Nhật ký Trường Sa

22:41 12/07/2016 - Tác nghiệp
Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc đã và đang được bao thế hệ người Việt Nam bảo vệ và xây dựng bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu. Nhà báo Nguyễn Viết Thái, phóng viên báo Phú Khánh thời đó may mắn có mặt trong chuyến công tác do đồng chí Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân dẫn đầu đến quần đảo Trường Sa chỉ gần 2 tháng sau sự kiện 14 tháng 3 năm 1988...

Đảo Nam Yết, Khánh Hòa.

Đến nơi đầu sóng

Sau mấy ngày làm công tác chuẩn bị, 7 giờ sáng ngày 4/5/1988, xe đưa chúng tôi xuống bến cảng. Chúng tôi đi trên con tàu HQ 961, đây là loại tàu cứu hộ của Hải quân, từng được thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 vì thành tích sẵn sàng chiến đấu, vận chuyển hàng chục ngàn tấn hàng hóa, nước ngọt ra quần đảo.

10 giờ sáng ngày 5/5/1988, chúng tôi đến đảo Đá Lát, điểm đầu tiên trong hành trình. Đá Lát là đảo chìm. Khi nước triều xuống, lộ ra khoảng thềm đá san hô. Nước triều lên thì “mênh mông biển cả”. Tám chiến sỹ sống trong một nhà “cao cẳng” rộng chừng trên ba mươi mét vuông. Tất cả quân tư trang, vũ khí, phương tiện, hậu cần... đều gói gọn trong đó. Khoảnh sân ghép bằng mấy tấm nhôm trở nên chật chội với chừng hai mươi người cả chủ và khách. Đóng quân trên đảo đã hơn một năm, ngày thường, các chiến sĩ chỉ đánh độc quần đùi, ở trần. Da anh nào cũng đen bóng, nhưng nụ cười thì hồn nhiên, tươi trẻ và tràn đầy sức sống.

Trung úy Luyện Đức Thuần, phụ trách đảo chỉ cho tôi xem “thư viện” của đảo, đó là hai chiếc hòm đạn bằng gỗ, kê sát nhau, đựng chừng hai chục đầu sách. Tôi cầm lên xem, đây là cuốn “Nhịp biển quê hương” của Sở Thủy sản Phú Khánh, “Tiếng biển đêm” của Nhà xuất bản Tổng hợp Phú Khánh, “Tuổi xuân còn mãi” của Hội Phụ nữ Nha Trang, “Lớp trẻ”, “Người đi đường không biết mệt mỏi” v.v.. Cuốn sách nào cũng nhàu nát từng trang vì chuyền tay nhau quá nhiều. “Kho” lương thực, thực phẩm bên cạnh gồm: gạo, cơm sấy, lương khô, thịt hộp, mỡ, ruốc cá, mắm kem, củ cải khô, dưa cải nén, bột ngọt, đường, sữa...

12 giờ trưa, đội văn nghệ và video phục vụ anh em chiến sĩ. Những sĩ quan lúc nãy là khách, bây giờ là chủ nhà, đứng ở những vị trí chốt, canh giữ đảo để anh em yên tâm thưởng thức văn nghệ. Ca sĩ Anh Đào và Thanh Thanh hát những bài hát về quê hương, ca ngợi người chiến sỹ giữ đảo. Các chiến sĩ say sưa ngắm nhìn ca sĩ và chăm chú nghe như nuốt từng lời ca, nốt nhạc. Người nghe, người diễn hòa trong nỗi xúc động.

Thú thực, ra Trường Sa chỉ sau sự kiện 14/3 xảy ra hơn một tháng rưỡi, tôi cứ nghĩ là ở nơi còn “khét lẹt” mùi thuốc súng của quân thù, cuộc sống phải căng như dây đàn bởi những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần và hàng ngày hàng giờ phải sẵn sàng đối mặt với âm mưu, thủ đoạn ngang ngược của địch. Nhưng những gương mặt tươi trẻ lạc quan, kiên nghị của lính đảo Đá Lát đã cho tôi một cách nhìn khác.

Trường Sa không chỉ là kỷ niệm

15 giờ, Trường Sa tổ chức mít tinh kỉ niệm 33 năm ngày truyền thống Hải quân Nhân dân. Trước đông đảo cán bộ chiến sĩ Trường Sa, trước các tướng lĩnh trong quân đội, bên cạnh cột mốc chủ quyền uy nghiêm, hồn thiêng dân tộc ghi rõ “CHXHCN Việt Nam Đảo Trường Sa.

Vĩ tuyến 8,38 độ Bắc, Kinh tuyến 111,55 độ Đông”, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng dõng dạc tuyên bố: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”. Rừng cánh tay giơ cao trong giờ phút thiêng liêng ấy biểu thị một quyết tâm sắt đá biến lời thề của Đại tướng thành hành động cụ thể, quyết tâm bảo vệ trọn vẹn lãnh hải của Tổ quốc.

Các phong trào “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, “Cả nước hướng về Trường Sa” đã thực sự cải thiện đáng kể đời sống tinh thần, vật chất của chiến sĩ Trường Sa. Trên các điểm đảo, tôi thấy quà từ mọi miền Tổ quốc gửi đến. Các chiến sĩ  xúc động đọc thư nhà và cả thư của những người chưa quen biết. Có chiến sĩ tâm sự, thường những buổi chiều rảnh rỗi, anh em ôm đàn ra thềm đảo hát cho đỡ nhớ nhà và nhìn ra ngoài khơi, nơi hoàng hôn đang buông xuống. Nếu hoàng hôn màu vàng chanh, lòng người lính rộn lên niềm vui vì trời chiều màu vàng chanh là biển êm, mà biển êm thì nhiều khả năng có tàu ra, anh em sẽ nhận được thư của đất liền!

23 giờ. Một trận mưa lớn đổ xuống! Trận mưa mà lính đảo khao khát đã bao lâu. Tất cả đơn vị đều thức dậy, nhộn nhịp như một ngày hội. Người lo che đậy, bảo quản vũ khí, người lấy thau chậu, vải mưa hứng nước. Tất cả đều ra sân tắm mưa thỏa thích. Lấy cảm hứng từ không khí ấy, nhạc sĩ Xuân An đã sáng tác bài “Mưa Trường Sa ” ngay trong đêm. Sáng hôm sau, bài hát đã được các chiến sĩ thích thú đón nhận./.

Nguyễn Viết Thái

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top