Nếu người bình thường cũng... sợ nhà báo

01:37 17/10/2016 - Tác nghiệp
Một lần tôi được giới thiệu để làm phóng sự về một công chức tiêu biểu. Liên lạc với nhân vật qua điện thoại, chị chối đây đẩy. Hỏi kỹ thì biết, trước đó, một đồng nghiệp đã từng viết về chị...

Phóng viên tác nghiệp tại Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: TL

Không biết đồng nghiệp xử lý thông tin thế nào mà khi đọc báo, chồng chị đã bất bình và “chiến tranh nóng” nổ ra khiến chị mất ăn mất ngủ suốt mấy ngày. Chị nói, giờ tôi sợ nhà báo lắm, không lên báo, gia đình tôi hạnh phúc, được biểu dương hóa ra lại mất đoàn kết.

Khen cũng sợ

Cuối tháng rồi, giáo sư toán học nổi tiếng Ngô Bảo Châu cũng phải thốt lên trên Facebook cá nhân của mình về chuyện một số phóng viên tự tiện trích dẫn và hiểu sai ý kiến của ông. May mắn là sau phản ứng ấy, các báo đã rút bài hoặc sửa chữa.

Nhưng có trường hợp thì không sửa được nếu nhà báo phát thanh - truyền hình “cắt xén” phát biểu của nhân vật thành khập khiễng, phiến diện. Một giáo sư viện sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá đã có lần than phiền với tôi rằng, ông không thể hiểu nổi cách làm việc của các nhà báo, ông dẫn chứng: “Phóng viên hỏi tôi nên hiểu thế nào về văn hóa kinh doanh. Tôi trả lời 4 ý nhưng phóng viên chỉ lấy có 1 ý. Thế là, trên truyền hình, tôi thành ra một nhà khoa học rất thiếu nghiêm túc. Nhiều nhà báo đi phỏng vấn giới nghiên cứu như để trang sức cho tác phẩm, chứ cuối cùng thì họ làm theo ý họ”.

Ngay trong làng báo, nhiều đồng nghiệp cũng rất sợ “lên báo”. Vài người tâm sự rằng, khi được nêu gương trên báo thì đành xin tự viết về mình hoặc tự phỏng vấn mình cho an toàn. Có lẽ vì, hơn ai hết, nhà báo là người hiểu tầm quan trọng của việc xử lý thông tin. Nhà báo cũng là người hiểu hơn ai hết việc làm hình ảnh nhân vật “thật” và “đẹp” lên trong mắt công chúng truyền thông quan trọng thế nào và có tác động ra sao. Hơn nữa, các nhà báo là những người ít nhiều đã từng bị nghe “than phiền”, vì vô tình hay cố ý, đã xử lý thông tin theo hướng bất lợi cho nhân vật của mình.

Những ai đã từng làm truyền hình chắc không lạ những tình huống, hình ảnh quay chưa đẹp lắm, chưa đầy đủ lắm, nhưng vì áp lực thời hạn hoàn thành tác phẩm mà tặc lưỡi “đóng máy” cho xong.

Những người làm báo cũng hiểu rất rõ, rằng đôi khi vì khuôn khổ trang báo hay thời lượng phát sóng, ta đã cắt gọt không thương tiếc những tâm huyết của nhân vật. Cũng không loại trừ, cách hiểu của nhà báo chưa toàn diện và thấu đáo, đã làm việc xử lý thông tin trở nên vụng về và thiếu khoa học...

Khi nhà báo đóng vai quan tòa

Những năm gần đây, công nghệ thông tin trên nền tảng Internet đã và đang làm thay đổi sâu sắc bộ mặt báo chí. Bên cạnh những thay đổi tích cực, báo chí cũng bị ảnh hưởng nhiều tác động tiêu cực: Báo in khó khăn phát hành, báo mạng “trăm hoa đua nở” và mỏi mệt cạnh tranh với truyền thông xã hội, tìm kiếm doanh thu.

Trong bối cảnh ấy, tình trạng “lá cải hóa”: chạy theo thị hiếu thấp kém để “câu view” xuất hiện. Các đề tài liên quan đến sex, giật gân, người giàu có, người đẹp, các nhân vật showbiz được khai thác triệt để. Phương pháp tác nghiệp thay đổi theo chiều hướng tiêu cực: các nguyên tắc kinh điển của báo chí như tính khách quan, trung thực đôi chỗ không được tôn trọng, các loại tin đồn chưa được kiểm chứng, thẩm định thành đề tài báo chí sau khi được “xào nấu” nhằm thu hút sự tò mò. Nhiều nhân vật trong giới giải trí, nhiều doanh nhân giàu có rất sợ những bài báo viết về đời tư của họ theo “phương thức” tác nghiệp như thế.

