Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nhà báo và những đêm trắng “giải cứu” các cậu bé bị tra tấn như thời Trung cổ

21:46 29/08/2021 - Tác nghiệp
Cuối năm 2020, khi nhận tin từ một nữ độc giả rằng tại quán bánh xèo ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) có các cậu bé với dấu hiệu bị tra tấn, cực hình, mình đầy thương tích, tinh thần hoảng loạn..., chúng tôi đã lập ngay một kế hoạch "diệt cỏ diệt tận gốc".

Quán bánh xèo nơi xảy ra vụ bạo hành

 Tố cáo các dấu hiệu khả nghi, đưa các cháu đào thoát rồi chăm sóc không phải là quá khó. Vấn đề là có bằng chứng, để đề nghị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam được những kẻ thủ ác.

Ba cô gái xinh đẹp làm "gián điệp" cho nhà báo

Không ai ngờ được, "mật vụ" giúp chúng tôi vụ này lại là 3 cô gái rất xinh đẹp, là công nhân của khu công nghiệp ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Binh. Các cô bé 9X đời cuối này, như nhiều cô bé khác, rất thích ăn vặt, cụ thể ở đây là bánh xèo. Chủ quán có cái tên cũng đẹp: Ánh Tuyết, hơn 30 tuổi, quê Quảng Ngãi, và bánh xèo của cô trực tiếp làm cùng đội giúp việc, phải nói là khá cuốn hút nhiều người.

Các nữ công nhân tình nguyện mỗi ngày đi ăn bánh xèo ít nhất một lần để theo dõi giúp nhà báo. "Em đang gọi thêm món, cậu bé (sau này biết tên là Duy, 14 tuổi) đang đến gần. Em hỏi rồi, nó bảo các vết thương lớn trên mặt, trên tay, chân là do bà chủ đánh". "Em béo lẳn ra rồi, bắt đền nhà báo đấy, ngày hai lần đi ăn bánh xèo thì còn gì là eo". "Vâng, em chụp ảnh thằng lớn (sau này biết tên là Đức, 22 tuổi), tay nó bị các vết khâu to như con rết lớn, trắng bợt thịt da, mưng cả mủ, do vết thương được khâu qua loa trong khi vẫn phải thức gần trắng đêm để dầm tay với vết thương ấy trong các chậu nước rửa chén. Vô số đũa, bát, chén, cốc nó phải rửa, đến 4 giờ sáng mới xong anh ạ"... Có cô bé, lúc gặp phóng viên NTNN, cứ tấm tức ngồi khóc thương các nạn nhân.

Khi Dân Việt/Báo NTNN là tờ báo đầu tiên tung ra tin bài sốc về vụ việc, gây ầm ĩ dư luận, cơ quan chức năng vào cuộc, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo xử lý nghiêm, rồi lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thăm hỏi động viên, sửa nhà cửa cho các nạn nhân. Điều tôi vui nhất: Người tốt hóa ra còn rất nhiều...

Các thông tin được gửi về. Chúng tôi sửa soạn 2 xe ôtô và 5 người cùng tham gia điều tra. Số phóng viên trẻ thì suốt ngày cho đi ăn bánh xèo gặp cô Ánh Tuyết. Số thì la cà quán cà phê… kế bên. Nhân viên ở quán cà phê kể toàn chuyện ly kỳ, rằng hai nhà chung tường, một cái tường làm bằng tôn mỏng. Nên nghe cô chủ quán bánh xèo chửi ghê lắm. Đánh ghê hơn nữa. Lũ trẻ kêu rầm trời. Nó kêu thế nào? À, kêu như những người bị tra tấn khác thôi. Chúng tôi vạch tấm tôn trên tường, nhìn từ toa lét quán cà phê sang phía quán bánh xèo. Chúng tôi mua dây dẫn, chế camera theo dõi...

Cháu Đức - người bị chủ quán bạo hành

Các cuộc phỏng vấn lúc 0 giờ ngoài bãi rác thối

Một hàng xóm cung cấp, chủ quán Ánh Tuyết từng tra tấn cậu bé làm công, chỉ vì nghi cậu ta hút vụng một điếu thuốc lá của chủ. Họ đi điều tra xem quán nào đã mua lại bao thuốc mà nghi cho cậu bé ăn cắp. Đặc biệt, chúng tôi có được cả bức ảnh chụp cháu Đức ôm tấm bìa carton, ghi nội dung: “Tôi là đứa ăn cắp vặt”.

Qua theo dõi, một nữ phóng viên phát hiện ra: Mỗi ngày cháu Đức được ra khỏi nhà đúng 5 phút để đi đổ rác, mà lại vào lúc gần 0 giờ. Tiếp cận với Đức ra sao? Kế hoạch tuyệt mật được phác ra gay cấn như trong phim hành động. 

Một người thuê nhà nghỉ gần quán bánh xèo, tắt điện, mở cửa kính, dùng ống kính zoom theo dõi di biến động ở cửa quán, chat cập nhật với tất cả những người còn lại. Đức đã thu gom rác, cọ nhà cửa quán xá xong, chuẩn bị đi đổ rác... 

