Ngành BHXH Việt Nam quyết tâm triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ NLĐ, DN từ quỹ BH thất nghiệp

Ngày 01/10/2021, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BHTN. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Trung ương

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; đại diện BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân. Điểm cầu địa phương có lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố; đại diện các phòng chức năng và BHXH các quận, huyện.

Chính sách hỗ trợ nhân văn, chia sẻ, đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ: Thời gian qua, dịch Covid-19 vẫn đã và đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động (NLĐ) và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp phồi hợp hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động (SDLĐ) vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân.

Với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó trực tiếp là chính sách BHXH, BHYT, BHTN, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã rất tích cực, chủ động phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tham mưu đề xuất, xây dựng các chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và triển khai các chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, chính xác, an toàn, hiệu quả. Trong đó, phải kể đến việc tham mưu xây dựng các Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại hiệu quả tích cực.

Nhằm tăng cường các chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp và NLĐ sớm vượt qua khó khăn, vừa qua, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất và khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ với khoảng 38.000 tỷ đồng từ Quỹ BHTN. Trong đó có: khoảng 8.000 tỷ đồng dành hỗ trợ giảm mức đóng BHTN cho người SDLĐ; khoảng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ NLĐ tham gia BHTN bằng tiền mặt. Có thể nói, đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho NLĐ lớn nhất từ trước đến nay. Với tinh thần quyết tâm cao nhất, đến nay ngành BHXH Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng thực hiện chính sách hỗ trợ này tới NLĐ và người SDLĐ.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, gói hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đời sống của NLĐ, người SDLĐ đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quan điểm chỉ đạo là làm sao triển khai hỗ trợ một cách nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHTN, đảm bảo hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng - hưởng.

Về tính chia sẻ được thể hiện qua nhóm người lao động yếu thế, địa phương, ngành nghề đang khó khăn hơn sẽ được ưu tiên hỗ trợ trước. Người đóng cao, thời gian tham gia dài hơn cũng chia sẻ mức hỗ trợ với người tham gia ngắn hơn. Quy định của BHTN là phải tham gia trên 12 tháng mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng gói hỗ trợ này người tham gia dưới 12 tháng cũng được thụ hưởng, con số này lên tới hàng triệu người. Bên cạnh đó, người lao động trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội… cũng không hưởng gói hỗ trợ này. Về nguyên tắc đóng hưởng là người lao động có tham gia BHTN mới được hưởng hỗ trợ; thời gian đóng dài hơn thì mức hỗ trợ cao hơn.

Một số điểm cầu địa phương tham dự hội nghị

Quy trình, thủ tục hỗ trợ đơn giản, nhanh chóng

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng cho biết, triển khai gói hỗ trợ, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương xây dựng một quy trình, thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận tiện với người thụ hưởng nhờ nền tảng cơ sở dữ liệu và ứng dụng CNTT của Ngành. Điều này là yếu tố quan trọng giúp chính sách hỗ trợ tiếp cận nhanh chóng đến người lao động và người sử dụng lao động, phát huy hiệu quả tốt hơn.

Theo đó, quy trình hỗ trợ đảm bảo phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng phòng ban, bộ phận trong cơ quan BHXH, trên nguyên tắc không phát sinh thêm thủ tục, đặc biệt thời gian giải quyết công việc đều giảm so với thời gian trong Quyết định của Thủ tướng.

Với việc hỗ trợ giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống còn 0% cho người SDLĐ đang tham gia BHTN trước ngày 01/10/2021, BHXH các địa phương trên cơ sở dữ liệu thu của mình sẽ thực hiện ngay việc tạm tính, thông cho các đơn vị SDLĐ về mức hỗ trợ được giảm. Toàn quốc sẽ có khoảng 386.000 đơn vị SDLĐ hưởng hỗ trợ với số tiền ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng.

Về việc hỗ trợ NLĐ, đối với NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên): Cơ quan BHXH rà soát dữ liệu, thống kê và gửi danh sách NLĐ được hỗ trợ đến đơn vị SDLĐ. Đơn vị SDLĐ công khai, thông báo danh sách để NLĐ cùng đối chiếu và bổ sung thông tin (nếu có), nhất là thông tin về số tài khoản ngân hàng của NLĐ. NLĐ lựa chọn hình thức nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng hoặc tiền mặt (khuyến khích nhận qua tài khoản ngân hàng). Doanh nghiệp cập nhật, bổ sung thông tin vào danh sách gửi về cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH cập nhật danh sách và chi trả tiền hỗ trợ đến NLĐ. Thời gian giải quyết trong 5 ngày với trường hợp đã đủ thông tin (thời gian trong Quyết định của Thủ tướng là 10 ngày); tối đa 10 ngày với trường hợp cần đối chiếu, bổ sung thông tin (thời gian trong Quyết định của Thủ tướng là 20 ngày).

