Người phụ nữ 70 năm "thổi hồn" và tôn vinh tà áo dài Việt Nam

21:39 05/03/2022 - Văn hóa xã hội
Hiện nay, người dân Trạch Xá vẫn truyền tụng những giai thoại về những nghệ nhân của làng như có người đã vinh dự được may áo dài cho vua quan trong triều đình nhà Nguyễn, hay ông Tạ Văn Khuất mới 30 tuổi đã may được áo cho vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu cho dù chỉ được đứng từ xa để ước lượng. Trải hàng trăm năm, nghề may đã gắn bó với nhân dân làng Trạch Xá.

Suốt mấy chục năm qua, ngày nào tiệm may nằm ở số 23 Lương Văn Can vẫn mở cửa từ 8 giờ sáng đến tối muộn để đón khách.

Nhiều thế hệ người thợ của Trạch Xá tay nghề cao đã vượt ra khỏi lũy tre làng đi mở cửa hàng, cửa hiệu khắp trong Nam ngoài Bắc và đặc biệt là có mặt ở khắp nơi ở Hà Nội.

Người “giữ lửa nghề” của gia đình

Ghé thăm cửa hiệu áo dài Vinh Trạch của ông bà Lê Thị Quyến, Lê Thành Vinh ở số 23 phố Lương Văn Can, bất cứ ai cũng sẽ bất ngờ bởi với dáng người nhỏ bé, phong thái hoạt bát, nhanh nhẹn, ít ai nghĩ rằng bà Quyến năm nay đã bước vào tuổi 80. Ở tuổi thất thập cổ lai hi, bà vẫn tinh mắt, khéo tay, tự mình xâu kim, xỏ chỉ, đơm cúc, đo, may áo dài cho khách.

Là một trong số rất ít những người đầu tiên mở tiệm may áo dài trên phố Lương Văn Can, bà Quyến còn khoe gia đình bà đã có thâm niên theo nghề này tới 4 đời.

Bà Quyến quê gốc ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông cũ, nơi được gọi là cái nôi của nghề may áo dài. Cũng chính vì vậy, tiệm may của bà cũng như các tiệm may lâu đời khác trên phố Lương Văn Can đều thêm chữ “Trạch” vào biển hiệu. Đó là cách mà bà – chủ hiệu may Vinh Trạch khẳng định thương hiệu may áo dài lâu đời của mình.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống may áo dài, bà Quyến cũng chẳng biết chính xác gia đình mình đã theo nghề này từ bao giờ, chỉ biết từ đời ông bà của bà Quyến, các cụ đã gắn bó với cây kim, sợi chỉ, vải the… Đến đời cụ thân sinh ra bà đã trở thành một bác thợ phó của làng, mở một tiệm may trong ngõ Phất Lộc và trở nên nổi tiếng, là một trong những người may áo dài đẹp nhất những năm Pháp thuộc lúc bấy giờ.

Khi ấy, bà Quyến mới là một cô bé 12 tuổi, ngày ngày phụ việc cho bố mẹ từ những việc đơn giản nhất như đơm khuy, khâu viền áo… Ngày đó, áo dài trở nên thịnh hành nhờ nét duyên dáng mà nó mang lại cho người mặc. Ai ai cũng mặc áo dài, từ những tiểu thư điệu đà con nhà giàu ngày thay 3 - 4 bộ, đến những cô bán hoa, bán rau cũng mặc áo dài nâu buộc vạt khiến khách đến nhà bà Luyến luôn tấp nập. Bà vẫn thường xuyên cùng cha, đến ở nhà khách có khi cả tuần trời để may áo dài theo yêu cầu của gia chủ.

Vốn là con nhà nòi, khéo tay, nhanh nhẹn, chẳng mấy chốc, bà Quyến đã tự tay may được một bộ áo dài hoàn chỉnh cho khách. Vậy là bà chính thức kế nghiệp cha mình. Cô bé 12 tuổi nhỏ bé ngày nào đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp ngày ngày chăm chỉ, may ra những bộ áo dài duyên dáng, trở thành cái tên nổi tiếng trong nghề may của phố cổ lúc bấy giờ.

Tiếng lành đồn xa, cô thiếu nữ khéo tay, chăm chỉ khiến bao chàng trai dòm ngó, theo đuổi. Nhưng như một cái duyên do trời định, bà Quyến lấy ông Lê Thành Vinh lúc bà 17 tuổi. Chẳng biết ông trời ghép đôi khéo như thế nào, mà ông Vinh cũng là một người con tài hoa của làng Trạch Xá, thuộc một gia đình nổi tiếng nhất nhì với nghề may áo dài.

Khi ấy, cặp vợ chồng trẻ làm cho hợp tác xã nhưng vẫn không quên nghề gia truyền của mình. Ban ngày, công việc bận bịu là thế, nhưng tối về, ông bà vẫn tự tay may áo dài, tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. “Ngày ấy không có máy khâu, mọi việc may vá đều phải làm bằng tay hết, vải cũng cứng, không được mềm như bây giờ. May xong cái áo dài mà sứt hết tay, rớm cả máu”, bà Quyến tâm sự.

Tiệm may nhỏ của bà Lê Thị Quyến chuyên may áo dài trên mọi chất liệu vải.

