP đạt mức khá, nhiều chuyên gia dự báo nền
kinh tế nước ta tiếp tục ổn định, dần thích nghi với sự tăng trưởng theo định hướng bền
vững.
Năm 2017 sẽ có thêm nhiều cơ hội giúp các ngành nghề đạt tỉ lệ tăng trưởng cao. Ảnh minh họa
Phải có sự nỗ lực cao
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm qua, có thể thấy đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, khu vực dịch vụ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá, nhất là trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt mức cao.
Đáng lưu ý là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, trong tầm kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; thị trường chứng khoán phát triển theo chiều hướng tích cực... là những “bệ phóng” vững chắc cho nền kinh tế. Thêm vào đó, công tác giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước đã có nhiều chuyển biến, tạo nên nhiều công ăn việc làm, đưa nhanh dòng tiền vào hiện thực nền kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, bên cạnh những mặt tích cực trên, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, năng suất lao động chưa được cải thiện. Xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng khoáng sản giảm mạnh, nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng thấp. Thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao khiến dư địa tài khóa thu hẹp, tạo sức ép rủi ro bất ổn vĩ mô trong trung và dài hạn.
Ngoài nước, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro bởi diễn biến khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường dầu thô, thị trường chứng khoán trên thế giới và tình hình bất ổn, di cư, xung đột địa chính trị, khủng bố gia tăng tại một số khu vực.
Theo đó, dự báo phải có sự nỗ lực cao thì mới đạt mức tăng GDP đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 như tốc độ tăng GDP năm 2017 cần đạt khoảng 6,7%; xuất khẩu tăng 6 - 7%; nhập siêu khoảng 3,5%; lạm phát 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 31,5% GDP...
Để đạt được mục tiêu này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát và phát triển thị trường mua bán nợ không để phát sinh thêm nợ xấu bên cạnh mục tiêu xử lý hiệu quả nợ xấu; quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng...; triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo Nghị quyết của Quốc hội, một số đoạn đang triển khai của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, một số đoạn quan trọng trên tuyến đường bộ ven biển...
Trước mắt có giải pháp phù hợp, áp dụng ngay để tiết kiệm vốn đầu tư công, có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động các dự án BOT giao thông. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và ngân hàng...
Điều kiện thiết yếu cho tăng trưởng
Đồng tình với các quan điểm trên của Quốc hội, liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh hoàn thiện, chưa kể năm tới sẽ thực hiện đồng bộ các kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công, tái cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020 và sử dụng hiệu quả các nguồn lực... việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng không quá khó khăn. Đặc biệt, việc thực hiện tái đầu tư công đóng vai trò then chốt, quyết định.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo chiều sâu nhằm hỗ trợ cho mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả. Những ưu tiên chuyển đổi cơ cấu của Chính phủ trong 5 năm tới như tiếp tục cải cách nhằm nâng cao ổn định cho hệ thống ngân hàng và xây dựng các thị trường vốn sâu hơn, cải thiện hiệu suất của khu vực DNNN, tăng cường đầu tư công và tạo thuận lợi cho một khu vực tư nhân năng động hơn và năng suất hơn là bước đi quan trọng theo hướng chuyển đổi cơ cấu - nếu được triển khai đồng bộ - có thể giúp xử lý được một số hạn chế về cơ cấu phát sinh trong nền kinh tế.
Như vậy, để tái cơ cấu nền kinh tế, theo các chuyên gia, năm 2017 sẽ có thêm nhiều cơ hội, ngành nghề có triển vọng đầu tư, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 lạc quan hơn năm 2016. Trong đó, tuy khả năng thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị ảnh hưởng, nhưng vẫn có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, năm 2017 có cực kỳ nhiều cơ hội khi mà chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều dư địa để doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân tham gia vào ngành, lĩnh vực đặc thù của Nhà nước. Thứ hai, còn nhiều lĩnh vực gần như chưa ai khai phá như lĩnh vực nông nghiệp còn phụ thuộc vào trồng trọt, chế biến, du lịch, khách sạn, lữ hành thì Việt Nam có thể chủ động tác động, còn nhiều tiềm năng và khai thác được ngay. Trong khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết cũng là lĩnh vực cam kết nhiều bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước./.
Sông Trà
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029 (12:25 20/11/2024)
- VPBank trở thành nhà tài trợ chính thức đêm hoà nhạc “The Vienna Concert” (01:48 19/11/2024)
- VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên (10:23 19/11/2024)
- VPBank được vinh danh trong nhóm 10 doanh nghiệp quản trị tốt nhất (02:48 18/11/2024)
- BIZ MBBank tài trợ 100% phí thành lập doanh nghiệp, vững bước đồng hành cùng SME (01:33 18/11/2024)