Nestlé, Mê Trang... thừa nhận bán cà phê trộn đậu rang
03:36 23/07/2016
- Kinh tế
Hầu hết doanh nghiệp sản xuất cà phê như Vinacafe, Nestlé, Mê Trang… đều thừa nhận bán cà phê pha trộn ngũ cốc bên cạnh sản phẩm cà phê nguyên chất 100%.
Tại Tọa đàm Cà phê bẩn – Thực trạng và Giải pháp do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ TP HCM tổ chức, diễn ra ngày 20/7 vừa qua tại TPHCM, hầu hết, các doanh nghiệp sản xuất cà phê như Vinacafe, Nestlé, Mê Trang… đều thừa nhận bán cà phê pha trộn ngoài cà phê nguyên chất 100% cà phê.
Sản phẩm giá thấp bắt buộc phải trộn
Cụ thể, trước câu hỏi thẳng thắn của tọa đàm: “Các doanh nghiệp nhỏ sản xuất cà phê trộn đã đành, còn cà phê của các thương hiệu lớn của các anh có trộn không?” Nhiều đại diện của các hãng này đành thừa nhận việc trộn “các thành phần khác” là không thể thiếu đối với các dòng sản phẩm cà phê có giá thành thấp.
“Tôi có thể nói các sản phẩm giá thấp bắt buộc phải trộn nhưng phải trộn như thế nào thì tất nhiên mình phải minh bạch công bố trên bao bì và phải định nghĩa thế nào là bẩn.” - Ông Bùi Huy Hiệu, Giám đốc tiếp thị của Công ty Mê Trang khẳng định.
Theo đại diện công ty TNHH Cà phê Lê Phan, để sản xuất những dòng cà phê giá rẻ thì chắc chắn phải trộn thêm các loại ngũ cốc và hương liệu. Tuy nhiên, khẩu vị của người dùng khá đa dạng, lựa chọn công thức thế nào để đáp ứng nhu cầu người dùng là chuyện doanh nghiệp phải làm. “Chúng tôi cũng đang mong có được những thông số cụ thể về quy chuẩn cho sản phẩm café để từ đó tuân thủ. Còn vấn đề công thức, tự người dùng sẽ phải hiểu để có thể tự chọn sản phẩm tốt cho mình”, đại diện Lê Phan chia sẻ.
Toàn cảnh tọa đàm "Cà phê bẩn - Thực trạng và giải pháp" hôm 20/7 ở TP.Hồ Chí Minh
Trong khi đó, bà Lê Thị Hoàng Yến - Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị Công ty Nestlé Việt Nam cho rằng: Ở thị trường Việt Nam, lưu ý là người tiêu dùng có rất nhiều khẩu vị cà phê khác nhau. Để đáp ứng các nhu cầu khác nhau về khẩu vị đó, Nestlé Việt Nam có cả sản phẩm cà phê độn và cà phê nguyên chất 100%.
“Vấn đề đặt ra là chúng tôi phải đáp ứng các nhu cầu khác nhau về khẩu vị đó như thế nào. Nếu chỉ tập trung vào thực trạng vấn đề cà phê bẩn, thì có thể chúng ta sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu về khẩu vị của người tiêu dùng. Cho nên, nếu chỉ cho ra đời loại cà phê nguyên chất 100% mà quên đi khẩu vị, gu thưởng thức của người Việt Nam (không ưa chuộng cà phê nguyên chất) thì liệu đây có phải là một định hướng mà chúng ta nên theo đuổi hay không?”- bà Lê Thị Hoàng Yến trả lời.
Như vậy quả bóng về thực trạng cà phê pha trộn lại được đá về phía người tiêu dùng. Nghĩa là người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm chính về khẩu vị cà phê có độ sánh, ngọt, đậm, đắng của mình trong nạn cà phê trộn và pha hóa chất hiện tại. Còn các doanh nghiệp cà phê dù lớn hay nhỏ, quốc tế hay nội địa đều cũng chỉ làm công việc thỏa mãn người tiêu dùng mà thôi?
Lập lờ về thành phần trên nhãn mác… vì là “bí quyết riêng”
Trong khi các cơ quan chức năng còn đang “vướng víu” phân chia trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê kém chất lượng, cà phê “bẩn” thì doanh nghiệp vẫn cứ thoải mái lập lờ về thành phần trên nhãn mác. Người tiêu dùng thì bỏ tiền ra mua rồi lại phải “đánh cược” sức khỏe của mình khi không thể chắc chắn là cà phê hay chỉ là đậu nành rang cháy, thêm tinh chất cà phê, hoặc thậm chí là được pha hoàn toàn từ... hóa chất không nguồn gốc. Trước câu hỏi tại sao không công bố rõ ràng danh mục các thành phần, đặc biệt là tỉ lệ phần trăm cà phê và đậu nành trên bao bì này, các doanh nghiệp này cho rằng đây là “bí quyết riêng”.
“Việc doanh nghiệp công bố tỉ lệ % thành phần từng chất có trong sản phẩm thì sẽ lộ bí quyết kinh doanh. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì chúng tôi luôn đảm bảo công bố cụ thể thông tin đó. Tuy nhiên khi đưa ra thông tin trên bao bì thì chúng tôi chỉ công bố những thành phần chính, những nguyên liệu chính còn những thông tin không có ý nghĩa về mặt tiêu dùng thì chúng tôi không ghi ra nhằm bảo vệ thông tin bảo mật về thành phần sản phẩm”, đại diện Nescafé cho hay.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho rằng: “ Việc công khai thành phần phụ thuộc vào việc doanh nghiệp tự công bố theo luật an toàn thực phẩm. Trong đó nếu anh đã thông bố thành phần thì chắc chắn anh phải công bố hàm lượng, chứ không thể gọi là bí quyết. Tại sao vẫn là chất này nhưng không sản xuất ra sản phẩm như thế, đó mới là bí quyết. Chứ bí quyết không phải là 12% - 13% đậu nành, chúng ta phải hết sức lưu ý vấn đề này.”
“Đừng treo đầu dê bán thịt chó. Việc thiếu minh bạch trong công bố thành phần cà phê chính là hành vi gian lận thương mại, có sự chủ động trong việc “đầu độc” người tiêu dùng và cần được xử lý nghiêm minh. Cần có những chế tài rõ ràng và hình thức phạt tiền nặng, rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn, nhằm phòng, chống tái phạm” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh.
Về phần mình, đại diện của Vinastas, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký cũng kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê cần có sự chủ động trong việc minh bạch thành phần cà phê, để làm gương và thể hiện cam kết của mình với sức khỏe của người tiêu dùng.
Nguồn: Trí Thức Trẻ
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029 (12:25 20/11/2024)
- VPBank trở thành nhà tài trợ chính thức đêm hoà nhạc “The Vienna Concert” (01:48 19/11/2024)
- VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên (10:23 19/11/2024)
- VPBank được vinh danh trong nhóm 10 doanh nghiệp quản trị tốt nhất (02:48 18/11/2024)
- BIZ MBBank tài trợ 100% phí thành lập doanh nghiệp, vững bước đồng hành cùng SME (01:33 18/11/2024)