Nga- Thổ Nhĩ Kỳ: Đối thoại sau những đối đầu

01:16 10/08/2016 - Thế giới
Hôm nay, 9/8, khoảng một tháng sau khi cuộc đảo chính bất thành nổ ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Điểm đến mà ông Erdogan lựa chọn không phải là một quốc gia thành viên NATO mà là LB Nga. Lý do nào khiến ông Erdogan đưa ra quyết định này?
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan - Ảnh: Kremlin.ru
Đây là cuộc gặp gỡ song phương đầu tiên giữa hai nguyên thủ sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại khu vực biên giới với Syria. Ngay sau sự kiện này, Moscow tuyên bố cấm vận kinh tế và cắt mọi chuyến bay với Ankara.

Hồi cuối tháng 6, Tổng thống Erdogan đã gửi thư xin lỗi ông Putin về sự kiện này và chỉ sau đó vài ngày, các chuyến bay từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ được nối lại. Tổng thống Nga cũng là một trong những nguyên thủ đầu tiên lên tiếng ủng hộ chính quyền hợp hiến sau cuộc đảo chính quân sự bất thành xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước. 

Địa điểm mà hai nguyên thủ lựa chọn để gặp gỡ là cố đô của LB Nga- thành phố St.Petersburg chứ không phải là tại Điện Kremlin như thông lệ. Theo đánh giá, St.Petersburg chính là nơi diễn ra Diễn đàn kinh tế thường niên do LB Nga tổ chức và dường như các bên đang muốn “mềm hóa” cuộc gặp này.

Theo thông báo của trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov thì sau bữa điểm tâm, sẽ diễn ra cuộc hội đàm chính thức với sự tham gia của các bộ trưởng hai nước, còn buổi chiều sẽ là cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp hàng đầu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đích ngắm của Ankara...

Mục tiêu then chốt của chuyến thăm LB Nga lần này của ông Erdogan theo đánh giá có lẽ là những vấn đề chính trị chứ không hẳn chỉ là kinh tế đơn thuần. Sau cuộc đảo chính bất thành, Tổng thống Erdogan luôn tỏ ra không hài lòng với thái độ ủng hộ thiếu nhiệt thành từ các thành viên NATO.
 
Chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khi trả lời phỏng vấn hãng tin Tass của Nga trong tuần trước đã tuyên bố rất thẳng thắn rằng: “Suốt 53 năm qua chúng tôi luôn đau đầu với “giấc mộng châu Âu”, từ phía Thổ Nhĩ Kỳ chúng tôi luôn tỏ rõ thiện chí của mình và cũng mong đợi sự chân thành tương tự từ Liên minh châu Âu (EU). Theo tôi, EU nên từ bỏ những “tiêu chuẩn kép” trong chính sách của mình”. 

Một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm cho mình những đồng minh mới và LB Nga chính là một trong những đích ngắm đó.

Viết về chuyến thăm này, tờ báo thân Chính phủ của Thổ Nhĩ Kỳ Yeni Safak đã có bài về triển vọng kinh tế cho hai quốc gia khi mối quan hệ được bình thường hóa trở lại. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan LB Nga, kim ngạch thương mại Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn từ tháng 1-5/2016 chỉ đạt 57% so với cùng kỳ này năm 2015 (6,1 tỷ USD so với 10,7 tỷ USD). 

Năm ngoái, du lịch đã mang lại nguồn thu 31,5 tỷ USD- tương đương với khoảng 4% GDP. Sau khi quan hệ với Moscow bị đóng băng và do ảnh hưởng của các cuộc khủng bố, lượng du khách không đến Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm đáng kể. Nguồn thu từ du lịch trong quý II/2016 chỉ đạt khoảng 5 tỷ USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng quan trọng hơn cả đối với Ankara trong lĩnh vực kinh tế đó là Moscow dỡ bỏ cấm vận. Rất nhiều cơ sở sản xuất của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị “đói” do hệ lụy này mang lại. Chính ông Erdogan cũng tự tin khẳng định rằng “chuyến đi này sẽ mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ của hai nước”.

…và mong đợi từ Moscow 

Theo trợ lý Y.Ushakov thì chương trình nghị sự sẽ là việc nối lại quan hệ song phương trong tất cả các lĩnh vực. Cụ thể là vấn đề Syria, việc bồi thường cho vụ Su-24 và tiếp tục cung cấp lương thực thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ vào LB Nga.

Một trong những vướng mắc lớn nhất đó là Syria. Moscow và Ankara đều công khai ủng hộ hai phía của cuộc xung đột: một bên là Chính phủ của Tổng thống Bashar al Assad, còn bên kia là lực lượng đối lập.

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung cận đông tại St.Petersburg Gumer Ysayev thì một trong những yết hầu trọng yếu của Syria là Aleppo nằm cận kề với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong suốt nhiều tháng qua luôn diễn ra giao tranh giữa quân Chính phủ với lực lượng đối lập và chưa bên nào tỏ rõ được ưu thế của mình. Kiểm soát được Aleppo sẽ đem lại thế thượng phong cho bên nào nắm được lợi thế này. Chính vì thế, việc phong tỏa các ngả đường tiếp tế cho Aleppo đang là yêu cầu căn bản trong việc giải quyết khủng hoảng tại Syria. 

Theo chuyên gia Bakhryevski thì: “Những khác biệt về vấn đề Syria đã và đang hiện hữu, tuy nhiên 2 vị Tổng thống sẽ cố gắng tìm ra được những thỏa hiệp bởi tại thời điểm này, Syria đang là chủ đề nóng bỏng đối với cả hai bên”. Chính ông Erdogan đã phải thừa nhận rằng: “Không có sự tham gia của LB Nga thì không thể giải quyết được vấn đề Syria. Chỉ có trên cơ sở hợp tác với Moscow thì chúng ta mới có thể xử lý được căn bản những vấn đề khủng hoảng đang diễn ra tại đây”.

Băng tan trong quan hệ giữa hai quốc gia cũng đem lại cho Moscow những lợi ích có thể “đo và đếm” được . 

Việc nối lại các tour du lịch không chỉ đem lại những nguồn thu cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ mà ngay cả các hãng hàng không của Nga cũng được hưởng lợi. Chỉ nửa năm sau khi các chuyến bay charter (thuê nguyên cả chuyến để chuyên chở đoàn du lịch) bị hủy hỏ, các hãng này đã thất thu một khoản khoảng 15 tỷ rub (tương đương khoảng 230 triệu USD).

Một trong những quan tâm hàng đầu của Moscow, theo đánh giá đó là “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”- đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Biển Đen đến thẳng Thổ Nhĩ Kỳ. Các công việc từ dự án này đã bị đình chỉ từ tháng 12/2015 đến nay. 

Theo người phát ngôn của Tập đoàn Dầu khí Gasprom Sergey Kupryanov thì: “Chúng tôi luôn để ngỏ khả năng đàm phán và triển khai dự án này”. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ nhập 27 tỷ m3 khí đốt của Nga theo đường ống trung chuyển qua Ukraine. Nếu “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đi vào hoạt động, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được khoảng 63 tỷ m3 khí đốt, vừa thỏa mái đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa nhận được khoản tiền không nhỏ từ việc trung chuyển này. Chính Tổng thống Erdogan cũng tự tin khi cho rằng: “Chúng tôi đã sẵn sàng để triển khai các bước đi ngay lập tức cho dự án này và tôi không nhìn thấy còn trở ngại nào đối với công việc này cả”./.
Nguồn: Báo Chính phủ
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top