Mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 giúp giảm 78% nguy cơ tử vong

Sau khi tiến hành nghiên cứu, các chuyên gia của Clalit, tập đoàn bảo hiểm y tế lớn nhất của Israel, kết luận nguy cơ tử vong của nhóm tiêm bổ sung mũi 4 đã giảm tới 78%.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghiên cứu riêng rẽ của hai tập đoàn bảo hiểm y tế lớn nhất của Israel công bố ngày 26/3 cho biết mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 ngoài giảm nguy cơ lây nhiễm có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Nghiên cứu của tập đoàn bảo hiểm y tế Clalit lấy số liệu của trên 563.450 bệnh nhân tuổi từ 60 đến 100, được chia thành hai nhóm: nhóm I chỉ tiêm 3 mũi vaccine và nhóm II đồng ý tiêm thêm mũi vaccine thứ 4 (chiếm 58%).

Kết quả theo dõi số liệu từ ngày 10/1 đến 20/2 cho thấy trong giai đoạn này có 232 người trong nhóm I tử vong, tăng mạnh so với 92 người trong nhóm II. Các chuyên gia của Clalit kết luận nguy cơ tử vong của nhóm tiêm bổ sung mũi 4 đã giảm tới 78%.

Tiến sỹ Doron Netzer, Giám đốc Ban Y học cộng đồng của Clalit, cho rằng kết quả nghiên cứu đóng vai trò quan trọng vì đa số người dân đang cho rằng biến thể Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ nên không cần tiêm mũi vaccine bổ sung.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác của tập đoàn bảo hiểm y tế Maccabi cũng theo dõi hiệu quả của mũi vaccine bổ sung đối với 100.000 người trên 60 tuổi tại Israel trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2022.

Kết quả cho thấy mũi vaccine thứ 4 mang lại hiệu quả cao hơn 73% so với 3 mũi trước đó trong việc ngăn chặn nguy cơ bệnh COVID-19 trở nặng.

Tuy nhiên, ngay cả mũi 3 cũng đã rất hiệu quả, khi chỉ có dưới 1% người lớn tuổi tiêm mũi 3 bị nhiễm COVID-19 nặng.

Ngoài ra, nghiên cứu của Maccabi cho thấy mũi 4 cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm. Theo đó, sau khoảng 3 tuần được tiêm, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở những người tiêm mũi 4 đã giảm 64% so với những người chỉ tiêm mũi 3.

Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống còn 29% sau 10 tuần, cho thấy hiệu lực của liều vaccine bổ sung giảm đáng kể theo thời gian.

Các chuyên gia cho rằng cần có thêm nghiên cứu để đánh giá về hiệu quả của mũi vaccine thứ 4 trong thời gian dài hơn, cũng như hiệu quả của một loại vaccine đối với các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2.

Hiện đại đa số người dân Israel chỉ sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, trong khi các nhánh phụ của biến thể Omicron đã xuất hiện tại nước này.

Tính đến nay, tại Israel đã có 6,1 triệu người dân được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 4,4 triệu người được tiêm ba mũi. Mặc dù Chính phủ Israel tuyên bố tặng quà 30 USD/người cho những người trên 60 tuổi tiêm mũi 4, nhưng đến nay chỉ có 750.000 người đồng ý tiêm bổ sung./.

Theo Vũ Hội/TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top