Một số cơ quan báo chí hình thành một bộ phận “nhà báo” chuyên đi xin quảng cáo, tài trợ bằng nhiều phương thức mà các doanh nghiệp rất ngán ngại. Các dạng “hợp đồng truyền thông” thực chất là nhận tiền của nhóm lợi ích A để “đánh” nhóm B. Đã có một số nhà báo bị bắt vì tống tiền doanh nghiệp hay công chức, kể cả việc tống tiền bằng cách lợi dụng công sức, mồ hôi, nước mắt của đồng nghiệp!

Thực tế, báo chí thời gian qua cũng có không ít những biểu hiện cố ý lạm quyền. Lòng tin của công chúng đối với một tờ báo cụ thể, một nhà báo cụ thể có khi bị rạn vỡ từ những biểu hiện lạm quyền như thế. Mà khi lòng tin rạn vỡ hoặc không còn, người ta sợ báo chí giống như khi thấy con dao nằm trong tay người không đáng tin cậy, ai cũng ngại đến gần. Những ví dụ về sự lạm quyền này thấy rõ trong rất nhiều tác phẩm báo chí thuộc thể loại bình luận hoặc tác phẩm có tính chính luận; ở đó, nhà báo tự cho mình đóng khá nhiều vai: luật sư, công tố viên, quan tòa!

Nhiều nhân vật của báo chí - nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương, những người không có cơ hội “nói lại” với báo chí - bị đối xử không công bằng, và có phần nhẫn tâm. Bên cạnh chuyện sơ sót, yếu kém nghiệp vụ của phóng viên, thực trạng này đa phần xuất phát từ biểu hiện lạm quyền của không ít nhà báo.

Trong môi trường làm việc, kinh doanh chưa hoàn thiện, vẫn còn đó một số người lợi dụng kẽ hở pháp luật để làm ăn phi pháp, một số cán bộ công chức suy thoái đạo đức, lợi dụng chức quyền để tham nhũng. Những đối tượng này cũng thiếu công khai minh bạch và rất ngại bị người bên ngoài soi mói, đặc biệt là nhà báo. Tất nhiên, những kẻ xấu ấy sợ nhà báo chân chính (thực chất là sợ dư luận) là chuyện bình thường. Và nếu một người bình thường nào đó hiện nay vẫn còn... sợ nhà báo hay một cơ quan báo chí cụ thể thì quả là điều đáng lo ngại!

Xuất phát từ đặc điểm thông tin công khai và đại chúng, báo chí có quyền lực nhất định trong việc hình thành và phát triển dư luận xã hội. Cường độ, biên độ của dư luận xã hội hay hiệu quả truyền thông phụ thuộc vào chất lượng thông tin, uy tín của cơ quan báo chí. Vì thế, một thông tin xấu, sai lệch có thể gây thiệt hại không lường. Cho nên, tâm lý “sợ” nhà báo ở đâu cũng có, nhưng trong bối cảnh truyền thông Việt Nam hiện nay, tâm lý đó có những nét khá đặc thù.

Nhà báo không thuần túy là người thu thập, xử lý, truyền tải thông tin mà làm nhiệm vụ tuyên truyền của cơ quan, tổ chức. Ở một khía cạnh cụ thể, một bộ phận phóng viên hiện nay khi tác nghiệp, thu thập tin tức thường có tâm lý hoặc ảo tưởng mình là người có thẩm quyền của cơ quan chủ quản. Chuyện báo chí có lúc kết tội trước khi tòa tuyên án, trực tiếp khen thưởng trước khi cơ quan chức năng xác minh vẫn còn xảy ra; nguồn tin (và rộng hơn là công chúng truyền thông) có khi đứng ở vị trí bất bình đẳng với nhà báo và cảm giác sợ nhà báo.

Nhưng đạo đức nghề nghiệp nhắc chúng ta rằng, dù là tội phạm hay người nổi tiếng, dù bước vào báo in hay màn ảnh truyền hình, lên sóng phát thanh hay báo mạng điện tử, các nhân vật của báo chí cũng mong và có quyền mong được nhà báo diễn tả về họ đúng bản chất, không xấu hơn thực tế. Nhà báo không thể nhân danh bất cứ mục đích gì để biện minh cho việc bóp méo sự thật.

Phan Văn Tú

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top