Đầu những năm 90, khi đất nước xóa bỏ chế độ bao cấp, cũng là lúc hiệu may đầu tiên của bà được mở trên phố Lương Văn Can. Vốn tính cẩn thận, khéo tay, từng chiếc áo dài dù đắt hay rẻ đều được ông bà chăm chút, tỉ mẩn nên khách của hàng may lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào. Bởi vậy, dù thu nhập tuy không quá cao, nhưng cũng đủ để ông bà nuôi được 7 người con ăn học đàng hoàng. Bà tâm sự: “Làm nghề này chẳng giàu được đâu, nhưng cũng đủ để nuôi nấng con cái, lo toan cuộc sống. Cũng có nhiều khi vất vả, nhưng lúc nào tôi cũng tự hào, vì mình kiếm tiền chân chính từ nghề lâu đời của gia đình mình”.

Đối với bà, may áo dài không chỉ là một nghề mưu sinh, mà còn là “nghề đã ngấm vào máu”. Bảy người con của bà, từ trai đến gái, đều học nghề may áo dài của cha mẹ. Dù có mấy cái bằng đại học và làm những công việc khác nhưng mỗi lúc về nhà, các con của bà lại tranh thủ may áo dài. Chỉ sang người con trai út đang tỉ mẩn sửa tay áo cho khách, bà Quyến cho biết: “Dù là con trai những khéo léo lắm, đi làm xong lại về giúp mẹ may đo”.

Bí quyết của tiệm may đi qua hai thế kỷ

Khách hàng của bà Quyến rất phong phú, từ những khách hàng là người Việt Nam cho đến các khách hành người nước ngoài đến du lịch, hay sinh sống và làm việc tại Việt Nam, hay thậm chí là những khách hàng được cho là “khó tính nhất” Hà Nội. Đặc biệt, bà Quyến còn nhận không ít đơn đặt hàng may áo dài gửi đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp.... Đây là điều mà không nhiều tiệm may áo dài có được.

Bí quyết mà nhiều khách hàng quay trở lại tiệm may của bà Quyến chia sẻ đó là: “Từng đường kim mũi chỉ của chiếc áo dài đều được bà Quyến chăm chút và khâu hoàn toàn bằng tay”.

Dù đã 81 tuổi, nhưng cụ bà Lê Thị Quyến vẫn hằng ngày miệt mài may áo dài cho khách.

Theo bà Lê Thị Quyến, việc khâu áo dài bằng tay khiến cho chiếc áo dài “có hồn”. Đó cũng là kỹ thuật và bí quyết nghề đặc biệt của làng nghề Trạch Xá, quê hương gốc của bà. Theo đó, từng chiếc áo dài của tiệm may Vinh Trạch đều được nắn nót từng đường kim mũi chỉ để vừa vặn với số đo của người mặc.

Mặc dù hiện nay, nghề may nói chung và nghề may áo dài nói riêng đã có rất nhiều máy móc để thay thế các công đoạn, nhưng bà Quyến vẫn cố gắng giữ tối đa các công đoạn tạo ra chiếc áo dài bằng làm thủ công.

Mỗi bộ áo dài qua tay bà đều như được thổi hồn vào đó giá trị văn hóa dân tộc.

Bây giờ, gia đình bà Quyến đã có mấy tiệm may trên mặt phố Lương Văn Can, khách lúc nào cũng đông, có cả khách Việt, cả khách nước ngoài. Bà Quyến hóm hỉnh chia sẻ, mỗi lần khách nước ngoài đến là bà lại “diễn kịch câm”. Vì làm nghề lâu năm, nên chỉ nhìn qua dáng người, bà cũng ước chừng được số đo, và đoán họ may kiểu gì thì đẹp. Bởi vậy, nên dù không giao tiếp với người nước ngoài bằng lời nói, nhưng qua cử chỉ, hành động, bà cũng hiểu khách muốn may kiểu dáng gì, chất liệu như thế nào và cho ra những bộ áo dài mà khách “không chê vào đâu được”.

Ở tuổi thất thập cổ lai hi, bà vẫn tinh mắt, khéo tay, tự mình xâu kim, xỏ chỉ, đơm cúc, đo, may áo dài cho khách.

Khi được hỏi vì sao cửa hàng của bà luôn tấp nập dù xung quanh có biết bao nhiêu người khác cạnh tranh, bà cười: “Phải có bí quyết chứ, nhưng cái này giấu không nói được. Chúng tôi chỉ truyền cho con cháu trong nhà thôi”. Tuy nhiên, bà Quyến cũng tiết lộ, nghề này phải học cả đời, vì thị hiếu khách hàng mỗi thời mỗi khác, nên phải bắt kịp xu hướng. Ra đường bà lúc nào cũng quan sát, họ mặc áo dài gì, “mốt” bây giờ như thế nào để về tư vấn và may đo cho khách

Gần 70 năm trong nghề, trải qua biết bao thăng trầm cuộc sống, bà Quyến cũng chứng kiến biết bao thay đổi của chiếc áo dài Việt Nam, từ chiếc áo dài liền vai, vạt dài, cổ cao thời bao cấp đến chiếc ào dài vạt ngắn, cổ kiềng, cổ thấp bằng gấm, vải thêu như bây giờ. Đối với bà chiếc áo dài không đơn thuần là manh vải khoác lên người, mà còn là cái gì đó rất thiêng liêng, đầy duyên dáng.

Chứng kiến sự thay đổi kiểu cách mẫu mã của áo dài Việt Nam, bà Lê Thị Quyến luôn học hỏi không ngừng nghỉ.

Cho dù thời gian có trôi qua, cuộc sống có thay đổi, áo dài có cách tân nhiều thì áo dài vẫn là trang phục truyền thống, và không thể thay thế. Từ xưa đến nay và mãi mãi về sau, tà áo dài Việt Nam sẽ vẫn trường tồn, và trong đó không thể không có sự góp mặt của áo dài mang thương hiệu áo dài Vinh Trạch.

Khải Hoàn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top