Người miền biển ăn Tết Độc lập dậy sóng những dòng sông quê

16:32 01/09/2022 - Văn hóa xã hội
Đón mừng ngày lễ Độc lập, lưu vực chính những con sông dọc theo dải đất Quảng Bình lại dậy sóng và rộn ràng tiếng hò reo trong lễ hội đua thuyền truyền thống hàng năm.

Người miền biển đón ngày Quốc khánh theo một cách rất riêng, đầy màu sắc và sôi động trên sông nước qua những hội thi đua thuyền. Hoạt động thể thao thể hiện tinh thần đoàn kết, đời sống gắn bó với con nước của cư dân ven sông, biển.

Trải qua hàng trăm năm gìn giữ và phát huy tinh thần thể thao, lễ hội đua thuyền truyền thống ở nhiều địa phương đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành món ăn tinh thần của người dân địa phương cũng như nỗi nhớ khi xa xứ rời quê nhà.

Đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Ảnh: Nguyễn Chiến

Năm nay, Tết Độc lập tại Quảng Bình tiếp tục dậy sóng từ vùng Bắc chí vùng Nam. Nhà nhà xem hội, người người ganh đua rộn ràng khắp một vùng đất biển.

Ngày hội non sông

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022) và Quốc khánh 2/9, những con sông từ phía Bắc đến Nam của tỉnh Quảng Bình đều thanh vang tiếng hò.

Đó là của giải đua thuyền trên sông Gianh của huyện Tuyên Hóa, với sự tham gia của 9 đội đua, hơn 300 vận động viên đến từ các xã.

Trên dòng sông Gianh vắt qua địa phận, các đội đua trên địa bàn thị xã Ba Đồn cũng háo hứng tập luyện, quyết tâm giành chiến thắng. Với 12 đội đua với gần 300 vận động viên, các đội đua thi đấu ở cự ly 3.000m.

Tại trung tâm TP. Đồng Hới, lễ hội đua thuyền được tổ chức sôi động trên sông Nhật Lệ. Nhưng thường diễn ra vào dịp mừng ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước. Năm 2022, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 

Hướng về phía Nam, bến phà Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) cũng trong khí thế vui tươi mừng ngày Tết Độc lập. Đầu năm 2022, huyện này vinh dự khi lễ hội đua thuyền đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong các Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội đua thuyền ở huyện Quảng Ninh đã tồn tại hơn 500 năm với nhiều bề dày thăng trầm lịch sử. Đến nay, lễ hội vẫn là một hoạt động thể thao cuốn hút người dân địa phương cũng như toàn tỉnh mỗi dịp non sông kỷ niệm ngày lễ lớn.

Cũng giàu truyền thống với nhiều người dân gắn bó với sông nước, huyện Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống lớn hơn cả, kéo dài trong cả tuần lễ trước Tết Độc lập. Người dân Lệ Thủy cũng nhân dịp này tụ hội về quê hương. Bà con ở đây quan niệm, đã là người Lệ Thủy thì phải về quê nhà trong ngày tết non sông. Cây cầu bắc ngang sông Kiến Giang nô nức bóng người, cờ hoa rợp trời, phấp phới bên những đoàn thuyền đua rực rỡ màu sắc khiến lòng người con quê thêm phấn chấn, người dân Quảng Bình cũng muôn phần tự hào.

Di sản miền sông nước 

Hoạt động đua thuyền là sự phối hợp linh hoạt và dẻo dai từ các vận động viên, người ngồi mũi và người cầm lái.

Người cầm lái quyết định hướng đi để con thuyền di chuyển trên chặng nước ngắn nhất. Người cầm lái thứ hai ngồi ở đầu mũi thuyền, ngược lại với toàn bộ các thành viên, cũng luôn là người xốc tinh thần và dâng cao thế trận cho các vận động viên thêm hưng phấn thi đấu. Và mãn nhãn nhất là màn trình diễn của các vận động viên chính, thoăn thoắt tay chèo và đều đặn không chậm một nhịp.

Sự phối hợp bài bản giúp con thuyền băng băng rẽ sóng nước, khí thế vụt lên như những mũi tên trong lưu vực con sông quê.

Kỹ thuật của các vận động viên khiến người xem mãn nhãn

Đặc biệt, để giành được chiến thắng, con thuyền cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nghề đóng thuyền đua yêu cầu sự tỉ mỉ cùng tấm lòng trân quý văn hóa quê hương. Người nghệ nhân thực hiện cẩn trọng, thành kính các bước từ khâu lao gỗ, phát mộc, hạ thủy, trả lễ. Các bước được thực hiện tùy vào phong tục từng vùng miền, địa phương.

Trong đó, lễ hạ thủy mang nhiều dấu ấn tâm linh, được chuẩn bị chu đáo từ xem ngày giờ, các lễ vật trình thủy thần cho thuyền vào hoạt động. Lễ hạ thủy sau đó cũng là dịp để đội đua lắp ráp đội hình tập luyện chuẩn bị cho lễ hội.

Với bề dày văn hóa mang nét độc đáo của địa phương vùng biển, lễ hội đua thuyền truyền thống đã xướng lên tinh thần dân tộc hứng khởi trong ngày hội non sông mừng Tết Độc lập trên miền quê Quảng Bình.

Khánh Trinh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top