Với người lao động đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ 01/01/2020 - 30/9/2021 (Có thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, không thuộc đối tượng hưởng lương hưu hàng tháng): NLĐ nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc cấp huyện tại nơi có nhu cầu nhận hỗ trợ, thuận tiện nhất cho bản thân. NLĐ có thể lựa chọn nhận tiền mặt hoặc qua tài khoản cá nhân. Thời gian giải quyết khi nhận hồ sơ là 5 ngày làm việc (thời gian trong Quyết định của Thủ tướng là 10 ngày).

Với cả 2 trường hợp trên nếu không chi trả hỗ trợ, cơ quan BHXH sẽ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Quyết tâm, nỗ lực triển khai gói hỗ trợ nhanh chóng, chính xác nhất

Tại Hội nghị, BHXH các tỉnh, thành phố cho biết đã sẵn sàng triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ từ quỹ BHTN. Ông Nguyễn Đức Hoà, Giám đốc BHXH TP.Hà Nội chia sẻ, xác định rõ ý nghĩa của gói hỗ trợ, BHXH Thành phố đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của BHXH Việt Nam để lên kế hoạch triển khai thực hiện. Thành phố đã rà soát cụ thể số NLĐ và người SDLĐ được thụ hưởng chính sách. Để đảm bảo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, BHXH Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, huy động toàn thể CCVC làm việc Thứ 7, Chủ nhật; phân công rõ trách nhiệm từng phòng, từng người. Do đối tượng hỗ trợ là rất lớn, BHXH Thành phố đã đẩy mạnh công tác truyền thông để NLĐ, người SDLĐ biết, hiểu về chính sách hỗ trợ, từ đó đồng thuận, nâng cao trách nhiệm phối hợp thực hiện. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Thành phố xác định đẩy mạnh, ưu tiên chi trả gói hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng vừa đảm bảo kịp thời, hạn tiếp xúc trực tiếp…

Tại TP.Hồ Chí Minh, địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 hiện nay, ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH Thành phố cho biết, địa phương có số NLĐ và đơn vị SDLĐ được hỗ trợ lớn nhất toàn quốc từ quỹ BHTN. Cụ thể có khoảng 84.000 đơn vị SDLĐ được giảm mức đóng vào quỹ BHTN với số tổng số tiền khoảng 1.900 tỷ đồng; khoảng 3 triệu NLĐ được hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 6.700 tỷ đồng. Xác định áp lực công việc là rất lớn, BHXH Thành phố đã lên kế hoạch chi tiết thực hiện công tác chi trả hỗ trợ; thành lập Ban chỉ đạo, lên kịch bản một số trường hợp có thể phát sinh trong thực tế; đẩy mạnh công tác truyền thông về gói hỗ trợ; đa dạng hoá các cách tiếp cận NLĐ để hỗ trợ; ưu tiên chi trả hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng cá nhân…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn  - Trưởng Ban chỉ đạo ngành BHXH Việt Nam về triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ từ quỹ BHTN - nhấn mạnh về công tác truyền thông để gói hỗ trợ được đông đảo người thụ hưởng và xã hội biết đến, thực hiện theo những hướng dẫn, quy trình của BHXH Việt Nam. Vì đối tượng hỗ trợ là rất lớn lại triển khai trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên việc phối hợp của NLĐ, người SDLĐ là rất quan trọng đảm bảo chính sách được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo an toàn, hiệu quả; nhất truyền thông việc lựa chọn nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng cá nhân của NLĐ.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn yêu cầu, BHXH các địa phương tuân thủ các quy trình, hướng dẫn của BHXH Việt Nam trong thực hiện hỗ trợ; tăng cường cải cách hành chính, nêu cao tinh thần thái độ phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ và người SDLĐ tiếp cận gói hỗ trợ.

Phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin về chính sách, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của người nhận hỗ trợ, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường khả năng phục vụ của Tổng đài chăm sóc khách hàng 19009068 lên 20 nhánh số và bổ sung thêm 3 số điện thoại di động; đồng thời yêu cầu tất cả BHXH các địa phương cũng công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận, trả lời câu hỏi của người dân về vấn đề này.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của toàn thể cán bộ, CCVC ngành BHXH Việt Nam trong công tác triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ gặp khó khăn do Covid-19 từ quỹ BHTN thời gian qua. Tổng Giám đốc chỉ đạo, BHXH các tỉnh, thành phố tập trung nghiên cứu và có ý kiến đóng góp (nếu có) trên tinh thần thống nhất, đồng lòng, triển khai quyết liệt gói hỗ trợ này đảm bảo nhanh nhất và hoàn thành sớm nhất, hiệu quả, đúng người thụ hưởng. Đặc biệt phải lưu ý phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả triển khai thực hiện, phấn đấu đến ngày 05/10/2021 hoàn thành chính sách hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% cho khoảng 386.000 đơn vị SDLĐ; trong tháng 10/2021, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho NLĐ có tài khoản ngân hàng tại các đơn vị SDLĐ. Trong quá trình triển khai chính sách lớn này sẽ có những vấn đề phát sinh, các đơn vị trong Ngành phải tăng cường công tác trao đổi, phối hợp để giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng./.

Phạm Phương-Thái Bảo-Thu Hiền

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top