Người nói thay lời của đất

21:21 30/08/2022 - Văn hóa xã hội
Đến với gốm như một cơ duyên, nhưng rồi say mê đến độ dành cả cuộc đời để “nói thay lời của đất”. Nghệ nhân Phạm Khang dường như chưa bao giờ ngừng yêu thứ vẻ đẹp mộc mạc của cao lanh, mà kiêu sa, sáng lòa sau thử lửa của chúng.

Thầy dạy vẽ trên gốm và những tác phẩm mang dấu ấn lịch sử

Sinh ra và lớn lên ở Đại Đồng, Kiến Thụy, Hải Phòng. Tới năm 1987, ở tuổi đôi mươi, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, với lý tưởng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, Phạm Khang lên đường nhập ngũ, rồi được điều động về Ban tuyên huấn, E.670 – Quân khu 3. Sẵn có “tài lẻ” về vẽ vời, Khang thường được giao nhiệm vụ vẽ tranh cổ động, thông tin tuyên truyền để truyền tải đường lối của Đảng, nhiệm vụ quân sự đến gần hơn với anh em chiến sĩ. 

Nghệ nhân Phạm Khang với tác phẩm độc bản ấm pha trà phục vụ Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Sau khi xuất ngũ, Phạm Khang vẫn “nặng tình” với nghiệp vẽ, lại đam mê loại hình mỹ thuật ứng dụng, ông lặn lội tìm đến doanh nghiệp gốm Havinaco, một doanh nghiệp sản xuất gốm sứ ở Hải Phòng để “tầm sư học đạo”. Tại đây, ông được gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trang trí gốm đến từ các trường mỹ thuật nổi tiếng. Nhờ tố chất thông minh, ham học hỏi, sáng tạo, chỉ sau vài tháng học nghề, Phạm Khang đã tiếp thu được hầu hết những bài học mà các thầy truyền thụ.

Về làng gốm Bát Tràng, với mong muốn có thể hiện thực hóa đam mê được vẽ tranh trên gốm sứ. Đó là giai đoạn đầu của thập niên 90 ( thế kỷ 20), thời điểm mà làng Gốm Bát Tràng cũng đang trong quá trình chuyển mình, nhằm bắt nhịp phong trào đổi mới đang sôi nổi khắp cả nước thời bấy giờ. Phạm Khang suy nghĩ, gốm Bát Tràng vốn đã tồn tại từ lâu đời, nổi tiếng về chất lượng cũng như độ lành nghề của nghệ nhân. Tuy nhiên, cái thiếu của Bát Tràng là mẫu mã trang trí sản phẩm. Những mẫu gốm của Bát Tràng chưa đủ đa dạng để thu hút người mua, sản phẩm của Bát Tràng giờ cũng đã rơi vào lối mòn, khó đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Kỳ đài Tổ quốc trên đảo Hòn Hải, tỉnh Bình Thuận do Nghệ nhân Phạm Khang thiết kế và tổ chức thi công trong điều kiện cực kỳ gian khổ, nguy hiểm.

Từ tháng 9/1990, ông chính thức trở thành thầy dạy vẽ trên gốm cho các thợ trang trí gốm tại làng nghề. Năm 1998, sau bao tâm huyết, Phạm Khang mở thành công xưởng gốm đầu tiên chuyên về sản xuất gốm mỹ nghệ. Với đôi tay tinh nhuệ, khéo léo, cũng óc thẩm mỹ tuyệt vời, Phạm Khang nhanh chóng xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong làng gốm Việt, danh tiếng của ông không ngừng vươn xa, được nhiều khách hàng biết đến. Nhắc đến Phạm Khang là nhắc đến thế mạnh sử dụng màu đa sắc lên tranh sứ, tranh gốm chân dung lãnh tụ, những bức kỳ đài, phù điêu kích thước lớn. Bên cạnh đó, ông cũng phát triển dòng gốm mỹ nghệ nhỏ, phục vụ nhu cầu du lịch. Trong bộ sưu tập đồ sộ những tác phẩm nổi tiếng của Phạm Khang, công chúng có lẽ biết nhiều đến những tác phẩm mang dấu ấn lịch sử như: bức tranh Ngày hội non sông trên đất Tổ với diện tích 720 M2 đặt tại sảnh Đại lễ - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; hay bức kỳ đài bằng gốm 100m2 đặt trên đảo Hòn Hải, thuộc tỉnh Bình Thuận, giáp với Hoàng Sa – mà Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp. 

Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, với mong muốn được góp sức nhỏ bé của mình cho ngày Đại lễ, là một thợ giỏi, ông đã tự tay thiết kế, nung đốt một tác phẩm ấm pha trà có dung tích gần 100 lít nước. Khi tổ chức Đại lễ ông đã tự tay pha 3,5kg trà Thái, loại thượng hạng Tân Cương với 85 lít nước sôi, rót ra đúng 1000 chén trà để mời du khách thưởng trà. Đây được coi là tác phẩm để đời của Phạm Khang, cũng là niềm tự hào của gốm sứ Việt Nam trong thời kỳ hiện đại.

Nghệ sĩ gốm của núi rừng Tây Bắc

Năm 2017, sau gần 30 năm lăn lộn với nghề gốm ở miền xuôi, Phạm Khang quyết định di cư lên miền ngược. Đất lành chim đậu, Ông đã định cư tại Mộc Châu, Sơn La, bỏ lại sau lưng những gì thân quen đã nửa đời gắn bó để bắt đầu một cuộc sống khác, nhưng tuyệt nhiên gốm thì không bao giờ từ bỏ. “Lên núi” ông lại tiếp tục truyền nghề cho đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Thái, H’Mông… Từ việc người dân chỉ quen với cuộc sống lên nương lên rẫy, đến nay, nhiều học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số biết làm nghề gốm, có tay nghề cao, có thể tạo ra thu nhập cải thiện cuộc sống cho gia đình. Phạm Khang cũng không ngại lặn lội đường xá xa xôi, tới những ngôi trường Tiểu học, THCS, THPT khắp dọc miền Tây Bắc để làm đẹp cho không gian học tập của các học sinh vùng cao.

Nữ học sinh người Dao học nghề tại xưởng gốm Phạm Khang ở Mộc Châu, Sơn La

Với ông, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, không chỉ làm đẹp cho cuộc sống, mà còn giúp ông có thêm những khám phá mới, những nguồn cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật. Giờ người ta biết đến Phạm Khang là một nghệ sĩ gốm của núi rừng Tây Bắc, Ông đã đưa chất Tây Bắc đậm nét vào những tác phẩm gốm sứ của mình. Đặc biệt là chương trình trải nghiệm: Tập làm Nghệ nhân gốm sứ dành cho các em học sinh khi đến với xưởng gốm mỹ thuật Phạm Khang. Ở đây các em được Nghệ nhân Phạm Khang hướng dẫn từ cách làm đất, đắp, xoay, cắt gọt ….tất tật cho đến lúc trở thành tác phẩm như mong muốn. Chương trình trải nghiệm này được chuyên gia cao cấp ngành thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều và nghệ nhân Hà Thị Vinh đánh giá cao, cho rằng cần nhân rộng và phát triển mạnh trong thời gian tới…

Nghệ nhân Phạm Khang (thứ 3 từ trái qua) tiếp đoàn cán bộ Hiệp hội TCMN và Làng nghề Hà Nội cùng Phó Chính uỷ Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ trong bảo tồn và duy trì nghề gốm, Phạm Khang vinh dự đã được nhận nhiều giải thưởng của các sở, ban ngành; sự tôn vinh của các chương trình: Ngôi sao Việt Nam trong làng gốm mỹ nghệ; Bàn tay vàng; Sản phẩm gốm mỹ nghệ tiêu biểu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao tặng, năm 2007. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2006.  Tương lai, không dừng ở đó, Nghệ nhân Phạm Khang đã và đang dành tâm huyết trao truyền nghề, ươm mầm những nghệ nhân gốm sứ cho miền sơn cước Sơn La đầy trù phú này.

Miêu Trần
 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top