Lập tức nhóm ở ngoài bãi rác dàn trận, tìm cách tiếp xúc, nói mình là người giải cứu, nếu được sẽ lật áo Đức lên quay kỹ vết thương, hỏi chuyện Đức về các trò tra tấn để làm tài liệu tố cáo. Nếu được thì cài máy ghi âm, ghi hình vào người Đức...

Người thì đỗ xe xuyên đêm trước cửa nhà nghỉ với thiết bị theo dõi đặc biệt (cũng là trước cửa quán) phải hé cửa xe kẻo chết ngạt, cấm ra khỏi xe trước 2 giờ sáng. Liên tục thông báo chủ quán đi tìm Đức sau khi thấy cậu bé đi đổ rác 5 phút chưa trở về không? Vì theo quy luật, Đức về muộn là bị chửi, bị đánh và bị các đạo quân ào ào đi tìm. Nếu họ tìm thấy nhà báo đang bám Đức ở bãi rác trong đêm thì gay to.

Quả thật, sau nhiều đêm tác nghiệp âm thầm ở… bãi rác siêu bẩn kia, tiếp xúc, thuyết phục Đức rất công phu, chúng tôi đã hoảng hồn khi thấy chủ quán phi xe máy tức tối ra khỏi nhà. Tin báo ngược từ nhà nghỉ, từ xe ôtô theo dõi rằng: Chia tay Đức ngay, bảo Đức về ngay. Sau này, cơ quan công an thu giữ thiết bị ghi âm siêu nhỏ của chúng tôi (khi họ ập vào và mời Đức cùng chủ quán ra trụ sở). Các điều tra viên đã giữ chúng trong ít ngày để phục vụ điều tra, trước khi trao trả bằng văn bản.

Các câu chuyện Đức kể làm chúng tôi thật sự sốc: Đánh bằng dụng cụ đỏ lửa chế biến bánh xèo, đánh bằng chày giã cua, tra tấn bằng bàn đinh cạo vảy cá. Ánh Tuyết cũng keo kiệt khi tính kỹ: Để khỏi mất vài đồng bạc lẻ hàng tháng cho người thu gom rác, Tuyết bắt Đức phải đi đổ rác tít ngoài bãi thối tha ven Quốc lộ 18 mỗi ngày. Phải đi vào lúc nửa đêm.

Tất nhiên, các lời tố cáo trên chỉ là lời kể từ một phía của Đức. Chúng tôi mật phục từ mái nhà, từ một nhà kho bẩn thỉu đầy muỗi dĩn khác, thức trắng vài đêm ghi hình lao động "như thời Trung cổ", rồi quát nạt chửi bới của bà chủ. Riêng việc vuốt cổ, vuốt má mình để đuổi muỗi đã đủ để các thành viên bị trầy tróc da cổ, khi bôi thuốc chống muỗi, nó rát bỏng như giội nước sôi. 4 giờ sáng một ngày buồn bã, rời vị trí quay lén, chúng tôi có thêm những tư liệu sốc, sau này đưa cho cơ quan công an, ít nhất 7 video tố cáo. Trong đó có các cảnh: Đức ở trần trong đêm lạnh, khuya lúc 3-4 giờ sáng. Cậu bé ở trần, đi chân đất, rửa cả núi bát, đĩa, thìa, đũa ào ào. Rửa cả rau sống, tôm, đủ thứ đồ chế biến bánh xèo...

4 giờ sáng ngồi trên mái nhà, "siêu zoom" vào một cậu bé ở trần vồ vập ăn uống đồ thừa của khách. Nếu có thời gian, tôi có thể làm phóng sự về chủ đề "siêu mất vệ sinh/an toàn thực phẩm" trong một cái chuỗi nhà hàng tai tiếng như thế này. 

Hình ảnh tê tái nhất đã xuất hiện: Đức và nhiều lao công bị bỏ đói đến mức phải ăn vụng, có khi nhót đồ của khách lúc bưng ra bàn. Có khi Đức đói quá, mở núi đĩa cốc nhựa ra. Chỗ nào nước ngọt, cậu uống tất đồ thừa. Tay cậu vồ vập, nhanh như máy bốc ăn từng miếng thừa...

Cháu Duy - người bị chủ quán bạo hành

Khi Dân Việt/NTNN là tờ báo đầu tiên tung ra tin bài sốc về vụ việc, gây ầm ĩ dư luận, cơ quan chức năng vào cuộc, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo xử lý nghiêm, rồi lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thăm hỏi động viên, sửa sang nhà cửa cho các nạn nhân. 

Điều tôi vui nhất: Người tốt hóa ra còn rất nhiều. Cậu bé 14 tuổi có hoàn cảnh vô cùng khó khăn: Bỏ ngang việc học, bố bị tâm thần, mẹ chết sớm, ông bà tạ thế hoặc lang bạt chưa tìm nổi. Nhiều nhà hảo tâm, nhiều sự chăm sóc ấm tình dồn dập đến với em. 

Bệnh viện Yên Phong - nơi cháu Duy điều trị với các vết tra tấn ở tai, má, tay, chân, lưng…, nhiều lúc tắc đường vì các nhà hảo tâm tìm đến rất đông, hành lang chật cứng. Hàng trăm triệu đem đến ủng hộ, hỗ trợ Duy./.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo NTNN/ Điện tử Dân Việt)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top